Nhóm hiện vật Đền Sòng hiện đang lưu giữ tại Bảo tàng tỉnh Thanh Hóa

Đền Sòng Sơn, trước đây gọi là đền Sùng Trân thuộc địa giới làng Cổ Đam, xã Hà Dương, huyện Hà Trung, phủ Tống Sơn. Nay Đền Sòng Sơn thuộc phường Bắc Sơn, thị xã Bỉm Sơn, tỉnh Thanh Hóa. Đền Sòng được xây dựng thời Cảnh Hưng triều vua Lê Hiển Tông (1740 - 1786). Tương truyền là có một ông lão cầm chiếc gậy tre khô cắm xuống đất làng Cổ Đam mà khấn rằng: “nếu gậy tre này tươi tốt thì xây đền thờ Liễu Hạnh công chúa”. Quả nhiên lời huyền phán ấy trở nên màu nhiệm. Gậy tre trở nên xanh tươi, bén rễ, đâm chồi tỏa lá tốt tươi lạ thường. Người đời cho là điều lạ linh ứng, linh thiêng mới bảo nhau lập nên Đền Sòng trên mảnh đất ấy và lấy ngày 26/2 (âm lịch) hàng năm là ngày lễ chính diễn ra lễ hội. Đây chính là ngày hiển linh, hiển thánh của Thánh Mẫu Liễu Hạnh.

Đền Sòng ban đầu khi mới xây dựng còn đơn sơ bé nhỏ. Trải qua quá trình lịch sử lâu dài gắn với nhu cầu về sinh hoạt tín ngưỡng của người dân, Đền Sòng ngày càng được tu sửa khang trang hơn, đẹp hơn. Tháng 6/1998, được sự quan tâm của Sở Văn hóa Thông tin tỉnh Thanh Hóa, Uỷ Ban nhân dân thị xã Bỉm Sơn, Phòng Văn hóa Thông tin Thị xã và sự đóng góp ủng hộ của quần chúng nhân dân, Đền Sòng được trùng tu, tôn tạo khôi phục lại gần như hoàn toàn với vẻ đẹp uy trang, đường vệ và linh thiêng như lúc ban đầu vốn có. Trải qua thời gian, cùng với sự phong phú về huyền thoại Liễu Hạnh công chúa, Đền Sòng trở thành nơi linh thiêng, nơi sinh hoạt tín ngưỡng không thể thiếu của nhân dân Bỉm Sơn, tỉnh Thanh Hóa và du khách thập phương. Hiện nay, cùng với những chính sách, đường lối của Đảng và Nhà nước về việc xây dựng phát triển nền văn hóa Việt Nam tiên tiến, đậm đà bản sắc dân tộc thì giá trị tâm linh, giá trị lịch sử và giá trị văn hóa của Đền Sòng ngày càng được gìn giữ và phát huy mạnh mẽ.

Trải qua thời gian cũng như những biến cố thăng trầm  lịch sử, thời kỳ kháng chiến chống Pháp, đền bị phá bỏ, các hiện vật trước đây là đồ thờ cúng tại đền đã được Chi nhánh Ngân hàng thị xã Thanh Hoá lưu giữ. Ngày 01/10/1973 số hiện vật trên được bàn giao lại cho Bảo tàng tỉnh Thanh Hóa lưu giữ và phát huy giá trị từ đó đến nay.

Qua cách trang trí, cũng như chạm khắc chữ trên hiện vật cho thấy, đây có thể là của một gia đình, dòng họ giàu có trong xã hội đương thời đặt làm, cung tiến dâng cho Thánh Mẫu Liễu Hạnh. Các hiện vật được làm bằng bạc, có niên đại ở thế kỷ 19 gồm nhiều loại hình như: Kiếm, rùa đội hạc, lộc bình, thẻ bài, khánh, tách, ly, đĩa cau trầu, cối giã trầu, rổ, bát, hộp, hoa tai, vòng, dây tràng hạt, gương, lược, hộp đựng đồ trang sức… Với nghệ thuật chạm khắc công phu, tỉ mỉ, được tạo tác bởi những đôi bàn tay khéo léo, những sản phẩm làm ra có dáng thanh thoát, tinh xảo, đường ve nét chuốt chuẩn mực đến từng chi tiết nhỏ, thể hiện nghệ thuật sáng tạo và trí tưởng tượng phong phú của người nghệ nhân. Những kiểu dáng, họa tiết hoa văn, đề tài trang trí đa dạng như: Tứ linh (Long, ly, quy, phượng); Tứ quý (mai, sen, cúc, trúc) cách điệu... phản ảnh nghề chạm bạc thủ công truyền thống của nhân dân ta ở giai đoạn này.

Dưới đây xin giới thiệu nhóm hiện vật này qua những miêu tả cụ thể như sau:

1. Kiếm thờ: 02 hiện vật. Kiếm có vỏ được trang trí rất tinh xảo, trên vỏ chia làm 3 mảng trang trí hình “Long, Lân, Quy, Phụng”, bên hông có diềm. Lưỡi kiếm mảnh, hơi cong, vuốt nhọn ở đầu. Chắn tay uốn một bên nối liền với chuôi, khắc trang trí hình chim phượng. Chuôi cầm tạo hình đầu lân.

2. Rùa đội hạc: 02 hiện vật. Hạc đứng trên mai rùa, dáng cao, đầu có mào, mỏ cong; cổ cao chạm nổi 2 chữ Hán “Sòng Sơn”; cánh và đuôi cụp xuống; chân dài, có 4 ngón. Mắt, móng và lông hạc được mạ màu vàng. Rùa đầu ngẩng cao, mai khắc hoa văn hình lục lăng, chân rùa có 4 ngón, phần bụng khắc ô vuông. Mắt, móng rùa được mạ màu vàng.

3. Lộc Bình: 04 hiện vật. Thân đắp nổi 4 chữ Hán “Cung Tiến Sòng Sơn” được mạ màu vàng.

3. Lư hương: Nắp chạm nổi hình rồng ở chính giữa, xung quanh trang trí hoa văn cúc dây gồm 10 bông. Thân trang trí 6 cành hoa lá cúc đều nhau; đáy gắn 3 chân trang trí nổi hình lá cúc.

4. Thẻ bài: 04 hiện vật. Mỗi hiện vật có những họa tiết trang trí khác nhau như lưỡng long chầu nguyệt, hình hoa lá cách điệu, có thẻ khắc 2 chữ Hán “Cung Tiến”.

5. Khánh: 2 mặt chạm nổi hình rồng, phượng.

6. Đĩa cau, trầu: Gồm có đĩa, 03 lá trầu, 03 quả cau. Vành đĩa trang trí 4 cụm hoa lá đối xứng nhau trên nền hoa văn hoa 6 cánh xen kẽ, lòng đĩa trang trí vành hoa lá cúc, chính giữa là hình tròn chia đều 4 mảng trang trí các đường thẳng song song. Lá trầu hình tim, có cuống nhỏ, mặt lá có các đường gân nổi. Chùm cau có 3 quả, 2 quả có tua dài, 1 quả phía dưới bị mất tua.

7. Ly rượu: 04 hiện vật. Thân trang trí cành hoa đào, một số bông hoa được mạ màu vàng.

8. Bình rượu: Bình dáng cao, có nắp. Nắp tròn có núm cầm hình cầu tạo múi nhỏ. Miệng loe vuốt nhọn về 1 đầu tạo hình giọt nước. Thành miệng trang trí nổi hình 3 con dơi. Cổ cao hình trụ, vai xuôi, thân phình thu về đáy, đáy bằng. Quai cầm hình con rắn gắn từ thân lên đến miệng tạo thành dấu hỏi. Thân trang trí nổi hình rồng và chữ “Thọ” ở giữa.

9. Tách: 05 hiện vật. Bên ngoài thân trang trí nổi hình cây hoa huệ, hoa cúc, hai con chim và người đang chèo thuyền có cắm lá cờ phiến, quai hình đốt trúc.

10. Đĩa: 04 hiện vật. Giữa lòng đĩa trang trí chữ Thọ cách điệu, vành hoa văn chữ X; bên ngoài trang trí “Long, Ly, Quy, Phụng”, hoa văn hoa 6 cánh xen kẽ nhau. Đáy khắc 2 chữ Hán “Sùng Sơn”.

11. Bát: 03 hiện vật. 02 cái thân trang trí nổi hình “Lưỡng long chầu nhật”, hoa văn trám vuông. Đáy có 2 chữ Hán “Sòng Sơn”. 01 cái thân trang trí nổi hình 2 con rồng trên mây, đáy bát có 2 chữ Hán nhỏ “Vạn Toàn”.

12. Hộp đựng đồ trang sức: 07 hiện vật. Hộp hình vuông, hình tròn, hình lục lăng và hình chữ nhật với kỹ thuật trang trí chạm nổi tinh xảo và tỉ mỉ nhiều họa tiết hoa văn và đề tài phong phú như: hoa văn các vị tiên, hình cây hoa hồng, hoa đào, cây trúc, hồi văn vuông, hoa cúc, hoa đồng tiền, hoa hồng, hoa sen, hoa mẫu đơn, hoa 6 cánh, hình học …

13. Hộp hình rổ có nắp: 03 hiện vật. Hộp gồm 2 phần nắp và thân. Nắp hơi vồm, chính giữa gắn núm hình bông hoa có 4 lò xo nhỏ gắn con bướm, xung quanh chạm nổi hình “Long, Ly, Quy, Phượng” và vành hoa văn hoa lá xen kẽ văn ô vuông; vành nắp bằng, khắc hoa văn hình tam giác, bên trong có vạch chéo song song. Phần thân sát miệng chạm nổi 4 mảng đề tài hoa cúc, hoa đào, hoa sen, mẫu đơn trong khuôn hình đầu lá đề; xen kẽ là 4 đầu lá đề nhỏ, bên trong trang trí cách điệu. Đáy cong, trổ thủng các ô vuông cách đều nhau, trang trí hoạ tiết hoa chanh xen kẽ.

14. Ống đựng vôi: 02 hiện vật. Hiện vật gồm 2 phần thân và nắp rời (nắp có dây nối với que lấy vôi) trang trí rất tinh xảo và tỉ mỉ. Thân hình trụ lục lăng dài, đáy bằng rộng hơn thân, tạo rãnh để đậy khít nắp. Phần nắp đậy phủ xuống đáy hộp. Bên ngoài nắp trang trí nổi cành hoa ở mỗi cạnh, phía trên và dưới giới hạn bởi vành hoa 6 cánh. Đỉnh nắp gồm 5 tầng cánh hoa thu nhỏ dần tạo hình nón, phía trên có gắn đoạn dây xích trang trí cách điệu nối với que lấy vôi hình thanh kiếm trang trí hoa, bướm trên chuôi cầm.

15. Cối giã trầu: Hiện vật dáng giống chiếc chén, thân gần hình trụ, hơi cong thu về đế, thân khắc 2 chữ Hán “Tiến Cúng”.

16. Đôi hoa tai. Hoa tai dạng móc, ở chính giữa gắn viên đá màu trắng, phía dưới móc gắn 1 vòng tua rua với 7 viên đá nhỏ các màu. Xen kẽ mỗi viên đá gắn 1 tua dẹt dài (7 tua). Bên trong là 1 tua mảnh có gắn viên đá màu đỏ.

17. Dây tràng hạt: 03 hiện vật. Trong đó, 02 dây mỗi dây gồm 108 hạt tròn nhỏ được xâu bằng dây xích mảnh, có móc hình tròn khắc chữ “Cát”. Mỗi hạt khắc chữ Hán được xâu xen kẽ hạt khắc hình hoa sen. 01 dây gồm 151 hạt tròn nhỏ, trơn, màu bạc, được xâu lại với nhau thành một chuỗi.

18. Vòng tay: Gồm 04 hiện vật. Vòng tay được làm bằng thủy tinh, hình tròn, màu xanh lá.

19. Đôi hài: Phần mũi nhô cao tạo hình đầu phượng, phần dưới cổ gắn lò xo liền với bông hoa có viên đá trắng ở giữa (một chiếc hài bị mất bông hoa); thân hài trang trí hoạ tiết hoa lá; bên hông mỗi chiếc gắn 1 cánh phượng mảnh; lòng hài khắc trang trí hoa văn vân mây.

20. Gương: Gương dạng khung ảnh hình chữ nhật ngang, 4 góc bo kim loại trang trí hình con dơi và hoạ tiết lá cách điệu, tay cầm hình dẻ quạt, bên trong gắn hoạ tiết trang trí hình con dơi.

21. Lược: Lược được làm bằng ngà viền bạc, sống lược cong, trang trí hoạ tiết hình bông hoa.

Từ các hiện vật trên cho thấy kỹ thuật chạm khắc bạc truyền thống thời kỳ này đạt đến trình độ kỹ thuật cao, với đôi bàn tay khéo léo, trí tưởng tượng sáng tạo và phong phú cùng tấm lòng thành kính dâng lên mẫu mẹ, các nghệ nhân đã gửi gắm trong từng hiện vật, tạo nên những sản phẩm hoàn hảo với đề tài trang trí cây cỏ, hoa lá và các linh vật… Thể hiện giá trị nghệ thuật của nghề chạm khắc bạc truyền thống Thanh Hóa và tín ngưỡng thờ mẫu của của cư dân nông nghiệp trồng lúa nước, với mong muốn vạn vật sinh sôi nảy nở, mưa thuận gió hòa, cuộc sống bình an…

Hiện nay bộ sưu tập hiện vật trên đang được Bảo tàng Thanh Hóa bảo quản và lưu giữ. Trong thời gian tới phòng Kiểm kê -  Bảo quản sẽ tiếp tục nghiên cứu, bổ sung thông tin hồ sơ khoa học hiện vật phục vụ công tác nghiên cứu, trưng bày phát huy giá trị.

Trương Thị Lan
(PTP Kiểm kê - Bảo quản)
Nguồn: 
Trích: Bảo tàng tỉnh, 2018, "Bảo tàng tỉnh Thanh Hóa 35 năm thành lập và phát triển (1983-2018)", Nxb Thanh Hóa.