Giới thiệu trưng bày chuyên đề “Hình tượng rồng trên cổ vật tại Bảo tàng Thanh Hóa”

Trong văn hóa tín ngưỡng của người Việt, Rồng là một hình tượng có vị trí đặc biệt, là biểu tượng thiêng liêng gắn với nguồn gốc dân tộc. Rồng tượng trưng cho quyền uy tuyệt đối của các đấng thiên tử.

Trong buổi đầu sơ khai hình ảnh con rồng chưa hoàn thiện như hiện nay, mà người ta quan niệm rồng là một con vật thân dài có vảy như cá sấu - Giao long… Bước sang thời kỳ phong kiến độc lập, hình ảnh con rồng được định hình một cách rõ nét, dưới mỗi triều đại rồng được thể hiện phong cách khác nhau, càng về sau thì càng hoàn thiện hơn, đa dạng hơn và đời thường hơn nhưng vẫn giữ được sự uy nghiêm, dữ tợn. Trải qua hàng nghìn năm dựng nước và giữ nước của dân tộc, hình tượng rồng đã được hình thành, biến đổi và in dấu trên các hiện vật lịch sử. Hình ảnh con rồng thường được xuất hiện trong kiến trúc, hội họa, điêu khắc và đời sống.

Nhân dịp tết cổ truyền Giáp Thìn 2024, hướng tới kỷ niệm 94 năm ngày thành lập Đảng cộng sản Việt Nam (3/2/1930 - 3/2/2024), Bảo tàng tỉnh Thanh Hóa trưng bày chuyên đề “Hình tượng rồng trên cổ vật tại Bảo tàng Thanh Hóa”.

Với hơn 80 hiện vật, có niên đại từ thời Văn hóa Đông Sơn, trải qua các triều đại Lý - Trần đến đầu thế kỷ XX, được trưng bày theo từng loại hình, chất liệu và niên đại cụ thể, nhằm giúp khách tham quan - những nhà thưởng ngoạn mỹ thuật từ cổ vật cách tiếp cận mới, từ đó có sự so sánh, đối chứng hình tượng con rồng biến đổi qua từng thời đại và thấy được bản sắc văn hóa của dân tộc, đồng thời thấy được sức lao động sáng tạo cũng như óc thẩm mỹ của người xưa để càng thêm trân trọng và giữ gìn di sản văn hóa của dân tộc./.

Trưng bày khai mạc và phục vụ khách tham quan từ ngày 01/02/2024.

Sau đây là một số hiện vật tiêu biểu:
      
Rìu trang trí hình Giao long; Vòng tay trang trí hình cá sấu, VHĐS, cách ngày nay 2.500-2.000 năm.
Sưu tập vật liệu kiến trúc trang trí rồng, thế kỷ 11-12
Trống đồng Bình Yên, loại II nhóm C2, trang trí rồng thế kỷ 13- 15
Thạp gốm hoa nâu trang trí rồng, thế kỷ 13-14
         
                      Bát gốm hoa lam trang trí rồng, thế kỷ 15-16                Chân đèn trang trí rồng, thế kỷ 16-17
Khay đá trang trí rồng, thế kỷ 19
         
      Mâm đồng trang trí rồng, thế kỷ 19-20           Cây quán tẩy, trang trí rồng, thế kỷ 19-20
Bài và ảnh: Lê Thị Hường
Phòng Trưng bày – Tuyên truyền