Hậu phương Thanh Hóa thực hiện Lời kêu gọi Toàn quốc kháng chiến

76 năm về trước, đêm 19/12/1946, Chủ tịch Hồ Chí Minh thay mặt Trung ương Đảng và Chính phủ ra Lời kêu gọi Toàn quốc kháng chiến kêu gọi toàn dân đứng lên chống lại kẻ thù xâm lược.

Cách mạng Tháng Tám thành công, ngày 2/9/1945, tại Quảng trường Ba Đình lịch sử, Chủ tịch Hồ Chí Minh đọc bản Tuyên ngôn độc lập khai sinh nước Việt Nam dân chủ Cộng hòa. Tuy nhiên, niềm vui độc lập của Nhân dân ta chưa được bao lâu thì cả nước lại tiếp tục bước vào cuộc trường kỳ kháng chiến. Với dã tâm cướp nước ta một lần nữa, ngày 23/9/1945, thực dân Pháp được sự giúp đỡ của quân Anh, nổ súng gây hấn ở Sài Gòn, mở đầu cuộc chiến tranh xâm lược Đông Dương lần thứ hai.

Trước tình hình đó, Trung ương Đảng và Chủ tịch Hồ Chí Minh đã vận dụng các biện pháp đấu tranh linh hoạt, mềm dẻo. Trong hai ngày 18, 19/12/1946, Ban Thường vụ Trung ương Đảng đã họp tại Vạn Phúc, Hà Đông quyết định phát động toàn quốc kháng chiến. Ngay trong đêm 19/12/1946, Chủ tịch Hồ Chí Minh thay mặt Trung ương Đảng và Chính phủ ra Lời kêu gọi Toàn quốc kháng chiến. 

Hỡi đồng bào toàn quốc!
Chúng ta muốn hòa bình, chúng ta phải nhân nhượng. Nhưng chúng ta càng nhân nhượng, thực dân Pháp càng lấn tới, vì chúng quyết tâm cướp nước ta lần nữa!
Không! Chúng ta thà hy sinh tất cả, chứ nhất định không chịu mất nước, nhất định không chịu làm nô lệ.
Hỡi đồng bào!
Chúng ta phải đứng lên!
Bất kỳ đàn ông, đàn bà, bất kỳ người già, người trẻ không chia tôn giáo, đảng phái, dân tộc. Hễ là người Việt Nam thì phải đứng lên đánh thực dân Pháp để cứu Tổ quốc. Ai có súng dùng súng. Ai có gươm dùng gươm, không có gươm thì dùng cuốc, thuổng, gậy gộc. Ai cũng phải ra sức chống thực dân Pháp cứu nước.

Hưởng ứng lời kêu gọi Toàn quốc kháng chiến của Chủ tịch Hồ Chí Minh và Trung ương Đảng, toàn thể dân tộc Việt Nam nói chung, Nhân dân Thanh Hóa nói riêng không phân biệt nam, nữ, già, trẻ, dân tộc, tôn giáo nhất tề đứng lên, tích cực tham gia kháng chiến, sẵn sàng đánh đuổi thực dân Pháp xâm lược. Theo Hiệp định Sơ bộ ngày 6/3/1946, Thanh Hóa là vùng tự do nhưng trong tình hình mới, trước âm mưu xâm lược của thực dân Pháp nhiệm vụ cấp bách đặt ra đối với cấp ủy, chính quyền và Nhân dân trong tỉnh là: Xây dựng Thanh Hóa thành hậu phương an toàn không cho giặc Pháp tràn tới; xây dựng Thanh Hóa thành hậu phương vững mạnh chi viện cho các chiến trường, đồng thời là nơi tiếp nhận đồng bào từ các vùng có chiến sự tản cư đến. Theo đó, ở Thanh Hóa mọi hoạt động đã chuyển từ thời bình sang thời chiến. Các cơ quan dân, chính Đảng, các tổ chức, đoàn thể nhanh chóng sắp xếp tổ chức theo hướng gọn nhẹ, đảm bảo an toàn, hiệu quả. Chọn lựa và xác định một số địa điểm trong tỉnh để xây dựng khu căn cứ an toàn, lấy đó làm nơi đứng chân chỉ đạo kháng chiến cho lãnh đạo cấp tỉnh, cấp huyện. Thực hiện tốt công tác tiêu thổ kháng chiến, thực hiện vườn không nhà trống nhằm chặn bước tiến quân của địch tiến vào thị xã.

Toàn quốc kháng chiến nổ ra được hai tháng, ngày 20/2/1947, Chủ tịch Hồ Chí Minh đã dành thời gian vào thăm Thanh Hóa. Người đã chỉ ra Thanh Hóa có những lợi thế: "người đông, đất rộng, của nhiều". Những lợi thế ấy đã làm cho vị trí, vai trò của Thanh Hóa được nhân lên, trở thành một trong những tỉnh hậu phương lớn nhất, quan trọng nhất, đóng góp có hiệu quả nhất trong cuộc kháng chiến trường kỳ của đất nước. Chủ tịch Hồ Chí Minh mong muốn Thanh Hóa phải phấn đấu trở thành tỉnh kiểu mẫu về chính trị, kinh tế, quân sự.

Quán triệt sâu sắc lời dạy của Chủ tịch Hồ Chí Minh, Đảng bộ, chính quyền và Nhân dân các dân tộc Thanh Hóa đã đoàn kết một lòng, chung tay góp sức xây dựng và bảo vệ hậu phương vững mạnh, góp phần to lớn vào thắng lợi chung, giành lại độc lập cho dân tộc. Để bảo vệ chính quyền cách mạng và chuẩn bị kháng chiến, Tỉnh ủy Thanh Hóa đã tăng cường chỉ đạo công tác quân sự - một trong những nhiệm vụ cấp thiết thời kỳ này. Chi đội mang tên Đinh Công Tráng gồm 1.500 chiến sĩ được thành lập, đây là đơn vị vũ trang tập trung đầu tiên của tỉnh và là đơn vị nòng cốt để xây dựng các tổ chức vũ trang ở các huyện, thị trong tỉnh. Chính quyền các cấp cũng chú trọng xây dựng lực lượng dân quân du kích, tự vệ, bộ đội tập trung, các đơn vị công an nhân dân, các đội trinh sát, lực lượng an ninh bí mật, sẵn sàng phối hợp với đơn vị chủ lực và nhân dân để đánh địch. Cùng với xây dựng lực lượng vũ trang, cử các đơn vị lên đường Nam tiến, Tỉnh ủy, Ủy ban hành chính đã phát động phong trào thi đua tăng gia sản xuất nhằm đảm bảo ổn định nguồn lương thực tại địa phương và cung cấp cho tiền tuyến.

Trong cuộc kháng chiến chống thực dân Pháp xâm lược, dưới sự lãnh đạo của Trung ương Đảng, Chính phủ, Đảng bộ, chính quyền và Nhân dân tỉnh Thanh Hóa đã hoàn thành xuất sắc vai trò của hậu phương vững mạnh vừa chiến đấu, vừa phục vụ chiến đấu, cung cấp sức người, sức của chi viện cho các mặt trận, các chiến dịch Hà Nam Ninh, Hòa Bình... đặc biệt là trong chiến cuộc đông xuân 1953 - 1954, với đỉnh cao là chiến dịch Điện Biên Phủ. Những đóng góp to lớn của Đảng bộ, chính quyền, quân và dân Thanh Hóa trong chiến dịch Điện Biên Phủ đã được Chủ tịch Hồ Chí Minh biểu dương trong lần thứ hai Người về thăm Thanh Hóa: “Bây giờ tiếng Việt Nam đến đâu, tiếng Điện Biên Phủ đến đó. Tiếng Điện Biên Phủ đến đâu, đồng bào Thanh Hóa cũng có một phần vinh dự đến đó”.

Đã 76 năm trôi qua nhưng âm hưởng của Lời kêu gọi toàn quốc kháng chiến năm ấy vẫn còn đậm sâu trong tâm trí của hành triệu, hàng triệu người dân Việt Nam. Lời kêu gọi toàn quốc kháng chiến khẳng định truyền thống yêu nước, chuộng hòa bình và ý chí quyết tâm chung sức đồng lòng, đoàn kết chống ngoại xâm, giữ vững nền độc lập của toàn thể dân tộc Việt Nam nói chung, Nhân dân Thanh Hóa nói riêng; là bản anh hùng ca mãi còn vang vọng, tiếp sức cho thế hệ trẻ hôm nay vững tin tiếp bước cha anh, đóng góp sức mình vào công cuộc đổi mới, xây dựng và bảo vệ Tổ quốc Việt Nam xã hội chủ nghĩa.
D.T.M.D (Phòng Trưng bày – tuyên truyền)
Tài liệu tham khảo:
1. Lịch sử Đảng bộ Thành phố Thanh Hóa 1945-2010, Thành ủy TP Thanh Hóa biên soạn và xuất bản 5/2014.
2. Lịch sử Đảng bộ tỉnhThanh Hóa 1930-1954, NXB Thanh Hóa, năm 2010.