Hình ảnh người phụ nữ xứ Thanh trong cuộc chiến đấu bảo vệ cầu Hàm Rồng
Trong các lực lượng chiến đấu ở khu vực Hàm Rồng, có lực lượng không thể thiếu đó là nữ dân quân tự vệ, những người kiên trì, bền bỉ, dũng cảm chiến đấu và phục vụ chiến đấu. Nhiều chị em lập được những chiến công xuất sắc, trở thành tấm gương tiêu biểu cho tinh thần dũng cảm, yêu nước của phụ nữ Thanh Hóa.
Với phương châm “vừa sản xuất, vừa đánh Mỹ” đội nữ dân quân Nam Ngạn đã nêu cao quyết tâm bám trụ, phối hợp chặt chẽ với bộ đội chủ lực, bộ đội địa phương, lực lượng phòng không, hải quân… liên tục bám sát trận địa để chiến đấu và phục vụ chiến đấu. Hình ảnh chị Hằng với lá cờ hiệu trong tay và những động tác dứt khoát chỉ huy Trung đội nữ dân quân đón đánh máy bay tầm thấp:
Bom đạn giặc thù cứ dội xuống như mưa Mà em vẫn dang tay chỉ huy đồng đội Bắn lũ thần sấm giặc nhà trời lao tới Biến chúng thành một lũ thiêu thân |
(Cô gái xứ Thanh - Trần Hữu Thung) Ở lứa tuổi mười tám đôi mươi, nơi bom rơi đạn nổ, giữa sự sống và cái chết, các chị vẫn hồn nhiên, lạc quan, không sợ hy sinh gian khổ. Chị Ngô Thị Tuyển cùng dân quân bơi ra giữa dòng sông kéo chiếc thuyền chở lương thực đang chòng chành chao đảo sau từng đợt bom của địch và trong tình thế chuyển đạn gấp cho bộ đội chiến đấu, chị vẫn bình tĩnh, gan dạ, một mình vác hai hòm đạn nặng 98kg, gấp đôi trọng lượng cơ thể, tiếp vận kịp thời cho các pháo thủ bắn máy bay địch.
Anh vẫn còn thấy em bùn đen đặc Vác hàng trăm hòm đạn sang sông Đạn nổ trên đầu, bom rú ngang hông Mà em vẫn trườn lên dốc đá Người em chưa đầy nửa tạ Em vác hai hòm đạn ngót trăm cân Mang đặt sẵn sàng sát bên bệ pháo |
(Cô gái xứ Thanh - Trần Hữu Thung) Trong trận chiến đấu của bộ đội hải quân và dân quân tự vệ với tàu chiến, máy bay địch diễn ra hết sức gay go và quyết liệt (trận 26/5/1965), chị Lê Thị Dung sau khi làm nhiệm vụ cứu thương băng bó cho các chiến sĩ liền ngồi vào mâm pháo thay thế cho các pháo thủ, chị đã bị trúng mảnh rocket và anh dũng hi sinh khi trong tay còn nâng băng đạn để đồng đội bắn trả địch. Chị Nguyễn Thị Hiền là người dẫn đầu 7 cô gái làng Yên Vực chở hàng vượt qua sông Mã dưới làn mưa bom địch sang bờ Nam cầu Hàm Rồng cung cấp kịp thời đạn dược cho bộ đội đánh giặc. Chị đã từng xé ống quần nhúng nước, đắp lên nòng pháo cho đỡ nóng, để pháo ta lại tiếp tục nhả đạn giòn giã. Người dân Thanh Hóa đã phong tặng cho chị danh hiệu “Nữ anh hùng trong lòng dân”:
Giỏi thay cô gái quê Thanh Giữa dòng tiếp đạn chẳng ngơi phút nào Mặc cho đạn réo, bom gào Sông sâu, sóng dữ dọa sao được người Đạn đây anh bộ đội ơi Bắn tan giặc Mỹ tơi bời mới nghe |
(Ca dao chống Mỹ) Nữ dân quân làng Yên Vực – Nguyễn Thị Hiền đi trực chiến năm 1966
Đóng góp vào cuộc chiến ở Hàm Rồng còn có các mẹ, các chị, dưới bom đạn địch đã không quản ngại tìm kiếm, thu gom thi thể bộ đội và nhân dân bị bom đạn Mỹ giết hại, lo mai táng, cấp cứu thương binh, khâu vá, giặt giũ quần áo cho bộ đội… Các em thiếu niên làng Đông Sơn, Yên Vực, Nam Ngạn, đốn lá ngụy trang đưa tới từng trận địa cho các chú bộ đội. Em Nguyễn Thị Hoàn trong lúc máy bay Mỹ đánh phá ác liệt, dũng cảm tiếp nước cho các chú bộ đội và đã bị bom Mỹ giết hại ngay trận địa Hàm Rồng mà trước khi mất trong tay em vẫn cầm chiếc ca. Sư cụ Đàm Thị Xuân trụ trì chùa Mật Đa, ngoài việc nấu cơm, nước… gánh ra tận trận địa phục vụ bộ đội còn dùng nhà chùa làm nơi cấp cứu và điều trị thương binh.
Trong cuộc chiến đấu ở khu vực Hàm Rồng còn có lực lượng thanh niên xung phong, chị em đã thường xuyên có mặt bám trụ kiên cường, phục vụ chiến đấu 24/24 giờ, tích cực san lấp hố bom, đảm bảo mạch máu giao thông thông suốt. Chị em trong đội cầu Nguyễn Thị Định và đội cầu 19/5 luôn nêu cao tinh thần “Sống bám đường, chết kiên cường dũng cảm”, mặc dù máy bay địch đánh phá ác liệt, công tác bảo dưỡng cầu vẫn thường xuyên kịp thời trong mọi tình huống. Chị Nguyễn Thị Lanh- một đảng viên dự bị 21 tuổi, bình tĩnh, gan dạ, giữ vững một tổng đài trong khi địch oanh tạc dữ dội, đảm bảo thông suốt liên lạc, đưa tin chiến thắng truyền nhanh đi khắp nơi. Chị em ở cửa hàng thực phẩm ăn uống phục vụ tại trận địa động viên pháo thủ chiến đấu. Trong và sau trận chiến đấu, 6 cô gái Lò Cao làm nhiệm vụ cứu tải thương, liên lạc, lau súng, tiếp đạn phục vụ bộ đội chiến đấu: cô Hạnh, cô Định, cô Điệp, cô Nhung... và các cô Minh, cô Dung, cô Quý (nhà máy xay) đã dũng cảm chuyển đạn qua sông:
Anh còn thấy em xé tung vạt áo Trong chiến hào ngồi lau đạn điềm nhiên Chiếc áo hoa còn mới như nguyên Mà em đã chọn trước quầy hàng mậu dịch |
(Cô gái xứ Thanh - Trần Hữu Thung) Để động viên, khích lệ chiến sỹ, dân quân, tự vệ nơi trận địa khói lửa, anh chị em trong các đội xung kích, các đoàn văn công của Ty Văn hóa Thanh Hóa đã vang lời ca, tiếng hát phục vụ từng trận địa và thể hiện những tác phẩm nghệ thuật mang đậm truyền thống cách mạng với tinh thần nhiệt huyết, tự nguyện.
Hòa với thắng lợi chung của cả nước, trong 2 ngày 3,4/4/1965, quân và dân Thanh Hóa đã bắn rơi 47 máy bay Mỹ, cầu Hàm Rồng vẫn sừng sững hiên ngang nối đôi bờ sông Mã. Chiến công của quân và dân Hàm Rồng có phần đóng góp to lớn của chị em phụ nữ, tô đậm truyền thống anh hùng của phụ nữ Thanh Hóa cũng là truyền thống anh hùng của người phụ nữ Việt Nam.
Hình ảnh “tay cày tay súng” của chị Ngô Thị Tuyển
Chị Ngô Thị Tuyển được Nhà nước tặng danh hiệu Anh hùng lực lượng vũ trang nhân dân, chị Nguyễn Thị Hằng được bầu là Chiến sỹ thi đua toàn quốc, nhiều chị em được tặng Huân chương chiến công, Bằng khen, Giấy khen, và được Bác Hồ tặng Huy hiệu của Người.
Tấm gương dũng cảm, hy sinh của chị em phụ nữ trong cuộc chiến bảo vệ cầu Hàm Rồng mãi mãi được trân trọng, giữ gìn để thế hệ trẻ học tập và noi theo.
Thanh Hiền