Để căn cứ Ba Đình trở thành một Bảo tàng xứng tầm

Trong thời kỳ chống sự xâm lược của thực dân Pháp (hồi cuối thế kỷ XIX), để hướng ứng Chiếu Cần Vương lần thứ nhất (13-7-1885) và Chiếu Cần Vương lần thứ hai (19-9-1885) của vua Hàm Nghi ban ra, cùng với các tỉnh Bắc Trung Kỳ và trong cả nước, toàn bộ tỉnh Thanh Hóa, từ đồng bằng, ven biển đến miền núi đã dấy lên một phong trào yêu nước chống Pháp thật vô cùng sôi động. Đến giữa năm 1885, để nhằm thúc đẩy phong trào phát triển mạnh hơn nữa, các vị thủ lĩnh Cần Vương ở các địa phương trong tỉnh đã nhóm họp tại đình làng Bồng Trung (nay thuộc xã Vĩnh Tân, huyện Vĩnh Lộc) để đi đến quyết định thống nhất là xây dựng nhanh chóng hai căn cứ Ba Đình và Mã Cao trở thành hai căn cứ chống Pháp chủ chốt lợi hại nhất trong tỉnh bên cạnh việc duy trì, củng cố các căn cứ ở các vùng, miền, địa phương đã có trước đó để có thể kịp thời ngăn chặn sự tấn công, chiếm đóng của thực dân Pháp.

Và trên thực tiễn, với sự chỉ đạo trực tiếp của các thủ lĩnh Cần Vương (như Phạm Bành, Hoàng Bật Đạt, Đinh Công Tráng, Nguyễn Viết Toại và Đốc Khế...) cùng sự tham gia, ủng hộ trực tiếp nhiều mặt của nhân dân Nga Sơn, Hà Trung, Hậu Lộc và những địa phương khác mà chỉ sau vài tháng khẩn trương xây dựng và chuẩn bị lực lượng, căn cứ kháng chiến chống Pháp Ba Đình đã được xây dựng hoàn tất một cách hết sức lợi hại và độc đáo. Đây là cụm căn cứ kháng chiến liên hoàn của 3 làng Mỹ Khê, Thượng Thọ và Mậu Thịnh - những làng cổ của vùng đồng chiêm trũng nằm lọt thỏm trong vòng ôm của các con sông nhỏ như sông Tống, sông Hoạt và sông Chính Đại cùng sông Lèn và sông Báo Văn, mà ở các phía gần, xa còn thấy có núi non che chắn, v.v... Nếu là mùa mưa lũ thì 3 làng nổi lên như những ốc đảo giữa đồng nước mênh mang. Bình thường ở xa đến chỉ đi bằng một đường độc đạo. Vì vậy, khi nước ngập, phương tiện đi lại giữa các làng chủ yếu đều phải dùng thuyền nan, thuyền thúng.

Với vị trí như vậy, căn cứ Ba Đình sẽ là một thách thức rất lớn với kẻ thù khi tấn công vào đây. Lúc đầu, khi phát hiện ra căn cứ Ba Đình của “lực lượng nổi dậy”, quân Pháp cũng tưởng “đó chỉ là một làng được phòng thủ theo kiểu An Nam” truyền thống như thường thấy với các lũy tre ôm kín ngôi làng. Nhưng khi cuộc chiến diễn ra, thì quân Pháp mới dần nhận biết được ở bên trong và bên ngoài lũy tre là cả một hệ thống phòng thủ liên hoàn vô cùng chắc chắn và rất khó để tiếp cận khi tiến vào. Và rất đúng như lời nhận xét của Masson - viên sĩ quan chỉ huy việc tấn công căn cứ Ba Đình ngày ấy thì: “việc nghiên cứu bên trong Ba Đình chúng tôi hết sức ngạc nhiên vì chứng tỏ các công sự đã được xây dựng với một kỹ thuật cao như thế nào. Đường các công sự đã được xây gấp khúc để tạo thành khắp nơi những ổ tác chiến chắc chắn và cả ba làng đều có các công sự bố trí khéo léo để trong trường hợp hai làng đã bị chiếm thì làng kia vẫn có thể dùng làm pháo đài chiến đấu...” (trích ở “Kỷ niệm về hai xứ Trung Kỳ và Bắc Kỳ” của Masson, Pari, 1892). Cũng chính vì sự kiên cố, lợi hại này mà ngay từ khi bắt đầu nổ súng đánh vào Đà Nẵng (1858) để thực hiện âm mưu xâm lược Việt Nam đến đầu năm 1887, thực dân Pháp chưa bao giờ có một cuộc đụng độ, hãm thành, bao vây, tấn công cam go và khó khăn đến như vậy; Chỉ với một kế hoạch tấn công vào một cứ điểm gồm 3 làng kháng chiến nơi vùng đồng chiêm ngập nước với hệ thống thành lũy chỉ toàn bùn đất, rạ rơm trộn lẫn cùng các bãi chông tre ngăn chặn các lối vào, và cũng chỉ với con số ít ỏi 300 nghĩa quân không được đào tạo bài bản chính qui với chỉ toàn vũ khí thô sơ (như súng kíp, hỏa mai, dao, kiếm, mác, hay cung, nỏ, v.v...) mà gần 4000 lính Pháp và lính ngụy với đầy đủ vũ khí hiện đại và pháo binh, tàu chiến hỗ trợ cùng 5000 dân binh do tên Việt gian đội lốt thầy tu Trần Lục (tức Cha Sáu) cầm đầu kéo đến hỗ trợ việc “công thành”, phá lũy đã phải nếm mùi thất bại cay đắng như ở Ba Đình. Và cũng chưa bao giờ chỉ với sự đối phó của 300 người trong “lực lượng nổi dậy” ở 3 làng kháng chiến Ba Đình đã làm cho cả nước Pháp chấn động bởi trong 32 ngày vây hãm, tấn công tại đây (cụ thể là từ ngày 18/12/1886 đến ngày 20/01/1887), đã có hàng ngàn binh lính, sĩ quan Pháp ngụy phải bỏ mạng, thương vong một cách thật nhục nhã. Nhưng vì sĩ diện của nước Pháp, từ thủ đô Pari, tổng thống Pháp đã phải ra lệnh cho lực lượng viễn chinh xâm lược phải bằng mọi giá tiêu diệt cho được căn cứ Ba Đình một cách nhanh nhất. Và thế là trong 32 ngày đêm vây hãm, tấn công hết đợt này đến đợt nọ, hết cách này đến cách khác cùng cả việc sử dụng đại bác và súng phun lửa, v.v... cuối cùng quân Pháp cũng đánh chiếm được Ba Đình nhưng chỉ là “vườn không nhà trống” vì 300 nghìn quân Cần Vương sau 32 ngày đêm chiến đấu cảm tử, gây cho địch nhiều tổn thất nặng nề đã chủ động rút lui bí mật về căn cứ Mã Cao, Hùng Lĩnh, Trịnh Vạn, Điền Lư để cùng các lực lượng nghĩa quân trong tỉnh tiếp tục chiến đấu trong thời gian tiếp theo (tới gần 10 năm nữa...).

Có thể nói căn cứ Ba Đình là đỉnh cao và tiêu biểu nhất cho kiểu bố phòng, chiến đấu của mô hình làng kháng chiến chống xâm lược trong thời kỳ phong kiến ở Việt Nam nói chung và Thanh Hóa nói riêng. Nhưng trong điều kiện kẻ thù xâm lược đã có vũ khí và trang thiết bị quân sự hiện đại hơn chúng ta gấp nhiều lần thì việc bố phòng làng kháng chiến như ở Ba Đình hồi cuối thế kỷ XIX tuy có nhiều lợi hại, song không còn phù hợp để chống trả lâu dài trong điều kiện tương quan lực lượng giữa ta và địch rất chênh lệch (nhất là về vũ khí cũng như cả về binh lực). Do đó, dẫu có gây cho địch nhiều tổn thất đáng kể, nhưng nghĩa quân Ba Đình vẫn không có thể cố thủ lâu dài hơn được. Vì vậy, việc nghĩa quân quyết định rút lui khỏi căn cứ để vừa bảo toàn lực lượng, vừa có thể chiến đấu cơ động trên những địa bàn rộng lớn, phù hợp hơn mới là sự đúng đắn. Và đó chính là một bài học lịch sử quý báu mà trong quá trình kháng chiến chống xâm lược ở các thời kỳ tiếp theo, nghệ thuật quân sự và kháng chiến của chúng ta mỗi ngày một hoàn thiện để làm nên những chiến thắng lẫy lừng khắp 5 châu 4 biển như chiến dịch Điện Biên Phủ và chiến dịch Hồ Chí Minh lịch sử - những cái mốc đánh dấu sự toàn thắng của Việt Nam và sự thất bại của cả đế quốc Pháp và đến quốc Mỹ.

Tuy nhiên, với sự ra đời và hoạt động của căn cứ Ba Đình hồi cuối thế kỷ XIX dù rất ngắn ngủi, song trong những ngày xây dựng và chiến đấu tại đây, nghĩa quân Ba Đình với tinh thần chiến đấu đầy quả cảm và rất mưu trí, thông minh đã gây cho địch nhiều tổn thất nặng nề và làm cả Pari - thủ đô của nước Pháp phải chấn động, lo lắng. Nhưng vì tương quan lực lượng quá chênh lệch, căn cứ Ba Đình cuối cùng vẫn thất thủ. Song, sự ra đời và hoạt động của căn cứ Ba Đình là biểu hiện ngời sáng của lòng yêu nước nồng nàn và ý chí chống xâm lược đầy quả cảm, kiên cường của nhân dân Thanh Hóa trong thời kỳ Cần Vương chống Pháp. Và với những gì đã diễn ra ngày ấy, căn cứ và nghĩa quân Ba Đình xứng đáng được ngợi ca mãi mãi, nhất là về ý chí, khát vọng độc lập, tự do và sự anh hùng dũng cảm mà các thế hệ tiếp đó của cả tỉnh và cả dân tộc đều phấn đấu noi theo để quyết đánh đuổi cho bằng được kẻ thù xâm lược, giành lại giang sơn trọn vẹn cho Tổ quốc.

Đánh giá về sự đóng góp, hy sinh đáng kể của các chiến sỹ Cần Vương trong thời kỳ chống Pháp xâm lược hồi thế kỷ XIX, đồng chí Nguyễn Ái Quốc (lúc còn đang hoạt động ở Pháp, năm 1920) đã khẳng định: “Tôi tôn kính tất cả những Tống Duy Tân... cái chết của họ làm cho Tổ quốc họ sống lại, lòng can đảm của họ bất diệt” (Trích ở sách Những mẫu chuyện về đời hoạt động của Hồ Chí Minh, Nxb Sự thật, Hà Nội, 1976, tr.30). Và thật vinh dự, tự hào, cái tên Ba Đình chính là tên của một quảng trường lớn tại Thủ đô Hà Nội - nơi mà ngày 2-9-1945, Chủ tịch Hồ Chí Minh đã thay mặt Chính phủ cách mạng lâm thời đọc bản “Tuyên ngôn độc lập” - khai sinh ra nước Việt Nam dân chủ cộng hòa. Không những thế ở Thanh Hóa và nhiều nơi trong nước, cái tên Ba Đình còn được đặt tên cho các trường học, đường phố và câu lạc bộ, v.v...

 Để kế thừa và phát huy truyền thống Ba Đình lịch sử, riêng ở Thanh Hóa và huyện Nga Sơn đã liên tiếp có những hình thức kỷ niệm, tôn vinh rất có ý nghĩa. Đặc biệt vào năm 1986, nhân dịp kỉ niệm 100 năm ngày khởi nghĩa Ba Đình (1886-1986) Tỉnh ủy, UBND tỉnh Thanh Hóa đã phối hợp với Viện Sử học Việt Nam để tổ chức một cuộc Hội thảo khoa học lớn với chủ đề: “Khởi nghĩa Ba Đình và phong trào yêu nước chống Pháp của nhân dân Thanh Hóa cuối thế kỷ XIX”. Cũng trong dịp này, tại xã Ba Đình, huyện Nga Sơn, ở khu vực núi Thúc (sát liền với trường học) - nơi đồn tiền tiêu của căn cứ Ba Đình ngày ấy,  một nhà truyền thống Ba Đình cũng kịp thời được khai trương với nội dung cũng khá xúc tích. Tuy nhiên, công trình Nhà truyền thống Ba Đình chỉ là nhà cấp 4A. Vì vậy, sau 30 năm ra đời và tồn tại, đến nay, Nhà truyền thống Ba Đình đã xuống cấp đến mức khó phát huy được nữa.

Năm nay, vào tháng 11-2016, để thiết thực kỉ niệm 130 năm  khởi nghĩa Ba Đình (1886-2016), Ban tuyên giáo Tỉnh ủy Thanh Hóa, Hội Khoa học lịch sử Việt Nam phối hợp với Huyện ủy, UBND huyện Nga Sơn, tổ chức cuộc hội thảo khoa học với chủ đề: "Khởi nghĩa Ba Đình - Nhân kỷ niệm 130 năm Khởi nghĩa Ba Đình (1886 - 2016)", đồng thời nhằm phát huy giá trị truyền thống, tạo ra động lực thúc đẩy sự nghiệp Đổi mới - Công nghiệp hóa, hiện đại hóa tại vùng đất quê hương cuộc khởi nghĩa ngày một mạnh mẽ, hiệu quả hơn.

Riêng để khai thác, bảo tồn, phát huy giá trị cụm di tích “Căn cứ chống Pháp Ba Đình” một cách lâu dài và mãi mãi tại xã Ba Đình, huyện Nga Sơn, tỉnh Thanh Hóa - nơi diễn ra cuộc khởi nghĩa tiêu biểu (1886-1887) làm cả nước Pháp chấn động - một di tích đã được công nhận là di tích cấp Quốc gia, chúng tôi thiết nghĩ rằng trong thời gian tới, cả huyện, cả tỉnh và Trung ương cần có sự chung tay và quan tâm đúng mức hơn nữa thì mới có thể đáp ứng được nhu cầu tham quan du lịch, cũng như việc khai thác, giáo dục, phát huy truyền thống nói chung. Muốn làm được điều đó cũng cần nhanh chóng ra đời một dự án bảo tồn, tôn tạo một cách khả thi cùng một lượng kinh phí đầu tư từng bước cho phù hợp, xứng đáng. Và cụ thể, ý tưởng và kế hoạch của dự án đó như thế nào, chúng tôi xin nhường lời cho các chuyên gia quân sự và chuyên gia về lĩnh vực bảo tồn di sản.

Còn về phía chúng tôi, những người làm công tác trên lĩnh vực trưng bày Bảo tàng xin có những ý kiến và đề xuất như sau:

1. Với ý nghĩa, giá trị của căn cứ khởi nghĩa Ba Đình, chúng tôi thấy, ngoài việc bảo tồn, tôn tạo và phục dựng lại những hạng mục cần thiết của cụm di tích ở một số chỗ (như hào lũy, rào tre, công sự, thành đất và do rơm trộn đất xếp chồng, cùng việc tái hiện cả các hàng chông tre trong, ngoài thành, v.v...), thì tại chỗ gần núi Thúc - nơi từng là đồn tiền tiêu của căn cứ Ba Đình, chúng ta nên xây dựng tại đây một bảo tàng cho đúng nghĩa và đúng với tầm vóc của một căn cứ khởi nghĩa điển hình lẫy lừng tên tuổi hồi cuối thế kỷ XIX. Và nếu nhà Bảo tàng Ba Đình được xây dựng bài bản và đảm bảo cả nội dung, hình thức thì đó sẽ là một bảo tàng đầu tiên trong cả nước giới thiệu về một căn cứ làng kháng chiến tiêu biểu trong cuộc chiến chống xâm lược của dân tộc Việt Nam. Một bảo tàng như thế (nếu đạt chất lượng cả về nội dung và hình thức) thì chắc chắn sẽ hấp dẫn được ngày càng đông du khách trong, ngoài nước trên hành trình tham quan, du lịch đến vùng đất lịch sử đáng yêu này.

2. Trong quá trình lập dự án xây dựng Bảo tàng Ba Đình, huyện Nga Sơn cần phối hợp với các cơ quan chuyên môn ở trong tỉnh và Trung ương (như Bảo tàng Lịch sử Quân sự, Viện Sử học, Cục Lưu trữ Quốc gia, Thư viện Quốc gia, Bảo tàng tỉnh Thanh Hóa v.v...) để sưu tầm các tài liệu, hiện vật liên quan đến khởi nghĩa Ba Đình. Đặc biệt là cần có kế hoạch sang tận Pari - thủ đô của nước Pháp qua con đường ngoại giao để nhờ Chính phủ Pháp và các cơ quan lưu trữ của Pháp nhằm khai thác, sưu tầm những tài liệu, hình ảnh mà người Pháp đã từng ghi chép, nhận xét và chụp lại một cách cụ thể về căn cứ Ba Đình và về tất cả những gì liên quan đến cuộc chiến ngày ấy. Tại Pháp, việc lưu trữ hồ sơ tài liệu và hiện vật có liên quan đến Ba Đình chắc chắn vẫn còn nhiều. Vì vậy, việc sưu tầm này cũng cần được tiến hành một cách khẩn trương, hiệu quả.

Bên cạnh đó là việc tổ chức điền dã, sưu tầm tại các địa phương trong tỉnh, nhất là ở những nơi có người tham gia nghĩa quân Ba Đình và đóng góp xây dựng căn cứ Ba Đình để thu thập những tài liệu, hình ảnh, hiện vật có liên quan. Đặc biệt là khai thác, sưu tầm ở các nhà thờ họ, các gia đình con cháu của các chiến sĩ Cần Vương Ba Đình thì nhất định sẽ có kết quả như mong đợi.

Để có thêm được những hiện vật phục vụ trưng bày, ngoài những hiện vật gốc cũng cần phải phục chế lại những hiện vật đã từng có (như dọ, chông, và các loại từ vũ khí đến dụng cụ sinh hoạt của nghĩa quân, v.v...)

Nói chung, việc sớm cho ra đời một Bảo tàng về căn cứ khởi nghĩa Ba Đình là điều rất cần thiết. Vì vậy, các nhà khoa học chúng ta trong hội thảo hôm nay cần thống nhất quan điểm để kiến nghị với Nhà nước cần có sự quan tâm đầu tư xứng đáng để Nga Sơn, Thanh Hóa có một nhà Bảo tàng Ba Đình xứng tầm với những gì đã từng có ở đây.

Thanh Hiền