Đi tìm “Ký ức thời bao cấp”
Thời bao cấp diễn ra rõ nét nhất từ khoảng năm 1976 đến 1986 trước thời kỳ Đổi mới. Đây là một giai đoạn lịch sử đặc biệt, để lại nhiều dấu ấn và hoài niệm trong lòng bao người dân Việt Nam đã từng trải qua thời kỳ này.
Trong từ điển Tiếng Việt, Hoàng Phê có định nghĩa: “Bao cấp là cấp phát phân phối, trả công bằng hiện vật và tiền mà không tính toán hoặc không đòi hỏi hiệu quả kinh tế tương ứng”. Còn đối với người dân lúc bấy giờ, bao cấp đơn giản chỉ là: “Tất cả mọi thứ đều do nhà nước đứng ra “bao” hết, từ những thứ nhỏ nhất như cây kim, sợi chỉ, que diêm cho đến những lương thực, thực phẩm đáp ứng nhu cầu sinh hoạt hằng ngày của người dân.”
Trong dòng chảy của văn minh, hội nhập, chúng tôi đi sưu tầm những hiện vật của một thời kỳ nhiều khó khăn nhưng cũng là cả một miền ký ức đầy những kỷ niệm gây thương nhớ. Để sưu tầm, lưu giữ và giới thiệu đến công chúng một thời kỳ lịch sử đã qua, cán bộ Bảo tàng tỉnh đã lần tìm tới từng gia đình để khảo sát, sưu tầm tư liệu, hiện vật, phục vụ trưng bày chuyên đề “Đời sống thời bao cấp của nhân dân Thanh Hóa”. Bà Hoàng Thị Vân, Phó trưởng phòng phụ trách Sưu tầm, Bảo tàng tỉnh cho biết: “Đa phần người hiến tặng hiện vật là những người đã từng sống ở thời kỳ này, họ trải qua những khó khăn và mang trong mình nhiều hoài niệm về nó. Những món đồ như tem phiếu, sổ mua lương thực, thẻ xã viên, chiếc bát, cái chén, chiếc máy ảnh cũ, loa truyền thanh... tuy không có giá trị cao về kinh tế nhưng lại giàu giá trị về lịch sử và văn hóa, được họ trân trọng nâng niu, gìn giữ đến hôm nay.”
Tấm phiếu vải và cuốn sổ mua lương thực
Nói tới thời bao cấp, những người đã từng trải qua đều nghĩ đến những chiếc tem, phiếu hay cuốn sổ lương thực. Thời kỳ đó, mỗi cán bộ Nhà nước được cấp cuốn sổ để mua lương thực hàng tháng. Câu nói "trông như mất sổ gạo" xuất hiện trong thời kỳ này, bởi mất sổ gạo là điều vô cùng khủng khiếp.
Ngoài hiện vật được người dân hiến tặng, các cán bộ của Bảo tàng tỉnh đã tìm kiếm, sưu tầm, thu thập thêm những tài liệu, hình ảnh ghi lại đời sống lúc bấy giờ của người dân Thanh Hóa, sự xuất hiện những bức ảnh của một đám cưới, việc mọi người xếp hàng mua lương thực hay cảnh của rạp chiếu bóng xưa cũng làm cho công chúng thêm ngạc nhiên và bị hấp dẫn, lôi cuốn bởi câu chuyện cũ dù dòng chảy của thời gian đã đi qua mấy chục năm.
Phương tiện đi lại chủ yếu và cũng rất quý giá trong thời bao cấp là chiếc xe đạp
Những đồ đạc tiêu biểu ở một gia đình tương đối có điều kiện thời bao cấp
Trưng bày chuyên đề của Bảo tàng tỉnh Thanh Hóa nhằm tái hiện lại hình ảnh cuộc sống của một gia đình viên chức thời bao cấp với bộ bàn ghế tay cong, chiếc máy khâu con bướm, tủ chạn bát, quạt bàn, bộ đồ dùng tráng men, chiếc máy ảnh… Những món đồ này của gia đình giàu có và cũng là niềm mong ước của nhiều gia đình trong thời kỳ đó. Chúng như những dòng hồi ký được lật lại trong cuộc sống hôm nay, gợi nhớ, gợi thương về những năm tháng đất nước trước đổi mới, khiến những người đã đi qua thời kỳ ấy thêm nhớ, thêm thương những tháng ngày gian khó mà ắp đầy kỷ niệm, vui buồn cùng thời đại.
(Phòng Sưu tầm)