Bảo tàng tỉnh Thanh Hóa 35 năm xây dựng và phát triển

Bảo tàng tỉnh Thanh Hóa được thành lập đi vào hoạt động đầy đủ vào năm 1983, tiền thân là phòng Bảo tồn, Bảo tàng thuộc Ty Văn hóa Thanh Hóa (nay là Sở Văn hóa, Thể thao và Du lịch Thanh Hóa). Qua 35 năm phấn đấu xây dựng và trưởng thành. Bảo tàng tỉnh được xếp hạng II, là một trong những bảo tàng cấp tỉnh có số lượng hiện vật và bộ sưu tập hiện vật tiêu biểu, đặc sắc nhất so với các bảo tàng địa phương khác trong cả nước. Có được như vậy là nhờ công sức, trí tuệ của nhiều thế hệ cán bộ viên chức và người lao động Bảo tàng tỉnh Thanh Hóa.

1. Bảo tàng tỉnh, quá trình hình thành và phát triển.

Trong những năm đất nước đang diễn ra cuộc chiến tranh phá hoại của đế quốc Mỹ, việc xây dựng và phát triển kinh tế song hành với phát triển văn hóa, văn nghệ gắn với công tác bảo tồn, gìn giữ, phát huy các giá trị di sản văn hóa trên địa bàn tỉnh Thanh Hóa đã được đặc biệt quan tâm chú trọng. Năm 1955, tỉnh Thanh Hóa đã thành lập Ty Văn hóa, trong cơ quan Ty Văn hóa đã thành lập một bộ phận chuyên công làm công tác Bảo tồn, Bảo tàng. Người phụ trách bộ phận Bảo tồn, Bảo tàng đầu tiên là ông Nguyễn Khoa Kỳ, cùng với 3 - 4 cán bộ chuyên môn nghiệp vụ khác. Với số cán bộ ít như vậy nhưng với lòng nhiệt tình, trách nhiệm vì công việc tập thể, những người làm công tác Bảo tồn, Bảo tàng đã chăm lo lặn lội ngược xuôi nghiên cứu bảo tồn, gìn giữ các di tích lịch sử văn hóa, sưu tầm tìm kiếm tài liệu hiện vật.

Năm 1961, trước yêu cầu phát triển của sự nghiệp văn hóa và công tác quản lý di sản văn hóa; nhiều di tích lịch sử, văn hóa quan trọng của tỉnh đã được xếp hạng cấp quốc gia, chính vì vậy từ bộ phận Bảo tồn, Bảo tàng được nâng lên thành phòng Bảo tồn, Bảo tàng trong tổ chức bộ máy của Ty Văn hóa Thanh Hóa thời bấy giờ.

Năm 1983, phòng Bảo tồn, Bảo tàng được tách ra và thành lập Bảo tàng tổng hợp tỉnh Thanh Hóa theo quyết định số 1291-TC/UBTH ngày 10/12/1983. Tổ chức, bộ máy gồm: 01 Giám đốc và 02 Phó Giám đốc; có 04 phòng nghiệp vụ: Phòng Tổ chức Hành chính, Sưu tầm bảo quản, Quản lý di tích và Trưng bày tuyên truyền với tổng biên chế là 22 người; thực hiện chức năng, nhiệm vụ: Tổ chức nghiên cứu sưu tầm, kiểm kê, bảo quản, trưng bày giới thiệu lịch sử, xã hội, thiên nhiên, con người Thanh Hóa; Thực hiện công tác nghiên cứu kiểm kê, quản lý và phát huy các di tích lịch sử văn hóa, kiến trúc nghệ thuật, khảo cổ học, danh lam thắng cảnh; hướng dẫn nghiệp vụ công tác bảo tồn, bảo tàng cho các huyện, thị trong tỉnh. Giám đốc đầu tiên của Bảo tàng tỉnh lúc bấy giờ là ông Trịnh Ngữ - nguyên Trưởng phòng Bảo tồn, Bảo tàng.

Thời gian này, đất nước đang trong thời kỳ bao cấp, nền kinh tế nước ta kém phát triển, khó khăn về mọi mặt. Lúc này Bảo tàng tỉnh chưa có trụ sở, kho hiện vật để nhờ tại di tích Thái miếu nhà hậu Lê (nay là phường Đông Vệ, thành phố Thanh Hóa) sau đó chuyển về Trung tâm Thông tin, Triển lãm. Năm 1987, được tiếp nhận Bệnh viện Việt – Trung, cơ sở vật chất là một nhà 3 tầng, 2 ngôi nhà 2 tầng ở hai bên xây dựng từ thời Pháp và một số ngôi nhà cấp 4, do xây dựng lâu năm đã xuống cấp. Có được cơ ngơi như vậy đã là niềm mơ ước, sự nỗ lực rất lớn của Giám đốc cùng tập thể lãnh đạo Bảo tàng tỉnh thời bấy giờ. Cuối năm 1994, khu di tích lịch sử Lam Kinh được Thủ tướng Chính phủ phê duyệt bảo tồn, trùng tu, tôn tạo, vì vậy một số cán bộ của Bảo tàng được điều động để thực hiện nhiệm vụ quản lý dự án bảo tồn, tôn tạo di tích này.

Năm 1994, Ban quản lý tu bổ, phục hồi, tôn tạo di tích Lam Kinh được thành lập, ông Trịnh Ngữ - Giám đốc Bảo tàng tỉnh được điều động, bổ nhiệm làm Trưởng ban cùng 7 cán bộ khác của Bảo tàng tỉnh chuyển sang để tổ chức triển khai các dự án phục hồi, tôn tạo di tích Lam Kinh. Lúc này, Bảo tàng tỉnh tuy còn lại ít cán bộ, viên chức nhưng vẫn không ngừng nỗ lực phấn đấu tiếp tục tập trung xây dựng cơ sở vật chất, sưu tầm, bảo quản hiện vật, trưng bày truyên truyền để xây dựng Bảo tàng phát triển vững mạnh.

Những năm đầu thế kỷ 21, di tích lịch sử văn hóa ở các địa phương phát triển đòi hỏi công tác quản lý bảo tồn, khai thác phát huy giá trị di tích lịch sử văn hóa cần phải có một cơ quan quản lý đủ cán bộ năng lực chuyên môn để thực hiện, vì vậy, số cán bộ phòng quản lý di tích của Bảo tàng tỉnh lại được điều động để thành lập Ban quản lý di tích danh thắng.

Năm 2002, Ban quản lý di tích danh thắng Thanh Hóa được thành lập trên cơ sở chuyển toàn bộ chức năng nhiệm vụ của phòng quản lý di tích Bảo tàng tỉnh sang Ban quản lý di tích danh thắng, tiến sĩ Lê Ngọc Tạo - Phó Giám đốc Bảo tàng được điều động và bổ nhiệm làm Trưởng ban. Lúc này, Bảo tàng tỉnh không còn chức năng nhiệm vụ bảo tồn di tích nữa mà tập trung đi vào hoạt động nghiệp vụ chuyên môn về bảo tàng, với 3 phòng trong đó có chuyên môn là Trưng bày – Tuyên truyền và Kho – Kiểm kê – Bảo quản.

Từ năm 2012, để đáp ứng công tác triển khai thực hiện Đề án “Sưu tầm, bảo quản và chỉnh lý nâng cấp nội dung, hình thức trưng bày Bảo tàng tỉnh, giai đoạn 2010 – 2020”, Bảo tàng tỉnh đã thành lập thêm phòng Sưu tầm. Đến nay, Bảo tàng có 4 phòng chuyên môn với 26 cán bộ, viên chức và người lao động, độ tuổi trung  bình 35, trình độ chuyên môn 80% cán bộ chuyên môn tốt nghiệp đại học chuyên ngành Bảo tàng, Di sản văn hóa, Lịch sử…, trong đó có 6 thạc sỹ. Đội ngũ cán bộ đều là những người yêu nghề, say mê, nhiệt tình trong công việc, có ý chí phấn đấu vươn lên, chăm lo xây dựng cơ quan, đơn vị, đây là lớp cán bộ kế cận được đào tạo cơ bản, nguồn nhân lực chủ yếu để kế tục xây dựng Bảo tàng tỉnh Thanh Hóa phát triển, hòa nhịp cùng hệ thống bảo tàng cả nước.

2. Hoạt động Bảo tồn, Bảo tàng 35 năm một chặng đường

Năm 1956, khi còn là một phòng chuyên môn trực thuộc Ty Văn hóa Thanh Hóa, phòng Bảo tồn, Bảo tàng, đã tổ chức hoạt động sưu tầm, bảo quản, trưng bày phục vụ nhiệm vụ chính trị như: Trưng bày một số hình ảnh về Bác Hồ kết hợp với tuyên truyền đường lối kháng chiến trường kỳ nhất định thắng lợi; trưng bày giới thiệu Cách mạng tháng 10 Nga; trưng bày “Hồ Chí Minh với nhân dân Thanh Hóa” “40 năm hoạt động của Đảng Cộng sản Việt Nam”.

Từ năm 1975 - 1983 phòng đã tổ chức được nhiều cuộc trưng bày chuyên đề: Hàm Rồng chiến thắng; Thanh Hóa trong sự nghiệp xây dựng và giữ nước; chuyên đề vật báu xứ Thanh.

Với số cán bộ ít ỏi 3 - 4 người nhưng vẫn lặn lội ngược xuôi sưu tầm tìm kiếm tài liệu hiện vật, phối hợp với các phòng, đơn vị trực thuộc Ty Văn hóa để tổ chức thành công nhiều cuộc trưng bày vô cùng ý nghĩa, đem đến cho công chúng nhiều hiểu biết về di sản văn hóa, đường lối văn hóa, văn nghệ của đảng, cổ vũ động viên các tầng lớp nhân dân hăng hái thi đua sản xuất nhiều của cải góp phần xây dựng quê hương, động viên sức người, sức của chi viện cho chiến trường miền Nam đánh Mỹ.

Trong thời gian này, phòng đã tham gia phối hợp với Viện Khảo cổ học Việt Nam tổ chức nhiều cuộc nghiên cứu khai quật ở các di tích trên địa bàn tỉnh: Nghiên cứu khảo cổ học di tích Đông Sơn, Hoa Lộc, Núi Nấp, Gò Trũng, Núi Đọ, Quan Yên, Núi Nuông, Đồng Ngầm, Cồn Chân Tiên, Cồn Cổ Ngựa, Đa Bút, Đông Khối, Hang Con Moong, Ly Cung, Lam Kinh, Thành Nhà Hồ… Từ các cuộc nghiên cứu khảo cổ học nói trên đã góp phần phát lộ, bảo vệ được nhiều di tích khảo cổ và sưu tầm thêm được nhiều hiện vật cho bảo tàng. Đến hết năm 1983 số hiện vật Kho bảo quản đã có 15.276 đơn vị hiện vật, đó là kết quả đóng góp rất lớn của anh chị em cán bộ phòng Bảo tồn, Bảo tàng thời bấy giờ.

Năm 1987, sau khi được tiếp nhận Bệnh viện phụ sản, Bảo tàng đã tập trung cải tạo các gian phòng trước là phòng khám, phòng bệnh nhân để làm Kho bảo quản hiện vật ở tầng 1với tổng diện tích gần 280m2, chia làm 04 phân kho. Từ đó đến nay hệ thống kho vẫn được đặt ở vị trí này, hàng năm Bảo tàng có cải tạo sửa chữa lắp thêm tủ, bục và nhiều những thiết bị cần thiết khác. Tầng 2 và 3 của tòa nhà được cải tạo làm 04 phòng trưng bày với diện tích sàn hơn 500m2, những năm sau này cải tạo sửa chữa 2 nhà 2 tầng ở 2 bên có thêm 03 phòng. Như vậy, hiện tại Bảo tàng đã có 07 phòng trưng bày cố định và trưng bày các chuyên đề. Trong những năm gần đây các phòng trưng bày luôn được đầu tư cải tạo nâng cấp nội dung và hình thức trưng bày kết hợp phương tiện, thiết bị, nội thất ... để vừa bảo quản được hiện vật, lại phục vụ tốt cho khách tham quan.

Từ năm 2002 - 2010 Bảo tàng tỉnh đã tập trung nghiên cứu sưu tầm, bảo quản, trưng bày tuyên truyền, tiếp tục tham gia cùng với Viện Khảo cổ học nghiên cứu khảo cổ ở nhiều di tích trên địa bàn tỉnh gồm: Di tích lịch sử văn hóa Đông Sơn, Hoa Lộc, Làng Còng, Vực Thượng, Quỳ Chử, Núi Sen, Lò gốm Tam Thọ, Đàn tế Nam Giao, Thành Nhà Hồ, Di tích Lam Kinh, Lăng Miếu Triệu Tường, chùa Linh Xứng, Núi và Đền Đồng Cổ. Qua công tác nghiên cứu khai quật khảo cổ học đã góp phần làm rõ những giá trị lịch sử, văn hóa phục vụ cho công tác quản lý, bảo tồn phát huy giá trị nhiều di tích trên địa bàn tỉnh. Một số di tích còn phục vụ cho công tác nghiên cứu lập quy hoạch bảo tồn, trùng tu, tôn tạo đem lại hiệu quả thiết thực như: di tích Lam Kinh, Thành Nhà Hồ, đền Bà Triệu, Núi và Đền Đồng Cổ… Trong thời gian này, Bảo tàng tiếp tục trưng bày các chuyên đề phục vụ nhiệm vụ chính trị của ngành, của tỉnh:  trưng bày “Trống đồng phát hiện ở Thanh Hóa”; “Thanh Hóa trong sự nghiệp xây dựng và bảo vệ tổ quốc giai đoạn 1945 - 1975”, phối hợp với Trung tâm Triển lãm – Hội chợ - Quảng cáo trưng bày “Âm vang Điện Biên” nhân kỷ niệm 50 năm chiến thắng Điện Biên Phủ; phối hợp với Bảo tàng lịch sử trưng bày chuyên đề “Văn hóa Đông Sơn - rực rỡ nền văn minh Việt cổ”, phối hợp trưng bày tại tỉnh Quảng Nam…Tổ chức giúp các huyện trong tỉnh xây dựng nhiều phòng truyền thống.

Hệ thống kho cũng được đầu tư lắp đặt tủ, kệ, bục và cải tạo kho thông thoáng, lắp thiết bị quạt thông gió, máy hút ẩm, máy điều hòa không khí, đảm bảo đúng tiêu chuẩn kho bảo quản hiện vật độ ẩm từ 40 – 50%, nhiệt độ duy trì 26 – 27 độ C, sắp xếp hiện vật theo chất liệu, loại hình, nghiên cứu xây dựng các bộ sưu tập bài bản phục vụ công tác quản lý, tra cứu, bảo quản hiện vật. Tính từ ngày thành lập năm 1983, đến năm 2018, sưu tầm thêm được 13.000 hiện vật, lập hồ sơ và bổ sung thông tin theo đúng quy định hiện vật Bảo tàng được hơn 27.000 đơn vị hiện vật, đây là kết quả rất to lớn của cả quá trình hoạt động của Bảo tàng tỉnh.

Năm 2010, Chủ tịch UBND tỉnh phê duyệt đề án “Sưu tầm, bảo quản và chỉnh lý nội dung, hình thức trưng bày giai đoạn 2010 - 2020” Bảo tàng tỉnh Thanh Hóa đang tiếp tục tổ chức thực hiện đề án, tập trung  khảo sát đánh giá toàn diện về cơ sở vật chất, phương tiện trang thiết bị: tủ, bục, kệ, ánh sáng, độ ẩm, nhiệt độ, công tác PCCC, thiết bị an ninh bảo vệ; kiểm kê đánh giá toàn bộ hiện vật hiện có, phân loại sắp xếp hiện vật theo chất liệu, loại hình theo tiến trình lịch sử ở các phân kho riêng một cách khoa học, bài bản, bổ sung hồ sơ lý lịch cho những hiện vật còn thiếu nhằm phục vụ hiệu quả cho công tác nghiên cứu, tra cứu thông tin nhanh chóng, thuận tiện; tổ chức thực hiện Công tác bảo quản hiện vật theo chương trình của đề án và định kỳ, thuê chuyên gia có kinh nghiệm nghiên cứu bảo quản, thực hiện theo đúng các bước quy trình đảm bảo an toàn và độ bền vững lâu dài cho hiện vật. Tính đến nay đã bảo quản được 20.047 đơn vị hiện vật, trên tất cả các chất liệu hiện vật hiện có của bảo tàng. Để tăng thêm giá trị và nhằm phát huy hiệu quả của hiện vật, Bảo tàng tỉnh đã được Nhà nước công nhận 03 bảo vật quốc gia gồm: Kiếm ngắn núi Nưa; Trống đồng Cẩm Giang; Vạc đồng Cẩm Thủy vào năm 2013.

Hoạt động trưng bày truyên truyền, tập trung đánh giá hiện trạng cơ sở vật chất, trang thiết bị, hiện vật, tổ chức thực hiện chỉnh lý nội dung hình thức trưng bày phù hợp đáp ứng nhu cầu phục vụ công chúng. Đã có 07 phòng trưng bày được đầu tư chỉnh lý hoàn thành đi vào hoạt động có hiệu quả đó là: Phòng trưng bày “Thanh Hóa thời Tiền sử - Sơ sử”; “Thanh Hóa từ thế kỷ X đến giữa thế kỷ XIX”; “Trống đồng phát hiện ở Thanh Hóa”, “Truyền thống cách mạng Thanh Hóa, giai đoạn 1858 – 1945”; “Thanh Hóa trong sự nghiệp xây dựng và bảo vệ tổ quốc, giai đoạn 1945 – 1975”; “Đặc trưng Văn hóa dân tộc Mường ở Thanh Hóa”; “Đặc trưng Văn hóa dân tộc Thái ở Thanh Hóa”. Công tác thuyết minh phục vụ tham quan từng bước được đổi mới, khách tự chọn tham quan theo nhu cầu cá nhân, tự nghiên cứu, tự xem để có cảm nhận riêng, hoặc yêu cầu có thuyết minh viên đều được đáp ứng. Sau buổi tham quan, bảo tàng tổ chức cho các em học sinh, sinh viên học tập vui chơi trải nghiệm, để có cảm nhận riêng, tránh được sự khô khan và nhàm chán.

Nhằm nâng cao chất lượng, đa dạng hóa các hình thức tuyên truyền, quảng bá, Bảo tàng tăng cường viết bài, đưa tin lên trang thông tin điện tử (Website) để công chúng có thể cập nhật một cách đầy đủ nhất về thông tin hoạt động của đơn vị; tổ chức biên soạn nhiều ấn phẩm (progam giới thiệu các phòng trưng bày, sách Trống đồng phát hiện tại Thanh Hóa, văn vật xứ Thanh...); phối hợp với các cơ quan báo chí, đài phát thanh truyền hình trung ương, địa phương để tuyên truyền; với ngành giáo dục thông qua các chương trình giáo dục, trải nghiệm tại bảo tàng...

Công tác chỉ đạo hoạt động truyền thống cơ sở: Bảo tàng đã hướng dẫn chuyên môn nghiệp vụ cho các Bảo tàng tư nhân, nhà truyền thống ở các địa phương; giúp một số đơn vị xây dựng, chỉnh lý, nâng cấp phòng truyền thống... góp phần nâng cao chất lượng công tác bảo tồn, gìn giữ phát huy giá trị di sản.

35 năm xây dựng và trưởng thành Bảo tàng tỉnh đã phát triển vững mạnh, thực hiện tốt chức năng, nhiệm vụ Sưu tầm, bảo quản, trưng bày tuyên truyền phát huy hiệu quả giá trị hiện vật, di sản văn hóa của dân tộc, phục vụ ngày càng tốt hơn nhu cầu tham quan, nghiên cứu, học tập của học sinh, sinh viên và của nhân dân trong tỉnh, cả nước và khách quốc tế. Đặc biệt, từ khi thực hiện đề án “Sưu tầm, bảo quản và chỉnh lý nội dung, hình thức trưng bày Bảo tàng tỉnh Thanh Hóa, giai đoạn 2010 – 2020”cơ sở vật chất đã được đầu tư tương đối đồng bộ, hệ thống phòng trưng bày và kho bảo quản được cải tạo nâng cấp, lắp đặt hệ thống cửa, hệ thống quạt thông gió, điều hòa nhiệt độ, máy hút ẩm, camera bảo vệ, hệ thống PCCC … Đã đầu tư cho hoạt động nghiên cứu sưu tầm mua bổ sung được 618 hiện vật tiêu biểu; đầu tư cho công tác bảo quản, chỉnh lý, lập hồ sơ bổ sung lý lịch hiện vật, tại các phân kho hiện vật được phân loại, sắp xếp theo các bộ sưu tập bài bản, khoa học, ngăn nắp sạch sẽ, thuận tiện cho công tác bảo quản, quản lý hiện vật và nghiên cứu khoa học.

Từ những hoạt động trên đã khẳng định vai trò, vị trí của Bảo tàng tỉnh trong đời sống văn hóa xã hội, với việc gìn giữ, bảo tồn phát huy giá trị di sản văn hóa, dân tộc. Những suy nghĩ, tìm tòi, nghiên cứu, tổ chức tốt các hoạt động của bảo tàng để đem đến cho công chúng, nhân dân một cách tiếp cận xuyên suốt tiến trình lịch sử Thanh Hóa từ thời tiền sử, sơ sử đến thời đại ngày nay bằng tài liệu hiện vật minh chứng cho một giai đoạn, một thời kỳ lịch sử đang tiếp tục được cán bộ Bảo tàng tỉnh gìn giữ, bảo tồn, phát huy cho hôm nay và truyền lại cho các thế hệ mai sau.

Để Bảo tàng tỉnh Thanh Hóa có thương hiệu trên bản đồ du lịch Việt Nam, là điểm đến tham quan du lịch về lịch sử, văn hóa hấp dẫn của đông đảo nhân dân trong tỉnh, du khách thập phương, nhằm giáo dục truyền thống, khơi dậy niềm tự hào dân tộc, cũng như góp phần cho mục tiêu phát triển kinh tế du lịch chung của tỉnh, cả nước, trong những năm tới Bảo tàng cần phải nỗ lực phấn đấu nhiều hơn nữa làm tốt các khâu hoạt động công tác của bảo tàng, có như vậy mới đáp ứng được nhu cầu thực tế của xu thế đang phát triển hiện nay.

3. Bảo tàng tỉnh, chặng đường phía trước hội nhập, phát triển

Để bắt kịp xu thế phát triển chung của xã hội và của ngành Bảo tàng cả nước, chặng đường phía trước Bảo tàng Thanh Hóa cần có những hướng đi mới, giải pháp mới đáp ứng yêu cầu của công chúng trong thời kỳ đổi mới, hội nhập. Những giải pháp chủ yếu đó là:  

1. Thanh Hóa là vùng đất cổ, có bề dày về truyền thống lịch sử, văn hóa, có nguồn gốc phát tích của nhiều nền văn hóa, di tích lịch sử tiêu biểu nổi tiếng nhất so với các tỉnh, thành trong cả nước, vì thế, công tác sưu tầm cần dựa trên các nền văn hóa đó hình thành nên các bộ sưu tập hiện vật đặc sắc cho bảo tàng. Để đạt được điều đó trước hết có sự nghiên cứu đánh giá toàn diện hiện vật hiện có tại Bảo tàng tỉnh, trên cơ sở đó nghiên cứu xây dựng đề cương sưu tầm hiện vật, cần có sự tham gia góp ý kiến của các nhà chuyên môn, nhà khoa học, nghiên cứu lịch sử, văn hóa, xã hội, từ đó có được đề cương hoàn thiện phục vụ cho công tác sưu tầm. Từ đó xây dựng kế hoạch mục tiêu chỉnh lý nội dung hình thức trưng bày hiện có, xây dựng trưng bày chuyên đề, lưu động phù hợp, mang lại hiệu quả thiết thực với nhu cầu đòi hỏi của công chúng tham quan Bảo tàng hiện nay.

2. Kho bảo quản tiếp tục thực hiện tốt công tác chuyên môn nghiệp vụ từng bước nghiên cứu lựa chọn xây dựng hoàn thiện các bộ sưu tập hiện có, mang giá trị lịch sử, văn hóa tiêu biểu, đặc sắc của Thanh Hóa, nghiên cứu bổ sung lý lịch cho những hiện vật còn thiếu thông tin, thực hiện tốt quy trình bảo quản định kỳ, thường xuyên, tiếp tục nghiên cứu xây dựng hồ sơ đề xuất công nhận bảo vật quốc gia cho hiện vật, nhóm hiện vật tại Bảo tàng. Hàng năm xây dựng kế hoạch, đề xuất kinh phí thực hiện công tác bảo quản, sắp xếp, đánh giá, phân loại, đầu tư cơ sở vật chất để kho bảo quản luôn được an toàn, giữ gìn lâu bền cho toàn bộ hiện vật.

3. Để công chúng đến với Bảo tàng nhiều hơn cần tiếp tục nghiên cứu, phân tích nội dung trưng bày hiện có để xây dựng bổ sung nội dung phù hợp, từ đó tham khảo các công nghệ có thể áp dụng làm tăng tính hấp dẫn của trưng bày hiện có. Xây dựng trưng bày chuyên đề giới thiệu những nền văn hóa đặc sắc tiêu biểu của tỉnh Thanh Hóa, trưng bày lưu động, các trưng bày tương tác và trưng bày có ứng dụng công nghệ hiện đại. Chú trọng hoạt động trải nghiệm phục vụ trẻ em, học sinh, sinh viên. Từng bước đầu tư  nâng cấp hạ tầng, cải tạo cảnh quan khuôn viên, trưng bày ngoài trời để trở thành điểm du lịch không thể thiếu của mọi du khách gần xa khi về Thanh Hóa.

4. Tổ chức thực hiện các hoạt động dịch vụ: phát triển sản phẩm lưu niệm, biên soạn xuất bản ấn phẩm về bảo tàng, cung cấp thông tin, tài liệu chuyên môn nghiệp vụ đảm bảo đúng quy định của pháp luật, tư vấn nghiệp vụ, các hoạt động dịch vụ văn hóa khác đáp ứng nhu cầu của du khách, đem lại hiệu quả, nâng cao chất lượng hoạt động của bảo tàng, có thêm nguồn thu bổ sung cho hoạt động chuyên môn của đơn vị, nâng cao đời sống cho cán bộ, viên chức, người lao động.

5. Tiếp tục đẩy mạnh công tác tuyên truyền quảng bá giới thiệu nhiều nội dung hoạt động của Bảo tàng trên trang thông tin điện tử. Biên soạn, in ấn phát hành ấn phẩm, phối hợp với báo chí, đài phát thanh, truyền hình thường xuyên có các tin, bài viết giới thiệu về Bảo tàng. Phối hợp với các doanh nghiệp du lịch lữ hành trong tỉnh, cả nước kết nối tuor, tuyến, làm tốt công tác thuyết minh, hướng dẫn khách tham quan. Về lâu dài cần tuyển chọn đào tạo, đào tạo lại bài bản, xây dựng đội ngũ thuyết minh viên chuyên nghiệp, hiểu biết sâu sắc nội dung, giá trị của từng hiện vật, để chuyển tải đến cho khách tham quan, có như vậy công chúng gần xa mới biết, đến nhiều hơn với bảo tàng.

6. Tăng cường xây dựng đào tạo đội ngũ cán bộ lãnh đạo, quản lý, chăm lo bồi dưỡng nhằm nâng cao chất lượng đội ngũ cán bộ viên chức nắm vững kỹ năng nghiệp vụ, từng bước kiện toàn sắp xếp tinh gọn bộ máy, tổ chức, biên chế, xây dựng vị trí việc làm phù hợp để hoạt động hiệu lực, hiệu quả. Chăm lo xây dựng chi bộ đảng trong sạch vững mạnh, các tổ chức đoàn thể đoàn kết phát triển, chăm lo lợi ích hợp pháp, chính đáng và đời sống vật chất tinh thần cho cán bộ, viên chức, người lao động, nâng cao vị thế của Bảo tàng tỉnh trong việc phát triển kinh tế, xã hội của tỉnh Thanh Hóa.

35 năm xây dựng và phát triển để có Bảo tàng tỉnh Thanh Hóa ngày nay là công đóng góp hết sức to lớn của rất nhiều thế hệ lãnh đạo, cán bộ viên chức, người lao động cùng với sự quan tâm lãnh đạo chỉ đạo của ngành Văn hóa, Thể thao và Du lịch Thanh Hóa. Cán bộ Bảo tàng tỉnh hôm nay đang tiếp tục rèn luyện, học tập trau dồi kiến thức, nâng cao trình độ chuyên môn nghiệp vụ tổ chức thực hiện hiệu quả công tác sưu tầm, bảo quản, trưng bày phát huy giá trị hiện vật, tài sản lịch sử, văn hóa vô giá của các thế hệ cha, ông trong quá trình đấu tranh, xây dựng, gìn giữ, bảo vệ đất nước suốt chiều dài lịch sử của tỉnh Thanh Hóa mà Bảo tàng tỉnh đang lưu giữ cho hôm nay và truyền lại cho các thế hệ con cháu mai sau.

Phát huy những thành tích đã đạt được cán bộ, viên chức, người lao động Bảo tàng tỉnh Thanh Hóa trong những năm tới sẽ cố gắng nhiều hơn nữa để đạt được những thành tích tốt trong hoạt động chuyên môn, nghiệp vụ góp phần vào việc xây dựng Bảo tàng tỉnh ngày càng phát triển trở thành một trong những bảo tàng địa phương có uy tín – chất lượng, là trung tâm lịch sử, văn hóa, khoa học của tỉnh Thanh Hóa, góp phần  phục vụ tốt công tác nghiên cứu khoa học, học tập của học sinh, sinh viên, điểm tham quan du lịch hấp dẫn, giúp công chúng yêu di sản văn hóa của tỉnh Thanh Hóa nói riêng và cả nước nói chung.

Ths.Trịnh Đình Dương - Giám đốc Bảo tàng tỉnh