Trịnh Ngọc Điệt - Người con ưu tú của huyện Thọ Xuân

Trịnh Ngọc Điệt (Trịnh Văn Điệt) có các bí danh: Địa, Quyết, Linh, Đinh, Hiên), sinh ngày 17/1/1917, tại thôn Ngọc Trung, tổng Thử Cốc, phủ Thiệu Hóa (nay là xã Xuân Minh, huyện Thọ Xuân, tỉnh Thanh Hóa) – là địa phương giàu truyền thống yêu nước, lại được lớn lên trong hoàn cảnh cao trào Xô Viết - Nghệ Tĩnh phát triển mạnh mẽ, rộng khắp trong cả nước. ngay từ khi còn nhỏ, ông đã được tiếp xúc nhiều với các đồng chí hoạt động cách mạng như: Nguyễn Xuân Thúy (thôn Phong Cốc), Đỗ Huy Trinh (thôn Phong Hậu, xã Xuân Minh), và Trịnh Phương Đan (thôn Bình Lâm, huyện Hà Trung) là thầy dạy học, cũng là người trực tiếp dìu dắt và giác ngộ cách mạng cho ông từ lúc lên 9 – 10 tuổi.

Năm 1933, ông bắt đầu tham gia hoạt động cách mạng, cũng năm này ông và đồng chí Đỗ Huy Trinh đã liên lạc với đồng chí Hoàng Văn Mạch ở thôn Ngọc Vực, huyện Yên Định; Lê Chủ ở thôn Yên Lễ, xã Ngọc Vũ, huyện Thiệu Hóa, từ đó các ông đã chắp nối được sự lãnh đạo của cấp trên để hoạt động Cách mạng

Sơ yếu lý lịch của đ/c Trịnh Ngọc Điệt

Năm 1934, ông trở thành một đầu mối trực tiếp nhận chỉ thị cấp trên và tài liệu để hoạt động như: Điều lệ Đảng Cộng sản Đông Dương, Điều lệ tổ chức nông dân, Lịch sử loài người, Cộng sản chủ nghĩa là gì, Vì sao phải làm Cộng sản … Những tài liệu quý giá này cho ông biết thêm về lẽ sống, sự cần thiết phải làm cách mạng, truyền thêm nghị lực nhiệt tình cách mạng, đã góp phần tích cực trong công tác vận động bà con trong xã đùm bọc, giúp đỡ nhau chống cường hào, phụ thu lạm bổ, chống hủ tục và mê tín…

Năm 1934, cách mạng lại bị khủng bố tiếp, những cán bộ như đồng chí Đinh Chương Dương, Nguyễn Tạo, Lê Chủ, Bùi Đạt ... bị thực dân Pháp bắt cầm tù, hơn nữa ở quê nhà từ 1931 - 1935, bọn quan lại tổng lý rất sợ “bệnh dịch cách mạng” lan truyền ra hoặc bên ngoài lan tới, nên chúng bắt phu canh gác ngày đêm, xét hỏi giấy tờ người ra, vào trong các thôn xã. Cho tay chân sục sạo, rình mò, hòng tiêu diệt cách mạng, nhưng phong trào cách mạng ở xã Xuân Minh, tổng Thử Cốc vẫn hoạt động công khai, bán công khai.

Năm 1936, Chính phủ Mặt trận bình dân Pháp lên nắm chính quyền, phong trào cách mạng chuyển hướng từ hoạt động bí mật sang hoạt động vừa bí mật, bán công khai và công khai. Đây là cơ hội rất thuận lợi để tuyên truyền, giác ngộ cách mạng sâu rộng và tập hợp đông đảo quần chúng phát triển cơ sở cách mạng.

Tháng 7 năm 1937, Trịnh Ngọc Điệt được kết nạp vào Đảng cộng sản Đông Dương. Sau đó vài tháng, Tỉnh ủy điều động ông về công tác ở Thị xã Thanh Hóa, với danh nghĩa làm công nhân cất rượu của hãng Nam Đồng ích, mục đích để vận động công nhân tham gia phong trào đấu tranh Cách mạng. Đầu năm 1938, ông lại được điều động trở về địa phương công tác. Lúc này, ban vận động quần chúng ở tổng được hình thành, ông là một cốt cán trong ban. Ông trực tiếp chỉ đạo việc đẩy mạnh công tác vận động quần chúng sâu rộng hơn nữa và thu hút đông đảo họ vào các tổ chức Tương tế, Hiếu nghĩa trong tổng. Đồng thời đưa họ vào đấu tranh chống bọn cường hào nhũng lạm trong làng, xã. Kết hợp với những cuộc vận động đấu tranh khất thuế, quyên tiền, tổ chức mít tinh ủng hộ Trung Hoa kháng Nhật. Tỉnh uỷ chỉ định ông và Hoàng Hữu Kỳ (thôn Yên Lộ, huyện Thiệu Hóa) là đại biểu của tỉnh đến trực tiếp gặp Ác Nanh - đại diện chi nhánh Đảng xã hội Pháp ở Thị xã Thanh Hóa, yêu cầu can thiệp và đưa các bản nguyện vọng, xin được thành lập Hội Ái hữu và chống dự án thuế thân của vua Bảo Đại.

Tháng 6 năm 1939, Trịnh Ngọc Điệt được triệu tập dự hội nghị cán bộ Đảng của huyện Thiệu Hóa ở thôn Yên Lộ để phổ biến chủ trương của Tỉnh ủy, tổ chức cuộc mít tinh toàn huyện tại chợ Đu (thuộc tổng Xuân Lai), vào ngày 14 tháng 7 năm 1939 nhằm biểu dương lực lượng, phát huy ảnh hưởng của cách mạng, chống dự án thuế thân của Bảo Đại, đòi được thành lập hội Ái hữu, yêu cầu thả đồng chí Bùi Đạt. Hội nghị đã bàn kế hoạch thực hiện và biện pháp đối phó khi bị khủng bố. Sau hội nghị về địa phương, ông trực tiếp huy động, tập hợp hàng trăm quần chúng tổng Thử Cốc, hăng hái tham gia cuộc mít tinh ở chợ Đu. Đến tháng 9 năm 1939, Trịnh Ngọc Điệt bị thực dân Pháp bắt kết án 2 năm tù giam.

Hồ sơ mật thám Pháp theo dõi đồng chí Trịnh Ngọc Điệt

Từ tháng 9 năm 1939 đến tháng 3 năm 1942, ông bị giam giữ từ nhà lao Thanh Hóa đến nhà lao Buôn Mê Thuột rồi đến Ly Hy. Trong tù, Trịnh Ngọc Điệt được các đồng chí Lê Tất Đắc, Nguyễn Tài, Đinh Chương Dương hàng ngày truyền thụ về lý tưởng của Đảng và phương pháp cách mạng. Mặt khác, ông luôn hăng hái tích cực tham gia đấu tranh chống chế độ hà khắc ở các nhà lao nơi ông bị giam giữ. Không những thế, ông luôn luôn biểu thị sức sống lạc quan, tin tưởng ở sự nghiệp cách mạng, tìm mọi cách thoát khỏi nhà giam, ra hoạt động cách mạng.

Cuối tháng 3 năm 1942, Trịnh Ngọc Điệt cùng các đồng chí Hoàng Tiến Trình, Hoàng Xung Phong, Nguyễn Văn Phúc trốn thoát khỏi nhà giam Ly Hy về Thanh Hóa tiếp tục hoạt động Cách mạng.

Về Thanh Hóa vào lúc Chiến khu Ngọc Trạo bị địch khủng bố. Tất cả cán bộ cơ sở cách mạng ở các địa phương trong tỉnh đều bị bắt và tù đày. Nhiều nơi nhà cửa, tài sản, trâu bò, cây cối, rào giậu đều bị phá đổ chặt đến tan hoang. Có nơi như xã Xuân Minh (tổng Thử Cốc, phủ Thiệu Hóa), chúng xây đồn bắt lính khố xanh về đóng, canh gác, tuần tra ngày đêm. Bọn quan lại tổng lý ngang nhiên hoành hành, thẳng tay đàn áp, ức hiếp vơ vét của cải, bắt bớ, bỏ tù bất cứ ai lúc nào cũng được. Những gia đình có người tham gia cách mạng bị chúng hành đủ tội, trăm cay nghìn đắng.

Sau thời gian ngắn, nắm bắt tình hình và gây dựng lại phong trào, tháng 7 năm 1942, tại làng Thượng (Nga Thắng, Nga Sơn), Tỉnh ủy triệu tập cuộc họp bàn chủ trương, biện pháp thực hiện và tổ chức xây dựng cơ sở Đảng, kế hoạch bắt mối Trung ương. Hội nghị dành nhiều thời gian thảo luận biện pháp tiến hành, bảo đảm yêu cầu bước đi phải vững chắc “Vừa sâu lại rộng và cấp thiết phải cử ra Tỉnh uỷ lâm thời để thống nhất lãnh đạo, chỉ đạo thực hiện. Đồng chí Trịnh Ngọc Điệt được giao nhiệm vụ bắt mối, liên lạc với các địa phương trong tỉnh xây dựng cốt cán, làm nòng cốt vận động, tập hợp, tổ chức quần chúng; lo liệu tài chính để hoạt động, chuẩn bị dụng cụ, tài liệu, nội dung in để tuyên truyền, bố trí giao thông liên lạc v.v...

Tháng 7 năm 1942, đồng chí Tố Hữu về Thanh Hóa, Trịnh Ngọc Điệt được giao nhiệm vụ đưa đồng chí Tô Hữu về cơ sở và bố trí địa điểm cho Tỉnh họp sắp tới. Có thêm Tố Hữu, Tỉnh ủy ra báo Đuổi giặc nước, Gái ra trận làm vũ khí tuyên truyền Cách mạng. Sống trong lòng dân, di chuyển nhiều lần, bọn đế quốc biết Tỉnh ủy Thanh Hóa đang tích cực hoạt động, ráo riết chuẩn bị tổng khởi nghĩa, nhưng được nhân dân đùm bọc, chở che, bọn chúng không sao truy lùng được. Cách mạng vẫn phát triển, Việt Minh hoạt động ở mọi nơi từ nông thôn đến thành thị.

Báo Đuổi giặc nước – cơ quan tuyên truyền cổ động Việt Minh Thanh Hóa

Tháng 5 năm 1945, sau khi Nhật đảo chính Pháp, các chính trị phạm từ Buôn Mê Thuột, Ly Hy, Lao Bảo... và đông nhất từ nhà tù Thanh Hóa lần lượt tìm về cơ sở hoạt động. Nhiều nơi, chính quyền ban ngày là của địch, đêm là của ta.

Khi Tố Hữu được Trung ương điều động về Miền Trung chuẩn bị khởi nghĩa, đồng chí Trịnh Ngọc Điệt mới 28 tuổi đời, 8 tuổi Đảng thay thế làm Bí thư Tỉnh ủy Thanh Hóa. Ông có mặt ở những nơi nóng bỏng, sục sôi khí thế cách mạng chuẩn bị cho cuộc khởi nghĩa tháng Tám năm 1945. Mặc dù gặp trăm nghìn khó khăn, gian khổ, hy sinh, nhưng cuộc Tổng khởi nghĩa Cách mạng tháng Tám năm 1945 ở Thanh Hóa đã thành công rực rỡ, góp phần vào sự thành công chung của Cách mạng cả nước, đập tan ách cai trị của bè lũ thực dân phong kiến trong gần một thế kỷ.

Trong không khí phấn khởi của những ngày tháng Tám lịch sử và chào đón ngày Quốc khánh (2/9), xin được nhắc về ông – người đã góp phần không nhỏ vào sự thành công của cuộc Cách mạng tháng Tám trên đất Thanh Hóa.

Trần Nga (Tổng hợp)
 (Phòng Kiểm kê – Bảo quản)
TL tham khảo:
1. Những chiến sỹ Cách mạng trung kiên tỉnh Thanh Hóa T1-NXB Thanh Hóa 2010
2. Lịch sử Thanh Hóa – NXB Khoa học xã hội – Hà Nội 1996
3. Sơ yếu lý lịch đồng chí Trịnh Ngọc Điệt (Hiện vật bảo tàng, BTTH 9803/G: 1187)
4. Hồ sơ án đ/c Trịnh Văn Điệt (Hiện vật bảo tàng)