Bộ khung dệt vải truyền thống của đồng bào dân tộc Thái trưng bày tại Bảo tàng tỉnh Thanh Hóa

Tại phòng trưng bày chuyên đề “Đặc trưng văn hóa dân tộc Thái ở Thanh Hóa”, trưng bày rất nhiều hiện vật có giá trị về đời sống văn hóa vật chất và văn hóa tinh thần của đồng bào dân tộc Thái. Trong đó có bộ khung dệt vải truyền thống được sưu tầm tại gia đình ông Phạm Hồng Nêu, dân tộc Thái tại bản Khằm, xã Hồi Xuân, huyện Quan Hóa. Bộ khung dệt vải là một hiện vật rất đặc trưng cho nghề dệt thủ công truyền thống của người Thái ở huyện Quan Hóa nói riêng, tỉnh Thanh Hóa nói chung.

Bộ khung dệt vải được làm từ gỗ kiềng, đây là loại gỗ khá tốt, gỗ cứng, thớ mịn và không bị mối mọt. Để làm được bộ khung dệt như vậy đòi hỏi một quá trình khá vất vả, sau khi vào rừng kiếm gỗ mang về, người thợ phải xẻ gỗ, dọc từng thanh theo đúng kích thước rồi bào nhẵn, đục các bộ phận lắp ráp với nhau sao cho chuẩn khít để khung dệt đảm bảo sự chắc chắn. Việc làm khung dệt cũng như các bộ phận liên quan là công việc của nam giới, của người chồng trong gia đình. Riêng bộ phận go (dùng để điều chỉnh sợi) và dây go, cũng như thoi dệt (vừa có tác dụng luồn sợi ngang, vừa làm bàn dập để dập khít các sợi vải vào nhau, tạo cho mặt vải dày, mịn) thì thường do một số người thợ chuyên nghiệp làm.

Chi tiết các bộ phận khung dệt gồm:
+ 4 thanh khung dài gọi là mé ký
+ 4 chân trụ gọi là tin ký hay xau ký
+ 4 thanh ngang trên dưới hai đầu khung gọi là co ngang
+ 1 thanh ngang ở phía dưới gọi là khứ còm
+ 1 thanh nứa đặt trên khung để ngắt dây go gọi là làn công
+ 2 que gỗ đặt dưới chân gọi là tin nhắm
+ 1 tấm phản ngồi dệt gọi là pèn nặng
+ Sợi căng để dệt gọi là chưa
+ Gỗ khung cửi gọi là phưm
+ Dây go gọi là hau
+ Thanh gỗ cuộn vải gọi là kơ păn
+ Các que nứa gài sợi gọi là khoáy
+ Thoi dệt gọi là xuôi
+ Tấm gỗ dệt để tuốt sợi gọi là đáp khuýt

Bình thường, bộ khung dệt sẽ được người đàn ông dựng lắp và căng sẵn để người phụ nữ mỗi khi có thời gian rảnh rỗi ngồi vào dệt. Từ bộ khung dệt này, với bàn tay khéo léo và tư duy thẩm mỹ tinh tế, người phụ nữ Thái đã sáng tạo nên ba kiểu dệt rất đặc trưng.

+ Kiểu dệt thứ nhất:

Kiểu này có tên gọi là khuýt. Khi dệt chỉ dùng một con thoi, sợi dọc màu trắng, sợi ngang màu đen hoặc xanh sẫm. Người dệt thường bắt sợi, cài que hay còn gọi là go, tiếp theo dùng một thanh gỗ dẹt, mỏng luồn qua giữa để nâng chống từng sợi thành hai phần trên và dưới rõ rệt, sau đó mới luồn con thoi để dệt. Với cách dệt này, hoa văn được tạo ra thường chỉ có một màu. Đây được xem là kỹ thuật dệt cơ bản của người Thái thường áp dụng dệt vải để làm vỏ chăn hay váy.

+ Kiểu dệt thứ hai:

Kiểu dệt này được người Thái đặt tên gọi là cát. Đây là kiểu dệt theo các mẫu hoa văn có sẵn nhưng mỗi hoa văn sẽ có một công thức dệt riêng. Công đoạn chính của kiểu dệt này là việc cài que kết sẵn thành các mẫu hoa văn và được dệt làm chuẩn trước trên từng sợi, dệt tới đâu tiếp tục rút que cài làm chuẩn tới đó. Những hoa văn được dệt theo công thức sẽ là hoa văn chính trên tấm vải, còn xung quanh là nhiều hoa văn điểm xuyết phụ khác. Kỹ thuật này đòi hỏi ở người dệt sự khéo léo, phối hợp nhịp nhàng giữa tay và chân vì trong quá trình dệt phải dùng nhiều con thoi, nhiều loại sợi với các màu sắc khác nhau rất dễ nhầm lẫn. Bên cạnh đó, người Thái còn dùng cách này để dệt sợi tơ tằm. Có thể nói, quá trình dệt để tạo thành hoa văn dù theo một công thức sẵn có nhưng vẫn đòi hỏi người dệt phải linh hoạt, sáng tạo để tạo nên những đường viền sao cho những khoảng trống quanh hoa văn chính không bị lộ.

 Kiểu dệt cát sẽ tạo ra những hoa văn rất đặc sắc nổi trên tầng sợi vải, theo các motip chính như hoa, lá, văn kỷ hà, rồng, voi,… Người Thái thường áp dụng kiểu dệt này để dệt mặt chăn hay khăn đội đầu.

+ Kiểu dệt thứ ba:

Kiểu dệt này có tên gọi là cát mí. Đây là kỹ thuật chính thường dùng để dệt váy, áo và những sản phẩm dệt theo kiểu này được người Thái gọi là xín cát mí. Điểm đặc biệt của kiểu dệt này là người dệt không dùng que cài kết sẵn để tạo ra hoa văn như ở kiểu cát mà phải chuẩn bị sợi trước một cách công phu. Đầu tiên, sợi dùng để dệt sẽ được người Thái bó kín từng đoạn để nhuộm riêng. Người dệt sẽ phải tính toán kỹ lưỡng về các khoảng cách để khi dệt sẽ tạo được màu trắng ngà của khoảng sợi đã bó kín sau khi nhuộm màu đen hoặc màu chàm. Thành phẩm thu được sau công đoạn nhuộm là loại sợi có từng đoạn còn giữ được màu trắng ngà của sợi vải. Tiếp theo, người ta dàn sợi dọc trên khung và sợi ngang là những sợi không ngấm màu để tạo thành những điểm trắng ngà trên hoa văn, trông vô cùng ấn tượng, đẹp mắt. Những hoa văn dệt theo kiểu cát mí này, người Thái sẽ gọi theo tên của các con vật hay loài hoa, ví dụ như hình con rồng (mí lay), hình giàn hoa (ngoắc chiêng), …

Với những kỹ thuật dệt bằng khung cửi như trên, người Thái đã tạo nên các hoa văn chính của mảnh vải. Ngoài ra, để tạo thêm các hoa văn tượng trưng khác như cây lá, hình hươu, nai, bướm,… người Thái sẽ sử dụng kết hợp kỹ thuật thêu bằng các sợi len, sợi tơ tắm, sợi chỉ nhiều màu như màu xanh, đỏ, tím, vàng,…

Bộ khung dệt vải của gia đình ông Phạm Hồng Nêu ở bản Khằm, xã Hồi Xuân, huyện Quan Hóa có một ý nghĩa quan trọng trong đời sống của gia đình. Bộ khung dệt đã gắn bó với gia đình hơn hai mươi năm, trước đây ông chuyên dùng dệt vải, đủ cho cả gia đình sử dụng, hiện trên khung vẫn còn 15m vải đang dệt dở.

Nghề dệt của người Thái ở huyện Quan Hóa nói riêng, dân tộc Thái nói chung chứa đựng rất nhiều giá trị văn hóa. Vì vậy, việc bảo tồn, phát huy nghề dệt truyền thống và đặc biệt là bộ khung dệt tại Bảo tàng tỉnh Thanh Hóa là một việc làm quan trọng, ý nghĩa. Hiện tại, bộ khung dệt đang được trưng bày theo giải pháp “Đời sống thực”. Bằng việc thiết kế một tổ hợp trưng bày, bộ khung dệt được đặt trang trọng trong không gian nhà sàn truyền thống của người Thái, bên cạnh là ma-nơ-canh mặc trang phục thiếu nữ Thái cổ truyền đang ngồi dệt vải, kết hợp giới thiệu cùng các tấm thổ cẩm và một số các sản phẩm khác như: khăn piêu, chăn, gối… được xếp đặt một cách bắt mắt, thu hút rất đông khách tham quan, đồng thời đã mang lại hiệu quả cao, người xem có thể cảm nhận sâu sắc về một không gian văn hóa đặc trưng của dân tộc Thái. Bên cạnh đó, không gian trưng bày còn giúp khách tham quan bổ sung thêm kiến thức về nghề dệt thủ công truyền thống - một trong những nghề quan trọng gắn với phát triển đời sống kinh tế của đồng bào dân tộc Thái xứ Thanh. Tuy nhiên, việc bảo tồn, phát huy nghề dệt thổ cẩm truyền thống của người Thái không chỉ là nghĩa vụ và trách nhiệm của Bảo tàng mà còn là trách nhiệm của cả cộng đồng và xã hội, đòi hỏi các cấp, các ngành cần quan tâm hơn nữa, có những chính sách hợp lý nhằm khuyến khích và động viên đồng bào gắn bó với nghề thủ công truyền thống này./.

Ths. Hoàng Mai Hương
(Phòng Trưng bày - Tuyên truyền)
Tài liệu tham khảo:
- Sở Văn hóa thông tin Thanh Hóa, Ban ngiên cứu và biên soạn lịch sử (2001), Nghề thủ công truyền thống Thanh Hóa, tập II.
Nguồn: 
Trích: Bảo tàng tỉnh, 2018, "Bảo tàng tỉnh Thanh Hóa 35 năm thành lập và phát triển (1983-2018)", Nxb Thanh Hóa.