Tư tưởng Hồ Chí Minh về CNXH với công cuộc đổi mới ở Việt Nam (Phần 3 và hết)
Nhận thức đúng đắn tư tưởng Hồ Chí Minh, thực hiện thắng lợi công cuộc đổi mới
Đại hội đại biểu toàn quốc lần thứ VI Đảng Cộng sản Việt Nam (12-1986) tổng kết quá trình xây dựng chủ nghĩa xã hội ở Việt Nam cả ở miền Bắc (1954-1975) và trên cả nước sau năm 1975, với thái độ nhìn thẳng vào sự thật, đánh giá đúng sự thật, nói rõ sự thật đã chỉ rõ những sai lầm về chỉ đạo chiến lược và tổ chức thực hiện.
Lễ khai mạc Đại hội đại biểu toàn quốc lần thứ VI Đảng Cộng sản Việt Nam, Hà Nội ngày 15-12-1986.
"Khuynh hướng tư tưởng chủ yếu của những sai lầm ấy, đặc biệt là những sai lầm về chính sách kinh tế, là bệnh chủ quan, duy ý chí, lối suy nghĩ và hành động giản đơn, nóng vội chạy theo nguyện vọng chủ quan", "chúng ta vừa chủ quan nóng vội, vừa bảo thủ trì trệ, trong thực tế hai mặt đó cùng tồn tại và đều cản trở bước tiến của cách mạng". Đại hội nêu rõ những bài học quan trọng, trong đó có bài học: "Đảng phải luôn luôn xuất phát từ thực tế, tôn trọng và hành động theo quy luật khách quan. Năng lực nhận thức và hành động theo quy luật là điều kiện bảo đảm sự lãnh đạo đúng đắn của Đảng".
Đại hội VI của Đảng đã đề ra đường lối đổi mới. Đại hội VII của Đảng (6-1991) đã công bốCương lĩnh xây dựng đất nước trong thời kỳ quá độ lên chủ nghĩa xã hội. Đại hội XI của Đảng (1-2011) đã bổ sung, phát triển Cương lĩnh 1991. Đường lối đổi mới và Cương lĩnh của Đảng đã vận dụng sáng tạo chủ nghĩa Mác-Lênin, tư tưởng Hồ Chí Minh vào thực tiễn Việt Nam. Đặc biệt, Đảng đã nhận thức đúng đắn tư tưởng và những chỉ dẫn của Chủ tịch Hồ Chí Minh, do đó đã đưa công cuộc đổi mới ngàng càng phát triển. Đại hội XII của Đảng (1-2016) khẳng định:
"Nhìn tổng thể, qua 30 năm đổi mới, đất nước ta đã đạt được những thành tựu to lớn, có ý nghĩa lịch sử trên con đường xây dựng chủ nghĩa xã hội và bảo vệ Tổ quốc xã hội chủ nghĩa".
Toàn cảnh Đại hội đại biểu toàn quốc lần thứ XII Đảng Cộng sản Việt Nam, tháng 1-2016.
Đảng đã khắc phục sự chủ quan, nóng vội, nhận thức rõ xây dựng chủ nghĩa xã hội là quá trình cách mạng sâu sắc, triệt để, đấu tranh giữa cái cũ và cái mới nhằm tạo ra sự biến đổi về chất trên tất cả các lĩnh vực của đời sống xã hội "nhất thiết phải trải qua một thời kỳ quá độ lâu dài với nhiều bước phát triển, nhiều hình thức tổ chức kinh tế, xã hội đan xen". Đảng đã đề ra chặng đường đầu tiên và năm 1996 đã ra khỏi khủng hoảng kinh tế-xã hội, hoàn thành những nhiệm vụ đề ra cho chặng đường đầu của thời kỳ quá độ. Từ năm 1996 là thời kỳ đẩy mạnh công nghiệp hóa, hiện đại hóa đất nước. Năm 2008, đất nước đã ra khỏi tình trạng nước nghèo, kém phát triển và đứng vào hàng nước có thu nhập trung bình. Đại hội XII chủ trương đẩy mạnh toàn diện, đồng bộ công cuộc đổi mới, phấn đấu sớm đưa nước ta cơ bản trở thành nước công nghiệp theo hướng hiện đại.
Xuất khẩu gạo ở cảng Sài Gòn, Thành phố Hồ Chí Minh, năm 2005.
Công cuộc đổi mới đã chuyển đổi từ nền kinh tế kế hoạch hóa tập trung, quản lý hành chính, bao cấp, nền kinh tế hiện vật, khép kín sang nền kinh tế hàng hóa nhiều thành phần, vận hành theo cơ chế thị trường, có sự quản lý của Nhà nước theo định hướng xã hội chủ nghĩa. Các thành phần kinh tế gắn liền với chế độ sở hữu nhà nước, sở hữu tập thể, sở hữu tư nhân. Đại hội XII nhấn mạnh: "Nền kinh tế thị trường định hướng xã hội chủ nghĩa Việt Nam là nền kinh tế vận hành đầy đủ, đồng bộ theo các quy luật của kinh tế thị trường đồng thời bảo đảm định hướng xã hội chủ nghĩa phù hợp với từng giai đoạn phát triển của đất nước. Đó là nền kinh tế thị trường hiện đại và hội nhập quốc tế; có sự quản lý của Nhà nước pháp quyền xã hội chủ nghĩa do Đảng Cộng sản Việt Nam lãnh đạo, nhằm mục tiêu "dân giàu, nước mạnh, dân chủ, công bằng, văn minh"".
Nền kinh tế thị trường định hướng xã hội chủ nghĩa Việt Nam có quan hệ sản xuất tiến bộ phù hợp với trình độ phát triển của lực lượng sản xuất; có nhiều hình thức sở hữu, nhiều thành phần kinh tế, trong đó kinh tế nhà nước giữ vai trò chủ đạo, kinh tế tư nhân là một động lực quan trọng của nền kinh tế; các chủ thể thuộc các thành phần kinh tế bình đẳng, hợp tác và cạnh tranh theo pháp luật; thị trường đóng vai trò chủ yếu trong huy động và phân bổ có hiệu quả các nguồn lực phát triển, là động lực chủ yếu để giải phóng sức sản xuất; các nguồn lực nhà nước được phân bổ theo chiến lược, quy hoạch, kế hoạch phù hợp với cơ chế thị trường. Nhà nước đóng vai trò định hướng, xây dựng và hoàn thiện thể chế kinh tế, tạo môi trường cạnh tranh bình đẳng, minh bạch và lành mạnh; sử dụng các công cụ, chính sách và các nguồn lực của Nhà nước để định hướng và điều tiết nền kinh tế, thúc đẩy sản xuất kinh doanh và bảo vệ môi trường; thực hiện tiến bộ, công bằng xã hội trong từng bước, từng chính sách phát triển. Phát huy vai trò làm chủ của nhân dân trong phát triển kinh tế-xã hội".
Nhận thức về chủ nghĩa xã hội và con đường đi lên chủ nghĩa xã hội ngày càng sáng tỏ hơn. Sáng tỏ về mục tiêu và mô hình chủ nghĩa xã hội ở Việt Nam với 8 đặc trưng đã được Cương lĩnh bổ sung, phát triển năm 2011 nêu rõ. Tám phương hướng cơ bản thực hiện trong thời kỳ quá độ và xử lý đúng đắn các mối quan hệ lớn.
"Mục tiêu tổng quát khi kết thúc thời kỳ quá độ ở nước ta là xây dựng được về cơ bản nền tảng kinh tế của chủ nghĩa xã hội với kiến trúc thượng tầng về chính trị, tư tưởng, văn hóa phù hợp, tạo cơ sở để nước ta trở thành một nước xã hội chủ nghĩa ngày càng phồn vinh, hạnh phúc".
Lễ Giỗ tổ Hùng Vương tổ chức ngày 10-3 Âm lịch hàng năm.
Để đạt được mục tiêu cơ bản đó cần tập trung thực hiện tốt nhất những phương hướng và xử lý thành công những mối quan hệ lớn mà Cương lĩnh đã đề ra, đồng thời thực hiện có hiệu quả 6 nhiệm vụ trọng tâm mà Đại hội XII của Đảng đã xác định. "Tăng cường xây dựng, chỉnh đốn Đảng, ngăn chặn, đẩy lùi sự suy thoái về tư tưởng chính trị, đạo đức lối sống, biểu hiện "tự diễn biến", "tự chuyển hóa" trong nội bộ. Tập trung xây dựng đội ngũ cán bộ, nhất là đội ngũ cán bộ cấp chiến lược, đủ năng lực, phẩm chất và uy tín, ngang tầm nhiệm vụ". "Xây dựng tổ chức bộ máy của toàn hệ thống chính trị tinh gọn, hoạt động hiệu lực, hiệu quả, đẩy mạnh đấu tranh phòng, chống tham nhũng, lãng phí, quan liêu". Nâng cao chất lượng tăng trưởng, năng suất lao động và năng lực cạnh tranh của nền kinh tế; thực hiện tốt các đột phá chiến lược, đổi mới mô hình tăng trưởng và tái cấu trúc nền kinh tế. Kiên quyết, kiên trì đấu tranh bảo vệ vững chắc độc lập, chủ quyền, thống nhất và toàn vẹn lãnh thổ của Tổ quốc. Mở rộng và đưa vào chiều sau các quan hệ đối ngoại, thực hiện hiệu quả hội nhập quốc tế. Thu hút, phát huy mạnh mẽ mọi nguồn lực và sức sáng tạo của nhân dân. "Phát huy nhân tố con người trong mọi lĩnh vực của đời sống xã hội; tập trung xây dựng con người về đạo đức, nhân cách, lối sống, trí tuệ và năng lực làm việc; xây dựng môi trường văn hóa lành mạnh.
Áp phích “ĐỔI MỚI ĐỂ TIẾN LÊN”
Chú trọng tổng kết thực tiễn đổi mới và nghiên cứu lý luận để tiếp tục làm rõ những vấn đề do cuộc sống đặt ra. "Lý luận về chủ nghĩa xã hội và con đường đi lên chủ nghĩa xã hội còn một số vấn đề cần phải qua tổng kết thực tiễn, nghiên cứu lý luận để tiếp tục làm rõ".
Nguồn: Theo PGS. TS Nguyễn Trọng Phúc (Nguyên Viện trưởng Viện Lịch sử Đảng), Bảo tàng Lịch sử quốc gia