Xe cút kít của dân công Thanh Hóa tham gia trong chiến dịch Điện Biên Phủ 1954

Trong chiến dịch Điện Biên Phủ, Thanh Hóa là một địa bàn chiến lược, căn cứđịa quan trọng, hậu phương lớn, huy động cao nhất sức người, sức của cho chiến dịch. Với tinh thần: “Tất cả cho tiền tuyến, tất cả để chiến thắng”, hàng nghìn người con từ các làng quê Thanh Hóa nô nức lên đường đi dân công vận chuyển lương thực, thực phẩm cho chiến dịch Điện Biên Phủ

Trong chiến dịch Điện Biên Phủ, Thanh Hóa là một địa bàn chiến lược, căn cứ địa quan trọng, hậu phương lớn, huy động cao nhất sức người, sức của  cho chiến dịch. Với tinh thần: “Tất cả cho tiền tuyến, tất cả để chiến thắng”, hàng nghìn người con từ các làng quê Thanh Hóa nô nức lên đường đi dân công vận chuyển lương thực, thực phẩm cho chiến dịch Điện Biên Phủ. Tháng 11 năm 1953, để chuẩn bị cho chiến dịch Điện Biên Phủ, Trung ương giao cho Thanh Hóa mở thông tuyến đường 41 lên Điện Biên và bắt đầu vận chuyển chuyến hàng đầu tiên cho chiến dịch Điện Biên Phủ. Trong toàn chiến dịch, Thanh Hóa đã huy động đượcmột khối lượng lớn lương thực, thực phẩm góp một phần quan trọng đưa chiến dịch tới ngày toàn thắng.

Để tham gia vận chuyển đưa lương thực, thực phẩm ra mặt trận, lực lượng giao thông vận tải Thanh Hóa đã huy động các loại phương tiện như: Ô tô, xe đạp thồ, thuyền ván và thuyền nan, ngựa, voi và nhiều phương tiện vận tải thô sơ khác. Một trong những phương tiện thô sơ do chính bàn tay của người nông dân tự sáng chế đó là chiếc xe cút kít của ông Trịnh Đình Bầm, xã Định Liên, huyện Yên Định, tỉnh Thanh Hóa.

Xe cút kít của ông Trịnh Đình Bầm, xã Định Liên, huyện Yên Định  phục vụ chiến dịch Điện Biên Phủ 1954.

Ông Bầm sinh ra và lớn lên trong một gia đình nông dân nghèo ở xóm Phú, xã Định Liên, huyện Yên Định. Cuối năm 1953, thực hiện kế hoạch của Bộ Chính trị về việc chi viện sức người, sức của cho chiến dịch, Ông Trịnh Đình Bầm cũng như bao người con Thanh Hóa đã hăng hái lao động sản xuất, góp gạo nuôi quân, đi dân công phục vụ chiến dịch Điện Biên Phủ.

Vì gia đình nghèo không có phương tiện đi lại, vận chuyển lương thực nhưng với tinh thần hết lòng cho tiền tuyến, để có phương tiện vận chuyển hữu ích, tiện dụng lại đạt hiệu quả cao, ông Bầm đã tự tay đóng xe cút kít hình chữ A. Xe có chiều dài 206cm, càng xe làm bằng gỗ, có hai chân chống bằng tre. Bánh xe có đường kính 75cm, được gép bởi ba mảnh gỗ khác nhau trong đó có một mảnh được sơn son thếp vàng có những đường hoa văn đỏ, vàng xen lẫn nhau rất đẹp. Đó chính là mảnh gỗ được lấy từ bàn thờ cúng tổ tiên của gia đình. Theo tín ngưỡng của người dân Việt Nam thì bàn thờ gia tiên là nơi quan trọng, thiêng liêng, là nơi “bất khả xâm phạm”. Con cháu trong gia đình, thông qua bàn thờ gia đình để biết ơn, tưởng nhớ đến những người đã khuất như ông bà, cha mẹ, người có công sinh thành dưỡng dục con cháu lớn khôn. Đồng thời tỏ rõ được đạo hiếu uống nước nhớ nguồn của người dân Việt Nam. Ông Trịnh Đình Bầm là một người nông dân nhưng sớm giác ngộ cách mạng, có những tư tưởng tiến bộ, ông đã vượt qua được lễ giáo gia phong, hy sinh cái tôi cá nhân, góp một phần sức lực nhỏ bé của mình cho đất nước. Để có gỗ chắc làm xe vận chuyển lương thực, ông lấy bàn thờ gia đình dùng làm bánh xe. Vì gỗ từ bàn thờ là gỗ tốt, bền, khả năng chịu lực cao. Với bản tính cần cù, chịu khó ông Trịnh Đình Bầm sử dụng đôi bàn tay khéo léo, óc sáng tạo để đã cải tiến xe cút kít dùng vận chuyển lương thực.

Với chiếc xe này, ông Trịnh Đình Bầm đã chở lương thực trên đoạn đường từ kho lương Sánh - Lược đi lên phố Cống - Trạm Luồng huyện Ngọc Lặc tỉnh Thanh Hóa. Đây chính là khâu trung chuyển lương thực ở hậu phương, lương thực được nhân dân đóng góp vào kho lương chung của xã sau đó đưa đến kho lương của tỉnh. Từ kho lương của tỉnh Thanh Hóa, lương thực mới vận chuyển cho chiến dịch Điện Biên Phủ. Trong thời gian phục vụ chiến dịch, ông đã không quản ngại khó khăn đường xa, dốc cao, vực sâu vận chuyển nâng mức trọng tải của xe từ 100kg lên 280 kg. Suốt 4 tháng, cứ 3 ngày 1 chuyến với quãng đường dài hơn 20 km ông Trịnh Đình Bầm đã vận chuyển được gần 12.000 kg lương thực phục vụ chiến dịch Điện Biên Phủ. Với thành tích trên ông đã được Hội đồng Cung cấp Liên khu 4 tặng Bằng khen, được tuyên dương toàn tỉnh Thanh Hóa.

Chiếc xe cút kít của ông Trịnh Đình Bầm là hiện vật hết sức độc đáo, tiêu biểu, minh chứng cho tinh thần yêu nước, ý chí quyết tâm, sẵn sàng hy sinh cho tổ quốc. Hiện tại, xe cút kít của ông Trịnh Đình Bầm được trưng bày tại Bảo tàng Chiến thắng lịch sử Điện Biên Phủ, tỉnh Điện Biên cùng với những phương tiện vận chuyển khác trong bảo tàng để giới thiệu đến đông đảo du khách gần xa biết thêm về tinh thần, nghị lực của dân công bộ Việt Nam trong cuộc kháng chiến chống Pháp.

Trương Thị Lan