Bảo tàng tỉnh Thanh Hóa với việc thực hiện Quyết đinh số 156/QĐ – TTg ngày 23/6/2005 của Thủ tướng Chính phủ về quy hoạch tổng thể hệ thống bảo tàng Việt Nam đến năm 2020

Bảo tàng tỉnh Thanh Hoá được thành lập năm 1983, tiền thân là phòng Bảo tồn, Bảo tàng Ty văn hoá từ năm 1956. Hiện nay, đơn vị có 30 cán bộ viên chức, người lao động và có Chi bộ Bảo tàng; Công đoàn cơ sở; Chi đoàn thanh niên và Chi hội Cựu chiến binh. Ngoài ra cơ quan còn có Chi hội Khoa học Lịch sử, Chi hội Di sản văn hoá Việt Nam và Chi hội Khảo cổ học. Về tổ chức bộ máy, Ban Lãnh đạo có 2 Phó Giám đốc, 4 phòng ban gồm: Phòng Hành chính-Tổ chức, Phòng Sưu tầm, Phòng Kiểm kê - Bảo quản, Phòng Trưng bày-Tuyên truyền.

Trong những năm qua, Bảo tàng tỉnh Thanh Hoá luôn bám sát nhiệm vụ chính trị, kế hoạch nhà nước giao, tổ chức nhiều hoạt động, phục vụ tốt nhiệm vụ chính trị của đất nước và của tỉnh. Tổ chức tốt các phong trào thi đua theo chủ đề hàng năm do ngành Văn hoá, Thể thao và Du lịch phát động. Đẩy mạnh công tác tuyên truyền phục vụ tốt các sự kiện chính trị như: Kỷ niệm ngày thành lập Đảng Cộng sản Việt Nam (3/2); Kỷ niệm ngày Hàm Rồng - Nam Ngạn chiến thắng (3-4/4); Kỷ niệm ngày giải phóng miền Nam và thống nhất đất nước (30/4); Kỷ niệm chiến thắng lịch sử Điện Biên Phủ (7/5); Kỷ niệm ngày sinh nhật Chủ tịch Hồ Chí Minh (19/5); Kỷ niệm Cách mạng tháng Tám và quốc khánh 2/9; ngày Di sản văn hoá Việt Nam (23/11); Kỷ niệm ngày thành lập QĐND Việt Nam (22/12); tuyên truyền thực hiện “Học tập và làm theo tấm gương đạo đức Hồ Chí Minh”…

Về công tác Trưng bày - Tuyên truyền: Thường xuyên chỉnh lý, bổ sung nhiều tư liệu, sưu tập hiện vật mới cho các phòng trưng bày tại Bảo tàng.  Đổi mới hoạt động thuyết minh, tuyên truyền, nâng cao chất lượng phục vụ khách tham quan. Hiện tại hệ thống trưng bày của Bảo tàng gồm có 4 phòng trưng bày theo biên niên sử: “Thanh Hoá thời kỳ Tiền sử - Sơ sử”; “Thanh Hoá từ thế kỷ X đến giữa thế kỷ XIX”; “Truyền thống yêu nước và cách mạng Thanh Hoá, giai đoạn 1858-1945”; “Thanh Hoá trong sự nghiệp xây dựng và bảo vệ đất nước, giai đoạn 1945-1975”; và 2  Phòng trưng bày chuyên đề: “Trống đồng phát hiện ở Thanh Hoá”; “Đặc trưng VH dân tộc Mường ở Thanh Hoá”.

Ngoài ra, sân vườn Bảo tàng còn trưng bày các hiện vật thể khối lớn: Sưu tập linh vật điêu khắc đá từ TK XV-XIX; Máy cày DT 24 Bác Hồ tặng HTX Yên Trường về thành tích nông nghiệp; Máy bay Mic17, pháo phòng không 100ly, 57 ly và 37 ly tham gia chiến đấu bảo vệ cầu Hàm Rồng…

Bảo tàng thường xuyên mở cửa trưng bày phục vụ khách tham quan, nghiên cứu và học tập.Tổ chức nhiều đợt trưng bày lưu động, trưng bày phối hợp, phục vụ học sinh, sinh viên và đồng bào các dân tộc trong và ngoài tỉnh. Trong 5 năm (từ 2011-2015), đơn vị đã tổ chức xây dựng được 6 cuộc trưng bày tại Bảo tàng và 16 cuộc trưng bày lưu động phối hợp. Chỉ đạo và hướng dẫn hoạt động bảo tàng truyền thống cơ sở trên địa bàn tỉnh.

Về công tác Kiểm  kê - Bảo quản hiện vật: Hiện tại, Bảo tàng đang lưu giữ và trưng bày trên 30.000 đơn vị hiện vật. Đã vào sổ đăng ký hiện vật được 10.859 hồ sơ (25.763 hiện vật), nhập được 10.763 hồ sơ hiện vật vào phần mềm vi tính theo hệ thống quản lý của Cục Di sản văn hoá. Thực hiện thành công 2 dự án Bảo quản hiện vật, với tổng 21.045 hiện vật, góp phần bảo quản lâu dài và nâng cao tuổi thọ cho hiện vật bảo tàng.

Về công tác Sưu tầm: Bảo tàng đã triển khai tổ chức khảo sát, sưu tầm hiện vật, cổ vật các thời kỳ lịch sử. Vận động các cá nhân mượn cổ vật quí hiếm tham gia trưng bày lưu động và hiến tặng hiện vật cho Bảo tàng. Công tác sưu tầm hiện vật hàng năm đạt chỉ tiêu và vượt kế hoạch.Trong 5 năm, Bảo tàng đã sưu tầm nhập kho được 2.732 hiện vật. Tiếp nhận 57 di vật, cổ vật từ các nhà sưu tập tư nhân tặng. Các hiện vật sưu tầm đều có đầy đủ dữ liệu, làm cơ sở phục vụ tốt công tác nghiên cứu, trưng bày và phát huy giá trị.

Hàng năm, Bảo tàng đã phối hợp tốt với các cơ quan (Viện Khảo cổ học, Ban quản lý Di tích và Danh thắng…) tham gia khai quật tại Chùa Linh Xứng, Cồn Cổ Ngựa (huyện Hà Trung), Hang Con Moong (huyện Thạch Thành), Di chỉ Bản Nàng 1 (huyện Mường Lát), Di chỉ Huổi Pa (huyện Quan Hóa), Di tích Đông Sơn (TP. Thanh Hoá)…Hiện vật khai quật được nhập kho Kiểm kê - Bảo quản đảm bảo quy trình, thủ tục.

Về công tác nghiên cứu khoa học: Bảo tàng luôn chú trọng nâng cao chất lượng công tác nghiên cứu khoa học, xây dựng đề án, đề tài, hồ sơ khoa học hiện vật nhằm phát huy hiệu quả giá trị di sản văn hoá. Nâng cao chất lượng nội dung đề cương, giải pháp mỹ thuật các cuộc trưng bày. Xây dựng 03 bộ hồ sơ khoa học hiện vật: “Kiếm ngắn Núi Nưa”, “Trống đồng Cẩm Giang”, “Vạc đồng Cẩm Thuỷ” chất lượng tốt, được Thủ tướng Chính phủ ra Quyết định công nhận là Bảo vật Quốc gia. Xây dựng hồ sơ khoa học 03 sưu tập hiện vật: “Trống đồng Đông Sơn”, “Trống đồng loại II” “Thạp đồng Đông Sơn”; Xây dựng phần mềm tra cứu thông tin, tư liệu hiện vật trên hệ thống trưng bày Bảo tàng.

Xuất bản nhiều ấn phẩm, tờ gấp giới thiệu các phòng trưng bày; Thông báo khoa học giới thiệu hoạt động Bảo tàng; Sách trống đồng Thanh Hoá…

Năm 2014, Bảo tàng được UBND tỉnh Quyết định phê duyệt bổ sung kinh phí  xây dựng Trang thông tin điện tử Bảo tàng tỉnh Thanh Hoá, trực thuộc cổng thông tin điện tử UBND tỉnh Thanh Hóa, góp phần thực hiện tốt công tác tuyên truyền, quảng bá hoạt động bảo tàng, di sản văn hóa dân tộc và hình ảnh quê hương, đất nước đến công chúng trong nước và quốc tế.

Việc thực hiện các Đề án, Dự án: Ngày 24/12/2007, UBND tỉnh ban hành Quyết định số 4103/QĐ-UBND về việc Phê duyệt Quy hoạch phát triển sự nghiệp Văn hoá tỉnh Thanh Hoá giai đoạn 2008-2015 và định hướng đến năm 2020. Mục tiêu cụ thể về Bảo tồn, phát huy di sản văn hoá là: “Đầu tư xây dựng, nâng cấp Bảo tàng tổng hợp tỉnh xứng tầm với truyền thống lịch sử văn hoá của tỉnh. Đẩy mạnh hoạt động trưng bày, giới thiệu các di sản văn hoá vật thể và phi vật thể tiêu biểu của Thanh Hoá phục vụ khách trong nước và quốc tế”.

Được sự quan tâm của tỉnh và các cấp các ngành, sự chỉ đạo trực tiếp của Sở VH,TT&DL, hàng năm Bảo tàng được đầu tư nguồn vốn trong dự toán ngân sách, các chương trình, dự án trong quy hoạch như: Đề án: “Sưu tầm, bảo quản và chỉnh lý nội dung, hình thức trưng bày Bảo tàng tỉnh Thanh Hoá, giai đoạn 2010-2020”; Dự án “Sửa chữa, cải tạo, nâng cấp Bảo tàng tỉnh Thanh Hoá”; Dự án nâng cấp hai phòng trưng bày“Thanh Hoá thời kỳ Tiền sử - Sơ sử”“Thanh Hoá từ thế kỷ X đến giữa thế kỷ XIX” từ nguồn vốn của Ban quản lý dự án CSEDP.

Năm 2015, Bảo tàng được cấp bổ sung kinh phí cho các hạng mục: thực hiện dự án xây dựng trạm biến áp điện; đóng tủ bục bổ sung cho hệ thống Kho bảo quản; dự án bảo quản trị liệu và tu sửa hiện vật Bảo tàng.

Tóm lại, giai đoạn  2011-2015, Bảo tàng tỉnh Thanh Hoá đã thực hiện Quyết định số 156/QĐ-TTg ngày 23/6/2005 của Thủ tướng Chính phủ về Quy hoạch tổng thể hệ thống bảo tàng Việt Nam đến năm 2020, đạt được những kết quả đáng phấn khởi: Tập trung triển khai nhiệm vụ có trọng tâm, trọng điểm, tổ chức nhiều hoạt động chuyên môn đạt kết quả cao, chất lượng tốt. Thực hiện thành công các Đề án, Dự án. Đẩy mạnh và nâng cao chất lượng hoạt động Trưng bày-Tuyên truyền; Tăng cường công tác sưu tầm, bổ sung nhiều tư liệu, hiện vật có giá trị cho kho cơ sở và phục vụ các cuộc trưng bày. Cảnh quan, môi trường của Bảo tàng có nhiều khởi sắc, từng bước đáp ứng nhu cầu của công chúng đến tham quan, nghiên cứu và học tập tại bảo tàng.

Một số hình ảnh hoạt động chuyên môn của Bảo tàng:

Các thành viên Hội đồng Định giá mua hiên vật Bảo tàng đánh giá và định giá mua hiện vật Bảo tàng năm 2014

Đoàn cán bộ Viện khảo cổ học chỉnh lý hiện vật khai quật tại Di chỉ Bản Nàng 1 (huyện Mường Lát)
và Di chỉ khu mộ cổ Huổi Pa (huyện Quan Hóa) tại Bảo tàng tỉnh Thanh Hóa

Chuyên gia Hán nôm đọc và dịch sắc phong tại kho Kiểm kê - Bảo quản

 Công nhân Công ty TNHH công nghệ bảo quản, bảo tồn Di sản 
đang thực hiện bảo quản hiện vật pháo phòng không 100 ly

Các Cựu chiến binh Hàm Rồng tham quan phòng trưng bày“Thanh Hoá thời kỳ Tiền sử - Sơ sử”.

Đoàn khách tham quan phòng trưng bày “Trống đồng phát hiện ở Thanh Hoá”.

Trương Thị Lan