Vai trò của người cao tuổi trong việc bảo tồn và phát huy giá trị di sản văn hóa thông qua hiện vật tại Bảo tàng tỉnh Thanh Hóa

Trong suốt chiều dài lịch sử dân tộc Việt Nam, xứ Thanh là mảnh đất lưu lại nhiều dấu ấn đậm nét về lịch sử và văn hóa. Là vùng đất cổ, địa bàn gốc của những nền văn minh, văn hóa nổi tiếng như văn hóa Núi Đọ, văn hóa Đa Bút, Văn hóa Hoa Lộc và nền văn hóa Đông Sơn nổi tiếng thế giới. Thanh Hóa còn là vùng đất “địa linh nhân kiệt”, nơi phát tích “Tam vương Nhị chúa” và cũng là nơi quy tụ nhiều anh hùng hào kiệt của dân tộc như Bà Triệu, Dương Đình Nghệ, Lê Hoàn, Lê Lợi… các danh nhân văn hóa như Khương Công Phụ, Lê Văn Hưu, Lê Hy, Nguyễn Quán Nho, Đào Duy Từ…

Tính đến nay, Thanh Hóa có 804 di tích lịch sử, văn hóa đã được xếp hạng (trong đó 01 Di sản văn hóa Thế giới, 04 di tích Quốc gia đặc biệt, 101 di tích Quốc gia, 698 di tích cấp tỉnh), tiêu biểu như Di sản văn hóa thế giới Thành Nhà Hồ, khu dích tích quốc gia đặc biệt Lam Kinh, đền Bà Triệu, Lê Hoàn… cùng với những lễ hội truyền thống độc đáo mang sắc thái xứ Thanh như lễ hội Lam Kinh, lễ hội Bà Triệu, lễ hội Lê Hoàn…với những giọng hò, điệu múa (trò diễn Xuân Phả, múa đèn Đông Anh, lễ hội Poồn Poông dân tộc Mường, lễ hội Kin chiêng Boọc Mạy dân tộc Thái)…

Bảo tàng tỉnh Thanh Hóa thuộc loại hình bảo tàng lịch sử địa phương, với chức năng nhiệm vụ nghiên cứu sưu tầm, kiểm kê - bảo quản tài liệu hiện vật và trưng bày giới thiệu phát huy tác dụng những giá trị văn hóa, lịch sử đặc sắc của xứ Thanh thông qua hiện vật Bảo tàng nhằm truyền bá kiến thức lịch sử, giáo dục truyền thống và khơi dậy niềm tự hào về quê hương đất nước cho cán bộ và nhân dân, đặc biệt là đối với thế hệ trẻ học sinh, sinh viên.

35 năm phấn đấu xây dựng và trưởng thành, Bảo tàng được xếp vào hạng II, hiện đang trưng bày và lưu giữ hơn 28.000 đơn vị hiện vật từ thời Tiền sử cho đến ngày nay. Trong đó có 03 Bảo vật quốc gia và nhiều bộ sưu tập hiện vật quý hiếm thể hiện được những bước phát triển cơ bản của lịch sử Thanh Hóa thông qua tư liệu, hiện vật. Trong số các hiện vật đó có hàng trăm hiện vật về cách mạng, kháng chiến được các cụ, các bác người cao tuổi trong và ngoài tỉnh hiến tặng cho Bảo tàng. Có được những thành quả như hôm nay cũng nhờ công lao đóng góp của các thế hệ lãnh đạo và cán bộ đã từng công tác tại bảo tàng. Bên cạnh đó cũng phải kể đến những đóng góp to lớn của các cụ, các bác người cao tuổi trong tỉnh, trong nước với việc sưu tầm, gìn giữ, bảo tồn và phát huy giá trị hiện vật tại Bảo tàng.

Hằng năm, Bảo tàng đón hàng trăm lượt khách đến tham quan. Mỗi đoàn khách đều để lại những cảm xúc riêng, nhưng ấn tượng nhất vẫn là các đoàn khách  người có công với cách mạng của tỉnh, các bác cựu chiến binh Câu lạc bộ Hàm Rồng, các cụ hưu trí…Trong những buổi tham quan ấy, có nhiều bác cựu chiến binh đã rưng rưng nước mắt khi xem hình ảnh, hiện vật được trưng bày tại bảo tàng. Càng xúc động hơn khi các bác được xem lại những kỷ vật của mình cũng như của đồng đội đang được Bảo tàng trưng bày như huy hiệu chiến sỹ Điện Biên Phủ của bác Đồng Minh Tuấn (nguyên ở Đại đội 612, Tiểu đoàn 166, E 209, F 312 chiến đấu tại Đồi D1 Điện Biên Phủ); Huy hiệu Quyết thắng 5/8 bác Lê Xuân Giang  (nguyên Đại đội 4, Trung đoàn 228 Hàm Rồng); Xe đạp thồ của ông Trịnh Ngọc, dân công xe đạp thồ thị xã Thanh Hóa dùng tiếp vận lên chiến dịch Điện Biên Phủ (đạt kỷ lục 345,5kg/chuyến)…

Qua các đợt tham quan các bác có dịp gặp lại nhau, kể cho nhau nghe những câu chuyện thật xúc động về một thời hào hùng, với những kỷ niệm buồn vui và là dịp để các bác ôn lại những kỷ niệm một thời tham gia chiến đấu bảo vệ quê hương đất nước. Cựu chiến binh Nguyễn Hữu Bút, nguyên chiến sĩ Đại đội 8 xúc động nói: “Tham gia hai chiến dịch lớn: chiến dịch Điện Biên Phủ trên không và chiến dịch giải phóng miền Nam, trong đó có thời gian chiến đấu bảo vệ cầu Hàm Rồng, tôi rất tự hào nhắc nhở con cháu qua thăm bảo tàng để thấy được truyền thống của nhân dân Thanh Hóa và các chiến sĩ tham gia chiến đấu bảo vệ cầu Hàm Rồng…”.

Qua đây cán bộ làm Bảo tàng có thêm nhiều tư liệu quý, những câu chuyện kể bổ sung vào lý lịch hiện vật làm phong phú thêm nội dung thuyết minh. Một số cựu chiến binh sau khi tham quan Bảo tàng đã tự nguyện hiến tặng cho Bảo tàng nhiều hiện vật, tài liệu quý.

Hằng năm, thực hiện nhiệm vụ chính trị, kế hoạch nhà nước giao gắn với nhiệm vụ chính trị của đất nước và của tỉnh. Bảo tàng chú trọng công tác sưu tầm tài liệu, hiện vật. Công tác này là nền tảng quyết định cho sự ra đời, tồn tại và phát triển của một Bảo tàng. Nếu không có sưu tầm thì không có tài liệu, hiện vật để phục vụ công tác nghiên cứu, trưng bày và tuyên truyền.

Hiện vật được sưu tầm về Bảo tàng từ nhiều nguồn khác nhau như hiện vật thu được qua khai quật khảo cổ học, hiện vật của dân phát hiện, các nhà có chức năng thu được, hiện vật từ các nhà sưu tầm cổ vật tư nhân… Trong đó có một nguồn hiện vật hết sức quan trọng đó là nguồn từ các cụ, các bác người cao tuổi thông qua việc tuyên truyền, phối kết hợp với các tổ chức, cá nhân, đặc biệt là các Hội Cựu chiến binh từ cấp tỉnh đến cấp xã, phường. Tổ chức các buổi tọa đàm, giao lưu mời các nhân chứng lịch sử kể chuyện, trao đổi với cán bộ làm công tác chuyên môn tại Bảo tàng  hoặc các điểm di tích, gặp gỡ các nhân chứng tại các buổi lễ kỷ niệm các sự kiện trọng đại của tỉnh để sưu tầm hiện vật và những thông tin tư liệu bổ ích.

Mỗi địa phương khi chúng tôi đến sưu tầm đều rất quan tâm, tạo điều kiện về cơ sở vật chất cũng như tinh thần, đưa chúng tôi đi đến từng nhà dân, từng bác cựu chiến binh trong xã động viên, khuyến khích họ hiến tặng hiện vật cho Bảo tàng. Để tiếp cận được các nhân chứng, cán bộ sưu tầm phải đi lại nhiều lần, thăm hỏi động viên, kiên trì nói chuyện, vận động các cụ hiến tặng hiện vật cho Bảo tàng. Các nhân chứng là những cựu chiến binh, lão thành cách mạng nên tuổi đã cao, sức khỏe, trí nhớ giảm sút, nhưng kho tàng tư liệu, hiện vật mà các cụ lưu giữ lại rất phong phú. Những hiện vật của các cụ người cao tuổi là kỷ vật gắn bó với cuộc đời hoạt động cách mạng, kháng chiến được các cụ, các bác trân trọng, gìn giữ như một bảo vật của mình. Không phụ sự vất vả của những cán bộ sưu tầm, các cụ, các bác không ngần ngại lấy cho chúng tôi xem những tấm bằng khen, huân chương, huy hiệu, đồ dùng cá nhân… gắn liền với sự chiến đấu hi sinh gian khổ của các cụ, các bác cùng với đồng chí, đồng đội trên các chiến trường và kể các câu chuyện xoay quanh hiện vật. Mỗi đợt sưu tầm đều để lại cho chúng tôi những tình cảm biết ơn. Đó là những hiện vật có giá trị lịch sử góp phần bổ sung vào hồ sơ hiện vật nhiều thông tin bổ ích phục vụ cho công tác trưng bày, tuyên truyền.

Một trong những hình ảnh thật xúc động đó là Bác Mai Xuân Thế (thành phố Thanh Hóa) đã từng tham gia chiến dịch Điện Biên Phủ, nay bác đã ngoài 80 tuổi nhưng vẫn đạp xe đến Bảo tàng với một nguyện vọng là nhờ Bảo tàng lưu giữ, trưng bày một số hiện vật cũng như các bài viết của bác để mỗi lần con cháu đến Bảo tàng được xem lại những kỷ vật của cha ông mình để lại.

Với lòng say mê, yêu nghề, các bác nguyên là lãnh đạo Sở Văn hóa và lãnh đạo đã từng công tác tại Bảo tàng sau khi nghỉ hưu vẫn thường xuyên sưu tầm, thu thập tài liệu và tặng cho Bảo tàng như ông Lê Nguyên Thành (nguyên Giám đốc Sở Văn hóa Thông tin Thanh Hóa), họa sĩ Hoàng Hoa Mai (nguyên Giám đốc sở VHTT Thanh Hoá), bà Lê Thị Vinh, ông Phạm Tấn (nguyên phó Giám đốc Bảo tàng)…

Năm 2013, Bảo tàng đã tổ chức sưu tầm được 196 hiện vật phục vụ trưng bày “65 năm Quốc Hội Việt Nam và Hội đồng nhân dân tỉnh Thanh Hóa - những chặng đường vẻ vang”. Chủ nhân của hiện vật là các bác nguyên là lãnh đạo tỉnh, các ngành cơ quan đã có những thành tích trong các lĩnh vực chính trị, kinh tế, văn hóa xã hội như: ông Đỗ Hữu Thích (nguyên Trưởng ban Tuyên giáo Tỉnh ủy), ông Nguyễn Văn Huê (Nhà giáo nhân dân, anh hùng lao động năm 1967, nguyên Chủ tịch UBND thành phố Thanh Hóa), ông Lê Hữu Hinh (nguyên Phó Chủ tịch UBND tỉnh), ông Lê Văn Tam (Anh hùng lao động, Chủ tịch HĐQT công ty Cổ phần mía đường Lam Sơn), ông Trịnh Xuân Mão (nguyên GĐ Sở Nông nghiệp Thanh Hóa), Bà Nguyễn Thị Miện (nguyên Chủ tịch Hội Nông dân tỉnh)…

Năm 2014, Bảo tàng đã tổ chức khảo sát, sưu tầm được 33 hiện vật về biển đảo phục vụ trưng bày chuyên đề“Biển đảo và người chiến sĩ Hải quân - Âm vang chiến thắng trận đầu” nhân dịp kỷ niệm 50 năm chiến thắng trận đầu (2-5/8/1964 – 2-5/8/2014). Các hiện vật là huân huy chương, kỷ niệm chương, huy hiệu, trang phục… của các ông: ông Lê Minh Chanh (xã Hoằng Phú, huyện Hoằng Hóa) - nguyên Chính ủy viên vùng 4, Hải quân Việt Nam; ông Nguyễn Minh Thao (xã Hoằng Trinh, huyện Hoằng Hóa) - Nguyên phó trưởng phòng cán bộ Quân chủng Hải quân vùng 5; ông Vũ Trung Tính (xã Hải Ninh, huyện Tĩnh Gia) - Nguyên thuyền trưởng tàu không số, đường Hồ Chí Minh trên biển.

Năm 2015, nhân dịp kỷ niệm “50 năm Hàm Rồng chiến thắng” (3,4/4/1965 - 3,4/4/2015), Bảo tàng đã tổ chức sưu tầm được 53 hiện vật về Hàm Rồng của các Bác cựu chiến binh các tỉnh Thanh Hóa, Hà Nội, Bắc Giang đã từng tham gia chiến đấu bảo vệ cầu Hàm Rồng như: Hiện vật của ông Nguyễn Đức Chính, ông Ngô Anh Linh, ông Vũ Văn Thế, ông Lê Xuân Giang (tỉnh Thanh Hóa); ông Ngô Xuân Hồng, ông Nguyễn Minh Chúc, ông Nguyễn Văn Sai, ông Nguyễn Văn Thiệp, ông Nguyễn Văn Tinh (tỉnh Bắc Giang); ông Hà Văn Luân, ông Lê Văn Hiền, ông Phạm Thanh Lâm, ông Lương Xuân Trúc (tỉnh Hà Nội). Các hiện vật đều là những huân chương, huy hiệu, giấy chứng nhận cho đến những kỷ vật được làm từ mảnh xác máy bay, các bác đã tự tay sáng chế ra những đồ dùng sinh hoạt hàng ngày như vỏ phích, muôi, chậu, đĩa… và đến khi cán bộ Bảo tàng đến sưu tầm thì những hiện vật này vẫn được các bác trân trọng và sử dụng như một kỷ vật gắn bó hàng ngày với cuộc sống đời thường.

Năm 2018, Bảo tàng sưu tầm được 37 hiện vật từ các bác trong tỉnh: Hiện vật của ông Đồng Xuân Chế (thôn Nam Sơn, xã Nghi Sơn, huyện Tĩnh Gia), ông đã hiến tặng cho Bảo tàng 21 hiện vật gồm huân chương, kỷ niệm chương, trang phục… hiện vật của ông Bùi Xuân Hạnh (phường Ba Đình, tp Thanh Hóa) gồm có bằng khen, giấy chứng nhận… hiện vật của bà Trịnh Thị Xe (xã Yên Trường, huyện Yên Định) có huy hiệu Bác Hồ, huân chương kháng chiến, thẻ cử tri. Hiện vật của bà Nguyễn Thị Thứ (đội 3, xã Hoa Lộc, huyện Hậu Lộc) có huy hiệu, huy hiệu bác Hồ.

Bên cạnh những thuận lợi thì công tác sưu tầm hiện vật của Bảo tàng vẫn  còn gặp một số khó khăn:

- Nguồn kinh phí hàng năm cấp cho công tác sưu tầm, tuyên truyền còn hạn chế.

- Những nhân chứng lịch sử tuổi ngày càng cao, điều đó đồng nghĩa với tình trạng ngày càng mất đi cơ hội gặp gỡ khai thác thông tin, tư liệu hiện vật, nhân vật lịch sử.

- Các tư liệu, hiện vật đang được lưu giữ trong nhân dân đều chưa được áp dụng chế độ bảo quản khoa học mà hoàn toàn bảo quản trong điều kiện tự nhiên nên dẫn đến nhiều hiện vật đang đứng trước nguy cơ mai một, hư hỏng.

Để nâng cao nâng cao chất lượng công tác sưu tầm, bổ sung tư liệu, hiện vật, trong những năm tới, Bảo tàng cần:

- Xây dựng kế hoạch, đề cương sưu tầm dài hạn, ngắn hạn lựa chọn, thu thập tài liệu, hiện vật phù hợp với nội dung của bảo tàng, đặc biệt là là các hiện vật cách mạng, kháng chiến, thời kỳ bao cấp và thời kỳ đổi mới.

- Đẩy mạnh tuyên truyền về Luật Di sản văn hóa, các nghị định thông tư về hoạt động Bảo tàng trên các phương tiện thông tin đại chúng, báo, đài... đến với đông đảo nhân dân để có nhận thức đầy đủ hơn từ đó có ý thức trong việc giữ gìn và phát huy giá trị di sản văn hóa. Nắm được ý nghĩa của việc sưu tầm, hiến tặng hiện vật cho Bảo tàng, làm cho mỗi người dân hiểu rằng việc hiến tặng các tài liệu, hiện vật cho Bảo tàng lưu giữ cũng là vinh dự của cá nhân, gia đình, tổ chức, xem đây không chỉ là tài sản của gia đình mà còn là tài sản quốc gia.

- Thường xuyên tổ chức các buổi giao lưu, mời các cựu chiến binh về thăm Bảo tàng, qua đó tổ chức tuyên truyền vận động các cụ hiến tặng tư liệu, hiện vật, kỷ vật cho Bảo tàng.

- Xây dựng được đội ngũ cộng tác viên tại cơ sở thật sự năng động để tuyên truyền, vận động nhân dân trong việc bảo tồn và phát huy di sản văn hóa ngay tại địa phương.

- Cần có quy chế và chế độ trích thưởng khuyến khích, động viên kịp thời cho các tập thể, cá nhân có công phát hiện, sưu tầm, bảo quản và hiến tặng tư liệu, hiện vật cho Bảo tàng.

Việc bảo tồn và phát huy những giá trị di sản văn hóa Thanh Hóa ngày càng trở nên quan trọng và cấp thiết. Để xứng đáng với mảnh đất có bề dầy truyền thống lịch sử, văn hóa “Hình ảnh của đất nước Việt Nam thu nhỏ”, trong những năm tới, bên cạnh sự phấn đấu hết mình của những người làm công tác Bảo tàng. Bảo tàng rất mong nhận được sự quan tâm cấp, các ngành có liên quan, sự giúp đỡ của các tổ chức, cá nhân, sự ủng hộ nhiệt tình của đông đảo mọi tầng lớp nhân dân, đặc biệt là sự phối hợp của các cụ, các bác người cao tuổi tại địa phương nhằm bảo tồn và phát huy tốt hơn nữa những giá trị lịch sử văn hóa dân tộc trong thời kỳ đổi mới, hội nhập hôm nay và mai sau./.

Hình ảnh các bác cựu chiến binh tham quan và tặng hiện vật cho Bảo tàng:
Các cựu chiến binh Hàm Rồng tham quan phòng trưng bày 
“Thanh Hóa trong sự nghiệp xây dựng và bảo vệ đất nước, giai đoạn 1945 - 1975”.
Ông Lê Xuân Giang (phố Bà Triệu, tp Thanh Hóa) - Nguyên Chính trị viên Đại đội 4, Trung đoàn 228
xác định vị trí các trận địa pháo xung quanh khu vực Hàm Rồng.
Sinh viên trường Đại học Văn hóa, Thể Thao & Du lịch Thanh Hóa 
say sưa nghe các cựu chiến binh Hàm Rồng kể chuyện.
Chứng minh sĩ quan của ông Lê Minh Thao (xã Hoằng Trinh, huyện Hoằng Hóa) - Nguyên phó trưởng phòng cán bộ
Quân chủng Hải quân vùng 5.
Bộ quần áo sĩ quan Hải quân của ông Lê Minh Chanh (xã Hoằng Phú, huyện Hoằng Hóa)
Nguyên Chính ủy viên vùng 4, Hải quân Việt Nam.
Sưu tập Huy hiệu của ông Vũ Trung Tính (xã Hải Ninh, huyện Tĩnh Gia) - Nguyên thuyền trưởng
Tàu không số - đường Hồ Chí Minh trên biển.
 Trương Thị Lan
(Phó trưởng phòng KK-BQ)