Giới thiệu trưng bày chuyên đề “Đời sống thời bao cấp của nhân dân Thanh Hóa”

Từ sau Đại hội VI của Đảng (tháng 12/1986), Thanh Hóa cùng cả nước bước vào thời kỳ Đổi mới. Trải qua 35 năm, đất nước đã có nhiều thay đổito lớn, cuộc sống của người dân không ngừng được cải thiện và ngày càng nâng cao nhưng ký ức về Thời kỳ bao cấp (1975 - 1986) vẫn để lại những ấn tượng khó quên trong cuộc sống của nhiều thế hệ người dân Thanh Hóa.

“Thời kỳ bao cấp” là tên gọi dùng để chỉ một giai đoạn (từ năm 1975 – 1986) mà hầu hết mọi hoạt động kinh tế, xã hội diễn ra theo mô hình kinh tế kế hoạch hóa tập trung do Nhà nước chỉ huy. Phần lớn các loại hàng hóa được Nhà nước phân phối theo chế độ tem phiếu, sổ, bìa, hạn chế trao đổi bằng tiền mặt. Chế độ hộ khẩu được thiết lập để phân phối lương thực, thực phẩm theo đầu người. Tiền lương đôi khi cũng được trả bằng hiện vật.

Nhằm phần nào tái hiện lại đời sống của Nhân dân Thanh Hóa trong một giai đoạn lịch sử quan trọng - “đêm trước đổi mới”, Bảo tàng tỉnh tổ chức trưng bày chuyên đề “Đời sống thời bao cấp của Nhân dân Thanh Hóa”.Với hơn 300 tài liệu, hiện vật, hình ảnh được bố cục trưng bày theo phương pháp sắp đặt, tái hiện các không gian: Cửa hàng mua bán, phòng khách, phòng ngủ, gian bếp của một gia đình cán bộ viên chức, khu vực nông cụ và hoạt động trải nghiệm...

+. Không gian Cửa hàng mua bán trưng bày những hiện vật mang đậm dấu ấn thời kỳ bao cấp: tem phiếu, sổ mua lương thực, phiếu vải, phiếu xăng dầu, tiền Việt Nam...; những vật dụng thường ngày của mậu dịch viên như: Cân bàn, cân tạ, bàn tính... và đa dạng các mặt hàng như: Khung xe đạp, chậu men, chậu nhôm, xoong nhôm, phích nước Rạng Đông, bát đĩa, ấm chén, gạo, ngô, khoai, sắn, mì chính, mắm muối...

+. Không gian phòng khách, phòng ngủ và gian bếp của một gia đình cán bộ viên chức thời kỳ bao cấp.

Đến với phần trưng bày này khách tham quan sẽ vỡ òa cảm xúc bởi những hiện vật trưng bày vô cùng quen thuộc và gần gũi. Tại vị trí trang trọng nhất của phòng khách dành treo ảnh Bác Hồ, câu khẩu hiệu “Không có gì quý hơn độc lập, tự do”, những tấm Huân chương cao quý, đồng hồ quả lắc... Phía dưới trưng bày chiếc tủ ly (tủ bích phê); trên tủ bài trí chiếc ti vi đen trắng, lọ hoa, đài catset, chiếc đèn măng xông; bên trong trưng bày một số vật dụng mang tính chất trang trí như đồng hồ dây cót, lọ hoa, album ảnh, con lật đật; phía trước tủ đặt bộ bàn ghế salon với bộ ấm chén và phích nước trên bàn…; một số vật dụng đắt tiền - gia tài của mỗi gia đình thời ấy như xe cúp, xe đạp, máy khâu con bướm cũng được trưng bày tại đây.

Trong không gian chật hẹp của gia đình cán bộ viên chức thời kỳ bao cấp, phòng ngủ được bố trí ngay tại phòng khách, ngăn cách giữa hai không gian là chiếc ri đô. Phía sau ri đô là chiếc giường Modec, trải chiếu cói ngay ngắn cùng một số vật dụng như: Vỏ chăn con công; gối cưới thêu hoa và đôi chim bồ câu; chiếc đài bán dẫn, đèn pin, quạt con cóc, quạt nan…

Tại gian bếp, những vật dụng: chạn bát (gác măng dê), xoong, nồi, bát, đĩa, bếp dầu, bếp điện may so, ấm đun nước... được trưng bày ngay ngắn, kế bên đặt chiếc chõng tre và mâm bát cùng những hình ảnh bổ trợ là điểm nhấn gợi nhớ đến những bữa cơm gạo kho độn khoai, sắn, mì sợi, hạt bo bo được nấu từ căn bếp nhỏ đơn sơ nhưng thấm đượm nỗi nhọc nhằn và những giọt mồ hôi của mẹ. Những năm tháng ấy, trong bữa cơm gia đình, bố mẹ thường ăn phần độn, nhường phần cơm cho con trẻ, bữa cơm dù đạm bạc nhưng mãi là những kỷ niệm không thể nào quên.

Bên ngoài Cửa hàng mậu dịch và các gian phòng là khu vực trưng bày giới thiệu các loại nông cụ truyền thống như: Cày, bừa, cối xay, cối giã gạo, liềm, hái, rổ, rá, thúng...; Cửa hàng giải khát, góc sửa chữa xe đạp, cắt tóc.

Sau khi tham quan trưng bày, công chúng sẽ được tham gia một số hoạt động trải nghiệm như: xếp hàng, mua hàng bằng tem phiếu, đóng vai mậu dịch viên, thợ sửa xe đạp, người bán hàng nước và một số trò chơi dân gian: ô ăn quan, kéo co, bịt mắt bắt dê…

Một số hình ảnh trưng bày:
 Không gian trưng bày Cửa hàng mua bán
Không gian phòng khách
Không gian bếp
Khu trưng bày nông cụ
Lê Thị Hường
(Phòng Trưng bày – Tuyên truyền)