Trận phối hợp chiến đấu giữa dân quân Nam Ngạn với Hải quân, ngày 26/5/1965
Thanh Hóa là tỉnh cực Bắc của Trung bộ nước Việt Nam, nối đồng bằng Bắc bộ rộng lớn với dải đất miền Trung dài và hẹp. Phía Bắc giáp 3 tỉnh Sơn La, Hòa Bình và Ninh Bình với đường ranh giới dài 175km; phía Nam và Tây Nam liền kề Nghệ An với đường danh giới dài hơn 160km; phía Tây giáp tỉnh Hủa Phăn – Nước Cộng hòa Dân chủ Nhân dân Lào, có đường biên giới dài 192km; phía Đông mở rộng ra phần giữa của Vịnh Bắc bộ thuộc biển Đông với đường bờ biển dài 102km và một thềm lục địa khá rộng.
Trong cuộc kháng chiến chống Mỹ cứu nước, Thanh Hóa thuộc quân khu III, là cầu nối giữa hậu phương lớn miền Bắc với tiền tuyến lớn miền Nam, hậu phương trực tiếp của chiến trường Nam khu IV và Lào.
Với địa bàn chiến lược trọng yếu như vậy, ngay từ những ngày đầu leo thang đánh phá Miền Bắc, đế quốc Mỹ đã tập trung lực lượng đánh phá Thanh Hóa. Từ năm 1965 – 1972, chúng đã đánh 14.056 trận vào 3.700 mục tiêu với hơn 20 vạn tấn bom đạn các loại. 100% huyện, thị và 84,9% số xã bị đánh phá. Những trọng điểm như Lèn, cầu Hàm Rồng, Thị xã Thanh Hóa, Phà Ghép, khu vực nam Tĩnh Gia, dốc Bò Lăn… địch đánh phá liên tục, ném hàng vạn tấn bom các loại, nổ ngay, nổ chậm, từ trường, bom bi… hòng ngăn chặn sự chi viện của ta vào chiến trường Miền Nam.
Trong ngày 26 tháng 5 năm 1965, trước đó địch phát hiện có tàu Hải quân ta ở Lạch Trường, nên thường xuyên cho máy bay đến bắn phá. Nhờ cán bộ và nhân dân xã Hòa Lộc (Hậu Lộc) thức suốt đêm, phá trường học lấy vật liệu để ngụy trang cho tàu, nên tàu được an toàn.
8 giờ ngày 26 tháng 5, khi tàu Hải quân ngược dòng sông Mã về phía Hàm Rồng để được pháo cao xạ hỗ trợ. Địch phát hiện cho nhiều tốp máy bay đến bắn phá. Lực lượng Hải quân và dân quân xã Hoằng Châu (Hoằng Hóa) phối hợp đánh trả.
12 giờ 40 phút, tàu ta bị trúng bom địch không cơ động được. Trên bờ sông lực lượng dân quân Nam Ngạn đồng loạt nổ súng, không cho địch xuống thấp, máy bay địch liên tục công kích, ụ súng trên tàu bị trúng đạn rốc-két, thêm một số chiến sỹ thương vong. Nữ dân quân Nam Ngạn do khẩu đội trưởng Nguyễn Thị Hằng chỉ huy đã bơi thuyền ra tàu thay thế pháo thủ, tiếp đạn, cứu thương. Bốn cha con cụ Ngô Thọ Lạn cùng chiến đấu trên mâm pháo. Anh Sáu là người con thứ 4 của cụ bị thương vẫn tiếp tục chiến đấu đến hơi thở cuối cùng. Chị Lê Thị Dung, sau khi băng bó cho pháo thủ bị thương, liền lên mâm pháo thay thế .pháo thủ, bị trúng đạn hy sinh trong khi tay vẫn còn nâng băng đạn. Chị Ngô Thị Tuyển một mình vác 2 hòm đạn nặng 98kg giữa làn bom đạn của địch để tiếp tế cho bộ đội. Đội tự vệ của Xí nghiệp in Ba Đình được lệnh hành quân cấp tốc chi viện cho trận địa.
Đúng 16 giờ 45 phút, cuộc chiến đấu chấm dứt, tàu Hải quân vẫn neo đậu trên sông. Đêm đó với sự giúp đỡ của tự vệ cơ khí bến phà, tàu Hải quân được sửa chữa. Cụ Minh - một lão ngư có kinh nghiệm đã làm hoa tiêu dẫn dắt tàu ra biển.
Chiến tranh đã lùi xa, 52 năm qua đi nhưng sự kiện ngày 26 tháng 5 năm 1965 như vẫn còn sống động. Có thể nói, đây là trận chiến đấu kiên cường của chiến tranh nhân dân thu nhỏ, với sức mạnh của 3 thứ quân, ở trên bờ, dưới sông, cả nhà, cả làng ra trận. Những kỷ vật, hiện vật liên quan đến những người con ưu tú của làng Nam Ngạn, của cuộc chiến đấu ngày hôm ấy đã được cán bộ Bảo tàng sưu tầm lưu giữ, trưng bày và phát huy giá trị nhằm giáo dục cho các thế hệ mai sau về sự chiến đấu anh dũng hy sinh vì độc lập, tự do của dân tộc nói chung, Thanh Hóa nói riêng, về tinh thần phối hợp chiến đấu của quân, dân Hàm Rồng – Nam Ngạn.
Một số hình ảnh hiện vật đang lưu giữ, trưng bày phát huy giá trị tại Bảo tàng:
Túi cứu thương của chị Lê Thị Dung, dân quân Nam Ngạn dùng cứu chữa thương binh.
Chị đã hy sinh trong trận đánh ngày 26/05/1965.
Áo sơ mi của đồng chí Ngô Hữu Quang dùng băng vết thương cho chị Lê Thị Dung
trong trận máy bay Mỹ ném bom tàu 136 Hải quân Việt Nam tại khu vực cầu Hàm Rồng, ngày 26/05/1965
Loa của anh Ngô Thọ Sáu, dân quân Nam Ngạn sử dụng phát thanh khi có máy bay Mỹ đánh phá.
Mái chèo của chị Ngô Thị Tuyển, dân quân Nam Ngạn dùng chèo thuyền tiếp đạn cho Bộ đội Hải quân
trong trận chiến đấu ngày 3,4/04/1965.
Hoàng Thị Vân
(Phòng Sưu tầm)
TLTK: - Bộ chỉ huy Quân sự Thanh Hóa, 55 năm Lực lượng vũ trang Thanh Hóa (1947-2002). NXB Thanh Hóa (năm 2002)
- Bộ chỉ huy Quân sự Thanh Hóa, Đơn vị anh hùng lực lượng vũ trang nhân dân Thanh Hóa (năm 2007).