Khảo cổ học và Bảo tàng học góp phần phát huy giá trị di sản văn hóa khảo cổ

Thanh Hóa là một tỉnh có diện tích lớn (11.133,4 km2), nằm ở vĩ tuyến 19°18’ Bắc đến 20°40’ Bắc, kinh tuyến 104°22’ Đông đến 106°05’ Đông, trên vùng đất cực Bắc Trung Bộ, tiếp giáp với Tây Bắc Bộ và đồng bằng Bắc Bộ. Phía Bắc Thanh Hóa giáp ba tỉnh: Sơn La, Hòa Bình và Ninh Bình; phía Nam và Tây Nam giáp tỉnh Nghệ An; phía Tây giáp tỉnh Hủa Phăn nước Cộng hòa Dân chủ Nhân dân Lào với đường biên giới 192 km; phía Đông giáp biển Đông với chiều dài đường bờ biển 102 km.

1. Di sản văn hóa Xứ Thanh:

Từ cội nguồn lịch sử, Thanh Hóa là nơi dừng chân, định cư của những nhóm người đầu tiên khi tiếp xúc khai thác vùng đất này. Dấu vết của con người để lại tạo nên hệ thống di tích văn hóa thời kỳ Tiền sử với các địa điểm Núi Đọ (thuộc địa phận hai xã Thiệu Tân (huyện Thiệu Hoá) và Thiệu Khánh (nay thuộc Tp. Thanh Hoá), núi Nuông (thuộc địa phận hai xã Định Thành và Định Hoà, huyện Yên Định), núi Quan Yên (xã Định Công, huyện Yên Định), Mái Đá Điều (xã Hạ Trung, huyện Bá Thước), hang Con Moong (xã Thành Yên, huyện Thạch Thành), Bản Nàng I (huyện Mường Lát)... Với tinh thần lao động cần cù, bàn tay khéo léo, người Tiền Sử đã tạo nên những công cụ lao động bằng đá đa dạng về loại hình, sắc bén sử dụng khai thác tự nhiên, tạo ra năng suất lao động phục vụ cho cuộc sống buổi ban đầu. Đó là những chủ nhân đầu tiên có mặt khai phá, đặt nền móng báo hiệu sự phát triển phồn vinh của vùng đất này trong tương lai.

Kế thừa những thành tựu của con người buổi bình minh lịch sử, bằng trí tuệ, kinh nghiệm và tài năng cùng điều kiện tự nhiên, giao thương thuận lợi những con người sinh sống nơi đây đã tiếp thu, phát triển góp phần tạo nên một nền văn minh rực rỡ của dân tộc: văn minh Đông Sơn.

Những di tích văn hóa như: Đa Bút (xã Vĩnh Tân, huyện Vĩnh Lộc), Cồn Chân Tiên (xã Thiệu Vân, huyện Thiệu Hóa), Đông Khối (xã Đông Cương, Tp. Thanh Hoá), Quỳ Chử (xã Hoằng Quỳ, huyện Hoằng Hóa), Hoa Lộc (xã Hoa Lộc, huyện Hậu Lộc), Cồn Cổ Ngựa (xã Hà Lĩnh, huyện Hà Trung)... đã tạo nên nền tảng cho sự hình thành nhà nước buổi ban đầu mà đỉnh cao là văn hóa Đông Sơn, thời đại các Vua Hùng. Những chiếc trống đồng với hoa văn tinh tế, ẩn tàng những âm thanh rộn rã, ma mị đầy quyền lực. Những chiếc giáo đồng, rìu đồng, dao găm cán trang trí hình củ hành, hình người... mang đặc trưng văn hóa Đông Sơn đã kích hoạt đa chiều hình thành nên ý thức hệ dân tộc, kỹ thuật đặc trưng cùng khát khao vẻ đẹp thẩm mỹ của một tộc người. Những thành tựu về kinh tế, văn hóa, kỹ thuật của cư dân Đông Sơn nói chung, người Đông Sơn ở Thanh Hóa nói riêng đã làm nền, khẳng định bản sắc văn hóa dân tộc Việt trong lịch sử.

Trải qua một nghìn năm Bắc thuộc, con người xứ Thanh đã thể hiện bản lĩnh kiên cường, anh dũng, không chịu khuất phục trước ách cai trị của ngoại bang vùng lên đấu tranh chống áp bức, chống đồng hóa. Những cuộc khởi nghĩa của Triệu Thị Trinh (Quận Cửu Chân, nay thuộc huyện Triệu Sơn, tỉnh Thanh Hóa), hay phối hợp nổi dậy giành độc lập cùng Mai Hắc Đế (Hoan Châu, nay thuộc huyện Nam Đàn, tỉnh Nghệ An) vùng đất liền kề đã tạo nên khí chất người xứ Thanh cương trực, quyết đoán mà sau này được phát huy trong thời kỳ độc lập.

Thanh Hóa, đất phát tích nhân tài, nơi đây là quê hương của Dương Đình Nghệ, Lê Hoàn, Hồ Quý Ly, đất thang mộc dựng cờ khởi nghĩa giành lại độc lập của Lê Lợi, nơi phát tích của các đời chúa Nguyễn, chúa Trịnh.... Theo chiều dài lịch sử, truyền thống văn hóa Việt mỗi thời kỳ đã để lại những dấu ấn của lịch sử qua những di tích được dựng xây. Thành nhà Hồ, đàn Nam Giao của triều đại Hồ Quý Ly được xây dựng quy mô đồ sộ, to lớn; Lam Kinh nhà Lê được dựng xây theo suốt chiều dài lịch sử vương triều với tập hợp hệ thống kiến trúc lớn nhỏ công năng khác nhau quần tụ, hội tụ tinh hoa điêu khắc, trang trí của thời đại là những di sản văn hóa điển hình được dựng xây trên đất xứ Thanh. Bên cạnh đó, hệ thống di tích chùa, đền, cung điện (Ly Cung), đình miếu, bia ký; những di tích được dựng lên để tưởng nhớ những vị anh hùng, danh tướng của các triều đại trong các thời kỳ khác nhau đã làm nên hệ thống Di sản văn hóa vô cùng phong phú trên vùng đất Thanh Hóa.

Với những di sản văn hóa hiện biết, có thể nói Thanh Hóa là nơi có hệ thống Di sản văn hóa vô cùng phong phú thuộc nhiều thời kỳ khác nhau trong lịch sử. Có thể khái quát thành 3 nhóm chính:

- Nhóm di tích thời kỳ Tiền sử: Điển hình là di tích hang Con Moong – Di tích Quốc gia đặc biệt.

- Nhóm di tích thuộc thời kỳ Sơ sử: Điển hình là Di tích Văn hóa Đông Sơn, với những di vật trống đồng Đông Sơn, rìu, giáo, dao găm.

- Nhóm di tích thuộc thời kỳ Lịch sử: Điển hình Thành nhà Hồ - Di sản văn hóa Thế giới; Di tích Lam Kinh – Di tích Quốc Gia đặc biệt.

Các nhóm di tích này phân bố trên 3 vùng địa hình khác nhau. Nhóm di tích thời Tiền sử tìm thấy chủ yếu trên địa bàn các vùng núi cao, liên quan đến hang động, dòng chảy suối khe, thượng nguồn các con sông. Di tích thời Sơ sử, Lịch sử tập trung chủ yếu vùng chuyển tiếp núi và đồng bằng, đậm đặc tại vùng đồng bằng. Hệ thống di sản văn hóa đã khẳng định vị trí đặc biệt của Thanh Hóa trong di sản văn hóa dân tộc. Đây là vùng đất di sản văn hóa đặc sắc, điển hình theo chiều dài lịch sử đất nước, một dòng chảy hội nhập vào dòng chảy văn hóa Việt Nam trong quá khứ và trong tương lai.

2. Khảo cổ học và Bảo tàng học với di sản văn hóa

Khảo cổ học là sự tìm kiếm quá khứ trong lòng đất. Trải qua năm tháng, sự can thiệp của tự nhiên, những biến động thăng trầm của xã hội qua các thời kỳ lịch sử cho đến nay hầu hết các di tích ẩn chìm trong lòng đất. Sự đa dạng của các di tích trong mỗi thời kỳ khác nhau, dẫn đến việc phát hiện và tổ chức khai quật là một quá trình để tìm về những giá trị lịch sử, văn hóa. Để có được diện mạo các di sản văn hóa trên địa bàn Thanh Hóa ngày nay có sự đóng góp của nhiều thế hệ nghiên cứu Khảo cổ học trong và ngoài nước. Từ những phát hiện của L. Pajot, sự tận tâm trong công việc của O.Janse ở thế kỷ trước đã làm nền tảng vinh danh cho văn hóa Đông Sơn thời dựng nước. Sự cần cù miệt mài của Borits, Kốpxiki cùng đồng nghiệp Việt Nam mà di tích núi Đọ được biết đến, hay những cố gắng của các nhà khảo cổ học trong nước mà các địa điểm văn hóa Hoa Lộc, Quỳ Chử, Đa Bút, di tích Hang Con Moong, Thành nhà Hồ, Khu di tích Lam Kinh tỏa sáng. Những thành tựu đó có thể thấy Khảo cổ học đã góp phần quan trọng soi sáng chiều dài lịch sử và văn hóa trên vùng đất xứ Thanh.

Nếu khảo cổ học là ngành phát hiện và khẳng định những giá trị lịch sử văn hóa của các di tích và di vật tìm được, thì Bảo tàng học là ngành khoa học gìn giữ, phát huy giá trị của di sản văn hóa đó tới cộng đồng thông qua công tác trưng bày, tuyên truyền. Giá trị của di tích di vật chỉ phát huy khi nguồn tài liệu, di tích, di vật được các nhà Bảo tàng tư liệu hóa bằng những hồ sơ khoa học có nguồn gốc, lý lịch rõ ràng là những chứng tích tin cậy của lịch sử để giới thiệu đến công chúng. Các di vật, hiện vật qua khai quật được Bảo tàng chia theo chất liệu và bảo quản trong các phân kho sao cho mỗi di vật, hiện vật đảm bảo sự nguyên vẹn, tính chân xác; là bằng chứng khoa học tin cậy phục dựng lại tiến trình lịch sử văn hóa của cộng đồng trên mỗi vùng đất, mỗi lãnh thổ dân tộc nói chung, Thanh Hóa nói riêng.

Khảo cổ học và Bảo tàng học là hai ngành khoa học độc lập, có mối quan hệ tương tác mật thiết, bổ sung cho nhau cùng tiếp cận, nghiên cứu và vinh danh những giá trị văn hóa một các khoa học, trung thực, khách quan. Sự cần mẫn, sắc sảo của các nhà khảo cổ trong quá trình điều tra, khảo sát, tập hợp tư liệu, tổ chức khai quật, phân tích đánh giá kết quả thu được để định danh, định vị, định lượng và định giá trị các di sản văn hóa được biết đến phát huy có hiệu quả khi kết hợp với sự tỉ mỉ, chi tiết, cùng những kỹ thuật bảo tàng góp phần vinh danh giá trị của các di sản văn hóa. Chính vì thế, sự kết hợp chặt chẽ giữa những nhà Khảo cổ học và Bảo tàng học tại các cuộc khai quật khảo cổ học là rất cần thiết. Trong quá trình khai quật khảo cổ học sự xuất lộ những di tích, di vật qua khai quật rõ ràng về địa tầng, nguồn gốc, chức năng, chất liệu, giá trị về lịch sử, giá trị kỹ, mỹ thuật, niên đại, chủ nhân là tài liệu tin cậy làm hồ sơ khoa học phục vụ cho công tác bảo quản trưng bày, giới thiệu sau này. Ngược lại công tác hoàn thiện hồ sơ, trưng bày của Bảo tàng giúp các nhà Khảo cổ tiếp cận lại những di tích, di vật một cách có hệ thống khi dựng lại diện mạo văn hóa, lịch sử liên quan đến di tích di vật của một vùng đất, một nền văn hóa. Chính vì thế có sự ví von: Khảo cổ học là ngành khoa học kiếm tìm quá khứ, Bảo tàng học là ngành khoa học lưu giữ quá khứ. Sự hợp tác đó đạt nhiều thành tựu qua các cuộc khai quật Khảo cổ học trên địa bàn tỉnh Thanh Hóa như: hang Con Moong, Khu di tích Lam Kinh, Thành Nhà Hồ, khu Lăng miếu Triệu Tường… Những nhà Khảo cổ sát cánh cùng cán bộ nghiệp vụ Bảo tàng tỉnh Thanh Hóa, qua khai quật hoàn thành công tác hồ sơ xếp hạng di tích, trưng bày hiện vật có hệ thống phục vụ cho việc nghiên cứu, giới thiệu lịch sử văn hóa địa phương với nhân dân trong và ngoài nước.

Với hệ thống di tích đa dạng qua nhiều thời đại phát hiện tại Thanh Hóa đã góp phần dựng lại bức tranh lịch sử và văn hóa của xứ Thanh khá chân thực, đa dạng, phong phú trên mọi khía cạnh của cuộc sống xã hội. Sự chân thực sống động các thời kỳ được biết đến qua các di tích hiện được bảo quản gìn giữ như hang Con Moong, Thành Nhà Hồ, Khu di tích Lam Kinh hay hệ thống di tích đình chùa, đền miếu trên khắp địa bàn.

Những giá trị lịch sử ,văn hóa chuyển tải từ nội dung các di tích cho đến ngày nay có giá trị vĩnh hằng với thời gian, và đã được công nhận là Di sản Văn hóa thế giới, Di tích Quốc gia đặc biệt, Di tích Quốc gia, hay Di tích cấp tỉnh. Sự thừa nhận những giá trị lịch sử văn hóa từ các di tích đã khẳng định những đóng góp của ngành Khảo cổ học và Bảo tàng học trên địa bàn tỉnh Thanh Hóa. Những di vật được trưng bày trong Bảo tàng tỉnh là những hiện vật điển hình kết tinh từ thành tựu văn hóa khoa học, kỹ thuật của người xứ Thanh. Dòng chảy văn hóa qua các thời kỳ trên mảnh đất Thanh Hóa được thể hiện qua những hiện vật được gìn giữ, trưng bày trong Bảo tàng. Dù còn khiêm tốn nhưng những di vật đó là tiếng nói từ quá khứ, từ trong lòng đất xứ Thanh./.

Ths. Hoàng Thị Vân
(P. Trưởng phòng Sưu tầm)
Nguồn: 
Trích: Bảo tàng tỉnh, 2018, "Bảo tàng tỉnh Thanh Hóa 35 năm thành lập và phát triển (1983-2018)", Nxb Thanh Hóa.