Công tác trưng bày - tuyên truyền của Bảo tàng tỉnh Thanh Hóa trước yêu cầu đổi mới nâng cao chất lượng
Ra đời từ năm 1983, đến nay hoạt động của Bảo tàng tỉnh Thanh Hóa khá ổn định được đông đảo công chúng biết đến. Trong những năm gần đây, được sự quan tâm của lãnh đạo Tỉnh, ngành Bảo tàng đã được đầu tư cải tạo, sửa chữa cơ sở vật chất, nâng cấp nội dung trưng bày. Đặc biệt năm 2010, Bảo tàng đã được UBND tỉnh phê duyệt Đề án “Sưu tầm, Bảo quản và chỉnh lý nội dung hình thức trưng bày Bảo tàng tỉnh Thanh Hóa, giai đoạn 2010 - 2020”. Bước sang năm thứ 8 thực hiện Đề án, các phòng trưng bày đã được tổ chức chỉnh lý, nâng cấp; công tác tuyên truyền, phát huy giá trị di sản văn hóa qua những hiện vật Bảo tàng cũng đạt được những kết quả nhất định.
Với nội dung trưng bày phong phú, đảm bảo tính khoa học, dễ hiểu; hệ thống âm thanh, ánh sáng, các trang thiết bị và hệ thống nghe nhìn mặc dù chưa hiện đại nhưng đã tạo được ấn tượng, sức hấp dẫn đối với khách tham quan. Trong những năm qua, Bảo tàng tỉnh đã trở thành địa chỉ tham quan học tập quen thuộc của học sinh, sinh viên, là nơi các em có thể tìm hiểu truyền thống lịch sử, văn hóa của ông cha, làm giàu thêm vốn kiến thức cho bản thân thông qua những tài liệu, hiện vật trưng bày. Để có được những buổi tham quan thú vị, tạo ấn tượng đối với khách tham quan, mỗi cán bộ thuyết minh bảo tàng luôn nêu cao tinh thần tự giác, nghiên cứu, tìm tòi học hỏi nâng cao chất lượng chuyên môn.
Ngoài việc chỉnh lý, nâng cấp nội dung, Bảo tàng thường xuyên bổ sung hiện vật cho các phòng trưng bày. Đặc biệt phần trưng bày ngoài trời với các sưu tập hiện vật thể khối lớn như: máy bay MIG 17, pháo cao xạ 100mm, súng thần công, máy cày Bác Hồ tặng Hợp tác xã Yên Trường (huyện Yên Định) và sưu tập hiện vật điêu khắc đá (thời Lê - Nguyễn)… sẽ mở rộng không gian trưng bày, tạo khung cảnh đẹp, ấn tượng cho khách tham quan ngay khi bước chân vào Bảo tàng.
Bên cạnh hệ thống trưng bày cố định, hàng năm Bảo tàng tổ chức từ 2 - 4 cuộc trưng bày lưu động phối hợp phục vụ các sự kiện chính trị hoặc các ngày lễ lớn của dân tộc, kết quả các cuộc trưng bày đều được công chúng đánh giá cao. Với chức năng gìn giữ, bảo quản và phát huy các giá trị di sản văn hóa của tỉnh, Bảo tàng đã phần nào đáp ứng nhu cầu của các đối tượng khách đến tham quan, nghiên cứu, học tập.
Về công tác tuyên truyền, Bảo tàng đã từng bước đa dạng hóa các hình thức tuyên truyền thu hút khách tham quan như: xây dựng trang website, tuyên truyền trên các phương tiện thông tin đại chúng, xây dựng chương trình phối hợp với các trường học...
Đối với công tác chỉ đạo truyền thống cơ sở, hàng năm phòng Trưng bày - Tuyên truyền đều xây dựng kế hoạch, triển khai công tác kiểm tra, chỉ đạo chuyên môn tại cơ sở; giúp các đơn vị xây dựng, chỉnh lý, nâng cấp phòng truyền thống... Trong đó, chú trọng chỉ đạo các bảo tàng, phòng truyền thống địa phương thực hiện tốt công tác giáo dục truyền thống, lịch sử tới đông đảo các tầng lớp nhân dân, đặc biệt là thế hệ trẻ.
Bên cạnh những kết quả đã đạt được, trong giai đoạn hiện nay trước xu thế phát triển chung của xã hội và yêu cầu hưởng thụ văn hóa ngày càng cao của công chúng đòi hỏi hoạt động của Bảo tàng tỉnh nói chung, công tác trưng bày - tuyên truyền nói riêng phải không ngừng đổi mới. Đây là việc làm thực sự cần thiết, trong đó tập trung vào các nhiệm vụ sau:
+ Công tác đào tạo nguồn nhân lực: Đây là yếu tố hết sức quan trọng, để tạo sức hút đối với công chúng bảo tàng cần quan tâm đào tạo nâng cao năng lực, trình độ chuyên môn, lý luận chính trị cho cán bộ, đặc biệt là cán bộ làm công tác trưng bày, thuyết minh tuyên truyền; Tạo điều kiện cho bộ phận Trưng bày - Tuyên truyền được tham gia các chương trình đào tạo, bồi dưỡng về chuyên môn nghiệp vụ do các cấp, ngành tổ chức; được tham gia học tập, trao đổi kinh nghiệm với các bảo tàng đầu ngành ...
+ Công tác trưng bày:
- Trưng bày cố định: Đây là hoạt động cần thiết không chỉ của riêng Bảo tàng tỉnh Thanh Hóa mà của tất cả các bảo tàng hiện nay. Do vậy, các phòng trưng bày thường xuyên, dài hạn cần được liên tục cập nhật, bổ sung thông tin, tài liệu hiện vật; chỉnh lý nâng cấp phương tiện, trang thiết bị để bắt nhịp với xu thế của bảo tàng hiện đại; ứng dụng tiến bộ kỹ thuật mới, nâng cao chất lượng phục vụ, tạo sự hứng thú cho người xem.
- Trưng bày chuyên đề, phối hợp: Trưng bày chuyên đề giữ vai trò rất quan trọng, là một trong những hoạt động then chốt của bảo tàng. Nếu như trưng bày thường xuyên chỉ có thể giới thiệu hoặc nêu vấn đề một cách chung chung, điểm xuyết thì trưng bày chuyên đề là dịp để bảo tàng có thể khai thác một khía cạnh chuyên sâu nào đó mà trưng bày thường xuyên không đáp ứng được. Để tạo được ấn tượng về sự đổi mới của bảo tàng đối với công chúng, thời gian tới, Bảo tàng tỉnh cần thường xuyên tổ chức các trưng bày chuyên đề. Việc tổ chức các trưng bày chuyên đề, phối hợp kết hợp đồng bộ giải pháp đổi mới nội dung, trang thiết bị, phương tiện, kỹ thuật trưng bày, ánh sáng, màu sắc... sẽ đáp ứng yêu cầu phục vụ nhiệm vụ chính trị, nhu cầu tham quan, nghiên cứu, học tập của các đối tượng khách tham quan.
- Trưng bày lưu động: Trong bối cảnh hiện nay, mặc dù khoa học công nghệ đã có những phát triển vượt bậc, tuy nhiên không phải ai cũng có điều kiện tiếp cận hay đến với bảo tàng, do đó bảo tàng cần tăng cường xây dựng, tổ chức các cuộc trưng bày lưu động tới các địa phương, trường học ở vùng sâu, vùng xa… để giới thiệu, phát huy giá trị của các bộ sưu tập hiện vật Bảo tàng đồng thời tuyên truyền, phát huy các giá trị di sản văn hóa trên địa bàn tỉnh.
+ Công tác tuyên truyền - giáo dục:
- Công tác tuyên truyền: Trong những năm gần đây, công tác thuyết minh - tuyên truyền của Bảo tàng tỉnh đã được công chúng ghi nhận, đánh giá cao bởi sự nhiệt tình, hòa nhã, kỹ năng giao tiếp tốt, thu hút và lượng kiến thức truyền tải khá phong phú của mỗi cán bộ thuyết minh; Bảo tàng tỉnh cũng đã xây dựng được trang Website - đây được xem là một trong những kênh tuyên truyền hữu ích trong xu thế phát triển không ngừng của công nghệ thông tin. Tuy nhiên, để tăng tính hấp dẫn đối với người truy cập, Bảo tàng cần đầu tư đổi mới giao diện trang Website; nâng cao chất lượng bài viết; nâng cấp trang thiết bị; tuyển dụng, đào tạo cán bộ chuyên trách về công nghệ thông tin... Ngoài ra, Bảo tàng cũng cần đa dạng hóa các hình thức tuyên truyền thông qua các ấn phẩm sách giới thiệu trưng bày, catalogue, các tờ rơi giới thiệu, các panô, áp phích, quảng cáo; thông qua các phương tiện truyền thông...
- Công tác giáo dục:
Đưa bảo tàng đến với trường học là xu hướng tiếp cận mới Bảo tàng cần hướng tới. Trong đó việc xây dựng các chương trình phối hợp giữa bảo tàng với nhà trường, đưa nội dung tham quan bảo tàng vào chương trình giáo dục ngoài nhà trường của ngành giáo dục... là những việc làm cần thiết. Về phía Bảo tàng, cần đa dạng hóa các hoạt động giáo dục, đó là các giờ học lịch sử, những chương trình khám phá, trải nghiệm, tương tác; tổ chức cho các em những trò chơi bổ ích sau những giờ tham quan, học tập căng thẳng... Để nâng cao chất lượng của các buổi tham quan, cán bộ thuyết minh phải xây dựng nội dung hấp dẫn, minh họa sinh động bằng những câu chuyện dễ hiểu, phù hợp với từng độ tuổi, qua đó kích thích tính tích cực, tư duy chủ động sáng tạo của học sinh, đưa các em đến gần hơn với bảo tàng.
+ Công tác marketing bảo tàng: Là vấn đề hết sức quan trọng, khâu yếu của Bảo tàng trong những năm qua. Cách xây dựng thương hiệu cho Bảo tàng tỉnh Thanh Hóa? Làm thế nào để khách tham quan đến với bảo tàng ngày càng đông? Làm sao để hiểu, nắm bắt được nhu cầu của công chúng? Các cách thu hút khách tham quan đến bảo tàng ?... Có nhiều câu hỏi được đặt ra, bài toán tìm câu trả lời đó là hoạt động/chiến lược marketing. Với các bảo tàng trung ương đây là vấn đề không mới nhưng với những bảo tàng địa phương, trong đó có Bảo tàng tỉnh Thanh Hóa đây lại là vấn đề mới, cần tiếp cận từng bước và có sự tham khảo, tư vấn của các chuyên gia. Làm tốt công tác marketing là một trong những yếu tố quan trọng không những khẳng định vị thế mà còn thúc đẩy Bảo tàng phát triển, đáp ứng yêu cầu, nhiệm vụ trong tình hình mới.
Từ những kết quả đạt được trong nhiều năm qua, với mong muốn, nỗ lực và khát khao đổi mới của tập thể cán bộ, viên chức - người lao động, trong thời gian tới Bảo tàng tỉnhThanh Hóa sẽ có những bước chuyển mình; trở thành địa điểm tham quan lý tưởng, bổ ích đối với công chúng, đáp ứng yêu cầu phát triển và hội nhập văn hóa sâu rộng trong giai đoạn hiện nay./.
Dương Thị Mỹ Dung
(TP Trưng bày - Tuyên truyền)
Nguồn:
Trích: Bảo tàng tỉnh, 2018, "Bảo tàng tỉnh Thanh Hóa 35 năm thành lập và phát triển (1983-2018)", Nxb Thanh Hóa.