Giới thiệu bộ sưu tập hiện vật “Thành tích của quân dân Thanh Hóa trong kháng chiến chống Mỹ (1954 – 1975)”

Trong thời kỳ kháng chiến chống Mỹ (1954 – 1975), Thanh Hóa là tỉnh có địa bàn chiến lược trọng yếu, cầu nối giữa hậu phương lớn miền Bắc và tiền tuyến lớn miền Nam, là kho dự trữ hậu cần quan trọng, do đó Thanh Hóa trở thành trọng điểm đánh phá của Đế quốc Mỹ. Với quyết tâm đánh Mỹ và thắng Mỹ góp phần cùng cả nước giải phóng miền Nam, thống nhất đất nước, Thanh Hóa đã có những đóng góp rất to lớn về sức người, sức của. Những chiến công oanh liệt, lẫy lừng của quân, dân tỉnh ta cũng như những mất mát hy sinh trong 21 năm kháng chiến chống Mỹ cứu nước đã được Đảng, Nhà nước, Bác Hồ và các cấp, các ngành ghi nhận. Nhiều tập thể, cá nhân có thành tích tiêu biểu, xuất sắc đã được tặng những phần thưởng cao quý.

Bảo tàng tỉnh Thanh Hóa hiện đang lưu giữ và trưng bày 196 hiện vật thể hiện “Thành tích của quân dân Thanh Hóa trong kháng chiến chống Mỹ (1954-1975)”, với 3 chất liệu chính là Giấy, Vải và Kim loại, được chia thành các nhóm như sau:
1. Giấy chứng nhận, tặng thưởng, giấy công nhận, giấy ghi công: 42 hiện vật.
Đây là nhóm hiện vật có nội dung khá phong phú, do các cấp, ngành khác nhau thực hiện việc chứng nhận, tặng thưởng hoặc ghi công, tặng danh hiệu… trong nhiều lĩnh vực, như: Trong công tác đón tiếp đồng bào miền Nam (năm 1955): 02 hiện vật; Trong công tác thanh toán nạn mù chữ, bình dân học vụ (từ năm 1958 – 1966): 18 hiện vật; Giấy chứng nhận hoặc tặng danh hiệu (từ năm 1968 – 1972): 06 hiện vật; Giấy chứng nhận đeo Huân chương (từ năm 1962 – 1987): 08 hiện vật; Giấy chứng nhận đeo hoặc được thưởng Huy hiệu (từ năm 1970 – 1978): 04 hiện vật.
2. Giấy khen và Bằng khen: 24 hiện vật
Đây là hai loại giấy được sử dụng để khen tặng hoặc tuyên dương thành tích của một cá nhân hoặc tập thể trong quá trình công tác hoặc thực hiện nhiệm vụ. Cũng như Giấy chứng nhận, Giấy khen và Bằng khen do nhiều cấp, ngành khác nhau thực hiện việc khen tặng hoặc ghi nhận các thành tích, như: Trong công tác đón tiếp đồng bào miền Nam (năm 1954 - 1955): 03 hiện vật; Trong sản xuất (năm 1956 – 1957): 02 hiện vật; Trong chiến đấu (năm 1965 – 1972): 11 hiện vật; Trong phục vụ chiến đấu (năm 1959 – 1967): 06 hiện vật; Trong lĩnh vực Văn hóa (năm 1955 – 1970): 02 hiện vật.
3. Thư khen của Hồ Chủ tịch: 03 hiện vật
Đây là hình thức khen thưởng khá đặc biệt, Bảo tàng tỉnh Thanh Hóa hiện đang lưu giữ 03 bức thư Bác gửi riêng cho Thanh Hóa trong giai đoạn này, đó là vào các dịp: Quân và dân tỉnh Thanh Hóa bắn rơi 100 máy bay Mỹ, vào hồi 12h20 phút, ngày 10/10/1965, ngày 12/10/1965 Bác đã gửi thư tới đồng bào, bộ đội và cán bộ Thanh Hóa; Lần tiếp theo Bác khen Trung đội dân quân gái Hoa Lộc, ngày 5/7/1967, nhân dịp Trung đội bắn rơi một chiếc máy bay phản lực của giặc Mỹ vào 15 giờ, ngày 16/6; Nhân dịp quân và dân Thanh Hóa, đã đánh giỏi bắn rơi chiếc máy bay thứ 1700 và 1701 của giặc Mỹ đến đảo Nghi Sơn vào hồi 7h sáng ngày 1/3/1967, ngày 6/3/1967 một lần nữa Bác lại gửi thư khen đồng bào, bộ đội và cán bộ tỉnh Thanh Hóa.
4. Bảng vàng danh dự và bảng gia đình vẻ vang: 02 hiện vật (01 “Bảng vàng danh dự” và 01 bảng “Gia đình vẻ vang”).
Đây là hai hình thức tặng khen được đặt ra theo Sắc lệnh số 129/SL, ngày 16/12/1952 của Chủ tịch nước Việt Nam Dân chủ Cộng hoà. Để tỏ lòng biết ơn của Chính phủ và nhân dân đối với chiến sĩ và gia đình chiến sĩ.
5. Huân chương và Huy chương: 65 hiện vật
- Huân chương Việt Nam: là vật phẩm đặc biệt do Nhà nước Việt Nam Dân chủ Cộng hòa trước đây và Cộng hòa Xã hội chủ nghĩa Việt Nam ngày nay đặt ra để ghi nhận và tặng thưởng cho các tập thể và cá nhân (kể cả tập thể và cá nhân nước ngoài) có thành tích, cống hiến cho sự nghiệp xây dựng và bảo vệ Tổ quốc Việt Nam. Các tập thể và cá nhân có thành tích, cống hiến trong từng thời kỳ khác nhau được xét theo những tiêu chuẩn khen thưởng cụ thể để được tặng thưởng huân chương phù hợp.
Luật Thi đua - Khen thưởng quy định: huân chương để tặng hoặc truy tặng cho cá nhân, tặng cho tập thể có công trạng, lập được thành tích thường xuyên hoặc đột xuất, góp phần vào sự nghiệp xây dựng và bảo vệ Tổ quốc. Huân chương gồm có: cuống huân chương, dải huân chương và thân huân chương. Hình thức các loại, hạng huân chương được phân biệt bằng màu sắc, số sao, số vạch trên dải và cuống huân chương. Thẩm quyền tặng, truy tặng huân chương do Chủ tịch nước quyết định.
- Huy chương Việt Nam: là vật phẩm đặc biệt do Nhà nước Việt Nam Dân chủ Cộng hòa trước đây và Cộng hòa Xã hội Chủ nghĩa Việt Nam ngày nay hoặc do các tổ chức thuộc hệ thống chính trị ở Việt Nam đặt ra để ghi nhận và tặng thưởng cho các tập thể và cá nhân (kể cả người nước ngoài) có thành tích và công lao phù hợp với những tiêu chuẩn khen thưởng được quy định theo từng lĩnh vực, từng thời gian cụ thể.
Ngoài ra, Huy chương còn được trao thưởng trong các cuộc thi nhằm tuyên dương những cá nhân, tập thể đạt thành tích cao, là biểu tượng trang trọng thể hiện niềm tự hào, vinh dự của người được nhận.
6. Huy hiệu: 43 hiện vật
Huy hiệu là vật phẩm đặc biệt do các cơ quan Nhà nước và các tổ chức thuộc hệ thống chính trị đặt ra để ghi nhận và tặng thưởng cho các tập thể và cá nhân (kể cả người nước ngoài) có thành tích phù hợp với những tiêu chuẩn khen thưởng được quy định theo từng lĩnh vực, từng môi trường công tác, trong từng thời gian khác nhau. Ngoài ra, huy hiệu còn có ý nghĩa một kỷ niệm, là sự ghi nhận về việc tham gia, đóng góp của cá nhân trong một lĩnh vực công tác nào đó.
Huy hiệu là vật phẩm đặc biệt dùng làm dấu hiệu tượng trưng cho một tổ chức, một đoàn thể, lực lượng hoặc để kỷ niệm một phong trào, một sự kiện lịch sử hay một nhóm người hoạt động, mang ý nghĩa riêng cho tổ chức đó.
7. Quà tặng đặc biệt: 01 hiện vật
Bảo tàng tỉnh Thanh Hóa hiện lưu giữ một hiện vật khá đặc biệt, đó là chiếc sanh đồng của bà Hà Thị Nú (quê ở làng Chiềng Kẽm, xã Yên Khương, huyện Lang Chánh, tỉnh Thanh Hoá). Đây là phần quà mà Bác Hồ tặng bà Nú năm 1956 trong dịp bà tham gia đoàn Đại biểu các dân tộc miền núi Thanh Hóa, Nghệ An ra Thủ đô Hà Nội dự lễ Quốc Khánh 2/9.
Trong sưu tập còn có một số hiện vật là Kỷ niệm chương của các cá nhân từng có đóng góp trong chiến đấu và phục vụ chiến đấu và nhóm Cờ, trướng của một số tập thể có thành tích trong các phong trào thi đua.
Mặc dù, bộ sưu tập “Thành tích của quân dân Thanh Hóa trong kháng chiến chống Mỹ (1954-1975)” hiện đang lưu giữ tại Bảo tàng tỉnh Thanh Hóa còn có một số hạn chế như: chưa đầy đủ các loại hình hiện vật, chưa làm sáng tỏ được nội dung về nguồn gốc ra đời của một số loại, như: Huy hiệu 3-4/4/1965; Huy hiệu Chiến thắng 1968; Huy hiệu Chiến thắng 1972; Huy hiệu Toàn thắng Xuân 1975... Song đây là nguồn tư liệu quý góp phần tìm hiểu, nghiên cứu về chính sách của Đảng và Nhà nước đối với những tập thể và cá nhân có công trong thời kỳ kháng chiến chống Mỹ (1954 – 1975), đồng thời việc phát huy giá trị hiện vật trong sưu tập góp phần tác động tới nhận thức, tình cảm của các thế hệ người Việt Nam, đặc biệt là thế hệ trẻ về những chiến công, những tấm gương tiêu biểu của cán bộ, chiến sỹ trong lao động, trong chiến đấu, phục vụ chiến đấu và sẵn sàng hy sinh.
Để sưu tập hiện vật ngày càng hoàn thiện, trong thời gian tới chúng tôi sẽ tiếp tục nghiên cứu, xác minh làm rõ hơn những hiện vật còn thiếu nội dung thông tin, đồng thời tiến hành sưu tầm, bổ sung những loại hình hiện vật chưa có làm phong phú thêm bộ sưu tập phục vụ công tác nghiên cứu, trưng bày và phát huy giá trị.
 
Một số hình ảnh hiện vật trong bộ sưu tập
Huân chương Độc lập hạng Nhì.
BTTH 6713/G: 1055
Chủ tịch nước Việt Nam Dân chủ Cộng hòa thưởng quân và dân tỉnh Thanh Hóa, năm 1965.
Huân chương độc lập hạng Ba.
BTTH 9314/KL: 1695
của bà Phạm Thị Thân (xóm 6, xã Vĩnh Minh, huyện Vĩnh Lộc, tỉnh Thanh Hóa).
Huân chương Kháng chiến hạng Nhất.
BTTH 3108/G: 840
Chủ tịch nước Việt Nam Dân chủ Cộng hòa thưởng Nhân dân và cán bộ tỉnh Thanh Hóa.
Huân chương Chiến công hạng Nhì.
BTTH 4986/G: 179
Chủ tịch nước Việt Nam Dân chủ Cộng hòa thưởng đồn Na Mèo – Công an
Nhân dân vũ trang tỉnh Thanh Hóa, năm 1966.
                                      
                 Huân chương Chiến sĩ vẻ vang hạng Ba.                               Huân chương Chiến sĩ giải phóng hạng Nhất.
                                 BTTH 10.928/KL: 2153                                                                  BTTH 9406/KL: 1733/3
             của ông Nguyễn Đức Chính (thôn Xuân Uyên,                               của ông Phạm Văn Di (xóm 7, xã Vĩnh Minh, 
       xã Quảng Phong, huyện Quảng Xương, tỉnh Thanh Hóa).                             huyện Vĩnh Lộc, tỉnh Thanh Hóa).
        
                             Huy hiệu Chiến thắng 5/8.                           Huy hiệu Quyết tâm đánh thắng giặc Mỹ xâm lược. 
                                BTTH 9356/KL: 1718                                                            BTTH 7561/KL: 1331
                của ông Lê Xuân Giang (Nguyên chiến sĩ                        của ông Lương Ngọc Cẩn (Nguyên là Khu đội 
                  Đại đội 4, Trung đoàn 228 Hàm Rồng).           phó dân quân, đơn vị Tiểu khu Hàm Rồng, Thị xã Thanh Hóa).
 
(Phòng Kiểm kê – Bảo quản)