Bảo tàng tỉnh Thanh Hóa 35 năm xây dựng và trưởng thành, coi trọng công tác giáo dục truyền thống lịch sử, văn hóa

Thanh Hóa là một trong những địa phương sớm có bảo tàng và hoạt động bảo tàng. Cách đây 82 năm, khi đất nước ta còn dưới ách cai trị của thực dân Pháp, Bảo tàng Khảo cổ Thanh Hóa (Musée Archogigue Thanh Hoa) là một trong số 5 bảo tàng trên đất An Nam do người Pháp xây dựng. Bảo tàng Khảo cổ Thanh Hóa (nhà Bác cổ) được xây dựng và khánh thành ngày 1/1/1939, đã tiếp nhận từ Hà Nội những hiện vật đã được khai quật từ các tỉnh miền Trung, trong đó có những bộ sưu tập đồ đồng, trống đồng Đông Sơn quý giá.

Sau Cách mạng tháng Tám năm 1945, Bảo tàng khảo cổ Thanh Hóa là Nhà thông tin thị xã Thanh Hóa. Tháng 3/1947, thực hiện khẩu hiệu “Triệt để phá hoại để kháng chiến”, Bảo tàng khảo cổ Thanh Hóa cũng bị phá huỷ trong thời gian này. Dấu tích Bảo tàng Khảo cổ Thanh Hóa nay nằm trên nền nhà thuộc Công ty cổ phần Phát hành sách Thanh Hóa và Công ty in Ba Đình.            

Thực hiện Sắc lệnh số 65/SL-CTP do Chủ tịch Hồ Chí Minh: “Xét rằng việc bảo tồn cổ tích là việc rất cần cho công cuộc kiến thiết nước Việt Nam”; nhận thức tầm quan trọng đặc biệt của việc bảo vệ các di sản văn hóa dân tộc trong công cuộc dựng nước và giữ nước. Ngày 10/12/1983, Bảo tàng Thanh Hóa được thành lập tại Quyết định số 1291 TC/UBTH, do Chủ tịch Ủy ban Nhân dân tỉnh ban hành trên cơ sở Phòng Bảo tồn - Bảo tàng thuộc Ty Văn hóa (năm 1959). Bảo tàng Thanh Hóa thuộc loại hình bảo tàng lịch sử địa phương giới thiệu lịch sử tự nhiên và lịch sử xã hội của tỉnh, có vai trò rất lớn trong việc truyền bá kiến thức lịch sử, giáo dục truyền thống và khơi dậy niềm tự hào về quê hương đất nước cho cán bộ và nhân dân, đặc biệt là đối với thế hệ trẻ.

Được sự quan tâm của Bộ, tỉnh và ngành chủ quản, sự nỗ lực phấn đấu của cán bộ, nhân viên Bảo tàng tỉnh, do coi trọng công tác sưu tầm, bảo quản tư liệu, hiện vật nên từ những hiện vật ban đầu còn khiêm tốn, sau 35 năm hoạt động tâm huyết, bền bỉ và khoa học, đến nay Bảo tàng tỉnh hiện đang lưu giữ, trưng bày hơn 28.000 hiện vật, riêng trưng bày thường xuyên hơn 2000 tư liệu, hiện vật; nhiều hiện vật quý hiếm, có giá trị được lưu giữ, bảo quản tại Kho kiểm kê bảo tàng. Đặc biệt, bộ sưu tập trống đồng trên 100 chiếc (nhiều nhất so với các bảo tàng trong nước).

Với công tác trưng bày, đến nay hệ thống trưng bày chính của Bảo tàng tỉnh Thanh Hóa được thể hiện khoa học, dễ nhận biết theo tiến trình lịch sử, từ khi xuất hiện người tối cổ đến thời đại Hồ Chí Minh trên đất Xứ Thanh. Tòa nhà trung tâm được bố trí tầng 1 làm phòng kho và trưng bày mở, trong đó có nhiều sưu tập hiện vật độc đáo, quý hiếm được sắp xếp khoa học, trang thiết bị hiện đại và liên tục được bổ sung tư liệu, hiện vật mới có giá trị. Tầng 2 và tầng 3 vừa là nơi làm việc của các phòng chức năng vừa là nơi trưng bày cố định, tập trung vào các chủ đề chính: “Thanh Hóa thời Tiền sử - Sơ sử”, “Thanh Hoá từ thế kỷ X đến giữa thế kỷ XIX”, “Truyền thống yêu nước và cách mạng Thanh Hoá, giai đoạn 1858 - 1945”, “Thanh Hoá trong thời kỳ xây dựng và bảo vệ đất nước, giai đoạn 1945 - 1975”. Cùng với tòa nhà chính, hai khu nhà còn lại được bố trí 3 phòng trưng bày chuyên đề: “Trống đồng phát hiện tại Thanh Hoá”, “Đặc trưng văn hoá dân tộc Mường ở Thanh Hoá” và “Đặc trưng văn hoá dân tộc Thái ở Thanh Hoá” nhằm giới thiệu những sưu tập cổ vật đặc sắc, quý hiếm, những đặc trưng văn hóa độc đáo của dân tộc Mường và dân tộc Thái cư trú trên địa bàn tỉnh… 7 phòng trưng bày trên với diện tích 1.200 m2  không chỉ là nơi hội tụ các Di sản văn hóa, lịch sử đặc sắc của xứ Thanh, mà còn là điểm đến hấp dẫn cho du khách tham quan trong nước và quốc tế. Ngoài ra, Bảo tàng thường xuyên tổ chức các trưng bày chuyên đề, giáo dục truyền thống lịch sử của dân tộc, đất nước, từ đó kế thừa, phát huy truyền thống cách mạng của các thế hệ cha anh trong sự nghiệp xây dựng và bảo vệ Tổ quốc. Cùng với hệ thống trang thiết bị hiện đại như: màn hình cảm ứng tra cứu thông tin tài liệu hiện vật trưng bày, video, máy chiếu… đáp ứng nhu cầu  tham quan  học tập, nghiên cứu. Khuôn viên Bảo tàng trưng bày các tác phẩm mỹ thuật, điêu khắc chất liệu đá tiêu biểu thời Lê – Nguyễn, súng thần công, máy cày DT24 của Bác Hồ tặng hợp tác xã Yên Trường, huyện Yên Định, máy bay Mig 17 tham gia chiến đấu bảo vệ cầu Hàm Rồng…

Giáo dục truyền thống lịch sử của dân tộc, đất nước, từ đó kế thừa, phát huy truyền thống cách mạng của các thế hệ cha anh trong sự nghiệp xây dựng và bảo vệ Tổ quốc đối với bảo tàng có vai trò rất quan trọng, để thế hệ trẻ có cái nhìn đúng và yêu thích những giá trị lịch sử của cha ông, trong những năm qua, Bảo tàng tỉnh đã kết hợp chặt chẽ với ngành giáo dục và trường học trên địa bàn tỉnh đẩy mạnh việc học lịch sử và truyền thống yêu nước, cách mạng, thông qua kênh bảo tàng, giúp học viên, đoàn viên thanh niên và học sinh các cấp có cái nhìn toàn diện và sinh động thông qua những hiện vật trưng bày tại bảo tàng. Việc tham quan, học tập tại Bảo tàng tỉnh đã và đang góp phần giáo dục kiến thức lịch sử, nâng cao nhận thức và sự hiểu biết các giá trị văn hóa, từ đó hình thành ở cộng đồng và thế hệ trẻ cách suy nghĩ khoa học, tiếp cận và góp phần giáo dục nhân cách, nét đẹp truyền thống của dân tộc.

            Để đạt được yêu cầu đó, đội ngũ cán bộ bảo tàng không ngừng lao động, sáng tạo, không ngừng đổi mới để trở thành điểm đến hấp dẫn khách du lịch và đông đảo công chúng đến tham quan, học tập. Một trong những việc quan trọng mà Bảo tàng tỉnh luôn quan tâm là nâng cao chất lượng công tác Bảo tàng, tổ chức thực hiện đa dạng hóa nhiều hoạt động hiệu quả. Vừa tổ chức hoạt động tốt tại Bảo tàng tỉnh, cán bộ, nhân viên còn chỉ đạo và hướng dẫn về chuyên môn, nghiệp vụ với Bảo tàng cổ vật Hoàng Long, phòng truyền thống cơ sở ở các địa phương như: Hoằng Hóa, Yên Định, Nga Sơn... và một số ngành Công an tỉnh, Bộ đội Biên phòng... Để làm được điều đó, lãnh đạo, cán bộ sưu tầm, trưng bày và thuyết minh Bảo tàng tỉnh đã không ngừng học hỏi, cập nhật, nâng cao trình độ chuyên môn nghiệp vụ. Hàng năm, Bảo tàng tỉnh tạo điều kiện cho cán bộ tham gia các lớp tập huấn nghiệp vụ, hướng dẫn do Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch tổ chức. Thường xuyên tạo điều kiện cho cán bộ học cao học, lý luận chính trị…, nhằm nâng cao chất lượng quản lý và hoạt động chuyên môn.

Ngày nay, với sự phát triển của khoa học và công nghệ, sự giao lưu, hội nhập ngày càng sâu rộng đang tác động mạnh mẽ tới mọi tầng lớp trong xã hội, bên cạnh những yếu tố tích cực, còn một bộ phận những người trẻ tuổi ít nhớ tới các sự kiện lịch sử quan trọng, nhận thức chưa thật sự đầy đủ về các giá trị lịch sử, truyền thống đấu tranh cách mạng của dân tộc. Trước thực trạng đó, chức năng, nhiệm vụ, vai trò giáo dục truyền thống cách mạng của bảo tàng càng trở nên quan trọng và cấp thiết. Để phát huy kết quả đạt được trong giáo dục truyền thống cách mạng, nhất là với thế hệ trẻ, trước hết, công tác bảo tàng cần tập trung nâng cao ý thức, trách nhiệm cho cán bộ, nhân viên làm công tác bảo tàng về việc bảo tồn và phát huy giá trị di sản văn hóa, truyền thống cách mạng của dân tộc, từ đó đề ra các giải pháp nâng cao chất lượng, hiệu quả công tác chuyên môn nghiệp vụ. Cần đặc biệt chú trọng nâng cao chất lượng các hoạt động nghiệp vụ của bảo tàng đủ sức hấp dẫn, bắt buộc các khâu: nghiên cứu, sưu tầm, kiểm kê, bảo quản, tuyên truyền phải nâng cao chất lượng. Đặc biệt công tác trưng bày, phải có giải pháp mỹ thuật tiên tiến, có quy chuẩn rõ ràng, phù hợp với xu thế hiện đại và ứng dụng công nghệ kỹ thuật nghe nhìn mới, cung cấp nhiều thông tin… nhằm thu hút khách tham quan.

Tăng cường hoạt động giao lưu, trao đổi kinh nghiệm và sự phối hợp giữa bảo tàng với hệ thống trường học và các di tích lịch sử cách mạng ở các địa phương; đẩy mạnh hoạt động tọa đàm, gặp gỡ nhân chứng lịch sử, nói chuyện truyền thống về sự kiện, về nhân vật lịch sử tại Bảo tàng tỉnh, nhà truyền thống các địa phương, các trường học, các cơ quan, đơn vị. Chú trọng hoạt động phối hợp tuyên truyền, nhất là quảng bá, giới thiệu sự kiện, nhân vật lịch sử. Xây dựng các chuyên trang, chuyên mục về nội dung trưng bày trên các phương tiện thông tin đại chúng; phối hợp với các cơ quan báo chí, truyền thông giới thiệu về bảo tàng, các hoạt động bảo tồn, phát huy giá trị di sản văn hóa của bảo tàng thông qua các buổi tọa đàm, các trưng bày chuyên đề, hội thảo chuyên đề. Tăng cường truyền thông trên trang website, kết nối đường dẫn trang website của Bảo tàng tỉnh với hệ thống các khu di tích Lam Kinh, Bà Triệu, Thành nhà Hồ, Chiến khu Ngọc Trạo… với các trường học phổ thông và đại học trên địa bàn tỉnh. Thông qua các hoạt động giáo dục, truyền thông, bảo tàng sẽ quảng bá được hình ảnh của chính mình để công chúng biết nhiều hơn, huy động được nhiều nguồn vốn từ xã hội hóa, đầu tư thêm nhiều hoạt động hơn nữa.

Tăng cường tuyên truyền, quảng bá hình ảnh bảo tàng như: thiết kế, in ấn tờ gấp để giới thiệu khái quát nội dung, sơ đồ tham quan hệ thống trưng bày thường xuyên của bảo tàng, cung cấp cho khách tham quan trước khi họ tham quan bảo tàng; đặt tại các khu di tích, khách sạn, công ty du lịch, lữ hành; biên soạn, in ấn, phát hành sách hướng dẫn tham quan; thiết kế sản phẩm lưu niệm, lấy ý tưởng từ các hiện vật tiêu biểu của bảo tàng kết hợp những giá trị văn hóa, gắn bó với các làng nghề truyền thống tỉnh Thanh; xuất bản ấn phẩm, sách về sưu tập hiện vật của bảo tàng… Việc ứng dụng mạng xã hội trong tuyên truyền, quảng bá hình ảnh của bảo tàng là rất cần thiết nhằm chia sẻ thông tin, giới thiệu về bảo tàng, giữ liên lạc thường xuyên, lắng nghe, tạo mối quan hệ tương tác với công chúng.

35 năm xây dựng và phát triển, Bảo tàng tỉnh Thanh Hóa đã và đang đáp ứng nhu cầu bảo vệ và phát huy giá trị di sản văn hóa, lịch sử của đất nước và của tỉnh Thanh. Thông qua hoạt động, Bảo tàng tỉnh càng khẳng định vai trò quan trọng trong lĩnh vực tư tưởng - văn hóa, góp phần giáo dục truyền thống yêu nước và cách mạng vẻ vang của dân tộc và của quê hương qua hàng nghìn năm dựng nước và giữ nước, bồi đắp nhân sinh quan, thế giới quan cách mạng, khơi dậy niềm tự hào dân tộc của mỗi người dân đất Việt tỉnh Thanh đoàn kết, chung lòng, dựng xây đất nước, quê hương giàu đẹp, văn minh.

TS. Hoàng Minh Tường - Phó trưởng Ban Tuyên giáo Tỉnh ủy Thanh Hóa