Công tác bảo quản và phát huy giá trị ba bảo vật Quốc gia của Bảo tàng tỉnh Thanh Hóa

Bảo tàng tỉnh Thanh Hoá hiện đang trưng bày và lưu giữ trên 30.000 đơn vị hiện vật, trong đó có nhiều hiện vật, sưu tập hiện vật phong phú về loại hình, đa dạng về chất liệu mang tính độc đáo và quý hiếm như: Sưu tập hiện vật thời Tiền - Sơ sử, sưu tập vũ khí Đông Sơn, sưu tập gốm Tam Thọ… Đặc sắc và tiêu biểu hơn cả là sưu tập trống đồng chiếm số lượng lớn và đứng đầu trong cả nước. Trong đó có 03 Bảo vật Quốc gia được Thủ tướng Chính phủ phê duyệt tại quyết định số 2599/QĐ-TTg ngày 30 tháng 12 năm 2013 là Kiếm ngắn Núi Nưa, Trống đồng Cẩm Giang và Vạc đồng Cẩm Thuỷ.

Bảo vật thứ nhất: Kiếm ngắn Núi Nưa

Kiếm ngắn có kích thước: dài 46,5cm (cán dài 18cm); rộng 5cm; được cư dân Văn hóa Đông Sơn đúc bằng chất liệu đồng. Mang tên “Kiếm ngắn Núi Nưa” vì kiếm được phát hiện năm 1961 dưới chân Núi Nưa, xã Tân Ninh, huyện Triệu Sơn, tỉnh Thanh Hoá. Ngoài ra, kiếm còn được gọi với một cái tên khác là “Kiếm ngắn cán hình người”. Cho dù được gọi với cái tên nào thì khi gọi đến tên hiện vật, trong tâm thức của nhân dân địa phương kiếm luôn gắn với hình ảnh Bà Triệu - Người phụ nữ ở buổi đầu công nguyên lấy địa điểm Núi Nưa làm nơi luyện quân, phất cờ khởi nghĩa đánh đuổi quân Ngô giành lại giang sơn cho dân tộc.

 Kiếm có cán là hình tượng một người phụ nữ, lưỡi hình lá tre, mang đặc trưng phong cách sông Mã, gồm 2 phần: phần lưỡi và phần cán. Lưỡi hình lá tre, mỏng, có hai rìa sắc, nhọn, chắn tay hình sừng trâu. Cán Kiếm ngắn Núi Nưa là khối tượng tròn thể hiện người phụ nữ được đúc liền với lưỡi kiếm, người phụ nữ đứng nhìn thẳng, hai tay khuỳnh chống nạnh đầy uy quyền, đầu vấn khăn hình chóp giống hình búp hoa sen. Mặt trái xoan, tai dài đeo đôi vòng to chấm vai, ngực và tay đeo vòng trang sức. Thân mặc áo chẽn dài tay, bụng được thắt một dải rộng như cạp váy, lưng thắt dải bao dài phủ cả đằng trước và sau trên chiếc váy dài trùm hết chân. Kiếm ngắn Núi Nưa có niên đại Văn hoá Đông Sơn.

Bảo vật thứ hai: Trống đồng Cẩm Giang

Trống được đúc bằng chất liệu đồng, kích thước: ĐKM: 73cm; ĐKC: 73cm; Cao: 41,9cm; Nặng: 60kg. Trống do ông Bùi Đức Tậu phát hiện ngày 30/9/1992, ở độ sâu khoảng 1,50m trong khu vườn của gia đình tại thôn Phú Lai, xã Cẩm Giang, huyện Cẩm Thuỷ, tỉnh Thanh Hoá. Tên trống đồng Cẩm Giang được gọi theo địa danh phát hiện trống hoặc còn một cách gọi dân dã hơn là “Trống vịt”, với cách gọi này người gọi muốn nhắc đến một phong cách độc đáo được thể hiện trên  mặt trống là các khối tượng vịt thay thế cho các khối tượng cóc.

Trống Cẩm Giang có kiểu dáng cân đối, hoa văn trang trí phong phú và sinh động. Mặt trống, chính giữa là hình ngôi sao 16 cánh, tính từ tâm ra ngoài trang trí 9 vòng hoa văn, gồm: hoa văn hình học; hình chim lạc đang bay; hình người hoá trang lông chim; hình chim cách điệu; Rìa mặt có 4 khối tượng vịt quay ngược chiều kim đồng hồ. Thân trống được chia làm 3 phần: tang, lưng và chân trống. Tang và lưng trống trang trí hoa văn hình học và hình người hoá trang lông chim cách điệu đang nhảy múa. Chân trống: Không có hoa văn. Trống có 2 đôi quai kép hình chữ C. Niên đại trống Cẩm Giang thuộc văn hoá Đông Sơn muộn, loại HI Heger, nhóm C2 (TK III TCN - I SCN).

Bảo vật thứ ba: Vạc đồng Cẩm Thủy

Khoảng đầu thập kỷ 80 của thế kỷ XX Ban chỉ huy Quân sự thành phố Thanh Hoá phát hiện được vạc ở khu vực ngã ba Đình Hương, phường Hàm Rồng, đến tháng 8 năm 2002 bàn giao lại cho Bảo tàng Thanh Hóa.

Vạc được đúc bằng chất liệu đồng với kích thước: ĐKM: 134,4cm; ĐKĐ: 115cm; Cao: 79,8cm. Thân vạc hình trụ, miệng hơi loe, thành miệng vát, đáy lồi. Trên miệng gắn 6 quai to hình chữ U trang trí hình vặn thừng cách đều nhau. Bên trong thành miệng tạo gờ, giữa tai quai trang trí hoa văn hoa 5 cánh. Khoảng cách giữa các quai trang trí hoa văn hoa lá dây và 2 dòng minh văn chữ Hán đối xứng nhau, mỗi dòng gồm 11 chữ, nét chữ nổi đậm, rõ ràng:

“Cẩm Thuỷ huyện khâm sai chính thống lĩnh Quận công Tạo.
Nhâm Thân niên thập nhất nguyệt nhị thập bát nhật chú”

Dịch nghĩa:

“Chính thống lĩnh Tạo Quận công quan khâm sai huyện Cẩm Thuỷ
Đúc ngày 28 tháng 11 năm Nhâm Thân”.

Bên ngoài sát dưới thành miệng trang trí một băng hoa văn hình bông hoa 4 cánh xen kẽ vân mây, thân trang trí các đường gờ nổi tạo thành kiểu bổ ô dọc (gồm 6 ô). Toàn thân Vạc được phủ một lớp patin màu xanh rỉ đồng.

Tên của chiếc vạc được ghi theo địa danh của người khởi tạo còn ghi minh văn. Niên đại trên minh văn cho thấy Vạc được đúc vào ngày 28 tháng 11 năm Nhâm Thân 1752 (TK XVIII - Lê Trung Hưng).

Việc ứng dụng Công nghệ bảo quản :

Ngày 24/12/2007, UBND tỉnh ban hành Quyết định số 4103/QĐ - UBND về việc Phê duyệt Quy hoạch phát triển sự nghiệp Văn hoá tỉnh Thanh Hoá giai đoạn 2008 - 2015 và định hướng đến năm 2020. Mục tiêu cụ thể về Bảo tồn, phát huy di sản văn hoá là: “Đầu tư xây dựng, nâng cấp Bảo tàng tổng hợp tỉnh xứng tầm với truyền thống lịch sử văn hoá của tỉnh. Đẩy mạnh hoạt động trưng bày, giới thiệu các di sản văn hoá vật thể và phi vật thể tiêu biểu của Thanh Hoá phục vụ khách trong nước và quốc tế”. Được sự quan tâm của tỉnh và các cấp các ngành, sự chỉ đạo trực tiếp của Sở Văn hoá, Thể thao và Du lịch, hàng năm Bảo tàng được đầu tư, bố trí nguồn vốn trong dự toán ngân sách, các chương trình, dự án trong quy hoạch.

Tiếp sau đó, ngày 20/9/2010, Chủ tịch Ủy ban nhân tỉnh Thanh Hóa đã ra quyết định số 3322/QĐ - UBND phê duyệt Đề án “Sưu tầm, bảo quản và chỉnh lý nội dung, hình thức trưng bày Bảo tàng tỉnh Thanh Hóa, giai đoạn 2010 - 2020”. Năm 2011, Bảo tàng tỉnh đã triển khai dự án “Bảo quản, tu sửa hiện vật Bảo tàng tỉnh Thanh Hóa”. Ba bảo vật Kiếm ngắn Núi Nưa, Trống đồng Cẩm Giang và Vạc đồng Cẩm Thuỷ cùng với hơn 20.000 hiện vật khác của Bảo tàng đã được Công ty TNHH Công nghệ bảo quản, Bảo tồn Di sản bảo quản theo đúng quy trình bảo quản hiện vật bảo tàng, đạt chất lượng tốt, hạn chế đến mức thấp nhất tình trạng xuống cấp của hiện vật và được giới chuyên môn đánh giá cao.

Công tác phát huy giá trị các bảo vật quốc gia:

Hiện nay, 02 bảo vật Kiếm ngắn Núi Nưa và Trống đồng Cẩm Giang đang được trưng bày và phát huy giá trị tại phòng trưng bày “Thanh Hóa thời Tiền Sử - Sơ sử”. Trước khi được công nhận là bảo vật Quốc gia, Trống đồng Cẩm Giang và Kiếm ngắn Núi Nưa được giới thiệu tại hệ thống trưng bày Bảo tàng Thanh Hoá và các cuộc trưng bày lưu động phục vụ nhiệm vụ chính trị: Trưng bày tại Bảo tàng Lịch sử Việt Nam năm 1997, chào mừng Hội nghị thượng đỉnh nguyên thủ các Quốc gia nói tiếng Pháp tại Hà Nội; Trưng bày Kỷ niệm 80 năm phát hiện và nghiên cứu Văn hoá Đông Sơn năm 2004 tại Hà Nội; Trưng bày kỷ niệm 50 năm kết nghĩa Thanh Hoá - Quảng Nam năm 2010 tại Quảng Nam; Bảo tàng Văn minh châu Á Singapore lựa chọn mẫu bản dập trống Cẩm Giang trưng bày phục vụ lễ hội văn hoá tại Singapore năm 2008. Kiếm Núi Nưa được Bảo tàng Lịch sử Quốc gia Việt Nam lựa chọn làm phiên bản để trưng bày tại hệ thống trưng bày chính của Bảo tàng, được du khách trong nước và Quốc tế quan tâm nghiên cứu và đánh giá cao.

Riêng chiếc Vạc đồng, mặc dù theo tiến trình lịch sử, chiếc Vạc đồng bảo vật quốc gia nằm trong nội dung phòng trưng bày “Thanh Hoá từ thế kỷ X đến giữa thế kỷ XIX”. Do điều kiện diện tích trưng bày hạn hẹp, phòng ốc được cải tạo từ công trình cũ (Công trình bảo tàng đang sử dụng tiền thân là nhà Dòng thời Pháp thuộc), với kích thước Vạc quá lớn nên không đưa lên hệ thống trưng bày mà thay thế bằng chiếc Vạc nhỏ hơn. Chiếc Vạc đồng Bảo vật, tuy đặt ở vị trí hành lang của kho Bảo tàng nhưng luôn được cán bộ phòng Kiểm kê - Bảo quản quan tâm đặc biệt, thường xuyên được vệ sinh, bảo quản, phục vụ các đoàn khách đến nghiên cứu cùng với những hiện vật khác tại hệ thống kho.

Trong năm Du lịch Quốc gia 2015, tại hệ thống trưng bày Bảo tàng Thanh Hoá, các bảo vật Quốc gia được tôn lên trưng bày trang trọng nhằm tuyên truyền quảng bá phát huy giá trị. Hình ảnh 03 bảo vật được giới thiệu trang trọng trên mục Hiện vật tiêu biểu của Website Bảo tàng. Hình ảnh trống Cẩm Giang được sử dụng làm lôgô của Bảo tàng Thanh Hóa.

Cùng thời điểm diễn ra năm Du lịch Quốc gia, Bảo tàng Thanh Hóa tổ chức phòng trưng bày “Giới thiệu một số ấn phẩm Thanh Hóa và sản phẩm làng nghề đúc đồng thủ công truyền thống Xứ Thanh” đã sử dụng hình ảnh 03 bảo vật làm quà lưu niệm dưới hình thức lôgô, móc khóa. Đây cũng là một trong những hình thức quảng bá mới mà Bảo tàng thực hiện.

Tính từ thời điểm sau khi Bảo tàng Thanh Hóa được đầu tư cải tạo nâng cấp công trình, cũng là thời điểm Bảo tàng vinh dự được công nhận 03 bảo vật Quốc gia. Các thế hệ cán bộ Bảo tàng Thanh Hóa đã và đang cố gắng nghiên cứu, sưu tầm, bảo quản và trưng bày tuyên truyền phát huy giá trị ngày một tốt hơn đối với các bảo vật nói riêng và hiện vật bảo tàng nói chung.

Hy vọng trong thời gian tới với Đề án “Đề cương tổng quát Nội dung và hình thức trưng bày Bảo tàng tỉnh Thanh Hoá” tại địa điểm mới (khu Đông Hương, phía Đông thành phố) với không gian rộng rãi, phòng trưng bày đúng công năng các di vật, hiện vật, bảo vật Quốc gia sẽ được trưng bày ở những vị trí phù hợp, trang trọng. Chắc chắn các bảo vật Quốc gia sẽ có thiết kế riêng, phù hợp với nội dung trưng bày, xứng tầm với giá trị lịch sử của hiện vật, ngày càng đáp ứng tốt hơn nhu cầu tham quan, nghiên cứu và học tập của du khách. 

Một số hình ảnh trưng bày phát huy giá trị Bảo vật Quốc gia tại Bảo tàng Thanh Hóa

Đ/c Trịnh Văn Chiến - Bí thư Tỉnh ủy và đoàn cán bộ lãnh đạo tỉnh Thanh Hóa
 tham quan Kiếm Núi Nưa phòng trưng bày “Thanh Hóa thời Tiền Sử - Sơ sử”.

Các chuyên gia đang nghiên cứu Trống đồng Cẩm Giang

Đoàn đại biểu người có công huyện Triệu Sơn  xem Trống đồng Cẩm Giang
tại phòng Trưng bày “Trống đồng Thanh Hoá”ngày 15/10/2015

Các Chuyên gia của Công ty TNHH Công Nghệ Bảo quản - Bảo tồn Di sản Hà Nội
đang thảo luận với lãnh đạo phòng Kho KK-BQ về phương án bảo quản Vạc đồng Cẩm Thủy

    Đường Ngọc Hóa