Công tác tuyên truyền, giáo dục lịch sử cho học sinh, sinh viên của Bảo tàng tỉnh

Công tác tuyên truyền, giáo dục là một trong các chức năng chính của Bảo tàng tỉnh Thanh Hóa. Cùng với sự phát triển của xã hội, những năm gần đây, Bảo tàng tỉnh đã trở thành địa chỉ, điểm đến quen thuộc thu hút đông đảo công chúng, đặc biệt là đối với lứa tuổi thanh, thiếu niên, nhi đồng.

Thuộc loại hình bảo tàng khảo cứu địa phương, Bảo tàng tỉnh Thanh Hóa đang lưu giữ và trưng bày hơn 28.000 đơn vị hiện vật, minh chứng cho quá trình hình thành và phát triển của vùng đất xứ Thanh từ thời tiền sử cho đến ngày nay. Chính vì vậy, công tác tuyên truyền, giáo dục hơn bao giờ hết là một khâu hết sức quan trọng, góp phần nâng cao kiến thức lịch sử, văn hóa, khoa học cho công chúng khi đến với bảo tàng, nhất là đối với các em học sinh, sinh viên ở độ tuổi thanh, thiếu niên, nhi đồng.

Theo thống kê hàng năm, số lượng học sinh chiếm 2/3 tổng số khách tham quan hệ thống trưng bày cố định tại Bảo tàng. Phần lớn các em thường đến Bảo tàng theo chương trình học, những buổi ngoại khóa của nhà trường (cũng có số ít các em đến cùng với gia đình, bạn bè) với mục đích tìm hiểu kiến thức về lịch sử, văn hóa của quê hương, đất nước thông qua những tài liệu, hiện vật trưng bày. Do đó, để làm tốt công tác tuyên truyền, giáo dục trong thời gian qua Bảo tàng tỉnh đã xây dựng những chương trình giáo dục theo xu hướng mới, phù hợp với từng độ tuổi, cấp học của các em.

Nếu như trước đây, mỗi buổi tham quan bảo tàng chỉ dừng lại ở việc xem và nghe thuyết minh viên hướng dẫn nội dung các phòng trưng bày thì nay đến với Bảo tàng ngoài việc học lịch sử qua các tài liệu, hiện vật trưng bày, các em còn được tham gia các hoạt động tương tác, trải nghiệm, các trò chơi dân gian hết sức bổ ích, lý thú. Kết quả của những buổi tham quan bảo tàng luôn được đánh giá cao.

Thầy Lê Ngọc Hải – Hiệu trưởng trường THCS và THPT Như Thanh cho biết: “Đây là lần đầu tiên thầy và trò nhà trường đến tham quan Bảo tàng Thanh Hóa. Qua thăm Bảo tàng nhà trường nhận thấy rằng hàng năm cần phải tổ chức các chương trình ngoại khóa về giáo dục lịch sử cho học sinh tại Bảo tàng”.

Là người thường xuyên tổ chức các hoạt động ngoại khóa cho học sinh, theo cô Nguyễn Thị Hòa - Tổng phụ trách đội Trường Tiểu học Lý Tự Trọng: “Để làm tốt các hoạt động ngoài giờ lên lớp cho học sinh, nhà trường thường xuyên tổ chức cho các em đi tham quan các khu di tích, đặc biệt là Bảo tàng tỉnh. Qua đó, nhằm giáo dục cho các em biết về truyền thống, lịch sử của dân tộc Việt Nam thông qua những hình ảnh, hiện vật trưng bày”.

Với bạn Đỗ Phương Thảo, học sinh lớp 10A2 trường THPT Trường Thi: “Đến với Bảo tàng em đã hiểu thêm được bề dày lịch sử, văn hóa của Thanh Hóa, thấy được nhiều điều bổ ích để áp dụng vào việc học tập của mình”.

Dù đã đến Bảo tàng lần thứ 2 nhưng em Lê Thị Vân Anh, học sinh trường Tiểu học Lý Tự Trọng, TP. Thanh Hóa vẫn rất hồ hởi: “Con rất thích đến Bảo tàng, thỉnh thoảng nhà trường thường hay tổ chức cho con và các bạn đến đây để tham quan. Đến đây, con được học rất nhiều điều, giúp con hiểu hơn về lịch sử dân tộc và những người cổ xưa”.

Tiếp tục phát huy những kết quả đã đạt được, trong thời gian tới, Bảo tàng chú trọng từng bước đổi mới giải pháp trưng bày theo hướng hiện đại; tăng cường trưng bày chuyên đề; tổ chức nhiều hơn các chương trình giáo dục thông qua trưng bày lưu động... Đa dạng hóa các hình thức tuyên truyền, quảng bá thu hút khách tham quan; kết hợp tuyên truyền giáo dục với tổ chức các hoạt động trải nghiệm; tiếp tục nghiên cứu, tạo ra nhiều hơn nữa những sản phẩm văn hóa có giá trị, đưa Bảo tàng dần trở thành địa điểm học tập suốt đời của nhân dân, trong đó có các em thanh, thiếu niên, nhi đồng.  

Một số hình ảnh hoạt động giáo dục lịch sử cho thanh, thiếu niên, nhi đồng:
Thầy và trò trường THCS và THPT Như Thanh (ảnh trên), học sinh trường Tiểu học Đông Vệ (ảnh dưới)
tham quan phòng trưng bày “Thanh Hóa thời Tiền sử - Sơ sử”.
Sinh viên trường Đại học Hồng Đức (ảnh trên) và Học sinh trường THCS Nam Ngạn (ảnh dưới) tham quan
phòng trưng bày “Thanh Hóa từ thế kỷ X đến giữa thế kỷ XIX”.
Chương trình “Em yêu lịch sử quê hương”, tổ chức tại trường THCS Lê Quang Trường 
(xã Hoằng Tiến, huyện Hoằng Hóa).
Hoạt động trải nghiệm của các bạn trường Tiểu học Hoằng Quỳ (huyện Hoằng Hóa).
Hoạt động trải nghiệm của các bạn trường THPT Thị trấn Cẩm Thủy.
Dương Thị Mỹ Dung
(Trưởng phòng Trưng bày – tuyên truyền)