Thẻ cử tri năm 1945 - Hiện vật quý tại Bảo tàng Thanh Hóa

Cách mạng tháng Tám thành công, nước Việt Nam Dân chủ Cộng hòa ra đời. Không lâu sau đó, Chủ tịch Chính phủ lâm thời đã ký Sắc lệnh số 14-SL, ngày 08/9/1945 triệu tập Quốc dân Đại hội và một số sắc lệnh chuẩn bị cụ thể cho việc Tổng tuyển cử. Ngày Tổng tuyển cử đã được ấn định là ngày 23/12/1945(Sắc lệnh số 51-SL, ngày 17/10/1945), tuy nhiên để tạo điều kiện cho những người có nguyện vọng và đủ điều kiện tham gia ứng cử có đủ thời gian ứng cử và vận động tuyển cử, Hội đồng Chính phủ quyết định hoãn cuộc Tổng tuyển cử đến ngày 06/01/1946.

Với mỗi người dân Việt Nam, ngày 06/01/1946 là sự kiện có ý nghĩa vô cùng to lớn, ghi đậm dấu về một thời khắc lịch sử đặc biệt của dân tộc. Lần đầu tiên, người dân được cầm trên tay tấm thẻ cử tri, thể hiện quyền làm chủ của mình, được tham gia cuộc Tổng tuyển cử bầu Quốc hội khóa I. Cùng với nhân dân cả nước, ngày bầu cử Quốc hội diễn ra như một ngày hội lớn của nhân dân Thanh Hóa, mọi người dân đều được hưởng quyền lợi chính trị và thực hiện nghĩa vụ của mình; “96% tổng số cử tri trong toàn tỉnh đã đi bỏ phiếu, 14 đại biểu ở khu vực Thanh Hóa đã trúng cử vào Quốc hội. Cùng với việc bầu cử Quốc hội, nhân dân các dân tộc trong tỉnh tiến hành bầu cử HĐND tỉnh và xã”[1].Thắng lợi của cuộc Tổng tuyển cử đánh dấu bước trưởng thành của Nhà nước cách mạng Việt Nam, mở ra một thời kỳ mới, thời kỳ đất nước ta có một Quốc hội, một Chính phủ thống nhất, người dân Việt Nam từ thân phận nô lệ đã trở thành chủ nhân của một đất nước tự do, độc lập.

Tại Bảo tàng tỉnh Thanh Hóa hiện đang lưu giữ 02 thẻ cử tri năm 1945 của bà Bùi Thị Bích và bà Nguyễn Thị Tường. Số kiểm kê BTTH 2500/G: 233/2. Trải qua hơn 70 năm, những hiện vật này tuy không còn nguyên vẹn nhưng nội dung của mỗi hiện vật vẫn còn nguyên những giá trị lịch sử.

Nội dung của các Thẻ cử tri như sau:

- Thẻ cử tri thứ nhất gồm các dòng chữ: Việt Nam - Dân chủ - Cộng hòa/ Trung kỳ Thanh Hóa/ Số 302 (1)/ Tổng tuyển cử ngày 23 tháng 12 năm 1945 để bầu Đại biểu Quốc dân Đại hội/ Huyện hay thị xã: Tân Định, Lam Vỹ/ Làng hay khu phố: Thiệu Hóa/ Tên người đi bầu: Nguyễn Thị Tường/ Tuổi 42/ Đàn ông đàn bà: (bỏ trống)/ Nghề nghiệp: Làm ruộng/ Ngày 23 tháng 12 năm 1945/ Ủy ban Nhân Dân/ Đóng dấu và ký tên (Chỉ có chữ ký không có tên). Số (1) được chú thích: Đây là số thứ tự trong danh sách cử tri. Dòng Chú ý ghi: Thẻ này, sau ngày bầu cử có thể dùng làm thẻ tùy thân. Góc bên trái và bên phải đã cắt một góc, minh chứng cho việc bà Nguyễn Thị Tường đã đi bầu cử. Góc bên phải in chéo dòng chữ: “Lần đi bầu thứ hai”.

- Thẻ cử tri thứ hai gồm các dòng chữ:Việt Nam - Dân chủ - Cộng hòa/ Trung kỳ Thanh Hóa/ Số (1)/ Tổng tuyển cử ngày 23 tháng 12 năm 1945 để bầu Đại biểu Quốc dân Đại hội/ Huyện hay thị xã: Thạch Thành/ Làng hay khu phố: Ngọc Trạo/ Tên người đi bầu: Bùi Thị Bích/ Tuổi 18/ Đàn ông đàn bà: Đàn bà/ Nghề nghiệp Làm ruộng/ Ngày 20 tháng 12 năm 1945/ Ủy ban Nhân Dân/ Đóng dấu và ký tên: chủ tịch Tôn Viết Nghiệm. Số (1) được chú thích: Đây là số thứ tự trong danh sách cử tri. Dòng Chú ý ghi: Thẻ này, sau ngày bầu cử có thể dùng làm thẻ tùy thân. Góc bên trái đã cắt một góc, minh chứng việc bà Bùi Thị Bích đã đi bầu cử. Góc bên phải in chéo dòng chữ: “Lần đi bầu thứ hai”.

75 năm trôi qua (1946 - 2021), dấu ấn về cuộc Tổng tuyển cử đầu tiên vẫn còn vẹn nguyên trong các hình ảnh, tư liệu lịch sử và mỗi hiện vật bảo tàng. Những hiện vật quý trên đang được Bảo tàng tỉnh lưu giữ, bảo quản, trưng bày tuyên truyền, phục vụ đông đảo du khách, nhất là thế hệ trẻ, học sinh, sinh viên biết về sự kiện trọng đại của đất nước, không ngừng rèn luyện học tập góp phần xây dựng nước Việt Nam xã hội chủ nghĩa giàu mạnh. Trải qua các kỳ bầu cử Quốc hội và HĐND các cấp, Quốc hội ngày càng khẳng định được vai trò quan trọng của một cơ quan đại diện dân cử cao nhất, cơ quan quyền lực nhà nước cao nhất của nước Cộng hòa xã hội chủ nghĩa Việt Nam. 

Tài liệu tham khảo:
1.Sách Lịch sử Đảng bộ tỉnh Thanh Hóa 1930-1954, Nxb Thanh Hóa, năm 2010.
2. Sách 90 Năm Đảng bộ tỉnh Thanh Hoá (1930 – 2020) Những dấu ấn và thành tựu nổi bật, Nxb Thanh Hóa, năm 2020.
3. https://luutru.gov.vn/sac-lenh-so-14-nam-1945-ve-cuoc-tong-tuyen-cu-de-bau-quoc-dan-dai-hoi.htm
(Phòng Trưng bày – Tuyên truyền)