WILLIAM J. DUIKER – người Mỹ viết về ngày Độc lập 2-9-1945

William J. Duiker là Giáo sư môn Đông Á học tại Trường Đại học bang Pensylvania (Mỹ). Ông vốn là nhân viên ngoại giao từng công tác tại Đại sứ quán Mỹ ở Sài Gòn nhiều năm trước năm 1975.

Ông là một chuyên gia về lịch sử Việt Nam hiện đại và Trung Hoa.

Sau 30 năm bỏ nhiều công sức nghiên cứu, thu thập tư liệu và trở lại Việt Nam nhiều lần sau năm 1975, William J. Duiker đã viết cuốn sách “Ho Chi Minh: a life” – cuốn tiểu sử dày 704 trang, ấn hành năm 2000 được giới Việt Nam học và người đọc đánh giá cao. Thời điểm đó, ông sinh sống tại bang Southern Shores North Carolina (Mỹ).*

Trong tác phẩm “Ho Chi Minh: a life” (Cuộc đời của Hồ Chí Minh) William J. Duiker, Hyperion, xuất bản tại New York, năm 2000, trong đó có đoạn viết về ngày Độc lập 2-9-1945 ở Hà Nội, xin trích đoạn giới thiệu cùng bạn đọc:

... “Từ sáng sớm ngày 2-9, những đám đông bắt đầu tụ tập lại trên quảng trường Puginier, sau này được đổi tên là quảng trường Ba Đình. Ở chính giữa quảng trường, một đội danh dự đứng nghiêm trang dưới ánh nắng mặt trời trong ngày hè trước bục gỗ dựng riêng cho dịp này. Chính từ bục này, vị Chủ tịch mới sẽ giới thiệu chính phủ mới và đọc Tuyên ngôn độc lập. Khi gần đến giờ tiến hành buổi lễ, Hồ Chí Minh không giống như mọi ngày, Ông yêu cầu một cộng sự tìm cho mình một bộ quần áo phù hợp để mặc trong dịp này. Cuối cùng thì đã có một người đã cho ông mượn một chiếc áo bằng vải kaki với một khoác ngoài cổ cao. Ông mặc áo này với quần trắng và đi dép cao su.**

Toàn cảnh Lễ Tuyên ngôn Độc lập thành lập nước Việt Nam DCCH tại quảng trường Ba Đình, Hà Nội, ngày 2-9-1945.

Chương trình buổi lễ dự kiến bắt đầu từ lúc 2h chiều, nhưng vì người dân đi bộ tới Quảng trường đông kín đường nên Hồ Chí Minh và nội các của ông đi trong những chiếc ô tô của Mỹ đến muộn mất mấy phút. Sau khi họ đã lên  bục, ông Võ Nguyên Giáp, Bộ trưởng Bộ Nội vụ mới ra giới thiệu vị Chủ tịch với đám đông. Bài phát biểu của Chủ tich Hồ Chí Minh ngắn nhưng xúc động: “Tất cả mọi người đều sinh ra có quyền bình đẳng. Tạo hoá cho họ những quyền không ai có thể xâm phạm được; trong những quyền ấy, có quyền được sống, quyền tự do và quyền mưu cầu hạnh phúc” Lời bất hủ trong bản Tuyên ngôn Độc lập năm 1776 của nước Mỹ, suy rộng ra câu nói ấy có nghĩa là: Tất cả các dân tộc trên thế giới đều sinh ra bình đẳng; dân tộc  nào cũng có quyền sung sướng và quyền tự do. Bản Tuyên ngôn nhân quyền và dân quyền của cách mạng Pháp năm 1791 cũng nói: “ Người ta sinh ra tự do và bình đẳng về quyền lợi”. Tiếp theo những lời trên, Hồ Chí Minh bắt đầu vạch ra những tội ác mà chính quyền thực dân Pháp đã phạm phải ở Đông Dương, những tội ác này cuối cùng đã buộc nhân dân Việt Nam phải vùng lên phá bỏ ách thống trị của thực dân Pháp và tuyên bố độc lập. Rồi ông kết thúc bài diễn văn của mình bằng việc khẳng định quyền tự do của Việt Nam: “Việt Nam có quyền được hưởng tự do và độc lập. Toàn thể nhân dân Việt Nam quyết huy động hết sức người, sức của, sẵn sàng hy sinh cả tính mạng và tài sản của mình để bảo vệ cho được độc lập và tự do”.

Trong dịp sang thăm Cộng hòa dân chủ Đức (7-1957), Chủ tịch Hồ Chí Minh và các đồng chí lãnh đạo Cộng hòa dân chủ Đức đến thăm và chụp ảnh lưu niệm với các cháu thiếu nhi Việt Nam lưu học tại Đức (Ảnh tư liệu).
Nhân dân thủ đô Sofia nhiệt liệt chào đón Chủ tịch Hồ Chí Minh sang thăm hữu nghị nước Cộng hòa Bulgaria (8-1957) (Ảnh tư liệu)

Trong khi phát biểu Hồ Chí Minh hướng ra đám đông và hỏi một cách đơn giản: “Tôi nói đồng bào nghe rõ không?” Theo ông Võ Nguyễn Giáp, hàng triệu tiếng hô đồng thanh vang lên như sấm trả lời “Có ạ!”. Buổi lễ kết thúc bằng việc giới thiệu các thành viên của Hội đồng Bộ trưởng  mới, ông Giáp và ông Trần Huy Liệu phát biểu mấy câu ngắn gọn và quần chúng hô to lời thề độc lập. Rồi các vị chức sắc rời bục và đám đông giải tán, một số người phấn khởi còn chỉ lên phi đội P-38 của Mỹ bay qua bầu trời. Những buổi lễ khác kỷ niệm việc chuyển giao độc lập cũng diễn ra tại một ngôi chùa Phật giáo và Nhà hát lớn. Tối hôm đó, vị Chủ tịch mới có cuộc gặp với đại diện các tỉnh.

Bộ quần áo Kaki, Chủ tịch Hồ Chí Minh dùng trong Lễ Tuyên ngôn Độc lập, ngày 2-9-1945.
Một số kèn đồng, đội Quân nhạc đã dùng cử bài Quốc ca trong Lễ Tuyên ngôn Độc lập, ngày 2-9-1945.

Nhiều năm sau, ông Võ Nguyên Giáp kể lại rằng: “Hà Nội tràn ngập cờ đỏ. Đó là cả một thế giới cờ, đèn và hoa. Những lá cờ đỏ bay phấp phới trang hoàng cho các mái nhà, cây cối và hồ nước. Biểu ngữ được treo khắp phố phường, các khẩu hiệu bằng tiếng Việt, Nga, Hoa, Pháp, Anh: “Nước Việt Nam là của người Việt Nam”, “Ủng hộ Chính phủ Lâm thời”, “Hoan nghênh đồng minh”, “Ủng hộ Hồ Chí Minh”...

Các nhà máy, cửa hàng lớn nhỏ đều đóng cửa. Các khu chợ thì vắng ngắt... Cả thành phố người già cũng như trẻ, đàn ông cũng như đàn bà đều đổ xuống đường... Những dòng người với đủ sắc màu kéo về Quảng trường Ba Đình từ các ngả. Công nhân mặc áo sơ mi trắng và quần âu xanh đi thành hàng, đầy khí thế và tự tin... Hàng trăm ngàn nông dân cũng kéo về từ các vùng ngoại ô của thành phố. Các đội du kích nhân dân mang theo gậy, gươm hoặc mã tấu”...

71 năm đi qua, ngày Độc lập 2-9-1945 mãi mãi không phai mờ trong tâm trí mỗi người dân Việt Nam và những nhà nghiên cứu nước ngoài, trong đó có William J. Duiker.

Tường Khanh
Chú thích:
* Tạp chí “Xưa và Nay”, số 102, tháng 10-2001, Tr 10.
** Một số thông tin có nói: bộ quần áo kaki, Chủ tịch Hồ Chí Minh mặc trong Lễ Độc lập ngày 2-9-1945 được may ở hiệu may Phúc Hưng (Hàng Trống) hoặc theo hồi ký “Tháng Tám cờ bay” của Vũ Đình Huỳnh thì may ở hiệu Phú Thịnh (Hàng Quạt).
Nguồn tin:Bảo tàng Lịch sử quốc gia