Giới thiệu bộ sưu tập hiện vật “Vũ khí văn hóa Đông Sơn” lưu giữ tại Bảo tàng tỉnh Thanh Hóa

Văn hóa Đông Sơn là một nền văn hóa khảo cổ học thời đại kim khí ở Việt Nam, được các nhà Khảo cổ học đặt tên dựa vào sự phát hiện ngẫu nhiên một nhóm đồ đồng cổ vào năm 1924 tại làng Đông Sơn ven sông Mã (nay thuộc phường Hàm Rồng, thành phố Thanh Hoá). Văn hoá Đông Sơn có niên đại từ thế kỷ VII tr.cn đến thế kỷ I s.cn). Các di chỉ Văn hóa Đông Sơn phân bố ở hầu khắp các địa bàn trong tỉnh từ vùng đồng bằng, trung du, miền núi cho đến vùng biển nhưng tập trung chủ yếu ở vùng đồng bằng sông Mã, sông Chu. Căn cứ vào chức năng, hiện vật văn hoá Đông Sơn được chia làm 5 loại hình: Công cụ sản xuất, vũ khí, đồ dùng sinh hoạt, nhạc khí và đồ trang sức.

Bảo tàng tỉnh Thanh Hóa hiện lưu giữ và trưng bày 377 hiện vật vũ khí văn hóa Đông Sơn, đa dạng về loại hình, độc đáo về kiểu dáng và tính năng sử dụng, được phân loại và sắp xếp theo loại hình, mỗi loại hình sắp xếp theo tên gọi gồm:

- Vũ khí đánh gần:   Giáo, dao găm, kiếm, qua, rìu chiến, chĩa.

- Vũ khí đánh xa:     Lao, lẫy nỏ, mũi tên.

- Vũ khí phòng ngự:   Hộ tâm phiến (tấm che ngực).

1.Vũ khí đánh gần: Có 206 hiện vật.

1.1.Giáo: Giáo là vũ khí đánh gần bằng động tác đâm. Bảo tàng đang lưu giữ 147 hiện vật gồm: Giáo lưỡi hình búp đa, giáo lưỡi hình lá tre, giáo lưỡi hình lá mía, giáo lưỡi hình tam giác, giáo rìa lưỡi lượn…
                                
                                 Giáo lưỡi hình búp đa, lưỡi hình lá mía, lưỡi hình lá tre, lưỡi hình tam giác
Giáo được cấu tạo gồm hai bộ phận: tra cán và lưỡi.

Bộ phận tra cán hầu hết có họng, chỉ có giáo lá mía là có chuôi tra cán. Về họng tra cán có các loại họng tròn, họng hình bầu dục, họng hình thoi. Về kích thước họng đa phần có độ dài trung bình khoảng 1/3 chiều dài lưỡi, bên cạnh đó có loại họng dài tương đương lưỡi, có loại họng ngắn. Giáo chuôi tra cán có loại chuôi thẳng, chuôi hơi cong.

Lưỡi giáo rất đa dạng, như lưỡi hình tam giác, lưỡi hình búp đa, lưỡi hình lá mía…đặc điểm chung đều có rìa lưỡi mỏng, sắc, đầu mũi nhọn. Trên cánh lưỡi chỗ gần họng xòe rộng, có các lỗ thủng hình chữ nhật dẹt (02 lỗ hoặc 04 lỗ), có loại không có lỗ. Đặc biệt có hiện vật cánh lưỡi phình rộng 2 bên rồi thu dần về mũi. Phần lớn có sống nổi cao chạy dọc lưỡi, tạo mặt cắt ngang hình thoi dẹt. Chiều dài trung bình của giáo từ 20 - 25cm; có chiếc dài trên 40cm.

1.2. Dao găm: Bảo tàng tỉnh đang lưu giữ 30 hiện vật dao găm gồm: Dao găm cán chữ T, dao găm cán hình người, dao găm đốc củ hành, dao găm rìa lưỡi lượn, dao găm minh khí.
                                                     
                                   Dao găm cán hình người               Dao găm đốc củ hành               Dao găm rìa lưỡi lượn    
Dao găm là một trong các di vật tiêu biểu của văn hóa Đông Sơn nó mang đặc trưng riêng và không giống bất kỳ một loại vũ khí nào của các nền văn hóa khác. Bảo tàng tỉnh Thanh Hóa hiện lưu giữ số lượng không nhiều, nhưng phong phú và độc đáo về kiểu dáng. Nét độc đáo của dao găm Đông Sơn được thể hiện ở tất cả các bộ phận, từ cán, chắn tay đến lưỡi, nhưng độc đáo nhất là phần cán. Cán được tạo hình chữ T, có loại được tạo hình củ hành (còn gọi là đốc hình củ hành) trang trí các hàng lỗ thủng hình chữ nhật dẹt, nhưng đẹp và độc đáo hơn cả vẫn là cán tạo tượng người phụ nữ. Chắn tay có loại là chắn tay ngang, có loại là chắn tay quặp kiểu sừng trâu. Lưỡi có loại gần hình tam giác, hai cạnh bên thẳng mũi nhọn, có loại hai cạnh bên cong vồng mũi tù, có loại hai cạnh bên uốn lượn mũi nhọn.

1.3. Kiếm: 05 hiện vật

Kiếm là loại vũ khí đánh gần bằng động tác chém. Bảo tàng tỉnh Thanh Hóa hiện lưu giữ 05 hiện vật, tiêu biểu là Kiếm ngắn Núi Nưa - Bảo vật Quốc gia Việt Nam. Phần cán là khối tượng tròn thể hiện người phụ nữ được đúc liền với lưỡi kiếm, người phụ nữ đứng thẳng, hai tay khuỳnh chống nạnh, khuôn mặt trái xoan, cằm hơi nhô ra, cặp mắt được thể hiện bằng hai vòng tròn đồng tâm. Cổ và tay đeo trang sức, đầu vấn khăn như hình búp hoa sen, mặc áo chẽn dài tay, áo xẻ ngực không cài khuy để lộ vạt yếm kín cổ bên trong. Áo bó sát lấy thân làm nổi rõ những đường cong cơ thể. Các nhà khoa học cho rằng đây là trang phục lộng lẫy, với những hoa văn đặc trưng của văn hóa Đông Sơn. Kiểu mặc áo yếm này ngày nay vẫn phổ biến trong trang phục của phụ nữ Mường. Ngoài ra còn có kiếm rìa lưỡi lượn, kiếm minh khí
                       
                  Kiếm ngắn Núi Nưa                  Kiếm rìa lưỡi lượn                         Kiếm minh khí
           Bảo vật Quốc gia Việt Nam
1.4. Qua: 17 hiện vật.
Qua là vũ khí đánh gần bằng phương pháp bổ, gồm có 3 bộ phận chính là lưỡi, chuôi và hồ. Chuôi có dáng gần hình thang trên mặt thường có một số lỗ thủng hình chữ nhật và hình tròn. Lưỡi có chiếc thon nhỏ vót nhọn, có chiếc lưỡi cùng với hồ làm thành một hình tam giác. Trên hồ thường có 3 hoặc 4 lỗ thủng hình chữ nhật dẹt thẳng hàng là lỗ để xâu dây buộc vào cán. Một số qua trên lưỡi, chuôi, hồ được trang trí hoa văn kỷ hà và hình động vật như hươu, nai, cá sấu.
1.5. Rìu chiến: 03 hiện vật.
Rìu chiến được xem là vũ khí chiến đấu chống thú dữ hoặc chống lại kẻ thù để bảo vệ bộ lạc. Rìu chiến có dáng của rìu lưỡi xéo, 2 mặt được trang trí hoa văn sinh động.
1.6. Chĩa: Có 04 hiện vật.
Là loại vũ khí có thể dùng để đâm, xiên. Chĩa có dáng hình cánh én, thân dài, dẹt, một mặt phẳng, phần mũi được chia thành 3 nhánh nhỏ chĩa ra.
2. Vũ khí đánh xa: Có 159 hiện vật

2.1. Lao: 139 hiện vật.

Lao là loại vũ khí đánh xa bằng phương pháp phóng, lao thường có lưỡi dẹt có họng tra cán giống như lưỡi giáo, nhưng kích thước nhỏ hơn. Có loại mặt cắt ngang lưỡi gần hình bầu dục, có loại lại có sống nổi cao chạy dọc giữa lưỡi, có loại lưỡi tạo thành hình cánh én gần giống như mũi tên cánh én, nhưng có họng tra cán và kích cỡ to hơn mũi tên. Bên cạnh đó còn có loại lao ngạnh, có loại một ngạnh, loại 2 ngạnh. Lao ngạnh có họng dài, trên họng có mấu hoặc một quai tròn nhỏ. Phần lớn họng tròn, song cũng có họng bầu dục dẹt. Có loại họng thon dần về mũi, song cũng có loại phần đầu phình to hơn thân.

Căn cứ vào kiểu dáng chia thành các loại: Lao lưỡi hình búp đa, lao lưỡi hình tam giác, lao rìa lưỡi lượn, lao có ngạnh, lao lưỡi hình lá…
                 
                                Lao lưỡi hình búp đa          Lao lưỡi hình tam giác           Lao rìa lưỡi lượn
    Lao có ngạnh
2.2. Lẫy nỏ: Có 02 hiện vật.

Lẫy nỏ là vũ khí có tầm quan trọng đặc biệt trong quân đội của người Việt cổ thời Đông Sơn. Lẫy nỏ là một bộ phận quan trọng của máy bắn tên, được chế tác bằng đồng, cấu tạo gồm bốn bộ phận đúc rời được liên kết lại bằng hai chốt hình trụ gồm: hộp lẫy rỗng hình chữ nhật, một đầu vát, miệng hộp có rãnh để đặt tên và khấc để giữ dây cung; lẫy cong để tiện bóp cò; hai bộ phận còn lại là hai thanh đồng dùng để đưa dây cung vào khấc hãm. Do được cấu tạo bởi nhiều chi tiết lắp vào nhau nên chiếc nỏ còn được gọi là “liên cơ” (liên có nghĩa là liên hoàn, cơ là cơ quan, bộ phận hay là máy).

Khi sử dụng, dây nỏ được căng lên, cài vào khấc hãm, dùng ngón tay kéo lùi lẫy nỏ để dây bật, đẩy tung những mũi tên lao tới đích. Cho tới nay, mặc dù số lượng tìm thấy không nhiều nhưng việc chế tạo thành công và sử dụng có hiệu quả nỏ bắn tên là một trong những sáng chế kỹ thuật quân sự lớn của người Việt cổ.
2.3. Mũi tên: 18 hiện vật.
Mũi tên là vũ khí đánh xa tân tiến, lợi hại, độ sát thương vô cùng hiệu quả với một đội quân thời Đông Sơn giỏi cung nỏ. Mũi tên được làm từ chất liệu đồng, đá, xương.
                                                 
                                                             
                                                        Mũi tên đồng                                    Mũi tên xương           Mũi tên đá
3. Vũ khí phòng hộ: Có 12 hiện vật
Đó là những hộ tâm phiến (tấm giáp che ngực), loại hình vũ khí phòng hộ cho các chiến binh. Để tránh sát thương khi đánh giáp lá cà, những vị tướng chỉ huy và những chiến binh Đông Sơn đã sử dụng những hộ tâm phiến để đeo trước ngực nhằm tránh bị tổn thương ở tim khi bị vũ khí đối phương đâm, bắn trúng. Hộ tâm phiến là những mảnh đồng hình vuông hoặc chữ nhật, một mặt có 4 quai nhỏ hoặc 4 lỗ nhỏ ở 4 góc để buộc dây, trên một mặt trang trí các hoa văn tiêu biểu của văn hóa Đông Sơn như văn vạch ngắn song song, văn vòng tròn có tâm, vòng tròn tiếp tuyến, văn chữ X và văn người hóa trang bơi thuyền…
 
Bộ sưu tập hiện vật “Vũ khí văn hóa Đông Sơn” độc đáo, quý hiếm được sưu tầm và phát hiện được trên đất Thanh Hoá hiện đang lưu giữ tại Bảo tàng là một nguồn tư liệu sống động, phản ánh cuộc sống sôi động, hào hùng của chủ nhân văn hóa Đông Sơn từ hơn hai nghìn năm trước. Sự xuất hiện của các loại vũ khí là một bằng chứng chứng minh thời kỳ văn hóa Đông Sơn đã phát sinh chiến tranh và xung đột xã hội .Với sự đa dạng và những đặc trưng của sưu tập vũ khí Đông Sơn trên đất Thanh Hóa đã phần nào giúp chúng ta hiểu thêm về công năng sử dụng vũ khí trong chiến đấu cũng như nghệ thuật quân sự của cư dân Đông Sơn thời kỳ này. Sản phẩm của sưu tập sẽ là nguồn sử liệu phục vụ đắc lực cho công tác nghiên cứu, sưu tầm, trưng bày, tuyên truyền, giáo dục.

(Phòng Kiểm kê - Bảo quản)