Đồng tiền Trường Sơn

Bảo tàng tỉnh Thanh Hóa hiện nay đang lưu giữ 03 hiện vật bằng giấy, đó là 3 tấm Phiếu Bách hóa. Tờ Phiếu Bách hóa in mệnh giá số 2 có hoa văn màu xanh nhạt, kích thước 3,8 x 7,9cm. Hai tờ Phiếu Bách hóa in mệnh giá số 10 có màu vàng nhạt, kích thước 4,8 x 9,8cm. Ba tờ Phiếu Bách hóa thực ra là 3 đồng tiền Trường Sơn. Đây là loại tiền đặc biệt, phát hành từ cuối năm 1965, dùng trong nội bộ Đoàn 559 (từ năm 1970 đổi là Binh đoàn Trường Sơn).

Thực hiện Chỉ thị của Bộ Chính trị và Chủ tịch Hồ Chí Minh, ngày 19/5/1959 Đoàn 559 được thành lập, chính thức được giao nhiệm vụ khai mở đường Trường Sơn nhằm kịp thời chi viện sức người, sức của cho chiến trường miền Nam. Con đường bắt đầu từ Khe Hó (Quảng Bình) băng qua những cánh rừng trên dải Trường Sơn, vươn tới nhiều chiến trường ở phía Nam.

Trong suốt gần 6.000 ngày đêm không ngơi nghỉ. Từ năm 1959 đến 1975, với gần 16 năm dài đằng đẵng, các lực lượng bộ đội, thanh niên xung phong, dân công hỏa tuyến, lúc đầu chỉ vài trăm người sau này có lúc khoảng 120.000 người, đã đổ không biết bao mồ hôi, xương máu san núi, bạt rừng, làm nên mạng lưới giao thông liên hoàn, vững chắc. Với 5 hệ thống đường trục dọc, 21 đường trục ngang, nối Đông và Tây Trường Sơn, vươn tới các chiến trường phía Nam với chiều dài gần 20.000km.

Do phải đảm bảo yêu cầu tuyệt đối bí mật, an toàn nên đường Trường Sơn đều mở xuyên qua những cánh rừng rậm, âm u, ở những nơi không có gì ngoài đá. Đá trập trùng, đá cao vòi vọi, rồi cầu, cống ngầm, lại còn suối sâu, vực thẳm. Có khi rải đá xếp xong là sụp xuống như thách thức sức chịu đựng cơ bắp của con người.

Ước tính từ năm 1965 đến năm 1972, đế quốc Mỹ đã huy động khoảng 773.000 lượt máy bay các loại, thực hiện 152.000 trận oanh kích, trút xuống tuyến đường Trường Sơn gần 4 triệu tấn bom đạn, nhằm phá nát mạng lưới giao thông quân sự chiến lược này. Dù hiểm nguy, gian khó, các lực lượng công binh, thanh niên xung phong, dân công hỏa tuyến của Binh đoàn Trường Sơn vẫn kiên cường bám trụ, giành giật từng mét đường với quyết tâm “Máu có thể đổ, nhưng đường không thể tắc”.

Là tuyến đường chi viện chính cho chiến trường miền Nam. Trong suốt 16 năm, bộ đội đường Trường Sơn đã vận chuyển được hơn 1 triệu tấn hàng, vũ khí vào chiến trường. Bảo đảm hành quân cho hơn 2 triệu lượt người vào chiến trường hoặc từ chiến trường trở ra miền Bắc. Vận chuyển cơ động 10 lượt sư đoàn, 3 quân đoàn, hộ tống 90 đơn vị binh chủng kỹ thuật vào chiến trường.

Ít có con đường nào trên thế giới mà khi thi công phải hi sinh, mất mát nhiều người như con đường Trường Sơn thời đánh Mỹ. Theo con số thống kê, hơn 20.000 bộ đội, thanh niên xung phong, dân công hỏa tuyến hi sinh (vì bom đạn, sốt rét, phù tim, phù phổi, kiết lỵ, trụy tim mạch, suy kiệt vì quá gian khổ). Hơn 30.000 người bị thương (chưa kể các di chứng nặng nề của chất độc da cam dioxin…); khoảng 14.500 xe, máy các loại, hơn 700 khẩu súng pháo bị phá hủy, hư hỏng; hơn 90.000 tấn hàng hóa bị đánh cháy.

Tấm văn bia Nghĩa trang liệt sĩ Trường Sơn ở Quảng Trị, nơi có 10.000 ngôi mộ liệt sỹ Trường Sơn khắc đậm dòng chữ: “Năm tháng sẽ trôi qua, những đóng góp của Bộ đội đường Hồ Chí Minh, thanh niên xung phong, dân công hỏa tuyến vào cuộc chi viện cho các chiến trường sẽ mãi mãi được ghi vào trang sử oanh liệt của dân tộc ra, của quân đội ta như một thiên anh hùng ca bất tử…”

Từ ngày thành lập (tháng 5/1959) Bộ đội Trường Sơn gồm nhiều lực lượng khác nhau, hoạt động trên một địa bàn rộng với gần 40 đầu mối tài chính. Mỗi khi điều chỉnh lực lượng, giải tán đơn vị cũ, thành lập đơn vị mới, điều động, bổ sung, di chuyển đơn vị… công tác tài chính của Phòng Tài vụ Đoàn 559 gặp nhiều khó khăn, phức tạp khi thanh quyết toán.

Bộ đội Đoàn 559 thanh niên xung phong, dân công hỏa tuyến được hưởng lương và sinh hoạt phí như các đơn vị ở miền Bắc. Do không được đưa tiền Ngân hàng Nhà nước vào từ Nam vĩ tuyến 17 (sông Bến Hải) nên việc đảm bảo chế độ, quyền lợi cho bộ đội, thanh niên xung phong rất khó khăn. Việc thanh toán đôi khi trùng lĩnh, trùng phát. Thanh toán tài chính trong nội bộ các đơn vị của đoàn phức tạp, nhiều khi không kịp thời.

Trong hoàn cảnh đó Phòng Tài vụ Đoàn 559 đã đề nghị Cục Tài vụ (Bộ Quốc phòng) cho phép được dùng tiền nội bộ. Ý tưởng đó được báo cáo xin ý kiến cấp trên và được chấp thuận. Cục tài vụ Bộ Quốc phòng đã làm việc với Ngân hàng Nhà nước vì lúc đó ở miền Bắc chỉ có Ngân hàng Nhà nước là đơn vị duy nhất được phát hành đồng tiền và quản lý tiền. Sau khi chủ trương được thông qua, Ngân hàng Nhà nước đã giao cho Nhà in Ngân hàng thiết kế mẫu, in tiền và sau đó được phát hành cuối năm 1965, với tên gọi là Phiếu Bách hóa.

Phiếu Bách hóa trang trí như một loại tiền, in hoa văn một mặt, trên cùng là chữ TRƯỜNG SƠN, phía dưới là PHIẾU BÁCH HÓA, dưới cùng là số mệnh giá. Có 4 loại số mệnh giá là số 1, số 2, số 5 và số 10. Số mệnh giá trên tương ứng với đồng tiền Ngân hàng Nhà nước lúc đó là 1 đồng, 2 đồng, 5 đồng và 10 đồng. Phiếu Bách hóa  chỉ lưu hành trong nội bộ Đoàn 559, từ Nam sông Bến Hải trở vào.

Đồng tiền Trường sơn hiện đang được lưu giữ tại Bảo tàng Thanh Hóa

Khi bộ đội, thanh niên xung phong, dân công hỏa tuyến thuộc Đoàn 559 ra Bắc, tiền Trường Sơn (Phiếu Bách hóa) được đổi sang tiền Ngân hàng Nhà nước. Phòng Tài vụ Đoàn 559 bố trí 2 địa điểm để đổi tiền, một địa điểm ở Cự Nẫm (huyện Bố Trạch, Quảng Bình) và một địa điểm ở Trạm T63 Lý Nam Đế - Hà Nội.

Sau khi đổi tiền, hai địa điểm trên đã đóng gói các Phiếu Bách hóa, chuyển ngược vào Trường Sơn để tiếp tục sử dụng, tiết kiệm được giấy và chi phí in tiền.

Từ khi có Phiếu Bách hóa Phòng Tài chính Đoàn 559 đã đảm bảo đầy đủ quyền lợi cho bộ đội, thanh niên xung phong trong công tác, học tập, chuyển viện, chuyển công tác… và giải quyết tốt nhu cầu thanh toán giữa các đơn vị trong nội bộ Đoàn.

Phiếu Bách hóa thân thuộc với bộ đội, thanh niên xung phong ở Trường Sơn. Có một chuyện hy hữu là khi có người ở Trường Sơn ra Bắc đến Bách Hóa Tràng Tiền Hà Nội dùng Phiếu Bách hóa để mua hàng bị mậu dịch viên nghi là tiền giả. Khi được giải thích cặn kẽ mọi người mới hiểu và thêm quý bộ đội.

Qua năm tháng, quân số của Đoàn 559 ngày càng tăng, có lúc lên tới 12 vạn người, lượng Phiếu Bách hóa không đủ để chi trả. Nhận thấy hạn chế này, Phòng Tài vụ Đoàn 559 đã nghiên cứu và xin ý kiến cấp trên để phát hành thêm một loại phiếu thanh toán mới gọi là Giấy nhận nợ. Giấy nhận nợ như tờ séc hoặc Ủy nhiệm chi ở miền Bắc lúc bấy giờ.

Giấy nhận nợ không xác định mệnh giá. Khi sử dụng Giấy nhận nợ phải ghi đầy đủ họ, tên, đơn vị, quê quán, nhận dạng, số tiền và phải đóng 2 con dấu. Một con dấu của đoàn 559 và một con dấu của đơn vị hưởng séc. Sở dĩ phải ghi như vậy vì khi đi B (Bộ đội, cán bộ miền Bắc vào Nam chiến đấu, công tác… gọi là đi B) không được phép đem theo chứng minh thư.

Giấy nhận nợ in đơn giản nhưng có mật mã riêng đề phòng việc làm giả mạo. Ở phần ghi chú nhỏ ở phía dưới cùng của giấy có ghi dòng chữ “giữ gìn cẩn thận” trong đó có một chữ “n” được in ngược thành chữ “u”. Dấu hiệu này rất quan trọng để phân biệt giấy thật, giấy giả mạo. Chỉ có vài người có trách nhiệm mới được phổ biến mật mã này.

Giấy nhận nợ chỉ có giá trị sử dụng trong nội bộ Đoàn 559. Khi cấp giấy nhận nợ, Phòng Tài vụ Đoàn 559 ghi vào sổ lưu để đối chiếu trong khi thanh quyết toán và đề phòng trường hợp có cháy hoặc người sử dụng giấy hi sinh thì dựa trên địa chỉ đã đăng ký để sau này chuyển tiền trả về gia đình người đó.

Tương tự như Phiếu Bách hóa, cán bộ, chiến sĩ thanh niên xung phong khi lui về hậu phương, mang Giấy nhận nợ đến Cự Nẫm hoặc T63 để đổi tiền Ngân hàng. Khác với Phiếu Bách hóa, Giấy nhận nợ khi thu hồi là cho kiểm kê và tiêu hủy ngay.

Mười năm sau khi quyết toàn tài chính, đặc biệt là thời điểm sử dụng Phiếu Bách hóa, Giấy nhận nợ không phát hiện ra bất kỳ sự giả mạo nào, cũng không xảy ra việc trùng phát hay trùng lĩnh. Mọi cân đối tài chính đều rành mạch, thông suốt.

Tiền Trường Sơn là một sáng tạo độc đáo, góp phần phản ánh thời kỳ gian khổ của bộ đội ta trong công cuộc kháng chiến chống Mỹ thống nhất nước nhà. Đồng thời đã góp phần nuôi dưỡng sức quân, tạo nên chiến thắng vang dội trên chiến trường và đã hoàn thành sứ mệnh vẻ vang của mình vào ngày 30/4/1975 lịch sử.

Một điều đáng tiếc là sau chiến tranh không ai còn lưu giữ tờ Giấy nhận nợ (Séc không mệnh giá). Đồng tiền Trường Sơn (Phiếu Bách hóa) hiện nay được lưu giữ ở một số nơi như: Bảo tàng đường Hồ Chí Minh, Bảo tàng thành phố Hồ Chí Minh, Phòng truyền thống Hội Cựu thanh niên xung phong tỉnh Thanh Hóa và Bảo tàng tỉnh Thanh Hóa./.

Lê Thành Hiểu - Nguyên Giám đốc Bảo tàng tỉnh Thanh Hóa (1998 - 2008)
Tài liệu tham khảo:
- Báo Ngày nay số 658 ngày 05/5/2016
- Báo Hôn nhân Pháp luật thứ 3 ngày 01/8/2017
Nguồn: 
Trích: Bảo tàng tỉnh, 2018, "Bảo tàng tỉnh Thanh Hóa 35 năm thành lập và phát triển (1983-2018)", Nxb Thanh Hóa.