Tư tưởng Hồ Chí Minh về CNXH với công cuộc đổi mới ở Việt Nam

(Phần 1) Tư tưởng Hồ Chí Minh về chủ nghĩa xã hội và quá độ lên chủ nghĩa xã hội ở Việt Nam

Trong hành trình tìm đường đấu tranh giải phóng dân tộc và phát triển đất nước, Nguyễn Ái Quốc-Hồ Chí Minh đã đến với chủ nghĩa Mác-Lênin và tìm thấy ở học thuyết cách mạng và khoa học đó con đường đúng đắn và hiện thực. Đó là con đường gắn liền giải phóng dân tộc với giải phóng xã hội, giải phóng giai cấp và con người, gắn liền độc lập dân tộc với chủ nghĩa xã hội.

Năm 1921, Nguyễn Ái Quốc cho rằng "xét những lý do lịch sử cho phép chủ nghĩa cộng sản thâm nhập vào châu Á dễ dàng hơn là ở châu Âu". Đối với các dân tộc thuộc địa, khái niệm chủ nghĩa cộng sản hay chủ nghĩa bônsêvích là rất mới mẻ, do đó, theo Nguyễn Ái Quốc, cần được giải thích và nhận thức cho đúng. Trong nhận thức của người dân thuộc địa, chủ nghĩa bônsêvích "có nghĩa là hoặc sự phá hoại tất cả, hoặc sự giải phóng khỏi ách nước ngoài. Nghĩa thứ nhất gán cho dân từ ấy làm cho quần chúng vô học và nhút nhát xa lánh chúng ta, nghĩa thứ hai thì dẫn họ đến chủ nghĩa quốc gia. Cả hai điều đó đều nguy hiểm cả. Chỉ có một số ít người trong nhân dân hiểu được thê nào là chủ nghĩa cộng sản". Phải giáo dục công phu cho người dân hiểu chủ nghĩa cộng sản cả về phương diện tư tưởng, lý luận và cả về là một chế độ xã hội mới. Nguyễn Ái Quốc đã nêu lên một bài học về phương pháp. Muốn đi tới chủ nghĩa xã hội cần phải nhận thức đúng đắn về chủ nghĩa xã hội và những điều kiện để thực hiện mục tiêu đó.

Mùa Xuân năm 1930, lãnh tụ Nguyễn Ái Quốc sáng lập Đảng Cộng sản Việt Nam. Trong Cương lĩnh chính trị đầu tiên của Đảng đã xác định rõ mục tiêu chiến lược của cách mạng Việt Nam: Làm cho nước Nam được hoàn toàn độc lập và đi tới xã hội cộng sản. Trải qua 15 năm đấu tranh, Đảng và lãnh tụ Hồ Chí Minh đã lãnh đạo toàn dân giành thắng lợi trong cuộc Cách mạng tháng Tám năm 1945 mở ra thời đại mới trong lịch sử dân tộc, thời đại dân tộc được độc lập, nhân dân được làm chủ đất nước, xã hội và mở đường đi lên chủ nghĩa xã hội.

Thực dân Pháp xâm lược Việt Nam lần thứ hai (23-9-1945), cách mạng Việt Nam lại phải tiếp tục cuộc cách mạng giải phóng dân tộc để giành độc lập, thống nhất hoàn toàn. Việt Nam chưa có điều kiện để chuyển lên xây dựng đất nước theo con đường chủ nghĩa xã hội. Ngày 12-7-1946, trong chuyến thăm chính thức nước Pháp, với tư cách người đứng đầu Nhà nước Việt Nam Dân chủ Cộng hòa, Chủ tịch Hồ Chí Minh đã trả lời phỏng vấn của các nhà báo. Một nhà báo nêu câu hỏi: Thưa Chủ tịch, chúng tôi nghe nói Chủ tịch tuyên bố rằng Chủ tịch có xu hướng cộng sản, nhưng có phải Chủ tịch cho rằng nước Việt Nam chưa có thể cộng sản hóa được trước một thời hạn là 50 năm không? Chủ tịch Hồ Chí Minh trả lời:

"Tất cả mọi người đều có quyền nghiên cứu một chủ nghĩa. Riêng tôi, tôi đã nghiên cứu chủ nghĩa Các Mác".

"Còn khi nào thì chủ nghĩa Các Mác thực hiện thì tôi không thể trả lời được. Muốn cho chủ nghĩa cộng sản thực hiện được, cần phải có kỹ nghệ, nông nghiệp và tất cả mọi người đều được phát triển hết khả năng của mình. Ở nước chúng tôi, những điều kiện ấy chưa có đủ".

Điều kiện chưa có đủ đòi hỏi phải chủ động tạo dựng những điều kiện cần thiết để tiến lên chủ nghĩa xã hội.

Sau chiến thắng lịch sử Điện Biên Phủ (7-5-1954), Hiệp định Giơnevơ được ký kết (21-7-1954), miền Bắc Việt Nam được giải phóng và tiến lên chủ nghĩa xã hội. Đường lối cách mạng xã hội chủ nghĩa từng bước hình thành và được xác định tại Đại hội III của Đảng (9-1960). Với tư cách Chủ tịch Ban Chấp hành Trung ương Đảng và Chủ tịch nước Việt Nam Dân chủ Cộng hòa, Chủ tịch Hồ Chí Minh đã nêu rõ những quan điểm, nhận thức về chủ nghĩa xã hội và quá độ lên chủ nghĩa xã hội ở Việt Nam.

Chủ tịch Hồ Chí Minh tại Đại hội Đại biểu toàn quốc lần thứ 3 của Đảng, tháng 9-1960.

Một là, do đặc điểm Việt Nam đi lên chủ nghĩa xã hội từ một nước nông nghiệp lạc hậu, phong kiến, thuộc địa, bị chiến tranh tàn phá, trình độ phát triển còn rất thấp nên không thể nóng vội, làm nhanh mà phải tiến dần từng bước.

Tháng 7-1956, Hồ Chí Minh nêu rõ: "Chủ nghĩa xã hội không thể làm mau được mà phải làm dần dần". Năm 1957, Người nhấn mạnh quan điểm: "tiến dần lên chủ nghĩa xã hội... Tiến lên chủ nghĩa xã hội không phải muốn là tức khắc có". Chủ nghĩa xã hội là tạo dựng một xã hội tốt đẹp nên ai cũng muốn tiến nhanh, Hồ Chí Minh lại nhắc nhở: "Ta muốn tiến lên như thế. Nhưng phải đi dần dần. Tại Hội nghị đại biểu các Đảng Cộng sản và công nhân các nước xã hội chủ nghĩa họp ở Mátxcơva (11-1957), Hồ Chí Minh cho rằng, cùng với sự giúp đỡ quốc tế, "Chúng tôi đã có khả năng xây dựng lại nền kinh tế quốc dân của chúng tôi, phát triển văn hóa, xây dựng cuộc sống mới, dần dần xây dựng chủ nghĩa xã hội".

Quan điểm tiến dần lên chủ nghĩa xã hội còn được Hồ Chí Minh đề cập tại diễn văn khai mạc lớp học lý luận khóa I tại Hà Nội (7-9-1957) và nhiều bài phát biểu khác. Tháng 11-1958, Hồ Chí Minh nêu rõ: "Miền Bắc nước ta tiến dần lên chủ nghĩa xã hội, làm cơ sở vững mạnh cho cuộc đấu tranh thống nhất nước nhà". Tháng 12-1958, Người nhấn mạnh: "Làm cách mạng để cải tạo xã hội cũ thành xã hội mới là một sự nghiệp rất vẻ vang, nhưng nó cũng là một nhiệm vụ rất nặng nề. Một cuộc đấu tranh rất phức tạp, lâu dài, gian khổ".

Hội nghị lần thứ 14 Ban Chấp hành Trung ương Đảng khóa II (11-1957) chủ trương đưa miền Bắc nhanh chóng lên chủ nghĩa xã hội. Sau đó Đại hội III của Đảng (9-1960) đề ra đường lối cách mạng xã hội chủ nghĩa ở miền Bắc và với phương châm tiến nhanh, tiến mạnh, tiến vững chắc lên chủ nghĩa xã hội.

Hai là, Hồ Chí Minh cho rằng, cần phải vận dụng sáng tạo chủ nghĩa Mác-Lênin và kinh nghiệm của các nước anh em để đề ra phương châm, hình thức, bước đi thích hợp, tìm ra quy luật riêng của cách mạng xã hội chủ nghĩa ở Việt Nam.

Hồ Chí Minh nêu rõ: "Chúng ta phải dùng những phương pháp gì, hình thức gì, đi theo tốc độ nào để tiến dần lên chủ nghĩa xã hội? Đó là những vấn đề đặt ra trước mắt Đảng ta". "Muốn giải quyết tốt những vấn đề đó, muốn đỡ bớt mò mẫm, muốn đỡ phạm sai lầm, thì chúng ta phải học tập kinh nghiệm các nước anh em và áp dụng những kinh nghiệm ấy một cách sáng tạo. Chúng ta pải nâng cao sự tu dưỡng về chủ nghĩa Mác-Lênin để dùng lập trường, quan điểm, phương pháp chủ nghĩa Mác-Lênin mà tổng kết những kinh nghiệm của Đảng ta, phân tích một cách đúng đắn những đặc điểm của nước ta. Có như thế chúng ta mới có thể dần dần hiểu được quy luật phát triển của cách mạng Việt Nam, định ra được những đường lối, phương châm, bước đi cụ thể của cách mạng xã hội chủ nghĩa thích hợp với tình hình nước ta".

Đó là chỉ dẫn rất thực tế, cụ thể đồng thời có ý nghĩa sâu sắc về lý luận, phương pháp luận và tư duy, phương pháp lãnh đạo.

Hồ Chí Minh cho rằng, trong biện pháp, giải pháp, chính sách cụ thể phải sát hợp với đặc điểm, tình hình Việt Nam, lợi ích của các tầng lớp, giai cấp tỏng xã hội. Không thể làm giống các nước khác. "Ta không thể giống Liên Xô, vì Liên Xô có phong tục tập quán khác, có lịch sử địa lý khác". Giai cấp tư sản Việt Nam có tinh thần yêu nước, chống đế quốc, "nếu mình thuyết phục khéo, lãnh đạo khéo, họ có thể hướng theo chủ nghĩa xã hội".

Hồ Chí Minh đặc biệt chú trọng vai trò của con người và vì con người trong xây dựng chủ nghĩa xã hội.

"Vì lợi ích mười năm thì phải trồng cây, vì lợi ích trăm năm thì phải trồng người".

"Không có chế độ nào tôn trọng con người, chú ý xem xét những lợi ích cá nhân đúng đắn và bảo đảm cho nó được thỏa mãn bằng chế độ xã hội chủ nghĩa và cộng sản chủ nghĩa".

"Muốn xây dựng chủ nghĩa xã hội, trước hết cần có những con người xã hội chủ nghĩa".

Ba là, Hồ Chí Minh nêu rõ những mục tiêu cần đạt tới trong xây dựng chủ nghĩa xã hội.

Năm 1956, Hồ Chí Minh nhấn mạnh:

"Chủ nghĩa xã hội là làm sao cho dân giàu nước mạnh".

"Chế độ làm khoán là điều kiện của chủ nghĩa xã hội... Làm khoán là ích chung và lại lợi riêng".

Phải lao động thật sự, có năng suất, chất lượng và kỷ luật mới có thể xây dựng được chủ nghĩa xã hội.

"Khẩu hiệu của chủ nghĩa xã hội là: "Làm nhiều ăn nhiều, làm ít ăn ít, không làm không ăn", làm biếng thì không có ăn, vì vậy ta phải tôn trọng, giữ vững, thi hành nghiêm khắc kỷ luật lao động, cố nhiên là giáo dục, khuyến khích nhưng cũng phải kỷ luật nữa".

Chủ tịch Hồ Chí Minh thăm nông dân đang gặt lúa ở huyện Đại Từ, Thái Nguyên trong thời kỳ
kháng chiến chống thực dân Pháp.
Chủ tịch Hồ Chí Minh nói chuyện với công nhân Nhà máy Xe lửa Gia Lâm, Hà Nội, năm 1955.

Mục tiêu của chủ nghĩa xã hội cũng được Hồ Chí Minh nêu lên cụ thể:

"Chủ nghĩa xã hội là gì? Là mọi người được ăn no mặc ấm, sung sướng, tự do... Muốn vậy phải ra sức công tác, ra sức lao động sản xuất".

Tiến lên chủ nghĩa xã hội là không còn phân biệt giữa thành thị và nông thôn, lao động chân tay và lao động trí óc. Lao động trí óc phải liên hệ với lao động chân tay, lao động chân tay phải có trình độ và biết lao động trí óc. Công nhân, nông dân đều phải có trình độ văn hóa. Hồ Chí Minh nhiều lần nhấn mạnh, chủ nghĩa xã hội là mọi người được ấm no, sung sướng, hạnh phúc, được học hành, ốm đau được chữa bệnh, có nhà ở tử tế, trẻ con được nuôi dưỡng, người già, người tàn tật, nghèo khó được chăm sóc, giúp đỡ.

 Chủ tịch Hồ Chí Minh thăm một  lớp vỡ lòng ở phố Hàng Than, Hà Nội, ngày 30-12-1958.
Chủ tịch Hồ Chí Minh với các đại biểu trí thức tham dự Hội nghị Chính trị đặc biệt, ngày 27-3-1964.

"muốn tiến lên chủ nghĩa xã hội phải khắc phục khuyết điểm, tức là phải tăng gia sản xuất, tiết kiệm, chống lãng phí, bảo vệ của công".

Năm 1961, sau khi Đại hội III của Đảng đề ra phương châm: tiến nhanh, tiến mạnh, tiến vững chắc lên chủ nghĩa xã hội, Hồ Chí Minh nhấn mạnh:

"Tiến nhanh, tiến mạnh không phải là phiêu lưu, làm ẩu. Phải thiết thực đi từng bước, phải tiến vững chắc. Phải năm vững quy luật phát triển của cách mạng, phải tính toán cẩn thận những điều kiện cụ thể, những biện pháp cụ thể. Kế hoạch phải chắc chắn, cân đối. Chớ đem chủ quan của mình thay cho điều kiện thực tế. Phải chống bệnh chủ quan, tác phong quan liêu, đại khái. Phải xây dựng tác phong điều tra, nghiên cứu trong mọi công tác cũng như trong khi định ra mọi chính sách của Đảng và của Nhà nước"

PGS. TS Nguyễn Trọng Phúc (Nguyên Viện trưởng Viện Lịch sử Đảng)

Nguồn tin:Bảo tàng Lịch sử quốc gia