Vài nét về cuộc cải cách đầu tiên trong lịch sử Việt Nam

Cuộc cải cách đầu tiên trong lịch sử Việt Nam được tiến hành vào năm 907 do Tiết độ sứ Giao Châu - Khúc Hạo thực hiện. Cải cách triển khai trên các mặt về hành chính, thuế, hộ tịch, hộ khẩu, đã đem lại những thay đổi tích cực cho xã hội.

Ông chính là nhà cải cách đầu tiên trong lịch sử thiết lập được sự quản lý của mình tới tận làng xã, điều mà các triều đại đô hộ phương Bắc không thể làm được. So với chính quyền cũ, cuộc cải cách của Khúc Hạo đã tạo ra cho xã hội Việt Nam thời bấy giờ những điểm mới như sau:

Về bộ máy hành chính

Trước khi Khúc Hạo tiến hành cải cách, bộ máy hành chính của Việt Nam đã có “tổ chức thống nhất” do nhà Đường lập nên cụ thể: từ trên xuống dưới lần lượt là phủ, huyện, hương (hương lớn và hương nhỏ), xã (xã lớn và xã nhỏ). Đứng đầu phủ là Tiết độ sứ; đứng đầu châu là chức thứ sử, xuống huyện và hương đều có tổ chức chính quyền của nhà Đường giúp việc cho phủ. Mặc dù bộ máy hành chính đã được người phương Bắc xây dựng có tổ chức thống nhất, cùng với nhiều chính sách cai trị thâm độc, chính quyền đô hộ được tăng cường chặt chẽ hơn, song việc thiết lập nền cai trị lên các làng xã người Việt thì họ không thực hiện được, đó là: mặc dù vẫn có đơn vị hành chính xã nhưng “chưa bao giờ đặt ra các chức quan xã để quản lý các xã”(1).

Còn đối với Khúc Hạo, ông đã tìm cách thay bằng một cơ cấu hành chính mới nhằm củng cố nền độc lập dân tộc, đảm bảo yêu cầu tồn tại và phát triển, cụ thể: Khúc Hạo chia cả nước thành 5 cấp hành chính bao gồm: lộ, phủ, châu, giáp, xã; đổi hương thành giáp. Ở giáp và xã lần đầu tiên được đặt ra chức quan quản lý bao gồm Quản giáp và Phó tri giáp (cấp giáp); Chánh lệnh trưởng và Tá lệnh trưởng (cấp xã), cả nước dưới thời Khúc Hạo có 314 giáp, mỗi giáp gồm khoảng 10 xã. Mục đích của việc phân chia là để quản lý và thực thi các chính sách về kinh tế, văn hóa, xã hội do cải cách ban hành.

Về chính sách thuế

Chính quyền đô hộ bóc lột nhân dân ta bằng “thuế má nặng nề và nhiều vô kể, ngoài thuế chính như (thuế ruộng, thuế đinh) còn có nhiều thứ thuế phụ thu (thuế vải lụa, nông cụ, giày dép...) mà bất cứ tên quan lại nào cũng có thể đặt thêm ra để bóc lột nhân dân(2). Dưới thời “Khúc Hạo căn cứ vào cách phân phối ruộng đất theo chế độ công xã của phương thức sản xuất châu Á (tức toàn bộ ruộng đất đều là công hữu, được phân chia cho hộ canh tác) đánh thuế một cách bình quân theo ruộng đất mà các hộ được phân chia. Bỏ hẳn thuế đinh. Người thu thuế không phải quan xã mà là Phó tri giáp, theo mô hình cống nạp liên danh của phương thức sản xuất châu Á; khắc phục nạn thu thuế nhiều tầng, nhiều loại”(3)

Bên cạnh các chính sách về bộ máy hành chính và thuế, chính quyền Khúc Hạo còn ban hành một số chính sách tích cực như định ra “hộ tịch”, “lập lại hộ khẩu, kê rõ họ tên, quê quán”, “Tha bỏ lực dịch”. Những chính sách trên nhằm nắm vững dân số, thấu hiểu dân tình hơn đồng thời tạo điều kiện cho nhân dân có cuộc sống ổn định.

Đền thờ Cúc Bồ, nơi thờ ba vị anh hùng họ Khúc: Khúc Thừa Dụ, Khúc Hạo và Khúc Thừa Mỹ (nguồn Internet).

Hiệu quả của cuộc cải cách

Cuộc cải cách đã có tác động tích cực, điều đó được nói vắn tắt trong 4 chữ: “khoan, giản, an, lạc” mà trong sử ta chép rõ là: “Chính sự cốt chuộng khoan dung giản dị. Nhân dân đều được yên vui”(4). Biểu hiện cụ thể thành công của cuộc cải cách là sự vững vàng, ổn định cho đất nước cả về đối nội và đối ngoại. Về đối nội là củng cố phát huy được quyền độc lập tự chủ; đối ngoại là chống lại được mọi kẻ thù, giữ được chính quyền trong 17 năm (906 – 923), đây là điều chưa xảy ra trong các cuộc đấu tranh trước đó.

Cốt lõi trong cải cách của Khúc Hạo là đặt ra chức quản lý trong đơn vị hành chính làng xã, một đơn vị hành chính quan trọng trong việc giữ gìn nền tự chủ của dân tộc, giúp quản lý và khai thác sức mạnh của đất nước từ những bộ phận nhỏ nhất, qua đó xây dựng được hệ thống chính quyền thống nhất từ triều đình đến địa phương. Cải cách của Khúc Hạo là tiền đề cho các triều đại phong kiến Việt Nam noi theo trong công cuộc xây dựng và bảo vệ đất nước.

Nguồn: Theo Hoài An; Bảo tàng Lịch sử quốc gia
Nguồn:
(1). Trương Hữu Quýnh (chủ biên), “Đại cương lịch sử Việt Nam tập 1”, nxb Giáo dục 2003, tr 69.
(2), (3), (4). Văn Tạo, “Mười cuộc cải cách đổi mới lớn trong lịch sử Việt Nam”, nxb Đại học Sư phạm 2006, tr 26, 27, 28.