Phấn khởi tự hào chặng đường đã qua, vững bước đi lên trong thời gian tới

Trải qua các tên gọi: nhà Bảo tàng, Bảo tàng Tổng hợp và nay là Bảo tàng tỉnh. Cho đến nay Bảo tàng tỉnh Thanh Hóa đã có lịch sử 35 năm xây dựng và trưởng thành. 35 năm qua, được sự quan tâm của tỉnh, của Bộ Văn hóa Thông tin (nay là Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch) và sự lãnh đạo, chỉ đạo trực tiếp của Sở Văn hóa Thông tin (nay là Sở Văn hóa, Thể thao và Du lịch), Bảo tàng tỉnh Thanh Hóa luôn luôn không ngừng phấn đấu vươn lên đạt được nhiều thành tích, đóng góp to lớn vào sự nghiệp Văn hóa của tỉnh nhà, góp phần đáp ứng nhu cầu hưởng thụ và sáng tạo văn hóa ngày càng cao của nhân dân.

Trưng bày được coi là tiếng nói, ngôn ngữ biểu hiện của Bảo tàng, là dấu hiệu quan trọng nhất phân biệt bảo tàng với các cơ quan nghiên cứu khoa học khác. Có trưng bày, bảo tàng mới thực hiện được hai chức năng cơ bản là nghiên cứu khoa học và giáo dục, phổ biến khoa học. Không có trưng bày bảo tàng thì không có bảo tàng với đầy đủ ý nghĩa của nó. Bảo tàng tỉnh đã hình thành hệ thống trưng bày theo tiến trình lịch sử để phục vụ công chúng tham quan. Có một số phòng trưng bày chuyên đề đã để lại ấn tượng đối với khách tham quan như: Phòng trưng bày văn hóa Đông Sơn; Trống đồng Thanh Hóa; Cổ vật xứ Thanh… Nhiều nhà nghiên cứu lịch sử, văn hóa trong và ngoài nước, sinh viên ngành khoa học xã hội của các trường đại học trong và ngoài tỉnh đã chọn Bảo tàng là điểm tham quan, nghiên cứu, tìm hiểu và viết luận văn…

Để làm nên một trưng bày hấp dấn, điều cốt lõi là phải dựa vào nguồn hiện vật của Bảo tàng. Hiện vật Bảo tàng Thanh Hóa được sưu tầm từ nhiều nguồn khác nhau. Trong chiến tranh chống Mỹ, hiện vật được đưa đi “sơ tán” ở Vĩnh Thịnh (huyện Vĩnh Lộc). Sau năm 1975, hiện vật Bảo tàng chuyển về Đền Lê Bố Vệ (Thái Miếu nhà Hậu Lê), Trung tâm Thông tin triển lãm và dừng chân khi Bảo tàng tiếp quản Bệnh viện Phụ sản. Lúc này, hiện vật “bị nhốt”, “đóng gói” mới được đặt lên bục, kệ, được phân loại, vào sổ kiểm kê. Năm 1997, Bảo tàng có gần 16.000 hiện vật, đến nay, số lượng hiện vật sưu tầm được tăng lên hơn 28.000 hiện vật. Hiện vật Bảo tàng Thanh Hóa phong phú, đa dạng về loại hình, chất liệu, có giá trị về nhiều khía cạnh lịch sử, văn hóa, xã hội. Có nhiều bộ sưu tập quý hiếm, đặc biệt, sưu tầm trống đồng hơn 110 chiếc của Bảo tàng Thanh Hóa là “mơ ước” của không ít bảo tàng địa phương trong nước.

Hệ thống kho Bảo tàng vốn chật hẹp, sau những đợt sưu tầm, hiện vật tăng lên khiến cho diện tích kho đã nhỏ càng thêm chật chội. Nhiều hiện vật thể khối lớn, nặng còn phải để ở kho tạm, ngoài trời, bị bào mòn và có nguy cơ xuống cấp theo thời gian. Việc bảo quản hiện vật chủ yếu được tiến hành bằng phương pháp thủ công. Do thiếu phương tiện kỹ thuật bảo quản, hiện vật chất liệu giấy, chất liệu vải bị hao mòn, mủn, rách. Hiện vật kim loại phần nào hoen rỉ theo thời gian.

 Ở đây, phải ghi nhận công sức, sự nỗ lực và tâm huyết của những cán bộ làm công tác sưu tầm hiện vật. Anh, chị, em là những người nghiên cứu, có quan hệ tốt, chịu khó xuống cơ sở để sưu tầm và đưa về bảo tàng nhiều hiện vật quý, có giá trị nhiều mặt. Cán bộ sưu tầm biết vận động, động viên các tổ chức, cá nhân hiến tặng nhiều hiện vật cho Bảo tàng. Dấu ấn khó quên trong một đợt sưu tầm Bảo tàng nhận một lúc 9 chiếc trống đồng, trong đó có 2 chiếc trồng đồng loại I và 7 chiếc trống đồng loại II theo phân loại của Heger.

Trong các đơn vị sự nghiệp của ngành Văn hóa, Thể thao và Du lịch Thanh Hóa, Bảo tàng tỉnh là một trong những đơn vị có đội ngũ cán bộ chuyên môn được đào tạo bài bản, anh, chị, em có trình độ đại học, một số cán bộ có trình độ Thạc sỹ, Tiến sỹ. Cán bộ nghiệp vụ Bảo tàng biết đem kiến thức của mình vận dụng trong quá trình công tác, nghiên cứu. Từ cái nôi Bảo tàng tỉnh, một số anh chị em trưởng thành, trở thành cán bộ chủ chốt trong các đơn vị của ngành.

 Trong thời gian qua, Bảo tàng tỉnh xuất bản một số ấn phẩm có giá trị. Cán bộ nghiệp vụ Bảo tàng viết bài nghiên cứu, tham gia các cuộc Hội thảo khoa học, có bài đăng trên các báo, tạp chí ở Trung ương, địa phương.

Trong quá trình hoạt động, Bảo tàng tỉnh đã chú ý tới công tác xã hội hóa; phối hợp với các bảo tàng Trung ương, các bảo tàng tỉnh bạn, các nhà sưu tập cổ vật để tổ chức trưng bày. Nhân dịp 80 năm phát hiện Văn hóa Đông Sơn, Bảo tàng tỉnh phối hợp với Bảo tàng Lịch sử Việt Nam tổ chức trưng bày “80 năm phát hiện Văn hóa Đông Sơn”; phối hợp với Bảo tàng các dân tộc Việt Nam tổ chức trưng bày lưu động ở 8 huyện, thị xã trong tỉnh. Bảo tàng còn giúp một số huyện, đơn vị, cơ quan tổ chức phòng truyền thống đạt kết quả.

Tuy gặp nhiều trở ngại trong quá trình hoạt động, khó khăn về địa điểm, cơ sở vật chất, kỹ thuật, về kinh phí và biên chế, nhưng thời gian qua, Bảo tàng tỉnh đã nỗ lực để vươn lên, hoàn thành nhiệm vụ được ngành giao, đóng góp cho sự nghiệp bảo tàng, sự nghiệp của ngành Văn hóa, Thể thao và Du lịch Thanh Hóa.

Trong thời gian tới, Bảo tàng tỉnh còn nhiều công việc phải làm, phấn đấu vươn lên nhằm đáp ứng yêu cầu, nhiệm vụ của thời kỳ mới. Một số nội dung cần quan tâm hiện nay là:

 1. Tiếp tục đổi mới, nâng cao chất lượng các hoạt động bảo tàng, tăng cường công tác tuyên truyền, quảng bá nhằm thu hút đông đảo các tầng lớp nhân dân đến tham quan, học tập tại Bảo tàng.

 2. Tỉnh ta xác định, đưa du lịch thành ngành kinh tế quan trọng. Bảo tàng tỉnh phấn đấu, trở thành địa chỉ đỏ trên bản đồ du lịch tỉnh Thanh. Muốn vậy, Bảo tàng phải đẩy mạnh hơn nữa các hoạt động của mình. Trước mắt là tổ chức nâng cấp các phòng trưng bày hiện có, tổ chức các phòng trưng bày mới có sức thu hút du khách trong và ngoài nước. Đội ngũ cán bộ Bảo tàng ngoài chuyên môn giỏi còn phải thành thạo ngoại ngữ, có khả năng giao tiếp với du khách, đặc biệt là khách nước ngoài.

  3. Hiện nay, nước ta đang tiếp cận và sử dụng thành quả của công nghệ 4.0, hơn ai hết, Bảo tàng sớm nghiên cứu để áp dụng, sử dụng kỹ thuật công nghệ này ở các khâu công tác mà trước mắt tập trung ở khâu trưng bày; kho bảo tàng, hệ thống thông tin hiện vật bảo tàng. Đầu tư hệ thống nghe, nhìn, sao chụp tài liệu… để phục vụ nhu cầu của du khách khi tới bảo tàng; đầu tư vào hệ thống bảo vệ an ninh nhằm đảm bảo an toàn hiện vật.

 4. Đội ngũ cán bộ bảo tàng trong thời gian qua có nhiều cố gắng, đóng góp vào kết quả chung của cơ quan. Quá trình hoạt động, đội ngũ cán bộ bảo tàng bộc lộ một số hạn chế cần sớm được khắc phục như: chưa sử dụng thành thạo ngoại ngữ trong nghiên cứu, giao tiếp và thuyết minh; thiếu chuyên gia giỏi ở các khâu công tác; nghiên cứu và viết bài tham gia hội nghị, hội thảo chưa mạnh dạn, thường xuyên; việc cập nhật thông tin trong lĩnh vực Bảo tàng, hiện vật chưa kịp thời…

5. Bảo tàng tỉnh cần duy trì và phát triển mối quan hệ, phối hợp thường xuyên giữa bảo tàng với các đơn vị, tổ chức, cá nhân có liên quan đến di sản văn hóa. Có nhiều phương pháp hơn nữa trong vận động, động viên các tập thể, cá nhân hiến tặng, chuyển nhượng hiện vật cho Bảo tàng. Bảo tàng cũng cần thường xuyên giúp đỡ, hỗ trợ nghiệp vụ cho các bảo tàng tư nhân (Bảo tàng Cổ vật Hoàng Long, Bảo tàng gốm Tam Thọ). Chỉ đạo, hướng dẫn nghiệp vụ cho các phòng truyền thống các huyện, thị xã, các cơ quan trong tỉnh để các cơ sở này hoạt động có hiệu quả.

6. Nghiên cứu, phối hợp tổ chức nhiều hoạt động văn hóa, trải nghiệm, các trò chơi, trò diễn dân gian…, mạnh dạn thử nghiệm các chương trình giáo dục, chương trình kỹ năng sống cho các đối tượng học sinh... tại Bảo tàng vừa góp phần đa dạng hóa hoạt động vừa thu hút sự chú ý của công chúng tới Bảo tàng.

Chúng ta vui mừng với kết quả đạt được của Bảo tàng tỉnh trong thời gian qua. Trước những nhiệm vụ nặng nề thời gian tới, Bảo tàng tỉnh rất cần sự quan tâm, giúp đỡ tạo điều kiện của các cơ quan, đơn vị cấp trên, các cá nhân yêu quý Bảo tàng nói riêng và Di sản văn hóa dân tộc nói chúng. Với sự vươn lên không mệt mỏi của đội ngũ cán bộ hiện nay, chúng ta tin tưởng Bảo tàng tỉnh sẽ đạt nhiều kết quả, thành tích cao hơn trong thời gian tới. Chúng ta có cơ sở để tin và hy vọng./.

Nguyễn Xuân Thanh - Nguyên Phó Giám đốc Sở VHTTDL Thanh Hóa