Công tác bảo quản hiện vật tại Bảo tàng tỉnh Thanh Hóa trong những năm gần đây

Công tác bảo quản hiện vật được ICOM nhận định “một trong những trách nhiệm mang tính đạo đức nghề nghiệp thiết yếu đối với các nhân viên bảo tàng là phải thực thi một chế độ chăm sóc và bảo quản thích hợp với các sưu tập hiện hữu của bảo tàng, những sưu tập mà bảo tàng vừa tiếp nhận và cá nhân những hiện vật mà bảo tàng và nhân viên đó chịu trách nhiệm quản lý ”.

Bảo quản là một công việc mang tính chất liên tục, đều đặn nhằm duy trì hiện trạng và kéo dài tuổi thọ cho hiện vật, hạn chế đến mức thấp nhất sự hư hỏng góp phần gìn giữ, phục vụ công tác trưng bày và phát huy giá trị di sản văn hóa quý giá của dân tộc. Chính vì vậy, cán bộ làm công tác bảo quản không ngừng hoàn thiện và học tập nâng cao trình độ chuyên môn, áp dụng công nghệ bảo quản mới phục vụ công tác bảo quản.

Bảo tàng tỉnh Thanh Hóa hiện đang lưu giữ hơn 28.000 đơn vị hiện vật, phong phú về loại hình và đa dạng về chất liệu, có niên đại từ thời Tiền - Sơ sử cho đến Cận - Hiện đại. Các hiện vật gồm nhiều loại hình được sưu tầm từ các nguồn khác nhau: qua khai quật khảo cổ, mua, hiến tặng… Tất cả các hiện vật này trước khi nhập về kho đều chưa được bảo quản trị liệu.Vì vậy, nếu không được bảo quản kịp thời sẽ dẫn đến tình trạng hiện vật bị hư hại và xuống cấp trầm trọng, ảnh hưởng đến tuổi thọ hiện vật.

Nhận thức hiện vật là “xương sống” cho mọi hoạt động của Bảo tàng, là tiêu chí để phân loại các bảo tàng. Trong những năm vừa qua, công tác bảo quản hiện vật tại Bảo tàng tỉnh Thanh Hóa luôn được coi trọng và được xem là một trong những hoạt động nghiệp vụ hàng đầu của Bảo tàng.

Đặc biệt, từ khi thực hiện Đề án “Sưu tầm, bảo quản và chỉnh lý nội dung, hình thức trưng bày Bảo tàng tỉnh Thanh Hoá giai đoạn 2010 - 2020” kho bảo quản đã được đầu tư mới các trang thiết bị bảo quản hiện đại như: Tủ đựng hiện vật, giá kệ, điều hòa nhiệt độ, máy hút ẩm, máy đo độ ẩm, tủ chống ẩm, quạt thông gió, tủ lạnh âm sâu, máy hút bụi. Bảo tàng đã mời các chuyên gia bảo quản về Bảo tàng để bảo quản hiện vật. Do đó, cán bộ làm công tác bảo quản phải không ngừng nghiên cứu, học tập nâng cao trình độ chuyên môn; tìm tòi, áp dụng những công nghệ mới phục vụ công tác bảo quản.                

Hiện vật trong kho bảo tàng hiện nay rất đa dạng, phong phú về chất liệu, loại hình, do vậy để công tác bảo quản hiện vật đạt hiệu quả cao nhất đòi hỏi cán bộ làm bảo quản phải đánh giá đúng tình trạng, chất liệu hiện vật, xác định  đúng các loại hóa chất dự kiến sử dụng, đưa ra phương pháp bảo quản phù hợp, đảm bảo đúng quy trình, khoa học.

Đối với hiện vật chất liệu kim loại quy trình bảo quản khá phức tạp: Khi làm vệ sinh cơ học cho hiện vật phải kết hợp Nước cất + Ethanol 99,5% theo tỉ lệ 1/1, có những hiện vật bị khoáng hóa bám vào rất khó làm sạch dung dịch trên mà phải dùng hóa chất Na2EDTA, H3PO4, Na2CO3… để xử lý vết khoáng hóa đó, làm cho bề mặt hiện vật được sạch, ổn định. Sau đó biến tính bằng hóa chất Benzotriazol + Ethanol 99,5% với tỉ lệ 4% trong khoảng thời gian 12 - 14h, sấy khô ở To ≤ 70O thời gian 3 - 4h, rồi phủ màng bảo vệ hiện vật bằng Paraloid B72 + Axeton tỉ lệ 2 - 4%, bức xạ nhiệt bao bì là khâu cuối cùng nhưng khá quan trọng và cần thiết góp phần đảm bảo hiện vật được bảo quản lâu dài.

Hiện vật chất liệu kim loại như đồ đồng, sắt rất dễ bị ôxy hóa. Hiện vật sắt là hiện vật khó bảo quản và lưu giữ nhất, qua thời gian thường bị rỉ nặng, bong thành nhiều lớp, chỉ còn lại lớp lõi mỏng, 3 đến 4 tháng cán bộ bảo quản bổ sung hóa chất cánh kiến + cồn thơm một lần tránh hiện vật bị khô, giòn, nứt, gẫy, phủ màng bảo vệ Paraloid B72 + Axeton. Một số hiện vật thường bị sủi trắng như dao hái, liềm, cuốc cũng làm tương tự, vệ sinh cơ học cho hiện vật bằng Nước cất + Ethanol 99,5% theo tỉ lệ 1/1. Sau đó biến tính bằng hóa chất Benzotriazol + Ethanol 99,5% với tỉ lệ 4% trong khoảng thời gian 12 - 14h, sấy khô ở To ≤ 70O thời gian 3 - 4h, rồi phủ màng bảo vệ hiện vật bằng Paraloid B72 + Axeton tỉ lệ 2 - 4%

Đối với hiện vật chất liệu đá và nhóm hiện vật chất liệu gốm, sành, sứ, quy trình bảo quản có đơn giản hơn, chỉ cần vệ sinh sạch sẽ và phủ hóa chất bảo vệ Paraloid B72 + Axeton theo tỉ lệ 2 - 4%.

Quá trình theo dõi các hiện vật trong kho cho thấy nhóm hiện vật chất liệu hữu cơ là những hiện vật dễ bị nấm mốc nhất. Có những hiện vật phải bảo quản thường xuyên, liên tục chẳng hạn như máy tuốt lúa, hiện vật chất liệu nan, vải, giấy... Ngoài việc vệ sinh, gắn chắp định hình hiện vật, cần phải xử lý chống mối mọt, nấm mốc bằng Foocmaidehyl, dùng loại sơn phù hợp để sơn phủ tạo màng bảo vệ.

Với hiện vật xương, trước tiên vệ sinh sạch sẽ hiện vật, rồi phủ màng bảo vệ Paraloid B72 + Axeton theo nồng độ phù hợp. Thú nhồi bông chủ yếu là làm vệ sinh sạch sẽ, nếu có chi tiết rơi rụng thì gắn lại bằng hóa chất Benzoltriazol + Ethanol 99,5%, thú có lông chải mượt lông bằng gôm, thú có vẩy có sừng thì gắn chắp bằng keo sữa ATM Techchem P115A, rồi phủ bằng Paraloid B72 + Axeton nồng độ 1-1,5%.

Nhóm hiện vật giấy, vải trước khi bảo quản phải làm vệ sinh sạch sẽ hiện vật, nếu hiện vật giấy có dư lượng axit phải được khử axit, sau đó mới là phẳng bằng bàn là hơi nước ở nhiệt độ thích hợp, ủ xông hơi để diệt trừ nấm mốc và vi khuẩn gây hại… Hiện vật sau khi được bảo quản phải được để phẳng, giữa các hiện vật có một lớp giấy trung tính, để bảo quản được lâu dài.

Công tác bảo quản thường xuyên là công tác mang tính chất cần thiết và quan trọng, nhằm loại bỏ những tác nhân gây hại như là bụi bẩn, côn trùng, nấm mốc, nhằm kéo dài tuổi thọ, phòng tránh xuống cấp cho hiện vật. Với môi trường, nhiệt độ mang tính chất khí hậu nhiệt đới gió mùa như nước ta, nếu không tiến hành công tác bảo quản thường xuyên, hiện vật sẽ bị xuống cấp nhanh chóng và khó có thể khắc phục được. Bảo tàng có một cán bộ phụ trách bảo quản, hằng ngày theo dõi nhiệt độ, độ ẩm trong kho để điều chỉnh cho phù hợp (nhiệt độ giao động khoảng 18 - 22oC, độ ẩm được khống chế trung bình ở mức 45 - 55%). Bên cạnh đó thường xuyên kiểm tra theo dõi  tình trạng hiện vật để kịp thời phát hiện những hiện vật đang có nguy cơ bị hư hỏng, nấm mốc xâm nhập, ô xy hóa. Từ đó đưa ra phương án xử lý, bảo quản kịp thời, hạn chế đến mức thấp nhất sự hư hại cho hiện vật.

Đối với những hiện vật mới sưu tầm về, cán bộ bảo quản phải khảo sát, nghiên cứu, đánh giá tình trạng, lập danh mục và tiến hành các bước bảo quản.Trước tiên làm vệ sinh cơ học, nếu các hiện vật dễ bị oxi hoá như hiện vật chất liệu sắt, sẽ được tiến hành thêm các bước quyét hóa chất tẩy rỉ không sơn, phủ Paraloid B72 + Axeton, rồi mới đặt lên giá, tủ để tránh oxy hóa, vi khuẩn, nấm mốc lây lan từ bên ngoài xâm lấn đến hiện vật đã được bảo quản.

Tất cả hiện vật đã được bảo quản phải đạt những tiêu chí: Hiện vật được làm vệ sinh sạch sẽ, kéo dài được tuổi thọ. Hiện vật sau khi bảo quản xong phải được lưu giữ trong môi trường ổn định, đảm bảo tiêu chuẩn khoa học. Với môi trường, nhiệt độ khí hậu nhiệt đới gió mùa như nước ta, công tác bảo quản hiện vật phải được tiến hành thường xuyên, nếu không hiện vật sẽ bị xuống cấp nhanh chóng, khó có thể khắc phục được.

Hiện nay, Bảo tàng tỉnh Thanh Hóa có một cán bộ chuyên trách bảo quản, hằng ngày theo dõi nhiệt độ, độ ẩm trong kho để điều chỉnh cho phù hợp (nhiệt độ giao động khoảng 18 - 22oC, độ ẩm được khống chế trung bình ở mức 45 - 55%). Bên cạnh đó thường xuyên kiểm tra theo dõi  tình trạng hiện vật để kịp thời phát hiện những hiện vật đang có nguy cơ bị hư hỏng, nấm mốc xâm nhập, ô xy hóa. Từ đó đưa ra phương án xử lý, quản quản kịp thời, hạn chế đến mức thấp nhất sự hư hoại cho hiện.

Công tác bảo quản hiện vật tại Bảo tàng tỉnh Thanh Hóa trong những năm gần đây đã được đầu tư quan tâm, nhưng do nguồn kinh phí cấp hàng năm cho công tác bảo quản có hạn, số lượng hiện vật nhiều nên việc tiến hành bảo quản chưa được đồng bộ cho tất cả các hiện vật mà phải lựa chọn, ưu tiên bảo quản trước những hiện vật đang trong tình trạng hư hỏng trầm trọng. Bên cạnh đó hệ thống kho bảo quản chật trội, trang thiết bị còn hạn chế.

Trong thời gian tới để công tác bảo quản hiện vật ngày một được nâng cao về chất lượng cũng như việc áp dụng những tiến bộ khoa học kỹ thuật trong công tác bảo quản nhằm lưu giữ và kéo dài tuổi thọ cho hiện vật phục vụ tốt công tác nghiên cứu, trưng bày phát huy giá trị, Bảo tàng cần:

- Thực hiện chế độ bảo quản định kỳ ba năm một lần để kéo dài tuổi thọ cho hiện vật.

- Nên có phòng cách ly hiện vật với đủ các tiêu chuẩn về nhiệt độ và độ ẩm và cách biệt với các phân kho khác của bảo tàng. Phòng cách ly được dành cho những hiện vật khi vừa sưu tầm về hoặc dùng để cách ly các hiện vật có các biểu hiện nhiễm côn trùng hoặc nấm mốc.

- Hàng năm đề nghị được cấp một nguồn kinh phí cho công tác bảo quản.

- Hệ thống kho cần được đầu tư hơn nữa về cơ sở vật chất, trang thiết bị hiện đại để bảo quản hiện vật.

- Tạo điều kiện cho cán bộ làm công tác bảo quản được tham gia các lớp tập huấn nâng cao trình độ chuyên môn, nghiệp vụ.

Công tác bảo quản tại Bảo tàng tỉnh Thanh Hóa trong thời gian qua đã đạt được những kết quả nhất định. Để đáp ứng được yêu cầu ngày càng cao của công tác bảo quản hiện vật, cán bộ làm công tác bảo quản còn phải tiếp tục nỗ lực phấn đấu, nâng cao trình độ chuyên môn, góp phần giữ gìn các di sản văn hóa, đồng thời khai thác và phát huy một cách tốt nhất giá trị của các tài liệu, hiện vật nhằm phục vụ tốt công tác giáo dục và phổ biến tri thức khoa học đến với công chúng.

Hoàng Thu Hiền
(Phòng Kiểm kê - Bảo quản)
Nguồn: 
Trích: Bảo tàng tỉnh, 2018, "Bảo tàng tỉnh Thanh Hóa 35 năm thành lập và phát triển (1983-2018)", Nxb Thanh Hóa.