Những giá trị lịch sử văn hóa của hang Con Moong và các di tích phụ cận - P1

Hang Con Moong được cán bộ Vườn Quốc gia Cúc Phương phát hiện năm 1974 và được khai quật lần đầu tiên vào năm 1976. Ngày 3 tháng 8 năm 2007, hang Con Moong được Bộ Văn hóa Thông tin công nhận là di tích cấp Quốc gia tại quyết định số 34/2007- QĐ/BVHTT. Trong các năm 2008 - 2009, Viện Khảo cổ học phối hợp với Sở VHTT&DL tỉnh Thanh Hóa tiếp tục tiến hành khảo sát, nghiên cứu hang Con Moong đồng thời khai quật hang Lai và hang Lý Chùn, khảo sát lũy đất Lý Chùn.

Từ năm 2010 đến 2014, hang Con Moong và các di tích xung quanh được tiếp tục thám sát, khai quật, nghiên cứu. Dự án này nằm trong chương trình hợp tác giữa Viện Khảo cổ học, Viện Hàn lâm Khoa học xã hội Việt Nam và Viện Khảo cổ học - Dân tộc học Novosibirsk, Viện Hàn lâm Khoa học Nga với sự phối hợp của Sở Văn hóa Thể thao và Du lịch tỉnh Thanh Hóa. Trong thời gian khai quật hang Con Moong (2010-2014), đoàn khảo cổ học Việt -Nga đã phát hiện và khai quật hang Mang Chiêng (2011-2012), Hang Diêm (2013-2014), thám sát hang Bố Giáo.  

1. Kết quả khai quật và nghiên cứu mới về hang Con Moong

Hang Con Moong ở bản Mọ, xã Thành Yên, huyện Thạch Thành (tỉnh Thanh Hóa), tọa độ 20015’55,19” vĩ Bắc và 105037’19,80” kinh Đông, độ cao tuyệt đối là 150.7m (so với mực nước biển); độ cao tuơng đối của hang là 35,5m (so với lòng suối trước cửa hang).

Toàn cảnh hang Con Moong

1.1. Các hố khai quật

Trong các mùa điền dã từ năm 2010 - 2014, đoàn khảo cổ học hợp tác Việt - Nga đã tiến hành khai quật và khảo sát tại ba khu vực của mặt bằng hang Con Moong.

- Khu A ở phía Tây Bắc hang, gồm các ô từ 1 đến 7. Trong đó có 2 hố khai quật: Hố khai quật năm 1976 có diện tích 24m2, trong đó có 8m2 được lưu lại địa tầng làm điểm thăm quan. Hố khai quật hợp tác Việt - Nga rộng 14m2 , trục ngang chiều Bắc - Nam rộng 2m, trục dọc chiều Đông - Tây dài 7m.

- Khu B ở giữa có diện tích khoảng 55m2. Địa tầng cấu tạo bởi đất sét vôi, lẫn mảnh đá vôi, không có vỏ ốc. Lớp trên (30cm) phát hiện một số mảnh gốm kiểu văn hóa Đa Bút.

Năm 2010, khi tiến hành dọn mặt bằng ở khu vực này đã thu thập một khối lượng lớn hiện vật. Trên vách Bắc khu B hiện có một tảng trầm tích khá chắc chứa công cụ đá, mảnh xương động vật và vỏ nhuyễn thể.

- Khu C được tính từ cửa phía Đông Bắc của hang đến ô 13. Khu vực này được khai quật 4m2 để tìm hiểu quá trình thành tạo trầm tích và lớp dăm kết đá vôi ở đây.

Do các hố thám sát và khai quật thuộc khu B và C không có tầng văn hóa rõ ràng, không đại diện cho hệ tầng hang Con Moong nên những tư liệu thu được tại đây chỉ có giá trị tham khảo. Cấu tạo địa tầng và diễn biến các lớp văn hóa của hố khai quật khu A mới tiêu biểu cho di tích hang Con Moong.

1.2. Cấu tạo địa tầng hố khai quật 14m2 khu A

Địa tầng hang Con Moong

- Tập trầm tích 1 là một phần của cột địa tầng khai quật 1976 còn lưu lại, nằm từ bề mặt đến độ sâu -2,5m (trong độ dày -3,6m). Tập trầm tích này gồm nhiều lớp sét vôi bột lẫn cát màu xám nâu, chứa rất nhiều vỏ ốc và một số di cốt động vật. Trong tập trầm tích này cũng chứa nhiều dấu tích bếp lửa, mộ táng cùng với các loại công cụ  đá, xương,  vỏ nhuyễn thể. Di vật ở tập này gồm một số rìu mài lưỡi, các công cụ hình bầu dục, hạnh nhân, hình đĩa, rìu ngắn mang đặc trưng kỹ nghệ Hòa Bình và những công cụ ghè thô kiểu truyền thống chopper cuội. Ngoài ra còn có một số công cụ xương/sừng/vỏ nhuyễn thể và một số mảnh gốm thô. Các dấu tích văn hóa ở đây phản ánh quá trình phát triển văn hóa từ văn hóa Hòa Bình đến hậu Hòa Bình.

- Tập trầm tích 2 ở độ sâu từ -2,6m đến - 4,75m, gồm 2 phân vị địa tầng: Phân vị 2.1 sâu - 2,6m đến - 4,2m thuộc hố khai quật năm 1976 và hố thám sát trước năm 2010; phân vị địa tầng 2.2 sâu từ - 4,2m đến - 4,75m thuộc lớp 3,4 hố khai quật khu A năm 2010. Trong tập trầm tích này có sự xen kẽ các lớp bột cát, bột sét màu xám đen sang lớp đất sét vôi lẫn cát màu nâu nhạt, trắng, sáng, lẫn các mảnh đá vôi và các thấu kính chứa vỏ ốc núi. Phân vị trầm tích 2.1 chứa nhiều vỏ ốc núi hơn phân vị 2.2, trong khi đó phân vị 2.2 có nhiều các lớp đất sét vôi bị canxit hóa và carbonat màu trắng sữa, nâu nhạt xen kẽ hơn phân vị 2.1.

Trong phân vị trầm tích 2.1 vẫn có những công cụ kiểu kỹ nghệ Hòa Bình xen lẫn những công cụ cuội ghè thô thuộc truyền thống chopper. Trong phân vị 2.2 khá hiếm công cụ hạch cuội lớn, thay vào đó là những công cụ hạch cuội và công cụ mảnh kích thước nhỏ. Trong số này vẫn có những loại hình mang sắc thái kỹ nghệ Hòa Bình như: công cụ gần hình đĩa, rìu ngắn.

- Tập trầm tích 3 tương đương với lớp 5 của hố khai quật, dày khoảng 0,45m, có cấu tạo gồm : cát bột, bột sét màu xám nâu, trầm tích carbonate trắng (kết vón cứng), một số di cốt động vật và khá hiếm vỏ nhuyễn thể. Trong lớp 5, có mặt chủ yếu là các công cụ mảnh tước đá cuội, một số bằng đá quartz, đá vôi và một vài công cụ hạch cuội nhỏ.

 - Tập trầm tích 4 tương ứng với lớp 6 của hố khai quật năm 2010 -1014 khu A, độ dày tập trầm tích này khoảng 0,55m. Phân vị dưới (3.2) tương đương với lớp 6, dày khoảng 0,55m có thành phần cấu tạo là bột cát, bột sét màu đỏ nâu, chứa rất nhiều các ống oxit sắt. Các ống oxit sắt là kết quả của quá trình phong hoá nhiệt đới. Trong tập trầm tích này mới chỉ tìm thấy một số mảnh tước bằng đá quartz và đá vôi.

- Tập trầm tích 5 cấu tạo từ bột sét, bột cát màu nâu tối, lẫn vài mảnh đá vôi bị phong hóa. Tập này tương ứng với lớp 7, 8, 9 và 10 trong lớp khai quật khu A. Tập trầm tích 5 có độ dày trung bình 2,2m, dốc nghiêng từ vách Bắc xuống lòng hang. Có một số lớp thấu kính màu xám đen xen giữa các lớp màu nâu sáng, càng xuống dưới màu trầm tích này càng sẫm dần. Trong tập trầm tích này không có vỏ nhuyễn thể và xương động vật. Lớp 8 không phát hiện được di tồn văn hóa, nhưng ở lớp 7, 9 và lớp 10 đã tìm thấy một số mảnh đá quartz, có dấu hiệu gia công và sử dụng của con người.

Cấu tạo trầm tích và phân tích độ từ cảm cho thấy, khí hậu giai đoạn thành tạo tập trầm tích 5 là thời kỳ lạnh, lạnh nhất là các lớp 8 và 9; tập trầm tích 4 (ứng với lớp 5) có chế độ khí hậu nóng ẩm; tập trầm tích 3 và 2 đặc trưng cho khí hậu lạnh; tập trầm tích 1 có chế độ khí hậu nóng ẩm xen lẫn một số pha ngắn nền khí hậu ôn hòa mát mẻ.

1.3. Các di tích động vật trong hố khai quật 2010 - 2014 khu A

Các di cốt động vật gặp chủ yếu lớp 3, rất ít ở các lớp 4 và 5. Từ lớp 6 trở xuống không gặp xương động vật và vỏ nhuyễn thể.

Tàn tích xương
Tàn tích hạt quả

Di tích động vật ở lớp 3 hang Con Moong gồm xương, răng động vật có xương sống, các loài trai, ốc và cua. Đây là tư liệu để tìm hiểu về cổ môi trường sinh thái cũng như hoạt động khai thác nguồn thức ăn tự nhiên của cư dân cổ. Kết quả giám định thành phần động vật có xương sống gồm: Họ khỉ, sơn dương, lợn rừng, hươu, nai, hoẵng, tê giác, chó, hổ, mèo rừng, gấu chó, gấu ngựa, lửng, sóc đen?, Bộ rùa, Lớp chim, Bộ gà. Động vật nhuyễn thể gồm những loài sau: cua núi, hến sông, trùng trục ngắn, trùng trục dài, trai điệp, ốc, ốc vặn hình côn, ốc đá, ốc vặn ngắn, ốc vặn dài...

1.4. Hiện vật hố khai quật 14m2, khu A (2010-2014)

1.4.1. Hiện vật của lớp 3

Hiện vật lớp 3 thu được 62 hiện vật (61 hv đá, 1 hv xương). Trong số này có các công cụ rìa ngang, công cụ phần tư cuội, công cụ hình móng ngựa, rìu ngắn, công cụ hình bầu dục, nạo, công cụ hạch thô không định hình, công cụ mảnh tước, hòn kê, công cụ xương...

Mảnh tước thu được 312 mảnh, đa số có kích thước vừa và nhỏ, chủ yếu là mảnh tước thứ sinh.

1.4.2. Hiện vật lớp 4 đến lớp 10

- Lớp 4: có 1 công cụ hạch nhỏ làm từ mảnh đá quartz.

- Lớp 5: có 6 công cụ, gồm 1 nạo, 4 mũi nhọn, 1 công cụ hạch nhỏ, chủ yếu làm bằng đá quartz, chỉ một chiếc làm bằng đá vôi.

- Lớp 6: có 4 mảnh tước bằng đá quartz và đá vôi, đều không có dấu tu chỉnh.

- Lớp 7: có 1 nạo và 1 mũi nhọn đều bằng đá quartz.

- Lớp 8: không có di vật.

- Lớp 9: có 16 hiện vật đá, gồm các loại công cụ mũi nhọn (4 chiếc), công cụ dạng dao cắt (1 chiếc), công cụ nạo (4 chiếc), công cụ hạch không định hình (2 chiếc), hạch đá (4 chiếc), hòn ghè (1 chiếc). Những công cụ này chủ yếu làm bằng đá quartz, chỉ một vài chiếc làm bằng đá trầm tích silic pha sét.

- Lớp 10: có 12 hiện vật đá, gồm các loại: công cụ nạo (3 chiếc), công cụ  mũi nhọn (2 chiếc), công cụ hạch nhỏ không định hình (3 chiếc), hòn ghè (2 chiếc), hạch đá (2 chiếc). Những công cụ này phần lớn làm bằng đá quartz, chỉ có một vài chiếc làm bằng đá trầm tíc silic pha sét.

1.5. Những nhận thức mới về di tích hang Con Moong qua kết quả khai quật (2010-2014) 

Kết thúc đợt khai quật (2010 – 2014), địa tầng hang Con Moong khu A từ bề mặt xuống đáy nền hang dày 10,9m (địa tầng trung bình dày 9,5m), có cấu tạo  gồm 5 tập trầm tích chứa các di tồn văn hóa diễn biến trong khoảng trên 6 vạn năm. Quá trình tiến triển văn hóa trong địa tầng hang Con Moong có thể có thời kỳ đứt đoạn, nhưng về cơ bản, có thể nhận thức được các giai đoạn từ sớm đến muộn với nội hàm văn hóa và khung niên đại như sau:  

Giai đoạn 1 (sớm nhất) thuộc tập trầm tích 5, nằm trong khung niên đại khoảng 70.000 – 45.000 năm cách ngày nay. Di tồn văn hóa giai đoạn này là những công cụ đá mảnh và công cụ hạch có kích thước nhỏ, được làm chủ yếu bằng đá quartz và một số bằng đá trầm tích silic pha sét. Loại hình công cụ phổ biến là những công cụ mũi nhọn, công cụ nạo/cắt/khía ...

Giai đoạn 2 thuộc tập trầm tích 4,3 nằm trong khung niên đại khoảng 45.000-25.000 năm cách ngày nay, với di tồn văn hóa thể hiện sự chuyển tiếp giữa kỹ nghệ công cụ nhỏ bằng đá quartz sang kỹ nghệ công cụ hạch cuội tiền Hòa Bình. Sưu tập di vật đá ở đây có cả những công cụ nhỏ bằng đá quartz và những công cụ hạch/mảnh cuội nhỏ.

Giai đoạn 3 thuộc tập trầm tích 2 có khung niên đại nằm trong khoảng 25.000 - 13.000 năm cách ngày nay. Giai đoạn này có thể chia thành hai mức như sau:

Trong mức sớm của giai đoạn này (khoảng 25.000 – 17.000 năm cách ngày nay), bên cạnh những công cụ hạch cuội nhỏ ghè đẽo thô sơ kiểu truyền thống chopper đã xuất hiện một số công cụ mang sắc thái kỹ nghệ công cụ Hòa Bình. Phương thức khai thác thức ăn từ động vật nhuyễn thể bắt đầu nảy nở. Đây có thể coi là giai đoạn sơ khai của văn hóa Hòa Bình.

Trong mức muộn của giai đoạn này (17.000 – 13.000 năm cách ngày nay) yếu tố kỹ nghệ đá,  phương thức sống và táng tục kiểu văn hóa Hòa Bình đã đậm nét hơn. Những công cụ ghè thô, công cụ hạch cuội kiểu kỹ nghệ Hòa Bình đã nhiều hơn về số lượng và có kích thước lớn hơn giai đoạn trước. Phương thức khai thác nhuyễn thể làm thức ăn khá phát triển và xuất hiện các mộ táng với táng tục nằm co. Đây có thể coi là giai đoạn Hòa Bình sớm.

Giai đoạn 4 (giai đoạn muộn) thuộc tập trầm tích 1 có khung niên đại nằm trong khoảng 13.000 – 7.000 năm cách ngày nay. Giai đoạn này có thể chia thành hai mức như sau:

Mức sớm (khoảng 13.000 – 9.000 năm cách ngày nay), đại diện bởi những di vật đá mang đặc trưng kỹ nghệ Hòa Bình như rìu hình hạnh nhân, rìu ngắn, nạo hình đĩa, một số rìu mài lưỡi. Phương thức sống và táng tục cũng mang đặc trưng của văn hóa Hòa Bình. Đây có thể coi là giai đoạn Hòa Bình phát triển ở di tích này.

Mức muộn (khoảng 9.000 – 7.000 năm cách ngày nay) với các di tồn văn hóa mang yếu tố Hòa Bình muộn và xuất hiện các yếu tố tiền thân của văn hóa Đa Bút (thuộc trung kỳ Đá mới) như: rìu mài lưỡi, rìu mài lan thân kiểu Bắc Sơn và gốm kiểu Đa Bút.

Cho đến nay có thể khẳng định rằng, địa tầng chứa di tồn văn hóa ở hang Con Moong là dày nhất trong số các di tích hang động tiền sử hiện biết ở Việt Nam và Đông Nam Á. Tầng văn hóa hang Con Moong chứa đựng các di tồn văn hóa của con người trong khoảng thời gian kéo dài hàng vạn năm, tương ứng với thời kỳ hình thành và tiến hóa của người hiện đại (Homo sapiens và Homo sapiens sapiens) cũng như sự mở đầu của quá trình Đá mới hóa trong khu vực.

Di tích hang Con Moong minh chứng cho truyền thống cư trú trong hang động cũng như chuỗi tiến triển của các kỹ nghệ đá từ truyền thống (công cụ đá bằng đá quartz) chuyển sang kỹ nghệ công cụ cuội tiền Hòa Bình, Hòa Bình đến sơ kỳ Đá mới. Di tích hang Con Moong kể lại câu chuyện về quá trình thích ứng của con người trong các điều kiện tự nhiên biến đổi với các phương thức cư trú và kiếm sống kéo dài suốt từ gần đầu hậu kỳ Pleistocene đến Holocene sớm.

(Còn nữa)

(Đường Thị Ngọc Hóa - thành viên Đoàn khai quật)