Đại hội đại biểu toàn quốc lần thứ III Đảng Lao động Việt Nam, 9/1960
Qua gần 10 năm từ Đại hội đại biểu toàn quốc lần thứ II của Đảng (1951) đến cuối những năm 50 của thế kỷ XX, trên thế giới và ở nước ta đã diễn ra những biến đổi quan trọng có lợi cho sự nghiệp đấu tranh cách mạng của nhân dân ta và của nhân dân lao động trên toàn thế giới.
Hệ thống các nước xã hội chủ nghĩa do Liên Xô đứng đầu đã phát triển vượt bậc và ngày càng được củng cố thêm, nối liền từ Âu sang Á, là thành trì của hòa bình và an ninh các dân tộc. Phong trào giải phóng dân tộc và phong trào công nhân ở các nước tư bản cùng với phong trào hòa bình trên thế giới đã có sự phát triển nhanh chóng. Lực lượng so sánh trên thế giới đã biến đổi một cách căn bản, ưu thế rõ rệt thuộc về các lực lượng xã hội chủ nghĩa, độc lập dân tộc và yêu chuộng hòa bình.
Ở Việt Nam, dưới sự lãnh đạo đúng đắn của Đảng ta, đứng đầu là Chủ tịch Hồ Chí Minh, nhân dân ta đã giành được những thắng lợi lịch sử. Chiến thắng Điện Biên Phủ đã chấm dứt cuộc chiến tranh xâm lược do thực dân Pháp gây ra và đế quốc Mỹ giúp sức. Hiệp định Giơ ne vơ được ký kết, hòa bình được lập lại ở Đông Dương trên cơ sở các nước công nhận chủ quyền độc lập, thống nhất và toàn vẹn lãnh thổ của Việt Nam.
Miền Bắc Việt Nam được hoàn toàn giải phóng đã chuyển sang giai đoạn cách mạng xã hội chủ nghĩa. Dưới sự lãnh đạo của Đảng, cuộc cải cách ruộng đất ở miền Bắc đã hoàn thành thắng lợi; miền Bắc đã vượt qua nhiều khó khăn, khôi phục và phát triển kinh tế, văn hóa, hàn gắn những vết thương chiến tranh; hoàn thành kế hoạch 3 năm cải tạo và phát triển kinh tế, văn hóa, giành được thắng lợi có tính chất quyết định trong công cuộc cải tạo xã hội chủ nghĩa. Miền Bắc ngày càng củng cố trở thành cơ sở vững chắc cho cuộc đấu tranh thống nhất nước nhà.
Cuộc đấu tranh anh dũng của đồng bào miền Nam chống đế quốc Mỹ và bè lũ tay sai mặc dù bị khủng bố rất dã man nhưng vẫn giữ vững và không ngừng mở rộng. Sự nghiệp đấu tranh của nhân dân cả nước ta nhằm thực hiện thống nhất nước nhà phát triển mạnh mẽ. Tình hình ấy đã hình thành ở nước ta hai chiến lược cách mạng khác nhau đòi hỏi Đảng ta phải khẳng định đường lối, bước đi, chính sách và kiện toàn sự lãnh đạo của Đảng về mọi mặt, đáp ứng yêu cầu mới của cách mạng.
Đoàn Chủ tịch Đại hội đại biểu toàn quốc lần thứ III Đảng Lao động Việt Nam, ngày 5-9-1960.
Trong bối cảnh miền Bắc Việt Nam vừa hoàn thành khôi phục kinh tế sau kháng chiến chống Pháp và cải cách ruộng đất cùng với cải tạo công thương nghiệp; trong khi ở miền Nam một phong trào chống chính quyền Ngô Đình Diệm và Mỹ đang diễn ra từ cuối năm 1959 và trở thành đồng khởi từ đầu năm 1960, Đại hội Đại biểu toàn quốc lần thứ III của Đảng họp tại thủ đô Hà Nội từ ngày 5/9/1960 đến ngày 10/9/1960.
Về dự Đại hội có 525 đại biểu chính thức và 51 đại biểu dự khuyết thay mặt cho hơn 50 vạn đảng viên trong cả nước. Trong tổng số các đại biểu tham dự Đại hội có 50% số đại biểu là các đảng viên đã tham gia cách mạng từ khi Đảng còn hoạt động bí mật. Tất cả các đại biểu đã trải qua cuộc kháng chiến chống thực dân Pháp xâm lược, nhiều đại biểu là anh hùng và chiến sĩ thi đua, đại biểu đại diện cho các dân tộc thiểu số, nhà thơ, nhà văn, nhà khoa học... Gần 20 đoàn đại biểu quốc tế, đại biểu của Đảng Xã hội, Đảng Dân chủ và các đoàn thể trong Mặt trận Tổ quốc Việt Nam cũng tới dự Đại hội.
Chủ tịch Hồ Chí Minh nói chuyện và chụp ảnh với đại biểu nữ dự Đại hội đại biểu toàn quốc lần thứ III của Đảng
Với cương vị là Chủ tịch Đảng, đồng chí Hồ Chí Minh đã đọc lời khai mạc Đại hội. Người đã khái quát nhiệm vụ mới của cách mạng Việt Nam và chỉ rõ: “Đại hội lần này là Đại hội xây dựng chủ nghĩa xã hội ở miền Bắc và đấu tranh hoà bình thống nhất nước nhà”.
Đại hội đã nghe Báo cáo chính trị của Ban Chấp hành Trung ương Đảng do đồng chí Lê Duẩn - Ủy viên Bộ Chính trị đọc; Báo cáo về sửa đổi Điều lệ Đảng do đồng chí Lê Đức Thọ đọc; Báo cáo bổ sung về Nhiệm vụ và phương hướng của kế hoạch 5 năm lần thứ nhất (1961-1965) do đồng chí Nguyễn Duy Trinh trình bày và nhiều tham luận khác.
Đại hội đã thảo luận và đánh giá cách mạng hai miền Nam - Bắc nước ta đang có những bước tiến quan trọng. Từ nhận định đó, Đại hội đề ra nhiệm vụ chiến lược của cách mạng cả nước và nhiệm vụ của từng miền; chỉ rõ vị trí, vai trò của cách mạng từng miền và mối quan hệ giữa cách mạng hai miền.
Đại hội xác định nhiệm vụ của toàn thể nhân dân ta trong giai đoạn cách mạng lúc này là tăng cường đoàn kết toàn dân, kiên quyết đấu tranh giữ vững hòa bình, đẩy mạnh cách mạng xã hội chủ nghĩa ở miền Bắc, đồng thời đẩy mạnh cách mạng dân tộc dân chủ nhân dân ở miền Nam, thực hiện thống nhất nước nhà trên cơ sở độc lập dân tộc và dân chủ, xây dựng một nước Việt Nam hoà bình, thống nhất, độc lập, dân chủ và giàu mạnh, thiết thực góp phần tăng cường phe xã hội chủ nghĩa và bảo vệ hoà bình ở Đông Nam Á và thế giới.
Nhiệm vụ cách mạng xã hội chủ nghĩa ở miền Bắc là: “nhiệm vụ quyết định nhất đối với sự phát triển của toàn bộ cách mạng nước ta, đối với sự nghiệp thống nhất nước nhà của nhân dân ta”. Còn cuộc cách mạng miền Nam “có tác dụng quyết định trực tiếp đối với sự nghiệp giải phóng miền Nam khỏi ách thống trị của đế quốc Mỹ và bè lũ tay sai, thực hiện hoà bình thống nhất nước nhà, hoàn thành nhiệm vụ cách mạng dân tộc dân chủ nhân dân trong cả nước”.
Trong điều kiện đất nước còn tạm thời bị chia cắt làm hai miền, thì sự nghiệp cách mạng xã hội chủ nghĩa ở miền Bắc phải biến miền Bắc thành hậu phương vững chắc cho cả nước, giải phóng miền Nam, thống nhất Tổ quốc. Quá trình cải biến cách mạng ở miền Bắc là quá trình kết hợp cải tạo và xây dựng chủ nghĩa xã hội, là quá trình đấu tranh gay gắt, phức tạp giữa hai con đường xã hội chủ nghĩa và con đường tư bản chủ nghĩa trên tất cả các lĩnh vực kinh tế, chính trị, tư tưởng, văn hoá, xã hội.
Nhiệm vụ cơ bản của cách mạng miền Nam là giải phóng miền Nam khỏi ách thống trị của đế quốc và phong kiến, thực hiện độc lập dân tộc và người cày có ruộng. Vì vậy, “nhiệm vụ trước mắt của cách mạng miền Nam là đoàn kết toàn dân, kiên quyết đấu tranh chống đế quốc Mỹ xâm lược và gây chiến, đánh đổ tập đoàn thống trị Ngô Đình Diệm, tay sai của đế quốc Mỹ, thành lập một chính quyền liên hợp dân tộc dân chủ ở miền Nam, thực hiện độc lập dân tộc, các quyền tự do dân chủ và cải thiện đời sống nhân dân, giữ vững hoà bình, thực hiện thống nhất nước nhà trên cơ sở độc lập và dân chủ, tích cực góp phần bảo vệ hoà bình ở Đông Nam Á và trên thế giới”.
Đại hội đã xác định những nhiệm vụ cơ bản của Kế hoạch 5 năm lần thứ nhất (1961-1965) như:
- Ra sức phát triển công nghiệp và nông nghiệp, thực hiện một bước việc ưu tiên phát triển công nghiệp nặng một cách hợp lý đồng thời ra sức phát triển nông nghiệp toàn diện, công nghiệp thực phẩm, công nghiệp nhẹ.
- Hoàn thành công cuộc cải tạo xã hội chủ nghĩa đối với công nghiệp, thủ công nghiệp, thương nghiệp nhỏ và công thương nghiệp tư bản tư doanh, mở rộng quan hệ sản xuất xã hội chủ nghĩa trong toàn bộ nền kinh tế quốc doanh.
- Nâng cao trình độ văn hoá của nhân dân, đẩy mạnh đào tạo cán bộ và công nhân lành nghề, nâng cao năng lực quản lý kinh tế của cán bộ, xúc tiến công tác khoa học kỹ thuật.
- Cải thiện thêm một bước đời sống vật chất và văn hoá của nhân dân, mở mang phúc lợi công cộng, xây dựng đời sống mới ở nông thôn và thành thị.
- Ra sức củng cố quốc phòng, trật tự an ninh xã hội.
Các nhiệm vụ đó liên hệ mật thiết với nhau.
Đại hội cũng quyết định các chủ trương tăng cường nhà nước dân chủ nhân dân, củng cố sự nhất trí về chính trị của nhân dân, đoàn kết quốc tế và đẩy mạnh xây dựng Đảng.
Về vai trò lãnh đạo của Đảng, Đại hội đã khái quát 30 năm lãnh đạo cách mạng của Đảng và rút ra những bài học kinh nghiệm chủ yếu của cách mạng nước ta trong 30 năm qua.
Đại hội cũng đã xem xét về ngày thành lập Đảng, trong đó nêu rõ: “Từ mấy chục năm nay, Đảng ta lấy ngày 6 tháng Giêng dương lịch làm ngày kỷ niệm thành lập Đảng. Nay căn cứ theo các văn kiện và tài liệu lịch sử, thì ngày bắt đầu cuộc Hội nghị hợp nhất để thành lập Đảng là ngày 3-2-1930 dương lịch, tức ngày 5 tháng 1 theo âm lịch. Vì vậy, Đại hội đại biểu toàn quốc lần thứ III của Đảng quyết nghị từ nay trở đi sẽ lấy ngày 3 tháng 2 dương lịch mỗi năm làm ngày kỷ niệm thành lập Đảng”.
Trong hơn 5 ngày làm việc, Đại hội đã thông qua những vấn đề có tầm quan trọng quyết định tính chất sống còn đối với cuộc cách mạng xã hội chủ nghĩa ở miền Bắc và đấu tranh thống nhất nước nhà. Ngày 10-9-1960, Đại hội đã nhất trí thông qua Nghị quyết về Nhiệm vụ và đường lối của Đảng trong giai đoạn mới; thông qua Nghị quyết về ngày thành lập Đảng; thông qua Điều lệ Đảng (sửa đổi) và Lời kêu gọi của Đại hội Đại biểu toàn quốc lần thứ III của Đảng Lao động Việt Nam.
Đọc diễn văn bế mạc Đại hội, Chủ tịch Hồ Chí Minh khẳng định: “Đại hội lần thứ II đã đưa kháng chiến đến thắng lợi. Chắc chắn rằng Đại hội lần thứ III này sẽ là nguồn ánh sáng mới, lực lượng mới cho toàn Đảng và toàn dân ta xây dựng thắng lợi chủ nghĩa xã hội ở miền Bắc và đấu tranh thực hiện hòa bình thống nhất nước nhà”.
Đồng chí Lê Duẩn (1907 - 1986) - được bầu làm Bí thứ thứ nhất Đảng Lao động Việt Nam tại Đại hội đại biểu toàn quốc lần thứ III, 9-1960.
Đại hội Đại biểu toàn quốc lần thứ III của Đảng đã bầu Ban Chấp hành Trung ương mới do đồng chí Hồ Chí Minh làm Chủ tịch Đảng và đồng chí Lê Duẩn làm Bí thư thứ nhất; 47 uỷ viên chính thức và 31 uỷ viên dự khuyết.
Ban Chấp hành Trung ương bầu Bộ Chính trị gồm 11 uỷ viên chính thức là các đồng chí: Hồ Chí Minh, Lê Duẩn, Trường Chinh, Phạm Văn Đồng, Phạm Hùng, Võ Nguyên Giáp, Lê Đức Thọ, Nguyễn Chí Thanh, Nguyễn Duy Trinh, Lê Thanh Nghị, Hoàng Văn Hoan. 2 ủy viên dự khuyết là đồng chí Trần Quốc Hoàn và Văn Tiến Dũng. Ban Bí thư có 7 đồng chí: Lê Duẩn, Phạm Hùng, Lê Đức Thọ, Nguyễn Chí Thanh, Hoàng Anh, Tố Hữu và Lê Văn Lương.
Đại hội Đại biểu toàn quốc lần thứ III của Đảng Lao động Việt Nam có một ý nghĩa rất trọng đại trong lịch sử cách mạng Việt Nam. Đường lối cách mạng do Đại hội vạch ra là ngọn đèn pha sáng ngời chiếu rọi con đường của nhân dân ta tiến tới chủ nghĩa xã hội, tiến tới thống nhất nước nhà, tiến tới một nước Việt Nam hòa bình, thống nhất, độc lập, dân chủ và giàu mạnh. Thành công của Đại hội lần thứ III của Đảng là cơ sở cho “Toàn Đảng và toàn dân ta đoàn kết chặt chẽ thành một khối khổng lồ. Chúng ta sáng tạo. Chúng ta xây dựng. Chúng ta tiến lên”.
Nguồn:
- Hồng Thịnh, Thùy Dung, “Từ ngày 5 đến 10-9-1960: Đại hội đại biểu toàn quốc lần thứ III Đảng Lao động Việt Nam”, Việt Nam những sự kiện lịch sử nổi bật (1945-1975), H. Khoa học xã hội, 2015, tr. 120-122.
- Nguyễn Trọng Phúc, “Đại hội đại biểu toàn quốc lần thứ III (Từ ngày 5 đến ngày 10-9-1960)”, Các Đại hội đại biểu toàn quốc và Hội nghị Ban Chấp hành Trung ương Đảng Cộng sản Việt Nam (1930-2006), H. Chính trị quốc gia, 2006, tr.182-195.