Nâng cao chất lượng công tác phát triển nguồn nhân lực tại Bảo tàng tỉnh Thanh Hóa

Bảo tàng tỉnh Thanh Hóa được thành năm 1983 trên cơ sở Phòng Bảo tồn - Bảo tàng thuộc Ty Văn hóa (năm 1956). Với chức năng nghiên cứu, sưu tầm, kiểm kê, bảo quản và trưng bày phát huy các giá trị di sản văn hóa tỉnh Thanh Hóa đến đông đảo quần chúng nhân dân, đặc biệt là thế hệ trẻ, đồng thời Bảo tàng cũng là nơi nghiên cứu khoa học và truyền bá khoa học lịch sử, một địa điểm hấp dẫn của du lịch trong thời kỳ hội nhập và phát triển.

Theo chức năng, nhiệm vụ được giao, cơ cấu tổ chức bộ máy của Bảo tàng gồm: Ban lãnh đạo; Phòng Hành chính - tổ chức; Các phòng chuyên môn. Hiện nay, Tổ chức bộ máy của đơn vị gồm: Ban lãnh đạo: 01 Giám đốc; Phòng Hành chính - Tổ chức: 08 người (03 biên chế; 01 hợp đồng 68; 04 HĐLĐ) và 3 phòng chuyên môn: Phòng Trưng bày - Tuyên truyền: 08 người (05 biên chế; 03 HĐLĐ); Phòng Kiểm kê - Bảo quản: 06 người (03 biên chế; 03 HĐLĐ); Phòng Sưu tầm: 03 người ( 01 biên chế; 02 HĐLĐ).

Trong những năm qua Bảo tàng tỉnh đã chủ động tích cực phấn đấu  hoàn thành tốt nhiệm vụ chính trị và chỉ tiêu, kế hoạch của ngành, của Nhà nước giao. Bên cạnh đó đã tập trung xây dựng chất lượng đội ngũ cán bộ viên chức, người lao động, thực hiện chế độ chính sách, công tác thi đua - khen thưởng và kỷ cương, kỷ luật, thực hiện phòng chống tham nhũng, tiêu cực, lãng phí, quản lý tài chính và tài sản theo phân cấp, xây dựng các tổ chức quần chúng cơ quan đơn vị đoàn kết, phát triển.

Để phục vụ tốt công tác chuyên môn, Bảo tàng tỉnh đã tập trung cho công tác đào tạo, bồi dư­ỡng nâng cao trình độ chính trị, chuyên môn nghiệp vụ cho toàn thể đội ngũ cán bộ nhất là cán bộ trẻ, được đào tạo cơ bản, cử đi học các lớp sau đại học và các lớp tập huấn chuyên môn nghiệp vụ về di sản văn hóa, thuyết minh viên có phẩm chất đạo đức tốt, năng lực và Quản lý Nhà nư­ớc nhằm bổ sung nguồn nhân lực chất lượng cao cho đơn vị. Hiện nay đội ngũ CBVC và ngư­ời lao động Bảo tàng tỉnh có 26 ng­ười. Trong đó, 07 người có trình độ Thạc sỹ, 15 người có trình độ Cử nhân, 01 người đang theo học Thạc sĩ chuyên ngành Lịch sử. Ban Giám đốc, Tr­ưởng, Phó các phòng, cán bộ viên chức trở lên đư­ợc tham gia học lớp Quản lý nhà n­ước, Cao cấp LLCT, Trung cấp LLCT; vì thế hầu hết đội ngũ cán bộ trong đơn vị đều có bản lĩnh chính trị vững vàng, chuyên môn nghiệp vụ sâu sắc đã và đang góp phần xây dựng Bảo tàng ngày càng phát triển vững mạnh.

Công tác Đảng và tổ chức đoàn thể gồm: Chi bộ Đảng có 11 đảng viên, Công đoàn có 19 đoàn viên, Chi hội Cựu chiến binh gồm 02 hội viên,  Chi đoàn Thanh niên Cộng sản Hồ Chí Minh có 11 đoàn viên (trong tổng số 26 cán bộ viên chức, lao động nhiều người vừa là đảng viên, vừa là đoàn viên công đoàn và đoàn viên thanh niên). Từ ngày thành lập đến nay, Chi bộ Đảng thực sự là hạt nhân chính trị, lãnh đạo thực hiện có hiệu quả các chủ trương, nhiệm vụ, công tác của đơn vị. Chi bộ luôn được công nhận là Chi bộ trong sạch vững mạnh; 100% đảng viên được công nhận là đảng viên “Đủ tư cách hoàn thành tốt nhiệm vụ”, 20% đảng viên được công nhận là đảng viên “Đủ tư cách hoàn thành xuất sắc nhiệm vụ”. Công tác phát triển đảng luôn được quan tâm, trong những năm qua, Chi bộ đã kết nạp được nhiều đảng viên mới. Đoàn viên, hội viên của các tổ chức Công đoàn cơ sở, Chi Đoàn thanh niên, Chi hội Cựu Chiến binh thường xuyên tu dưỡng, rèn luyện nâng cao trình độ chính trị, vững tin vào sự lãnh đạo của Đảng, đầu tầu g­ương mẫu, hoàn thành xuất sắc nhiệm vụ chuyên môn, tích cực lao động sáng tạo nâng cao chất lượng và hiệu quả trong mọi hoạt động công tác. Hàng năm các tổ chức đoàn thể đều đư­ợc công nhận là tổ chức “Vững mạnh toàn diện”, nhiều đoàn viên, hội viên  đư­ợc tặng Bằng khen, Giấy khen các cấp.

Những đóng góp của Bảo tàng tỉnh cho sự nghiệp Văn hóa, Thể thao và Du lịch trong 35 năm  qua đã được ghi nhận với nhiều phần thưởng cao quý: Cờ thi đua, Bằng khen của Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch; Bằng khen của Chủ tịch UBND tỉnh; Bằng khen của Liên đoàn Lao động tỉnh Thanh Hóa cùng nhiều Giấy khen của ngành cho tập thể. Nhiều cá nhân được Thủ tướng tặng Bằng khen, Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch tặng khen “Vì sự nghiệp bảo tồn Di sản văn hóa dân tộc”, “Vì sự nghiệp Công đoàn”...

Bên cạnh những kết quả đạt được vẫn còn một số hạn chế đó là:

- Một số cán bộ về năng lực chuyên môn, ngoại ngữ và việc áp dụng khoa học công nghệ còn hạn chế.

- Cơ cấu cán bộ theo giới tính còn bất cập khá chênh lệch, cán bộ viên chức là nữ chiếm đến 85%, phần lớn còn trẻ đang ở độ tuổi sinh và nuôi con nhỏ, nên chưa có nhiều thời gian tập trung cho học tập, hoạt động chuyên môn và nghiên cứu khoa học chưa được nhiều.

- Cơ sở vật chất từ kho bảo quản đến hệ thống trưng bày đều tận dụng nhà cũ, sửa chữa cải tạo lại để sử dụng nên không phù hợp với công năng hoạt động của Bảo tàng. Các trang thiết bị tuy được quan tâm đầu tư song còn chưa đáp ứng được yêu cầu của công tác bảo quản hiện vật.

Để bắt kịp với xu hướng phát triển của hệ thống bảo tàng trong nước và ngày càng thực hiện tốt vai trò của mình, Bảo tàng Thanh Hóa cần tập trung đầu tư nâng cao chất lượng nguồn nhân lực và tiến hành đồng bộ nhiều giải pháp, song trước hết phải làm tốt công tác tư tưởng thống nhất nhằm nâng cao nhận thức cho cán bộ lãnh đạo quản lý và cán bộ, viên chức của đơn vị, một khi đã nhận thức đúng thì hành động sẽ đúng. Cần nâng cao ý thức tự giác, tinh thần trách nhiệm, đạo đức nghề nghiệp, chủ động học tập nâng cao trình độ chuyên môn, nghiệp vụ, phấn đấu mỗi người trở thành một tấm gương sáng về đạo đức, tự học tập, nghiên cứu trau dồi nâng cao trình độ chuyên môn nghiệp vụ, chủ động nghiên cứu đưa ra những sáng kiến xây dựng phát triển đơn vị.

Bên cạnh đó, Bảo tàng chú trọng đến các vấn đề sau:

- Thực hiện tốt công tác quy hoạch, tạo nguồn và bố trí sắp xếp vị trí việc làm, bổ nhiệm cán bộ, viên chức:

Để thực hiện được, trước hết phải nhanh chóng tiến hành rà soát, xác định số lượng cán bộ lãnh đạo các phòng, ban đưa vào nguồn quy hoạch. Xây dựng tiêu chí cụ thể để đưa vào kế hoạch đào tạo, bồi dưỡng, có như vậy mới đáp ứng được chất lượng khi bổ nhiệm.

Thực hiện quy hoạch cán bộ, viên chức phải đảm bảo khoa học, hợp lí, phù hợp với đặc điểm của cơ quan. Bố trí cán bộ cho đúng chuyên môn, chuyên ngành đào tạo, sở trường để phát huy tốt khả năng và sở trường. Xây dựng vị trí việc làm sát với nhiệm vụ để bố trí, sắp xếp cán bộ, viên chức cho phù hợp.

Nhanh chóng xem xét, làm quy trình bổ nhiệm những cán bộ có năng lực, có kinh nghiệm trong công tác vào các chức danh trưởng, phó phòng còn thiếu nhằm động viên khuyến khích để cán bộ phát huy hết năng lực sở trường của mình trong công tác quản lý và thực thi nhiệm vụ.

- Thực hiện công tác tuyển dụng, áp dụng sát các chế độ của nhà nước đã ban hành như chính sách đãi ngộ, thu hút nhân tài về làm việc tại Bảo tàng.

Cần tập trung đào tạo, đào tạo lại, bồi dưỡng xây dựng đội ngũ cán bộ, viên chức làm công tác thuyết minh, tuyên truyền, để không ngừng nâng cao chất lượng thuyết minh giới thiệu trưng bày Bảo tàng.

Trong tuyển dụng, cố gắng lựa chọn, tuyển dụng những cán bộ nam có năng lực đảm nhận công tác sưu tầm hiện vật và một số công việc khác; cán bộ chuyên sâu về công tác bảo quản hiện vật.

Nâng cao mức đãi ngộ đối với các cá nhân có tài năng thực sự, trình độ chuyên môn cao vào làm việc tại đơn vị.

Hàng năm luôn có kế hoạch gửi cán bộ, viên chức đi tập huấn, học tập nâng cao trình độ, nắm bắt những điểm mới theo xu hướng phát triển chung của Bộ, ngành, cả nước, tránh sự tụt hậu.

Có kế hoạch ứng dụng công nghệ thông tin, công nghệ số trong trưng bày, số hóa tài liệu hiện vật. Điều này sẽ giúp cán bộ bảo tàng và khách tham quan có thể chủ động hơn trong công việc và khai thác thông tin tài liệu, hiện vật.

- Sắp xếp, bố trí đội ngũ đúng chuyên môn, phù hợp với năng lực, sở trường của mỗi người

Hàng năm, cần tiến hành rà soát lại các vị trí việc làm và năng lực của từng người để thực hiện phân công công việc một cách hợp lý, giúp mỗi người có điều kiện phát huy năng lực, sở trường. Chính sự phân công phù hợp và giao nhiệm vụ rõ ràng sẽ khiến mỗi người tự mình phấn đấu hoàn thành nhiệm vụ, không dựa dẫm hoặc tỵ nạnh. Từ đó phát huy được tinh thần tự lực, phát triển những mặt mạnh, hạn chế mặt yếu để hoàn thiện bản thân, nâng cao trình độ đáp ứng tốt công việc.

 - Tăng cường công tác kiểm tra, thanh tra, đánh giá đội ngũ cán bộ, viên chức

Tăng cường công tác kiểm tra đánh giá là việc làm không thể thiếu nhằm nâng cao chất lượng nguồn nhân lực. Thông qua hoạt động này, lãnh đạo Bảo tàng có thể nắm bắt chính xác, khách quan thực trạng nguồn nhân lực, đối chiếu với quy định của Luật công chức và các văn bản quy phạm pháp luật có liên quan để kịp thời chấn chỉnh, sửa chữa những thiếu sót, hạn chế của cán bộ trong cơ quan.

Tăng cường công tác thi đua khen thưởng, xây dựng quy chế thi đua khen thưởng để khuyến khích và khen thưởng kịp thời đối với các cán bộ, viên chức có tinh thần trách nhiệm cao trong công tác nhằm tôn vinh những điển hình tiên tiến, gương người tốt việc tốt.

Phát huy truyền thống 35 năm xây dựng và tr­ưởng thành, được sự quan tâm của Tỉnh ủy, HĐND, UBND tỉnh, đặc biệt là sự chỉ đạo chặt chẽ của Giám đốc Sở Văn hóa, Thể thao và Du lịch Thanh Hóa, toàn thể CBVC Bảo tàng tỉnh Thanh Hoá phấn khởi, đoàn kết nêu cao quyết tâm phấn đấu đạt hiệu quả cao nhất trong nghiên cứu, sưu tầm, kiểm kê, bảo quản và tổ chức trưng bày, giới thiệu các tài liệu, hiện vật có giá trị lịch sử văn hóa tiêu biểu, góp phần cùng ngành Văn hóa, Thể thao và Du lịch Thanh Hóa hoàn thành xuất sắc nhiệm vụ được giao./.

Lê Quang Tiên
(TP Hành chính tổ chức)
Nguồn: 
Trích: Bảo tàng tỉnh, 2018, "Bảo tàng tỉnh Thanh Hóa 35 năm thành lập và phát triển (1983-2018)", Nxb Thanh Hóa.