Bảo tồn và phát huy giá trị di sản văn hóa dân tộc tại Bảo tàng tỉnh Thanh Hoá, góp phần phát triển du lịch tỉnh nhà
Những giá trị di sản văn hóa mà ông cha ta để lại, cũng như quá trình phát triển tỉnh Thanh Hoá được hội tụ ngay tại Bảo tàng; do đó, việc giữ gìn và phát huy giá trị di sản văn hóa là nguồn lực, sức mạnh cho sự phát triển kinh tế - xã hội của tỉnh nói riêng và của cộng đồng, quốc gia, dân tộc nói chung. Trên cơ sở cụ thể hóa những chính sách, chủ trương của Đảng và Nhà nước, Bảo tàng tỉnh Thanh Hoá đã và đang đưa di sản văn hóa trở thành động lực cho ngành công nghiệp không khói của địa phương ngày càng phát triển.
Lớp TCLLCT A2-K51 tham quan, học tập tại Bảo tàng tỉnh Thanh Hoá
Bảo tồn và phát huy giá trị di sản văn hóa dân tộc vì mục tiêu phát triển bền vững là một trong những nhiệm vụ quan trọng, góp phần thiết thực vào viêc chấn hung, phát triển văn hóa, thúc đẩy kinh tế xã hội tỉnh Thanh ngày càng phát triển.
Tại Thanh Hóa, Bảo tàng tỉnh là một địa chỉ đỏ như vậy, nơi hội tụ đầy đủ những giá trị di sản văn hóa, lịch sử đặc sắc của xứ Thanh. Ngoài ra, nơi đây còn là điểm đến hấp dẫn cho du khách tham quan trong nước và quốc tế đến học tập, nghiên cứu, giao lưu và hưởng thụ văn hóa.
Bảo tàng tỉnh Thanh Hóa là đơn vị sự nghiệp trực thuộc Sở Văn hóa, Thể thao và Du lịch Thanh Hóa; được thành lập theo Quyết định số 1291-TC/UBND, ngày 10/12/1983 của Chủ tịch Uỷ ban nhân dân tỉnh Thanh Hoá. Kiến trúc của Bảo tàng gồm 3 tòa nhà kiên cố được xây dựng từ thời Pháp thuộc
Lớp TCLLCT A2-K51 kết nối thực tế tại Bảo tàng tỉnh Thanh Hóa
Hệ thống trưng bày chính của Bảo tàng tỉnh Thanh Hóa hiện nay được thể hiện theo tiến trình lịch sử, từ khi xuất hiện những con người tối cổ đầu tiên trên đất Thanh Hóa đến Đại thắng mùa xuân năm 1975, thống nhất đất nước. Bên cạnh 4 phòng trưng cố định là Thanh Hóa thời Tiền sử - Sơ sử, Thanh Hoá trong thời kỳ xây dựng và bảo vệ quốc gia phong kiến độc lập tự chủ (từ thế kỷ X đến giữa thế kỷ XIX), Truyền thống yêu nước và cách mạng Thanh Hoá, giai đoạn 1858-1945, Thanh Hoá trong thời kỳ xây dựng và bảo vệ đất nước, giai đoạn 1945-1975, Bảo tàng còn có 5 phòng trưng bày chuyên đề, gồm: Trống đồng Thanh Hoá, Đặc trưng văn hoá dân tộc Mường ở Thanh Hoá và Đặc trưng văn hoá dân tộc Thái ở Thanh Hoá, Cổ vật tiêu biểu tại Bảo tàng tỉnh Thanh Hóa, Đời sống thời bao cấp của nhân dân Thanh Hóa nhằm giới thiệu những sưu tập cổ vật đặc sắc, quý hiếm, những đặc trưng văn hóa độc đáo của các dân tộc cư trú trên địa bàn tỉnh.
Với 9 phòng trưng bày, trên diện tích 1.200 m2 và với hơn 3000 tư liệu, hiện vật; Bảo tàng lấy sự phong phú của sưu tập hiện vật làm ngôn ngữ biểu đạt chính, kết hợp giữa trưng bày phản ánh giai đoạn, sự kiện lịch sử với trưng bày sưu tập theo hướng trưng bày mở, tạo điều kiện để có thể cập nhật những tư liệu, hiện vật mới làm cho “diện mạo” trưng bày luôn mới mẻ, hấp dẫn người xem. Ngoài ra, Bảo tàng thường xuyên tổ chức các trưng bày chuyên đề, trưng bày lưu động, phối hợp trưng bày, cùng với hệ thống trang thiết bị hiện đại như: Ứng dụng công nghệ trải nghiệm thực tế ảo VR3D và quét mã QR code, bảng truy vấn điện tử tra cứu thông tin tài liệu hiện vật trưng bày, video,… khách tham quan không chỉ thỏa mãn nhu cầu học tập, nghiên cứu mà còn có thể chủ động trong tiến trình tham quan Bảo tàng.
Ngoại thất của Bảo tàng tỉnh Thanh Hóa, là nơi trưng bày các tác phẩm mỹ thuật điêu khắc đá tiêu biểu thời Lê - Nguyễn, những hiện vật có thể khối lớn như súng thần công thời Nguyễn, máy cày DT24 của Bác Hồ tặng hợp tác xã Yên Trường - Lá cờ đầu trong phong trào Hợp tác hoá nông nghiệp năm 1961, máy bay Míc 17 của Trung đoàn Không quân 921 trực tiếp tham gia chiến đấu bảo vệ cầu Hàm Rồng ngày 3-4/4/1965... Tuy diện tích không lớn, nhưng với bố cục trưng bày theo một logic chặt chẽ, phần trưng bày ngoài trời của Bảo tàng tỉnh Thanh Hóa không chỉ hấp dẫn khách tham quan bởi sự đa dạng, phong phú của những sưu tập cổ vật, hiện vật đặc sắc mà còn tạo cảnh quan khuôn viên Bảo tàng rất hài hòa, sinh động và bề thế.
Hệ thống kho cơ sở của Bảo tàng tỉnh Thanh Hóa, hiện lưu giữ, bảo quản gần 30.000 hiện vật trong đó có nhiều sưu tập hiện vật độc đáo, quý hiếm được các chuyên gia trong nước và nước ngoài đánh giá cao như: Sưu tập hiện vật thời Tiền - Sơ sử, sưu tập vũ khí Đông Sơn, sưu tập gốm Tam Thọ, sưu tập tiêu bản các loài thú quý hiếm, đặc sắc và tiêu biểu nhất là sưu tập trống đồng với số lượng lớn nhất trong cả nước… Hệ thống kho của Bảo tàng được sắp xếp khoa học, trang thiết bị hiện đại và liên tục được bổ sung tư liệu, hiện vật mới có giá trị.
Lớp TCLLCT A2-K51 tham quan các phòng trưng bày
Mặc dù Bảo tàng hiện đang lưu giữ một kho báu tài liệu, hiện vật vô cùng quý giá, nhưng vẫn còn nhiều hạn chế về hiệu quả của việc phát huy giá trị di sản văn hóa, chưa phát huy được hết tiềm năng vốn có để thật sự góp phần vào sự phát triển chung của tỉnh Thanh Hóa. Do đó, để phát huy được hết những giá trị di sản văn hóa của cha ông để lại, trong thời gian tới, Bảo tàng tỉnh cần thực hiện số giải pháp sau:
Một là, tăng cường hơn nữa công tác đào tạo nguồn nhân lực, tạo điều kiện cho cán bộ được tham gia các chương trình đào tạo, bồi dưỡng về chuyên môn nghiệp vụ do các cấp, ngành tổ chức; được tham gia học tập, trao đổi kinh nghiệm với các bảo tàng đầu ngành.
Hai là, đẩy mạnh hơn nữa công tác tuyên truyền quảng bá hình ảnh của Bảo tàng thông qua các cơ quan thông tấn, báo chí, phát thanh, truyền hình trong tỉnh, Trung ương để tuyên truyền hoạt động của mình. Ngoài ra, việc ứng dụng mạng xã hội như facebook, zalo,... trong tuyên truyền, quảng bá hình ảnh của Bảo tàng là rất cần thiết.
Ba là, liên tục đổi mới chủ đề, nội dung trưng bày tại chỗ; bổ sung thêm những nội dung còn thiếu để hoàn thiện, hấp dẫn hơn, thu hút được sự quan tâm của đông đảo quần chúng nhân dân, triển khai thực hiện đầy đủ không gian văn hóa của các dân tộc thiểu số của tỉnh Thanh Hóa để mang lại những sắc màu tươi mới cho Bảo tàng. Đồng thời, tăng cường quảng bá, khẳng định vị trí, hình ảnh, hoạt động thông qua các cuộc trưng bày lưu động và trưng bày phối hợp.
Bốn là, đổi mới hoạt động hướng dẫn tham quan, từng bước đưa ứng dụng khoa học công nghệ hiện đại trong hoạt động của Bảo tàng, giảm dần công tác tuyên truyền từ phía thuyết minh viên, tăng dần việc tự tham quan, tò mò khám phá của công chúng bằng việc ứng dụng khoa học công nghệ như: Ứng dụng công nghệ trải nghiệm thực tế ảo VR3D và quét mã QR code,....
Năm là, tăng cường tiếp tục kết nối với các trường học để giáo dục lịch sử địa phương cho các thế hệ học sinh, sinh viên biết và hiểu thêm về những giá trị di sản văn hóa tỉnh nhà thông qua các chương trình giáo dục tại Bảo tàng; đồng thời, liên kết với các doanh nghiệp lữ hành, các công ty du lịch đưa điểm tham quan Bảo tàng tỉnh Thanh Hóa trở thành điểm đến của tour du lịch khi đến với Sầm Sơn và tỉnh Thanh Hóa.
Những giá trị di sản văn hóa mà ông cha ta để lại, cũng như quá trình phát triển của tỉnh được hội tụ ngay tại Bảo tàng tỉnh Thanh Hoá; do đó, việc giữ gìn và phát huy giá trị di sản văn hóa là nguồn lực, sức mạnh cho sự phát triển kinh tế - xã hội của tỉnh nói riêng cũng như cộng đồng, quốc gia, dân tộc nói chung. Trên cơ sở cụ thể hóa những chính sách, chủ trương của Đảng và Nhà nước, Bảo tàng tỉnh Thanh Hoá đã và đang đưa di sản văn hóa trở thành động lực cho ngành công nghiệp không khói của địa phương ngày càng phát triển./.
Trịnh Tiến Dũng