Công tác tư liệu tại Bảo tàng tỉnh Thanh Hóa

Phòng Tư liệu thuộc phòng Kiểm kê - Bảo quản của Bảo tàng tỉnh Thanh Hóa. Đây là nơi lưu giữ các tài liệu về truyền thống lịch sử, văn hóa - xã hội, các công trình nghiên cứu, danh nhân văn hóa… để phục vụ cán bộ Bảo tàng cũng như các khách tham quan, các sinh viên, nghiên cứu sinh có nhu cầu nghiên cứu, tìm hiểu và học tập.

Hiện phòng Tư liệu đang lưu giữ gần 5.000 đơn vị tài liệu, ấn phẩm, gồm: sách, báo, tạp chí… và các ấn phẩm do Bảo tàng xuất bản như sách “Trống đồng Thanh Hóa”, “Văn vật xứ Thanh”, “Thông báo khoa học bảo tàng”. Các tài liệu được sắp xếp theo các chủ đề lịch sử - lịch sử đảng, dân tộc, văn hóa, danh nhân, di tích và danh thắng, địa chí, khảo cổ học, nghiệp vụ bảo tàng, văn học, đề cương trưng bày, báo cáo khai quật khảo cổ học, hồ sơ thống kê di tích các huyện trên địa bàn tỉnh Thanh Hóa, sách tiếng Thái và tài liệu Hán Nôm… rất thuận tiện cho việc tra cứu, tìm sách một cách nhanh chóng. Ngoài tư liệu bằng giấy, phòng còn lưu giữ một số tư liệu bằng hình ảnh giới thiệu các sưu tập hiện vật độc đáo của Bảo tàng, đĩa màn hình cảm ứng các phòng trưng bày, đĩa CD tư liệu để phục vụ công tác chuyên môn.

Trong những năm qua, được sự quan tâm của Ban lãnh đạo, phòng Tư liệu đã bổ sung nhiều ấn phẩm mới thông qua việc sưu tầm, mua bán, trao đổi, biếu tặng… Phòng tư liệu Bảo tàng thực hiện các hoạt động gần như một thư viện khoa học tổng hợp. Với chức năng cung cấp thông tin, phục vụ tra cứu,  mượn, đọc tài liệu tại chỗ theo quy định, tìm kiếm và cung cấp thông tin theo chủ đề, thông báo thư mục tài liệu mới theo chủ đề thường xuyên cho độc giả có yêu cầu. Ngoài ra, phòng còn cung cấp nguồn tư liệu cho các cá nhân, đơn vị, sinh viên, các nghiên cứu sinh có nhu cầu tìm kiếm thông tin, đến nghiên cứu, học tập tại đơn vị.

Như chúng ta đã biết, tài liệu khoa học (bao gồm tài liệu viết và tài liệu nghe nhìn) có vai trò to lớn, là nguồn sử liệu quan trọng trong việc nghiên cứu lịch sử, văn hóa của dân tộc. Cùng với hiện vật gốc, tài liệu khoa học bổ sung thông tin, xác minh các dữ liệu khoa học cho công tác sử học; là tài liệu bổ trợ cho công tác nghiên cứu và hoàn thiện từng hồ sơ khoa học hiện vật, từng sưu tập hiện vật của Bảo tàng. Phục vụ công tác xây dựng đề cương trưng bày và nghiên cứu chuyên sâu theo từng lĩnh vực, từng chuyên đề cụ thể; đồng thời cung cấp tư liệu, hình ảnh phục vụ các hoạt động chuyên môn của bảo tàng nói riêng, các hoạt động lịch sử - xã hội nói chung.

Với việc quản lý một khối lượng tài liệu khoa học như vậy nên ngay từ đầu cán bộ phụ trách phòng tư liệu đã coi trọng việc sắp xếp, phân loại và đặc biệt luôn chú trọng công tác tư liệu hóa các tài liệu, sách, phim ảnh mà phòng đang lưu giữ và bảo quản. Một phần của công tác tư liệu hóa được thực hiện thường xuyên là xây dựng quản lý các ấn phẩm trên hệ thống máy tính, biên mục sách theo tiêu chí các thông tin của ấn phẩm như: tên sách, nhà xuất bản, năm xuất bản, tác giả… Ngoài ra phòng còn chú ý đến việc xây dựng các thư mục theo chuyên đề như: danh mục các bài viết “Những phát hiện mới về khảo cổ học” của tỉnh Thanh Hóa qua từng năm, xây dựng tủ sách Pháp luật…

Để công tác tư liệu đạt chất lượng và hiệu quả, trong những năm tới phòng tư liệu cần được đầu tư và quan tâm như:

- Hằng năm, tiếp tục bổ sung sách, báo, tạp chí… vào kho tư liệu.

- Tăng cường hơn nữa công tác trao đổi ấn phẩm, hình ảnh, tài liệu nhân bản với các bảo tàng.

- Thúc đẩy các hoạt động sưu tầm, hiến tặng tài liệu, hình ảnh của các cá nhân, tập thể trong và ngoài nước thông qua các đợt giao lưu, nói chuyện với các nhân chứng lịch sử. Đây là nguồn tài liệu vô cùng quý giá đối với các hoạt động chuyên môn của bảo tàng.

- Đầu tư xây dựng cơ sở vật chất, trang thiết bị như tủ, giá trưng bày sách, bàn ghế... phục vụ tốt nhất nhu cầu nghiên cứu, học tập của cán bộ cũng như khách tham quan khi đến với Bảo tàng.

Lê Thùy Linh
(Phòng Kiểm kê - Bảo quản)
Nguồn: 
Trích: Bảo tàng tỉnh, 2018, "Bảo tàng tỉnh Thanh Hóa 35 năm thành lập và phát triển (1983-2018)", Nxb Thanh Hóa.