Những địa danh gợi nhớ Cách mạng tháng 8

Thủ đô Hà Nội không chỉ là trung tâm chính trị, kinh tế của cả nước mà còn là mảnh đất lưu giữ nhiều di tích văn hóa lịch sử ghi lại những thời khắc trọng đại của dân tộc.

Chính vì vậy, Cách mạng tháng Tám 1945 và những huyền thoại về sự kiện quan trọng này vẫn còn vang vọng mãi trong đời sống của mỗi con người trên đất nước chúng ta. Đó là những câu chuyện gắn liền với những di tích như: Nhà số 101 Trần Hưng Đạo, Nhà số 48 phố Hàng Ngang, Quảng trường Ba Đình, Quảng trường Cách mạng Tháng Tám, Cột cờ Hà Nội… Những địa danh này đã góp phần làm nên một Hà Nội nghìn năm văn hiến trong mắt bạn bè thế giới và khu vực.

Di tích cách mạng nhà số 101 Trần Hưng Đạo

Nhà số 101 Trần Hưng Đạo thuộc phường Trần Hưng Đạo, quận Hoàn Kiếm, Hà Nội. Trong Cách mạng tháng Tám năm 1945, đây là trụ sở Ủy ban Khởi nghĩa Hà Nội.

Sáng ngày 16-8-1945, Ủy ban Quân sự cách mạng Hà Nội đã họp phiên đầu tiên tại số nhà 101 đại lộ Gambetta (nay là số nhà 101 Trần Hưng Đạo) do đồng chí Nguyễn Khang chủ trì. Tại cuộc họp, dựa vào bản Chỉ thị ngày 12-3-1945 của Trung ương và Chỉ thị của Xứ ủy, Ủy ban Cách mạng Hà Nội nhận thấy cần phải cấp tốc khởi nghĩa, chớp thời cơ và tìm cách đối phó với quân Nhật ở Hà Nội.

 
Nhà số 101 Trần Hưng Đạo, quận Hoàn Kiếm, Hà Nội - nơi Ủy ban khởi nghĩa họp lập kế hoạch
tổ chức Tổng khởi nghĩa 19/8/1945.

Từ ngôi nhà số 101 Trần Hưng Đạo, Thành ủy, Ủy ban quân sự cách mạng đã có những ngày làm việc khẩn trương và đề ra những chỉ thị, chủ trương đúng đắn lãnh đạo cuộc khởi nghĩa giành chính quyền ở thủ đô thành công rực rỡ.

Ngôi nhà 101 Trần Hưng Đạo là một điểm di tích quan trọng trong chuỗi những di tích cách mạng, kháng chiến ở Hà Nội. Tấm biển đá hình chữ nhật trước cửa tòa nhà 5 tầng vẫn ghi rõ nội dung “Ngày 18-8-1945, nơi đây là trụ sở Ủy ban quân sự cách mạng Hà Nội (Ủy ban khởi nghĩa)”.

Phủ khâm sai Bắc Kỳ (Bắc Bộ phủ)

Điểm đánh chiếm đầu tiên của quân Việt Minh là Phủ khâm sai Bắc Kỳ (Bắc Bộ phủ), cơ quan đầu não của chính phủ Trần Trọng Kim. Lính bảo vệ phủ đã hạ vũ khí trước sức mạnh của quần chúng nhân dân. Sau đó, nhân dân tiếp tục đánh chiếm sở mật thám, sở bưu điện, trại bảo an binh.

 
Bắc Bộ phủ nay được tu sửa và được sử dụng làm Nhà khách Chính phủ.
Phần mái che sảnh trước tòa nhà vẫn giữ đặc trưng như 70 năm.

Quảng trường Cách mạng Tháng Tám

Quảng trường Cách mạng tháng Tám, hay Quảng trường 19-8 là một quảng trường nằm ở trước mặt Nhà hát Lớn Hà Nội , thuộc phường Tràng Tiền, quận Hoàn Kiếm, thành phố Hà Nội. Nơi đây đã diễn ra nhiều sự kiện lịch sử cách mạng trọng đại của Thủ đô. Ngày 17-8-1945, tại đây đã diễn ra cuộc mít tinh biểu tình tuần hành của các tầng lớp nhân dân Thủ đô Hà Nội ủng hộ Việt Minh. Tên gọi của quảng trường này là 19-8 vì tại đây, ngày 19 tháng 8 năm 1945 đã diễn ra một cuộc mít tinh lớn được Việt Minh biến thành cuộc biểu dương lực lượng và hoạt động vũ trang cướp chính quyền, mở đầu cuộc Tổng khởi nghĩa Cách mạng tháng Tám 1945 trong cả nước. Tên gọi quảng trường 19-8 mới đổi từ năm 1994, thời Pháp thuộc gọi là Quảng trường Nhà hát Lớn.

Nhân dân và lực lượng vũ trang thủ đô Hà Nội mít tinh tại Quảng trường Nhà hát lớn ngày 19/8/1945.

Quảng trường Cách mạng Tháng Tám là một quần thể mang hình thái nút không gian thành phố. Xung quanh quảng trường có những công trình kiến trúc hiện đại như Nhà hát Lớn Hà Nội, Bảo tàng Lịch sử quốc gia, Khách sạn Hillton... Gần một thế kỷ trôi qua, biết bao biến cố thăng trầm của thời gian, cùng với Thăng Long văn hiến, Quảng trường Cách mạng Tháng Tám vẫn giữ nguyên giá trị lớn về lịch sử văn hóa - là bằng chứng của sự phát triển văn hóa - xã hội của Hà Nội và Việt Nam qua các thời kỳ cách mạng.

Nhà số 48 Hàng Ngang

Ngôi nhà 48 nằm sát đường mé phải phố Hàng Ngang, trong khu phố cổ Hà Nội. Di tích này thuộc phường Hàng Đào, quận Hoàn Kiếm, thành phố Hà Nội. Ngôi nhà là cửa hàng bán tơ lụa, vải vóc của cụ Trịnh Phúc Lợi. Đến những năm đầu thế kỷ XX, cụ Lợi đã trao cho vợ chồng người con lớn là Trịnh Văn Bô quản lý.

Ngày 22-8-1945, tại nhà số 48 Hàng Ngang, đồng chí Trường Chinh - Tổng Bí thư cùng với Thường vụ Trung ương Đảng họp, ra chỉ thị cho các nơi tiếp tục giành chính quyền theo gương Hà Nội và cử đồng chí Lê Đức Thọ lên Tân Trào đón Chủ tịch Hồ Chí Minh về Hà Nội. Ngày 25-8-1945, Người về đến Thủ đô, các đồng chí Võ Nguyên Giáp, Trường Chinh đã đưa Bác tới nhà số 48, phố Hàng Ngang ở và làm việc tại đó.

Ngôi nhà số 48 Hàng Ngang năm xưa.

Ngôi nhà có 4 tầng, tầng dưới làm cửa hàng bán tơ lụa; tầng 2 và 3 có nhiều phòng dùng làm phòng tiếp khách, phòng ăn, phòng ngủ; tầng 4, ngoài vài phòng dùng làm kho chứa hàng, còn có một sân thượng phơi phóng. Tại tầng gác hai của ngôi nhà, trong phòng ăn của gia đình chủ nhà trước đây đã được dùng làm phòng họp của Chủ tịch Hồ Chí Minh với các đồng chí trong Thường vụ. Căn phòng rộng chừng 60m2, chính giữa phòng là một chiếc bàn hình chữ nhật có kích thước lớn bằng gỗ màu cánh gián sẫm, 8 chiếc ghế tựa đệm mềm bọc nỉ xanh phủ trắng. Tại đây, Chủ tịch Hồ Chí Minh đã chủ trì cuộc họp với Thường vụ Trung ương Đảng để chuẩn bị cho việc ra mắt Chính phủ Lâm thời trước quốc dân đồng bào vào ngày 2/9/1945.

Căn phòng nhỏ Chủ tịch Hồ Chí Minh ở có diện tích chừng 20m2, đồ đạc trong phòng rất đơn sơ. Góc trong kê một chiếc bàn tròn có đường kính 1m, một chiếc ghế bành có tựa cao, bọc vải trắng; góc bên đặt một chiếc đi văng, một tủ gộc màu cánh gián và một chiếc giường vải xếp để Người nghỉ ngơi. Chính tại căn phòng nhỏ bé này, Chủ tịch Hồ Chí Minh đã khởi thảo bản Tuyên ngôn độc lập mà Người đọc tại lễ đài Ba Đình ngày 2-9-1945, tuyên bố sự ra đời của nước Việt Nam Dân chủ Cộng hòa.

Hiện nay, ngôi nhà đã được tôn tạo thành nhà lưu niệm “Bác Hồ với Thủ đô Hà Nội”, là điểm du lịch, tham quan của khách trong và ngoài nước.

Quảng trường Ba Đình

Quảng trường Ba Đình còn gọi là Quảng trường Độc lập. Toàn bộ Quảng trường có diện tích 35000 m2 với chiều dài 320m, chiều rộng hơn 100m, được tạo thành bằng 168 ô cỏ xanh tươi. Nơi đây chứng kiến rất nhiều sự kiện trọng đại của đất nước.

Chủ tịch Hồ Chí Minh đọc Tuyên ngôn Độc lập tuyên bố thành lập nước Việt Nam Dân chủ Cộng hòa tại 
Quảng trường Ba Đình, Hà Nội, ngày 2-9-1945.

Tại quảng trường này đã diễn ra Lễ Độc lập của nước Việt Nam Dân chủ Cộng hòa ngày 2-9-1945, Chủ tịch Hồ Chí Minh đã đọc bản “Tuyên ngôn Độc lập” trước 50 vạn nhân dân Hà Nội; tiếp đó, đồng chí Võ Nguyên Giáp trình bày tình hình trong nước và chính sách của Chính phủ, đồng chí Trần Huy Liệu báo cáo với đồng bào việc tước ấn kiếm của vua Bảo Đại… Đến nay, Quảng trường Ba Đình vẫn là nơi diễn ra các sự kiện lớn của đất nước, là nơi đặc biệt thiêng liêng đối với dân tộc Việt Nam.

Cột cờ Hà Nội

Là một trong năm di tích còn được bảo tồn nguyên vẹn trong quần thể khu di tích thành cổ, Cột cờ Hà Nội cũng là một biểu tượng thiêng liêng của mảnh đất Thăng Long, Hà Nội. Cột cờ Hà Nội cũng hay còn gọi Kỳ đài Hà Nội là một kết cấu dạng tháp được xây dựng dưới thời vua Gia Long triều Nguyễn trên phần đất phía Nam của Hoàng thành Thăng Long (bắt đầu xây dựng từ năm 1805 và hoàn thành năm 1812). Cột cờ cao  41m, gồm ba tầng đế và một thân cột. Các tầng đế Cột cờ có hình vuông, nhỏ dần lên trên, chồng lên nhau, xung quanh ốp gạch. Bố cục cân đối ấy đã tạo lên những đường nét thẳng, vững vàng cho Cột cờ Hà Nội. Đây được coi là một trong những biểu tượng của thành phố.

Cột cờ Hà Nội ngày nay.

Trong thời kỳ Pháp thuộc, Cột cờ Hà Nội được quân Pháp dùng để làm đài quan sát. Năm 1945, sau khi Cách mạng Tháng Tám thành công, lá cờ đỏ sao vàng lần đầu tiên được treo lên Cột cờ Hà Nội. Chính vì vậy, khi Nhà nước Việt Nam Dân chủ Cộng hòa ra đời, hình ảnh Cột cờ Hà Nội cũng đã được in trang trọng trên đồng tiền được phát hành đầu tiên của Ngân hàng Nhà nước Việt Nam.

Đến ngày giải phóng Thủ đô 10/10/1954, Lễ thượng cờ Tổ quốc trên đỉnh “Cột cờ Hà Nội” đã trờ thành giây phút thiêng liêng với người dân Thủ đô. Còn trong cuộc chiến tranh chống phá hoại của Mỹ, Cột cờ lại chuyển sang là đài quan sát của bộ đội phòng không Hà Nội. Từ đỉnh cột cờ có thể nhìn thấy cả Hà Nội và vùng ngoại ô.

Hơn nửa thế kỷ qua, gắn trên đỉnh “Cột cờ Hà Nội” là lá cờ đỏ sao vàng năm cánh tung bay trên nền trời của Thủ đô Hà Nội ngàn năm văn hiến. Với hơn 200 năm tồn, Cột cờ Hà Nội chính là một “nhân chứng lịch sử”, một biểu tượng vinh quang và là niềm tự hào của dân tộc Việt Nam.

Những di tích cách mạng trên đã chứng kiến các sự kiện lịch sử quan trọng của đất nước. Đó là những “địa chỉ đỏ” góp phần quan trọng làm nên một thiên anh hùng ca vĩ đại của dân tộc ta ở thế kỷ 20. Những trận đánh oanh liệt, những chiến công lừng lẫy đã lui vào lịch sử, song những di tích đó vẫn chói đỏ, vẫn rực rỡ như những đoá hoa, luôn nhắc nhở và khích lệ người Hà Nội nói riêng và nhân dân Việt Nam nói chung trong công cuộc xây dựng Thủ đô Hà Nội - Thành phố vì Hoà bình, văn minh, hiện đại.

Nguồn:Theo Phương Anh, Bảo tàng Lịch sử quốc gia

- Doãn Đoan Trinh, Hà Nội - Di tích cách mạng và kháng chiến, H. Chính trị quốc gia, 2005, 287 tr.

- Nguyễn Như Ý, Từ điển địa danh văn hóa lịch sử Việt Nam, H. Giáo dục, 2011, 1455 tr.