Những giá trị lịch sử văn hóa của hang Con Moong và các di tích phụ cận - P2

Hang Con Moong được cán bộ Vườn Quốc gia Cúc Phương phát hiện năm 1974 và được khai quật lần đầu tiên vào năm 1976. Ngày 3 tháng 8 năm 2007, hang Con Moong được Bộ Văn hóa Thông tin công nhận là di tích cấp Quốc gia tại quyết định số 34/2007- QĐ/BVHTT. Trong các năm 2008 - 2009, Viện Khảo cổ học phối hợp với Sở VHTT&DL tỉnh Thanh Hóa tiếp tục tiến hành khảo sát, nghiên cứu hang Con Moong đồng thời khai quật hang Lai và hang Lý Chùn, khảo sát lũy đất Lý Chùn.

2. Hệ thống các di tích phụ cận

2.1. Di tích Hang Lý Chùn

Di tích hang Lý Chùn thuộc địa phận thôn Yên Sơn 2, xã Thành Yên, huyện Thạch Thành (tỉnh Thanh Hóa). Hang này nằm sát rìa ngoài vùng lõi thuộc khu vực bảo vệ của Vườn Quốc Gia Cúc Phương.

Hang có tọa độ 20017’10,817751’’ vĩ Bắc, 105034’48,969789’’kinh Đông; cao 105,9m so với mực nước biển, cửa hang quay hướng Tây chếch Bắc 120.

Di tích cổ sinh hang Lý Chùn được phát hiện năm 1987 (Hà Văn Tấn, Lê Tạo 1987). Tháng 1 năm 2010, di tích được Viện Khảo cổ học kết hợp với Sở Văn hóa, Thể thao và Du lịch (Bảo tàng tỉnh và Ban Quản lý Di tích)  khai quật lần thứ nhất.

Hang Lý Chùn có các mảng trầm tích Pleistocene màu vàng chứa di cốt hóa thạch bám trên vách, trong ngách hang và một số tảng lớn rơi xuống nền hang phía trong. Hóa thạch khá phong phú, giám định sơ bộ gồm các loài động vật như: đười ươi, khỉ, nhím, dúi, chuột. Bộ ăn thịt: gấu, tê giác, lợn rừng, hươu, hoẵng, dê.

Kết quả khảo sát và khai quật cổ sinh tại di tích hang Lý Chùn cho thấy, đây là một di tích hang động có trầm tích chứa các hóa thạch động vật, thuộc giai đoạn hậu kỳ Pleistocene muộn có niên đại khoảng 60.000 – 40.000 năm cách ngày nay. Các hóa thạch động vật ở đây khá phong phú, trong đó có những loài tiêu biểu như: đười ươi, tê giác, lợn rừng, hươu nai… đã tìm thấy tại một số nơi ở miền Bắc Việt Nam.

Ngoài ra, cuộc khai quật tại khu vực nền hang với diện tích hố đào khoảng gần 20m2 đã phát hiện được khá nhiều đồ gốm và một số di vật khác như: dao sắt, tiền đồng thuộc giai đoạn hậu văn hóa Đông Sơn – Hán và nhiều đồ sành/sứ thuộc giai đoạn cuối thời Trần.

Mặc dù di tích Lý Chùn là một hang đá vôi nhỏ nhưng di tích này đã cung cấp những tư liệu quý để nghiên cứu về cổ môi trường sinh thái giai đoạn hậu kỳ Pleistocene ở miền Bắc Việt Nam, cũng như nghiên cứu về di tồn văn hóa, lịch sử giai đoạn sau văn hóa Đông Sơn và thời nhà Trần – Hồ ở Thanh Hóa.

2.2. Di tích Hang Lai

Hang Lai ở bản Thành Trung, xã Thành Yên, Thạch Thành (Thanh Hoá), có toạ độ 105064’10” kinh Đông và 20043’37” vĩ Bắc, cao 111m so với mặt nước biển, cao 15m so với lòng suối trước cửa hang. Hang nằm cùng dãy núi đá vôi với hang Con Moong và cách Con Moong 4km về phía Bắc.

Hang Lai được phát hiện năm 1976, đào thám sát năm 2008 và được Viện Khảo cổ học kết hợp với Sở Văn Hóa, Thể thao và Du lịch (Bảo tàng và Ban Quản lý Di tích) khai quật năm 2010.

Tầng văn hóa ở Hang Lai dày khoảng 0,5 – 0,7m, đôi chỗ bị xáo trộn.

Di tích xương răng động vật ở Hang Lai khá đa dạng và phong phú, nhưng chủ yếu là các loài nhuyễn thể, giáp xác và động vật có xương sống nhỏ.

Trong các hố thám sát và khai quật còn phát hiện được 8 vết tích bếp lửa. Các bếp này chồng cắt lên nhau, mỗi bếp có diện tích trung bình gần 1m2.

Trong hố khai quật phát hiện một di tích mộ táng ở lớp 2, biên mộ được kè đá hình chữ nhật, chiều dài 1,8m, chiều rộng 1,5m. Phần xương sọ bị cháy thành tro, xương sườn bị mủn nát, chỉ còn một số đoạn xương cánh tay và một chiếc răng hàm dưới.

Đợt thám sát năm 2008 thu được có 176 di vật đá (trong đó 141 di vật ở hố thám sát): gồm 1 công cụ hình bầu dục, 8 công cụ hình đĩa, 2 công cụ phần tư cuội, 5 công cụ nhiều rìa lưỡi, 4 công cụ rìa lưỡi ngang, 1 công cụ rìa lưỡi dọc, 5 chày, 7 hòn ghè, 98 mảnh tước và 45 đá nguyên liệu. Ngoài ra, còn phát hiện được 25 công cụ mũi nhọn bằng xương, 4 đoạn sừng hươu có vết sử dụng và 10 công cụ bằng vỏ trai.

Trong hố khai quật năm 2010 thu được 12 di  vật đá gồm: 1 phác vật rìu, 1 mảnh rìu mài, 2 công cụ hình đĩa, 1 công cụ phần tư cuội, 2 công cụ nhiều rìa lưỡi, 3 chày, 2 hòn ghè. Ngoài ra còn thu thập được 16 công cụ ghè đẽo trên bề mặt.

Trong các hố thám sát và khai quật còn phát hiện được 8 mảnh gốm tiền sử, một số mảnh gốm có văn thừng, chúng có nét khác và tiến bộ hơn gốm Đa Bút. 

Về cơ bản, Hang Lai là một trong các di tích thuộc văn hóa Hòa Bình muộn, có niên đại khoảng sau một vạn năm cách ngày nay. Hang Lai vừa là nơi cư trú, mai táng, vừa là nơi chế tác công cụ.

2.3. Di tích Hang Mang Chiêng

 Hang Mang Chiêng thuộc xã Thành Yên, huyện Thạch Thành (tỉnh Thanh Hóa),  ở vị trí giáp ranh giữa hai tỉnh Thanh Hóa và Ninh Bình và nằm trong khu vực trung tâm rừng Quốc gia Cúc Phương. Hang có tọa độ 20018’53,389171” vĩ Bắc, 105035’43,503906” kinh Đông; cao 212,6m so với mực nước biển. Hang khá rộng và bằng phẳng, chiều dài (Bắc – Nam) 23m, chiều rộng (Đông- Tây) 9m, diện tích lòng hang khoảng 200m2. Di tích được phát hiện và đào thám sát tháng 2 năm 2009.

Tháng 11 năm 2011, Viện Khảo cổ học phối hợp với Sở Văn hóa Thể thao và Du lịch Thanh Hóa, cùng các chuyên gia Viện Dân tộc - Khảo cổ học Novosibirsk, Viện Hàn lâm khoa học Nga tiến hành khai quật hang Mang Chiêng lần thứ nhất với diện tích 6m2. Vị trí hố khai quật nằm ở phía gần cửa hang chính.

Tháng 12 năm 2012, đoàn khai quật khảo cổ học hợp tác Việt – Nga tiếp tục khai quật di chỉ này với diện tích 6m2. Vị trí hố khai quật nằm ở gần cửa hang phụ.

Kết quả các đợt khảo sát và khai quật tại hang Mang Chiêng đã làm xuất lộ cấu tạo địa tầng và tầng văn hóa của di chỉ với bề dày trên dưới 1m với 3 lớp. Lớp sớm nhất có màu nâu đỏ khá rắn chắc, nhiều khả năng thuộc giai đoạn hậu kỳ Pleistocene, khoảng trên 12.000 năm cách ngày nay; lớp giữa chứa nhiều vỏ ốc, hơi bở rời màu vàng xám thuộc sơ kỳ Holocene, khoảng sau 12.000 – 9.000 năm cách ngày nay; lớp trên (lớp muộn) chứa nhiều vỏ ốc, đất bở rời màu xám thuộc cuối sơ kỳ Holocene, niên đại khoảng 9.000 – 7.000 năm cách ngày nay.

Các cuộc khai quật cũng làm xuất lộ vết tích bếp lửa, cụm chế tác đá, di tích động vật và đặc biệt là các di tích mộ táng. Trong hố khai quật năm 2011, có 10 vết tích mộ táng với các di cốt bị gãy vụn và nhiều mảnh bị đốt cháy, không rõ biên huyệt mộ. Mặc dù chưa được xác định thành phần nhân chủng cũng như niên đại tuyệt đối, nhưng chắc hẳn các di cốt này là chủ nhân của di chỉ vì chúng nằm trong tầng văn hóa ổn định.

Sưu tập di vật tìm được trong các hố khai quật và trên bề mặt di chỉ khoảng 160 chiếc, chủ yếu là đồ đá, trong đó có một tỷ lệ đáng kể các công cụ làm bằng đá vôi. Loại hình gồm những công cụ chặt, đập thô sơ kiểu truyền thống chopper, một số công cụ mảnh để cắt/nạo và một số công cụ ghè hết một mặt vỏ cuội hình đĩa, bầu dục kiểu công cụ văn hóa Hòa Bình.

Nhìn chung, những người chủ trì khai quật cũng như các ý kiến thảo luận đều có chung nhận định rằng, đây là một di chỉ thuộc kỹ nghệ/văn hóa Hòa Bình có khung niên đại khoảng từ trên 12.000 - 7.000 năm cách ngày nay. Di chỉ hang Mang Chiêng có tầng văn hóa được bảo tồn tương đối nguyên vẹn, di vật khá phong phú và độc đáo. Đây là một ví dụ tiêu biểu về sự thích ứng của con người với môi trường sống thời tiền sử, biểu hiện qua phương thức cư trú, tìm kiếm thức ăn, hành vi công cụ trong điều kiện môi trường khan hiếm nguồn nước, nguyên liệu đá cuội và hệ sinh thái rừng nhiệt đới.

Di chỉ hang Mang Chiêng là di tích cư trú, mộ táng, đồng thời là nơi chế tác công cụ. Di tích này phản ánh hình thái di động tìm kiếm thức ăn và cư trú theo mùa của cư dân tiền sử khu vực.  

2.4. Di tích Hang Diêm

Hang Diêm thuộc địa phận bản Sánh, xã Thành Yên, huyện Thạch Thành (tỉnh Thanh Hóa), thuộc khu vực vùng đệm của Vườn Quốc gia Cúc Phương, tọa độ 20o 15’42.5’’ vĩ độ Bắc; 105o39’10.6’’ kinh độ Đông, cao 179,5m so với mực nước biển.

Di tích hang Diêm được phát hiện và đào thám sát vào cuối năm 2012,  khai quật vào năm 2013. Cấu tạo địa tầng và tầng văn hóa ở Hang Diêm cho thấy, đây là di tích cư trú, mộ táng của cư dân thuộc nhiều thời kỳ. Trong lớp văn hóa sớm nhất của di chỉ này có thành phần cấu tạo chủ yếu là loại sét vôi hơi kết vón màu vàng nhạt lẫn ít sạn, sỏi, thạch anh, ít vỏ ốc hơn lớp trên. Tính chất trầm tích lớp này phần nào giống mức dưới di chỉ hang Mang Chiêng, có thể thuộc giai đoạn chuyển tiếp từ Pleistocene sang Holocene có tuổi khoảng trên dưới 12.000 năm cách ngày nay, Các lớp trầm tích và tầng văn hóa trên mang đặc trưng của thời kỳ Holocenen.

Di tích mộ táng ở hang Diêm có mộ M3 nằm ở sát đáy của địa tầng hố khai quật, rõ ràng nhất về niên đại cũng như táng thức, niên đại của mộ táng này vào khoảng trên dưới 11.000 năm cách ngày nay. Táng thức của mộ này là hung táng và đặt trực tiếp trên đá nền hang, tử thi được chôn nằm ngửa nhưng chân hơi co. Mộ M3 ở hang Diêm là tư liệu quý để nghiên cứu về thành phần nhân chủng cũng như táng thức của cư dân cuối giai đoạn Đá cũ đầu Đá mới ở nước ta. Di tích mộ táng ở lớp 2 được xác định là có biên mộ và có chứng cứ về việc cải táng. Lớp mộ táng ở lớp văn hóa muộn với các mảnh xương vỡ vụn, có một số mảnh bị cháy có thể liên quan đến một kiểu táng tục nào đó mà gần đây phát hiện được ở hang Mang Chiêng (Thanh Hóa) hay Mái đá Ốc (Ninh Bình).

Một điểm khá nổi bật ở hang Diêm là có khá nhiều di tích động vật, đặc biệt là xương thú (loại vừa và nhỏ), các loài nhuyễn thể, thủy sinh, bò sát, chim…Di tích xương thú ở hang Diêm có thể chiếm tỷ lệ cao nhất so với các di tích khác trong khu vực.

Bộ sưu tập công cụ được tìm thấy trong hố khai quật và khảo sát gồm có hiện vật đá, hiện vật xương và hiện vật gốm.

Hiện vật đá thu được ở  Hang Diêm là 1.774 di vật, trong đó có 40 công cụ, số còn lại thuộc về mảnh tước, mảnh tách và đá có vết gia công.

Loại hình công cụ gồm: 01 công cụ rìa dọc; 02 công cụ rìa ngang; 01 công cụ dạng phần tư cuội; 01 công cụ hình đĩa (dạng Sumatralith); 04 công cụ không định hình; 02 mảnh vỡ công cụ; 01 công cụ hình móng ngựa; 01 công cụ hình rìu;  03 công cụ hai rìa, trong đó có 02 chiếc hai rìa đối nhau; 01 công cụ hạch; 16 công cụ mảnh dạng nạo và dao cắt và 01 công cụ không định hình; 01 chày nghiền; 01 bàn nghiền/mài; 02 hòn ghè đập; 02 rìu mài toàn thân hình tứ giác.

Ngoài ra còn có 4 công cụ xương thuộc loại hình mũi nhọn và đục vũm. Hiện vật gốm tiền sử ở Hang Diêm có 76 mảnh, gồm hai loại: Gốm tiền sử thô kiểu Đa Bút và gốm mịn của thời đại Kim khí muộn.

Mẫu vỏ ốc núi lấy ở lớp 3 (lớp sâu nhất) của địa tầng hố khai quật Hang Diêm năm 2013 đã được phân tích niên đại C14 tại phòng Thí nghiệm của Viện Khảo cổ học - Dân tộc học Novosibirsk cho kết quả 11.240 năm cách ngày nay.

Cư dân cổ hang Diêm chế tác công cụ đá tại nơi cư trú. Sưu tập công cụ đá ghè đẽo ở hang Diêm mặc dù có mặt khá phổ biến những công cụ ghè thô kiểu truyền thống chopper, nhưng với một số công cụ hình đĩa và gần bầu dục ở đây thì có thể coi hang Diêm thuộc kỹ nghệ Hòa Bình. Hình thái cư trú, kiếm sống, táng tục và hình thái công cụ đá hang Diêm khá gần gũi với hang Mang Chiêng, có phần tương đồng với di tích hang Con Moong (mức giữa - trên), và một số di tích khác ở khu vực Vườn Quốc gia Cúc Phương.

2.5. Di tích hang Bố Giáo

Di tích Hang Bố Giáo thuộc địa phận thôn Yên Sơn 2, xã Thành Yên, huyện Thạch Thành (tỉnh Thanh Hóa). Di tích có tọa độ 20017’15,838661” vĩ Bắc, 105034’50,063115”, cao 174,6m so với mực nước biển và cao khoảng 51m so với chân núi. Di tích được phát hiện vào đầu năm 2010, các hố đào thám sát cho thấy địa điểm này không có cấu tạo tầng văn hóa, mà chỉ tìm thấy một vài chì luới bằng đất nung giống chì lưới văn hóa Đông Sơn ở trên bề mặt hang. Có thể cho rằng, hang Bố Giáo là một địa điểm ghi nhận sự có mặt của cư dân thời đại Kim khí ở khu vực này trong khoảng thời gian ngắn.

2.6. Hệ thống hào lũy núi Đầu Voi

Di tích nằm ở sát núi Đầu Voi, thuộc một phần dãy núi đá có tên gọi là Núi Voi, trong vùng đệm của Vườn Quốc gia Cúc Phương, tọa độ 20o 17’11’’ vĩ độ Bắc; 105o34’52.1’’ kinh độ Đông, cao 105,2m so với mực nước biển. Về địa giới hành chính Lũy Đầu Voi thuộc địa phận thôn Yên Sơn 2, xã Thành Yên, huyện Thạch Thành (tỉnh Thanh Hóa).

Trong thời gian khai quật di tích hang Lý Chùn, tại thôn Yên Sơn 2, xã Thành Yên, huyện Thạch Thành (tỉnh Thanh Hóa)  năm 2010, đoàn công tác đã phát hiện di tích hào lũy núi Đầu Voi.

Đợt khảo sát năm 2010 cho thấy, di tích có hình gần chữ nhật và ôm trọn khu vực xung quanh núi Đầu Voi. Lũy đất chạy vòng quanh ôm lấy phần nhô dài của núi Đầu Voi và khép lại ở phần “yên ngựa” nối núi Đầu Voi với núi Bố Giáo. Theo người dân sống ở xã Thành Yên thì kiến trúc đắp đất này trước đây rất rõ ràng, nó như một cái thành nhỏ với rất nhiều tên gọi khác nhau như: thành đất núi Đầu Voi, thành Lý Chùn, hay lũy Đầu Voi, đồn binh Lý Chùn.

Khảo sát hiện trạng của lũy hào năm 2010 và 2015 cho thấy, lũy có hình tứ giác không thực sự vuông vắn, kích thước của hệ thống hào lũy núi Đầu Voi như sau:

Cạnh Bắc chạy theo hướng Đông - Tây dài 70m; cạnh Đông dài 92m; cạnh Nam dài 180m, cách núi Đầu Voi 26m; cạnh Tây dài 65m, một đầu tiếp vào phần yên ngựa cách di tích hang Lý Chùn 15m.

Chu vi của toàn bộ kiến trúc hào lũy núi Đầu Voi là 424,4m. Cạnh Bắc của lũy có chân rộng 7,0m, bề mặt rộng 4,0m, cao 2,0m; ngoại hào rộng 7,0m sâu 1,5m.

Trong lòng lũy đất cách tường Bắc khoảng 3m có hai miệng giếng tròn đường kính 1,95 – 2,0m, cách nhau 1,5m.

Đợt khảo sát năm 2010, tại khu vực phía Nam trước cửa chính và khu vực bên trong hào lũy có nhiều mảnh sành, sứ. Khai quật hang Lý Chùn ngay trong khu vực hào lũy phát hiện nhiều hiện vật sành và ít mảnh sứ. Đồ sành ở đây khá mịn, cứng, loại hình chủ yếu là lon cao, vò, lọ; hoa văn đặc trưng hình hoa chanh đắp nổi và hoa văn hình con đỉa. Sơ bộ có thể nhận thấy những đồ sành, sứ phát hiện ở hang Lý Chùn có niên đại khoảng thế kỷ XIV (cuối thời Trần).

Hệ thống kiến trúc hào lũy núi Đầu Voi là di tích khảo cổ học lịch sử kiến trúc thời Trung đại ở Việt Nam. Hệ thống kiến trúc hào lũy này có cấu trúc như một tòa thành nhỏ - căn cứ quân sự của một nhân vật nào đó trong lịch sử. Hiện tại, chúng ta chưa có đủ cứ liệu để xác định chính xác niên đại và chủ nhân của di tích này, tuy nhiên hệ thống kiến trúc hào lũy núi Đầu Voi vẫn cần được xem như một di tích có giá trị để nghiên cứu lịch sử ở khu vực miền núi Thanh Hóa.

Như vậy, việc phát hiện, khai quật Hang Con Moong và các di tích phụ cận đã hình thành một phức hợp di tồn văn hóa độc đáo và vô cùng quý giá. Phức hợp này minh chứng cho một quá trình tiến hóa nhân học và văn hóa, cũng như các mô hình thích ứng của con người với các điều kiện môi trường kéo dài trong hàng vạn năm. Phức hợp di tích hang Con Moong và các di tích phụ cận xứng đáng mang tầm cỡ giá trị di tồn văn hóa đặc sắc của khu vực và nhân loại.

(Đường Thị Ngọc Hóa - thành viên Đoàn khai quật)