Vài nét về thuế thân qua sưu tập thẻ thuế thân trưng bày tại phòng "Truyền thống yêu nước và cách mạng Thanh Hóa, giai đoạn 1858-1945"

Thuế thân hay còn được gọi là thuế đinh, thuế đầu người hay sưu là một trong nhiều thứ thuế của chế độ phong kiến và quân chủ. Đây là sắc thuế tiêu biểu trong các sắc thuế khoán. Thuế thân căn cứ vào cư dân địa phương, mỗi dân đinh đều phải nộp. Ngoài thuế thân đóng bằng hiện vật hay bằng tiền, còn có sưu dịch là loại thuế thân phải đóng bằng sức lao động.

Theo nhiều tài liệu nghiên cứu cho thấy, ngay từ thời phong kiến, dưới chế độ quân chủ chuyên chế đã hình thành nhiều loại thuế để làm nguồn thu bổ sung cho ngân quỹ nhà nước. Tuy vậy đến thời Trần, việc đánh thuế (trong đó có thuế thân) mới được hình thành một cách có tổ chức và hệ thống. Thuế thân chủ yếu lấy ruộng làm căn cứ để thu thuế, lệ định theo từng vùng và có chính sách giảm thuế nếu như thiên tai, lũ lụt, mất mùa…

Bộ sưu tập hiện vật thẻ thuế thân hiện đang trưng bày tại phòng “Truyền thống yêu nước và cách mạng Thanh Hóa, giai đoạn 1858 - 1945” gồm 09 hiện vật thuộc loại thuế thân tráng đinh (06 thẻ loại 2 đồng 5 hào; 02 loại 1 đồng 5 hào và 01 loại 2 đồng 6 hào 5 xu), nằm trong giai đoạn người Pháp áp dụng thuế thân ở Việt Nam cho đến năm 1945.

 

TT
Tên gọi
Ký hiệu KK
Miêu tả
1
Thẻ thuế thân
BTTH 1502/G: 1
Giấy màu hồng; chữ in bằng tiếng Pháp + chữ Hán: màu đen; chữ viết tay: màu tím.
Nội dung: Thuế thân tráng đinh loại 2 đồng 5 hào
Đại Pháp bảo hộ Trung kỳ . Năm Bảo Đại thứ 11
Hạn từ tháng 7 năm 1936 đến tháng 6 năm 1937
Tỉnh Thanh Hoá - phủ Thọ, Xuân Tổng Kim Thanh, Xã thôn An Trú.
Họ tên Vũ Trọng Lư - 50 tuổi
Nghề nghiệp: Làm ruộng
2
Thẻ thuế thân
BTTH 1503/G: 2
Giấy màu hồng, chữ in bằng tiếng Pháp + chữ Hán.
Nội dung: Thuế thân tráng đinh loại 1 đồng 5 hào.
Đại Pháp bảo hộ Trung kỳ. Hạn từ năm 1943 đến năm 1944
Tỉnh Thanh Hoá, Phủ Hoàng Hoá.
Họ tên: (bị mờ)
Nghề nghiệp: (bị mờ).
3
Thẻ thuế thân
BTTH 1504/S: 3
Giấy màu hồng, in bằng tiếng Pháp, chữ Hán.
Nội dung: Thuế thân tráng đinh loại 2 đồng 6 hào 5 xu. Năm 1931 đến 1932
Tỉnh Thanh Hoá, Phủ Quảng Hoá, Tổng Bồng Thượng, Thôn Bồng Trung.
Họ tên: Tổng Duy Hinh, 41 tuổi
Nghề nghiệp: Thương
(Mặt sau có dấu triện).
4
Thẻ thuế thân
BTTH 1507/G: 4
Giấy cứng, màu hồng, mẫu in sẵn chữ Pháp và chữ Hán; chữ viết tay bằng mực tím.
Nội dung: Thuế thân tráng đinh loại 2 đồng 5 hào của Lê Văn Trơng - Làm ruộng
Hạn từ tháng 1 năm 1933 đến 30 tháng 2 năm 1934.
Tỉnh Thanh Hoá, Phủ Thiệu Hoá, Tổng Phu Chẩn, Xã Yên Lộ.
Mặt trước có dấu; mặt sau có triện.
5
Thẻ thuế thân
BTTH 1508/G: 5
Giấy màu hồng, chữ in tiếng Pháp.
Nội dung: Thuế thân tráng đinh loại 2 đồng 5 hào
Từ tháng 1 năm 1938 đến 30 tháng 2 năm 1939.
Tỉnh Thanh Hoá, Phủ Hà Trung, Tổng Đông Yên, Thôn: Yên Thôn
(Có đóng dấu triện).
6
Thẻ thuế thân
BTTH 1509/G: 6
Giấy cứng, màu hồng; mẫu in sẵn bằng chữ Pháp, chữ Hán; viết tay bằng mực xanh.
Nội dung: Đại Pháp bảo hộ Trung kỳ
Bảo Đại năm thứ 12
Hạn từ tháng 7 năm 1937 đến cuối tháng 6 năm 1938.
Tỉnh Thanh Hoá, Phủ Thọ Xuân,
Tổng Thạch Kiên Xã, thôn Chú Quần.
Thuế thân tráng đinh hạng 2 đồng 5 hào của Hoàng Văn Hào - 50 tuổi - Làm ruộng.
Mặt trước có dấu, mặt sau có triện.
Cũ, nhàu, mối xông mất một số chữ.
7
Thẻ thuế thân
BTTH 1510/G: 7
Giấy màu hồng, mẫu in bằng chữ Pháp và chữ Hán
Nội dung: Thuế thân tráng đinh loại 1 đồng 5 hào
Từ ngày 1 tháng 1 năm 1943 đến 30 tháng 2 năm 1944.
Tỉnh Thanh Hoá, Phủ Hà Trung
Họ và tên: Hoàng Văn Cớt, 25 tuổi.
Nghề nghiệp: Làm ruộng
Có dấu triện: Phủ Hà Trung
Chữ viết: Hoàng Vinh
8
 
Thẻ thuế thân
BTTH 1511/G: 8
Giấy màu hồng, in tiếng Pháp, chữ Hán, chữ viết tay mực tím.
Nội dung: Thuế thân tráng đinh loại 2 đồng 5 hào
Từ năm 1936 đến năm 1937 (1/1936 - 30/12/1937)
Tỉnh Thanh Hoá, Tổng Bái Trạch, thôn Hoá Lộc, nay là Hoằng Châu
Họ tên: Lê Văn Húc 33 tuổi
Nghề nghiệp: Nông
(Có dấu triện: Bái Trạch - Hoằng Hoá, bị mờ.)
9
Thẻ thuế thân
BTTH 1512/G: 9
Giấy cứng màu xanh, mẫu in bằng chữ Pháp và chữ Hán, viết tay mực tím.
Nội dung: Thuế thân tráng đinh loại 2 đồng 5 hào.
hạn từ 1/1/1938 - 30/2/1939.
Tỉnh Thanh Hoá, Phủ Hà Trung
Họ tên: Hoàng Bá Liêu, 58 tuổi
Nghề nghiệp: Làm ruộng
(mặt sau có dấu triện phủ Hà Trung)

Thuế thân dưới thời Pháp thuộc đánh vào các suất đinh, là đàn ông từ 18 đến 60 tuổi, trừ những người làm trong bộ máy chính quyền và một số trường hợp được miễn khác. Ở Nam Kỳ theo Quyết định ngày 11 tháng 11 năm 1880 của Hội đồng thuộc địa ấn định thuế thân là 3 phật lăng cho một người đàn ông khỏe mạnh và vẫn để cho các chức phân phối cho dân trong làng tùy theo khả năng của họ, nhưng nhà cầm quyền đã ban hành những biện pháp trừng phạt gắt gao các làng khai man số dân đinh, đã bắt khai hằng năm để tiến dần đến thuế thân và thuế động sản thực thụ thay cho thuế đinh xưa kia”. Từ năm 1884 đóng thuế thân được cấp biên lai, tục gọi là thẻ thuế thân.

Ngày 2 tháng 6 năm 1897, Toàn quyền Đông Dương Paul Doumer ra Nghị định về chính sách thuế thân đối với người dân ở Bắc Kỳ. Nội dung như sau: thuế thân đánh vào người từ 18 tuổi đến 60 tuổi. Tất cả những ai trong diện đóng thuế thân đều phải có thẻ thuế thân. Trên thẻ có chữ ký hoặc điểm chỉ, có dấu triện của Lý trưởng. Mỗi năm thay thẻ một lần, màu sắc thẻ cũng phải thay đổi hàng năm. Đi đâu cũng phải mang thẻ. Trường hợp không mang thẻ mà bị cảnh sát bắt giữ thì phải nộp tiền để lấy thẻ mới. Nếu dùng thẻ của người khác phải nộp phạt và người cho mượn thẻ cũng bị phạt. Đầu thế kỷ XX, vì muốn tăng nguồn lợi thuộc địa, thực dân Pháp tiếp tục bỏ hết các trường hợp miễn thuế nhằm thu hẹp hơn nữa những đối tượng được miễn thuế.

Trước kia, thuế thân chỉ đánh vào nội đinh, tức là người có ít nhiều tài sản, có khả năng đóng thuế, được chia ruộng đất công, được tham gia một số danh vị, chức vụ và có tên trong sổ hộ tịch của làng. Việc thu thuế dựa vào sổ đinh của làng xã để thu. Thuế thân đã tạo thêm cho nhà nước thực dân nguồn thu rất lớn, nhưng đối với dân nghèo, mỗi khi đến vụ thuế (tháng 5 âm lịch) xóm làng lại xôn xao, nhiều người không có tiền đóng thuế đã bị kìm kẹp, gông cùm phải bỏ quê hương để trốn thuế.

Từ năm 1897, toàn quyền Đông Dương đã nhiều lần cho điều chỉnh lại theo 4 hạng điền, 6 hạng thổ (đất) phân biệt theo mục đích sử dụng đất. Việc phân định lại hạng ruộng đất nhằm phục vụ lợi ích của thực dân và chính quyền phong kiến. Vì vậy, dẫu mức thuế điều chỉnh lại bằng hay cao hơn cũ thì thuế người dân phải nộp thực tế tăng lên, có khi đến 2-3 lần. Về nguyên tắc, thuế lao dịch đã chuyển thành tiền (gắn với thuế thân hoặc nộp ngân sách tỉnh, xã) để sử dụng vào việc xây dựng, tu bổ đường sá, đê điều... Nhưng trên thực tế, khi cần làm đường hoặc đắp đê, Chính quyền thực dân vẫn huy động nhân lực một cách tuỳ tiện, kể cả trong những ngày mùa cày cấy, thu hoạch nông nghiệp.

“Sưu cao, thuế nặng” khiến cho nông dân Việt Nam lâm vào cảnh điêu đứng, bần cùng. Ngoài thuế thân, thuế ruộng đất chính ngạch, thực dân và phong kiến còn đặt ra nhiều loại thuế khác mà người nông dân khó trốn được như tô cước, tô trâu, biếu xén, lễ lạt . . .

Đối với thực dân Pháp, thuế khoá là mục tiêu cao nhất trong chính sách vơ vét thuộc địa, đó là chưa kể những đợt lạc quyên, phát hành công trái cùng với nạn phụ thu, lạm bổ mà cả bộ máy quan lại thuộc địa, từ toàn quyền Đông Dương cho tới bọn tổng lý, kỳ hào làng xã luôn luôn tìm cách trút lên đầu người dân. Mọi gánh nặng về sưu thuế đã làm cho đời sống của nhân dân, đặc biệt là nông dân thêm cùng khổ, túng bấn.

Có thể thấy, trước Cách mạng tháng Tám năm 1945 cùng với những chính sách cai trị hà khắc của chính quyền thực dân, các loại thuế trong đó có thuế thân (thuế đinh) đã đẩy người nông dân Việt Nam lâm vào cảnh bần cùng hóa, nhưng chính nó đã tạo tiền đề quan trọng để cuộc Tổng khởi nghĩa năm 1945 diễn ra và giành thắng lợi, chấm dứt gần 100 năm tồn tại của chính quyền thực dân Pháp. Sau khi Cách mạng tháng Tám năm 1945 thành công, trong Sắc lệnh số 11, ngày 7/9/1945, Chính phủ đã nêu rõ “bãi bỏ thuế thân là một thứ thuế vô lý, trái ngược với tinh thần của chỉnh thể Dân chủ, cộng hòa”.

Ths. Phạm Thị Mùi
(Phòng Trưng bày - Tuyên truyền)
Tài liệu tham khảo:
1. Đào Duy Anh, Việt Nam Văn hóa sử cương, NXB Văn hoá thông tin, 2006, tr. 90.
2. Lịch sử Việt Nam tập II. Nxb Giáo dục.
Nguồn: 
Trích: Bảo tàng tỉnh, 2018, "Bảo tàng tỉnh Thanh Hóa 35 năm thành lập và phát triển (1983-2018)", Nxb Thanh Hóa.