Nâng cao hiệu quả công tác tuyên truyền giáo dục tại Bảo tàng tỉnh Thanh Hóa

Theo ICOM (Hội đồng Bảo tàng Quốc tế thuộc UNESCO) “Bảo tàng là một thiết chế phi vụ lợi, hoạt động lâu dài phục vụ cho xã hội và sự phát triển của xã hội, mở cửa đón công chúng đến xem, có chức năng sưu tầm, bảo quản, nghiên cứu, tuyên truyền và trưng bày các bằng chứng vật chất về con người và môi trường sống của con người, vì mục đích nghiên cứu, giáo dục và thưởng thức.”

Công tác tuyên truyền, giáo dục tại Bảo tàng tỉnh Thanh Hóa là một hoạt động quan trọng góp phần phát huy những giá trị di sản, kiến thức về lịch sử, văn hóa, xã hội của tỉnh đến đông đảo công chúng trong, ngoài nước. Để nâng cao hiệu quả công tác tuyên truyền giáo dục trong giai đoạn hiện nay Bảo tàng cần nghiên cứu, đề ra các giải pháp hữu hiệu, nhằm từng bước đáp ứng yêu cầu, nhiệm vụ trong thời kỳ mới.

I. Thực trạng công tác tuyên truyền, giáo dục tại Bảo tàng hiện nay

1. Nguồn nhân lực tham gia công tác tuyên truyền, giáo dục

Để đáp ứng nhu cầu tham quan của đông đảo công chúng, trong những năm qua Bảo tàng đặc biệt quan tâm đến chất lượng công tác tuyên truyền, giáo dục, trong đó chất lượng nguồn nhân lực luôn được quan tâm. Hiện nay, phòng Trưng bày - Tuyên truyền của Bảo tàng có 08 cán bộ làm cả 02 khâu công tác trưng bày và tuyên truyền (chưa tách bộ phận).

100% cán bộ có trình độ đại học và trên đại học. Trong những năm qua, đội ngũ làm công tác thuyết minh, tuyên truyền luôn nêu cao tinh thần tự giác học hỏi nghiên cứu nâng cao trình độ chuyên môn nghiệp vụ, lý luận chính trị, kỹ năng giao tiếp.

Để có đội ngũ thuyết minh viên chuyên nghiệp, hàng năm lãnh đạo đơn vị luôn quan tâm, tạo điều kiện cho cán bộ được tham gia các lớp tập huấn nghiệp vụ, hướng dẫn do Cục Di sản, Sở VH,TT&DL tổ chức.

2. Hoạt động tuyên truyền, giáo dục

Công tác tuyên truyền, giáo dục là chiếc cầu nối Bảo tàng với công chúng; hướng dẫn tham quan là nhiệm vụ hết sức quan trọng giúp người xem hiểu được nội dung trưng bày bảo tàng, từ đó khơi dậy niềm tự hào, ý thức trân trọng và giữ gìn bản sắc văn hoá, lịch sử dân tộc. Bảo tàng tỉnh Thanh Hóa là một Bảo tàng khảo cứu địa phương, nơi sưu tầm, lưu giữ và trưng bày tuyên truyền về các di sản văn hóa, lịch sử - xã hội của tỉnh, trong nhiều năm qua các thế hệ lãnh đạo Bảo tàng đã rất trăn trở trong việc làm thế nào để ngày càng thu hút khách tham quan đến với Bảo tàng. Được sự quan tâm của các cấp lãnh đạo, từ năm 2010 Bảo tàng được phê duyệt Đề án “Sưu tầm, bảo quản, nâng cao nội dung, hình thức trưng bày bảo tàng giai đoạn 2010 – 2020”, thực hiện Đề án Bảo tàng đã nâng cấp chỉnh lý nội dung, hình thức được 07 phòng trưng bày, các phòng trưng bày sau khi được nâng cấp, cơ sở trang thiết bị, phương tiện trưng bày được thay thế và đóng mới kết hợp giải pháp trưng bày hiện đại, cán bộ hướng dẫn thuyết minh thay đổi phương pháp… đáp ứng phần nào nhu cầu khách tham quan, khách tham quan ngày càng tìm đến với Bảo tàng. Hiện nay, bảo tàng mở cửa phục vụ khách tham quan tất cả các ngày trong tuần, bắt đầu buổi sáng từ 7h30 - 11h30 và buổi chiều từ 13h30 - 16h30.

Để công tác tuyên truyền, giáo dục đạt hiệu quả cao, đòi hỏi mỗi cán bộ làm công tác thuyết minh tuyên truyền phải nắm bắt độ tuổi, tâm lý, trình độ nhận thức của từng đối tượng khách để lựa chọn cách thuyết minh phù hợp. Trong quá trình hướng dẫn tham quan tại bảo tàng, cán bộ thuyết minh có thể vận dụng những phương pháp hướng dẫn khác nhau như tái hiện, kể chuyện, đặt ra những câu hỏi mang tính gợi mở, tạo không khí gần gũi để khách tham quan có thể tương tác, tránh hình thức chuyển tải thông tin một chiều.

Bảo tàng tỉnh Thanh Hóa có 07 phòng trưng bày, 04 phòng nội dung giới thiệu xuyên suốt tiến trình lịch sử của tỉnh Thanh Hóa từ thời Tiền sử cho đến Đại thắng mùa Xuân năm 1975 và 03 phòng trưng bày chuyên đề. Đây là nội dung giáo dục kiến thức lịch sử hết sức bổ ích với các đối tượng học sinh tiểu học, trung học cơ sở, phổ thông trung học, sinh viên trên địa bàn tỉnh; khách tham quan du lịch, các nhà nghiên cứu…có thể tìm hiểu kiến thức về lịch sử, văn hóa xứ Thanh thông qua những sưu tập tài liệu, hiện vật tại bảo tàng.

Hàng năm ngoài việc tổ chức phục vụ khách tham quan tại đơn vị, Bảo tàng còn tham gia các cuộc trưng bày lưu động phối hợp, phục vụ các nhiệm vụ chính trị và đông đảo nhân dân.

Song song với việc tổ chức hướng dẫn khách tham quan trưng bày, phòng Trưng bày tuyên truyền đang hướng tới đa dạng hóa các hình thức tuyên truyền, giáo dục như: phối hợp với đoàn viên thanh niên ở các phòng chuyên môn, tổ chức các hoạt động tương tác trải nghiệm, các hoạt động cho học sinh sau khi tham quan trưng bày để tạo cho các em sự hứng khởi, vui vẻ. 

Ra đời từ năm 2015, trang thông tin điện tử (website) của Bảo tàng đã trở thành kênh tuyên truyền thu hút khá đông số lượt khách truy cập. Bên cạnh đó Bảo tàng phối hợp với các cơ quan báo chí, truyền thông tăng cường quảng bá giới thiệu về bảo tàng, các hoạt động bảo tồn, phát huy giá trị di sản văn hóa của địa phương thông qua những bài viết, clip, phóng sự tài liệu...

Thông qua các hoạt động giáo dục, truyền thông, Bảo tàng tỉnh đã và đang từng bước khẳng định hình ảnh của chính mình để công chúng biết nhiều hơn, đến gần với những giá trị di sản văn hóa của cha ông.

II. Giải pháp nâng cao hiệu quả công tác tuyên truyền, giáo dục

Tuyên truyền, giáo dục là chức năng cơ bản và quan trọng của bảo tàng. Để thực hiện tốt công tác này, đòi hỏi nguồn nhân lực của bảo tàng, các hoạt động giáo dục, tuyên truyền phục vụ khách tham quan phải không ngừng nâng cao chất lượng, đa dạng hóa các hình thức hoạt động... Trong đó hướng tới các giải pháp quan trọng sau:

1. Hoàn thiện nội dung trưng bày bảo tàng

Hoạt động giáo dục của bảo tàng phải dựa trên cơ sở hệ thống trưng bày hiện vật của bảo tàng. Hiện nay, Bảo tàng tỉnh Thanh Hóa chưa hoàn thiện đầy đủ nội dung các giai đoạn lịch sử trong hệ thống trưng bày, ảnh hưởng rất lớn đến sự thu hút công chúng, khách tham quan. Do đó, trong thời gian tới Bảo tàng cần chú trọng làm mới nội dung trưng bày; tăng cường quảng bá, khẳng định vị trí, hình ảnh, hoạt động thông qua các cuộc trưng bày thường xuyên và trưng bày chuyên đề.

Để thu hút được khách tham quan thì nhiệm vụ đặt ra đối với Bảo tàng tỉnh Thanh Hóa là phải có một thương hiệu đủ sức hấp dẫn. Điều này đồng nghĩa với việc Bảo tàng phải nâng cao chất lượng hoạt động nghiệp vụ tại các phòng chuyên môn của bảo tàng như: nghiên cứu, sưu tầm, kiểm kê, bảo quản, trưng bày, tuyên truyền một cách đồng bộ. Công tác đào tạo, bồi dưỡng nghiệp vụ, nâng cao chất lượng nguồn nhân lực của bảo tàng phải luôn được đặt lên hàng đầu. Bảo tàng phải có chiến lược về đào tạo, kế hoạch ngắn hạn, dài hạn để thực hiện cho từng năm, tùy thuộc mục đích, khả năng, vị trí từng công việc cụ thể.

2. Đổi mới hoạt động hướng dẫn tham quan

Trong các hoạt động giáo dục của bảo tàng nói chung, Bảo tàng tỉnh Thanh Hóa nói riêng, hướng dẫn tham quan vẫn là hình thức giáo dục quan trọng mang tính truyền thống, mang lại hiệu quả cao. Tuy nhiên, việc giáo dục dưới hình thức những bài thuyết minh được chuẩn bị sẵn sẽ kém hấp dẫn, không còn hiệu quả như mong muốn. Để công việc này đem lại hiệu quả thực sự, đòi hỏi cán bộ làm công tác thuyết minh, hướng dẫn tham quan tại bảo tàng phải tự đổi mới, tìm tòi, sáng tạo trên cơ sở khuyến khích sự tương tác, đối thoại với công chúng, khách tham quan.

Mặt khác, để hội nhập và phát triển, Bảo tàng tỉnh Thanh Hóa đang từng bước đưa ứng dụng khoa học công nghệ vào công tác thuyết minh, giảm dần công tác tuyên truyền từ phía thuyết minh viên, tăng dần tự tham quan khám phá của công chúng bằng việc ứng dụng khoa học công nghệ. Trong thời gian tới, Bảo tàng nghiên cứu xây dựng hồ sơ từng hiện vật một cách khoa học, gắn lý luận với thực tiễn một cách sâu sắc, được dịch ra nhiều thứ tiếng khác nhau để khách tham quan có thể tìm hiểu hiện vật bằng cách tự bấm vào máy nghe mà không ảnh hưởng đến người xung quanh.

3. Xây dựng các chương trình giáo dục phù hợp

Khách tham quan đến với bảo tàng rất đa dạng, nhiều lứa tuổi, nghề nghiệp, mục đích khác nhau. Vì vậy, việc xây dựng các chương trình giáo dục tại bảo tàng phù hợp cho các đối tượng khách tham quan là cần thiết. Ví dụ: khi xây dựng các chương trình giáo dục cho giới trẻ, đặc biệt là học sinh các cấp học, sinh viên cần tạo điều kiện cho các em tự tìm hiểu khám phá kiến thức thông qua giáo cụ trực quan nhằm bổ trợ thêm những kiến thức còn thiếu trong nhà trường qua những hình ảnh, hiện vật trưng bày tại Bảo tàng.

4. Đa dạng hóa các hoạt động giáo dục

Bên cạnh các hoạt động giáo dục mang tính truyền thống, Bảo tàng đang nghiên cứu giải pháp tổ chức đa dạng các hoạt động giáo dục như: tổ chức các buổi tọa đàm, thuyết trình, nói chuyện liên quan đến các chủ đề trưng bày của bảo tàng; tổ chức tái hiện các hoạt động lễ hội truyền thống; tổ chức các buổi chiếu phim tư liệu về các đề tài lịch sử, văn hóa, các sự kiện quan trọng của tỉnh... Bên cạnh đó, việc nghiên cứu xây dựng phòng khám phá, bảo tàng ảo nhằm góp phần thỏa mãn sự tò mò, sáng tạo cho khách tham quan cũng là điều cần thiết, phù hợp xu thế phát triển chung.

5. Tăng cường tuyên truyền, quảng bá hình ảnh bảo tàng

Bảo tàng cần thông qua các cơ quan thông tấn, báo chí, phát thanh, truyền hình tỉnh nhà, Trung ương để tuyên truyền hoạt động của mình. Xây dựng mối quan hệ với cơ quan báo chí, truyền thông, kết nối mỗi nhà báo trở thành một người bạn thân thiết, đây là điều kiện cần thiết để công tác truyền thông của Bảo tàng đạt được hiệu quả.

Thiết kế các loại tờ gấp, catalogue giới thiệu về bảo tàng và hệ thống trưng bày thường xuyên của bảo tàng, cung cấp cho khách tham quan, các khu di tích, khách sạn, công ty du lịch, lữ hành trên địa bàn tỉnh; Biên soạn, in ấn, phát hành sách hướng dẫn tham quan dành cho khách tham quan tự do; thiết kế sản phẩm lưu niệm, lấy ý tưởng từ các hiện vật tiêu biểu của bảo tàng kết hợp những giá trị văn hóa, gắn bó với các làng nghề truyền thống trong tỉnh; xuất bản ấn phẩm, sách về các sưu tập hiện vật tiêu biểu của bảo tàng…

Tăng cường tuyên truyền trên website của bảo tàng, đầu tư thay đổi giao diện, nội dung thường xuyên nhằm tạo sự hấp dẫn, mới lạ. Ngoài ra, việc ứng dụng mạng xã hội trong tuyên truyền, quảng bá hình ảnh của bảo tàng là rất cần thiết. Thông qua các trang mạng xã hội, bảo tàng thực hiện đồng thời hai nhiệm vụ là chia sẻ thông tin, giới thiệu về bảo tàng, giữ liên lạc thường xuyên, lắng nghe, tạo mối quan hệ tương tác với công chúng.

Tóm lại, công tác tuyên truyền, giáo dục của các bảo tàng nói chung, Bảo tàng tỉnh Thanh Hóa nói riêng chỉ có thể đạt kết quả tốt khi có một hệ thống trưng bày hoàn thiện, đa dạng, hấp dẫn, thể hiện được bản sắc độc đáo của riêng mình; một đội ngũ nguồn nhân lực chất lượng cao, có lòng yêu nghề, đam mê, nhiệt huyết với công việc; đa dạng hóa các hình thức hoạt động… Nếu thực hiện đồng bộ các giải pháp trên thì trong thời gian tới công tác giáo dục cũng như các hoạt động nghiệp vụ khác của Bảo tàng tỉnh Thanh Hóa sẽ thu được kết quả, thành công, đáp ứng yêu cầu hội nhập và phát triển của đất nước./.

Nguyễn Thị Yến
(Phòng Trưng bày - Tuyên truyền)
Nguồn: 
Trích: Bảo tàng tỉnh, 2018, "Bảo tàng tỉnh Thanh Hóa 35 năm thành lập và phát triển (1983-2018)", Nxb Thanh Hóa.