Vài suy nghĩ về: Phát huy tác dụng Bảo tàng tỉnh Thanh Hóa trong bối cảnh đất nước mở cửa hội nhập

Bảo tàng tỉnh Thanh Hoá có lợi thế lớn, lịch sử 4.000 năm của dân tộc, để lại những chứng tích sâu đậm hùng hồn trên phần đất Thanh Hoá từ thời tiền sử, sơ sử, trung đại đến hiện đại. Bảo tàng tỉnh Thanh Hoá là cuốn thông sử bằng hiện vật.

Tôi thuộc thế hệ kế tục vào những năm 1971 của thế kỷ trước, nghĩa là trước đó những thế hệ tiền bối đã đặt viên gạch đầu tiên cho ngành Bảo tàng tỉnh Thanh Hoá qua công tác sưu tầm hiện vật đưa vào Kho của phòng Bảo tồn Bảo tàng của Sở Văn hoá. Trong phạm vi bài viết ngắn này, lời đầu tiên tôi xin tỏ lòng tri ân những bậc tiền bối, mà đa phần các vị đã thành người thiên cổ.

Bảo tàng tỉnh Thanh Hoá đã đuợc các thế hệ cán bộ đào sâu suy nghĩ, say sưa nghiên cứu, tổ chức trưng bày phát huy tác dụng. Quá trình sưu tầm không mệt mỏi từ đồng bằng đến vùng sâu xa núi rừng đã đưa về kho của Bảo tàng càng ngày càng nhiều. Hiện vật là ngôn ngữ của Bảo tàng, tiếng nói phong phú nhiều vậy mà sao số luợng khách tới tham quan, học hỏi hiện nay quá khiêm tốn?

Đất nước mở cửa, đời sống hàng ngày tất bật hối hả, chỉ với một nhu cầu thị trường lập tức đưa ra nhiều lựa chọn. Trong lĩnh vực đời sống văn hoá tinh thần cũng vậy: phim ảnh, video, sân khấu, internet… Bảo tàng mặc nhiên bị chi phối bởi nhiều hoạt động phong phú về văn hoá.

- Hàng năm Bảo tàng tỉnh đón được bao nhiêu khách?

- Khách nước ngoài vào thăm được bao nhiêu người?

Trả lời những câu hỏi trên một cách khách quan chỉ có những nhà “Bảo tàng học”.

Trong xã hội mở cửa hội nhập, không có một ngành nghề nào tồn tại phát triển đơn lẻ, cô độc, mà phải liên kết sáng tạo ra chuỗi giá trị. Vậy Bảo tàng phải liên kết với ngành nào để có nhiều khách. Bảo tàng đưa đến cho con người thoả mãn đòi hỏi về sự hiểu biết về con người, về xã hội, hoặc một sự kiện cụ thể nào đó. Bảo tàng đưa lại những giá trị thẩm mỹ của các thời đại quá khứ đã sáng tạo ra.

Các Công ty lữ hành chính là đối tượng liên kết, bảo tàng là một sản phẩm của một tour. Coi Bảo tàng là một sản phẩm thì phải tìm cách đưa sản phẩm tới tay khách hàng, nghĩa là phải chủ động, không thụ động trong hoạt động. Ví như đối tượng là học sinh thì Bảo tàng là nơi hỗ trợ kiến thức lịch sử. Đối tượng khách phổ thông thì Bảo tàng là nơi đưa lại những nhận thức mới mẻ, giải trí chỉ trong thời gian ngắn.

Bảo tàng phải tiến hành một chiến thuật mời gọi, nghĩa là quảng bá Bảo tàng, hiện vật quý hiếm đẹp trên truyền hình, trên website, trên ấn phẩm để các thuật ngữ: “bảo tàng”, “hiện vật”, “bảo vật” không còn xa lạ với mỗi người dân Việt Nam.

Bảo tàng tỉnh Thanh Hoá đã có thời gian hình thành mấy thập kỷ, đã đạt được nhiều thành tựu: sưu tầm được nhiều hiện vật có giá trị; đã xây dựng được đề cương trưng bày thông sử xuyên suốt sau quá trình tổ chức nghiên cứu, chỉnh sửa nhiều lần; đó là công lao của cả một đội ngũ cán bộ có ý thức say sưa với nghề nghiệp.

Để Bảo tàng tỉnh Thanh Hoá ngày một hấp dẫn thì phải thường xuyên tổ chức trưng bày chuyên đề bên cạnh trưng bày thông sử. Đội ngũ cán bộ thuyết minh phải được nâng cao về mọi mặt: chuyên môn sâu rộng, ngoại ngữ giỏi, hình thức hấp dẫn, giao tiếp với khách hoà đồng. Khách tới Bảo tàng nhiều và hướng sau này ta có thể bán vé trước khi vào tham quan (bảo tàng Trung ương và các bảo tàng ở trên thế giới đều có bán vé vào cửa).

Bảo tàng ví như viên ngọc quý, ngọc toả sáng khi có nhiều nguời đến xem. Ngọc quý không có nguời chiêm nguỡng chẳng khác gì ngọc cất trong rương hòm không có tác dụng gì cho đời sống con nguời./.

Lê Thị Vinh 
(Nguyên Phó Giám đốc Bảo tàng tỉnh Thanh Hóa)
Nguồn: 
Trích: Bảo tàng tỉnh, 2018, "Bảo tàng tỉnh Thanh Hóa 35 năm thành lập và phát triển (1983-2018)", Nxb Thanh Hóa.