Chủ tịch Hồ Chí Minh về thăm tỉnh Thanh Hoá ngày 20 tháng 2 năm 1947

Cuộc kháng chiến chống thực dân Pháp bảo vệ nền độc lập của toàn quốc vừa bùng nổ tròn 2 tháng, Chủ tịch Hồ Chí Minh đã về Thanh Hóa ngày 20 tháng 2 năm 1947. Đây là lần đầu tiên Chủ tịch Hồ Chí Minh về thăm tỉnh ta.

Cuộc hành trình của Người về Thanh Hóa đã được chuẩn bị khẩn trương trong hoàn cảnh kháng chiến và phải tranh thủ thời gian từng phút, từng giờ. Sự kiện quan trọng này đã gây ân tượng sâu sắc về sự quan tâm và hy vọng nhiều của Người vào quê hương Thanh Hóa chúng ta trong sự nghiệp giữ nước và dựng nước lâu dài.

Bài nói chuyện với cán bộ tỉnh Thanh Hoá (Sáng 20 tháng 2 năm 1947 tại Rừng Thông)

Cán bộ

A - Cán bộ là gì?

Cán bộ là cái dây chuyền của bộ máy. Nếu dây chuyền không tốt, không chạy thì động cơ dù tốt, dù chạy toàn bộ máy cũng bị tê liệt. Cán bộ là những người đem chính sách của Chính phủ, của đoàn thể thi hành trong nhân dân, nếu cán bộ dở thì chính sách hay cũng không thể thực hiện được.

B - Vậy cán bộ phải có đức tính thế nào?

1. Mình đối với mình: - Đừng tự mãn, tự túc; nếu tự mãn, tự túc thì không tiến bộ. Phải tìm học hỏi, cầu tiến bộ. Đừng kiêu ngạo, học lấy điều hay của người ta. Phải siêng năng, tiết kiệm.

2. Đối với đồng chí mình phải thế nào? - Thân ái với nhau, nhưng không che đậy những điều dở. Học cái hay, sửa cái dở. Không nên tranh giành ảnh hưởng của nhau. Không nên ghen ghét đố kỵ và khinh kẻ không bằng mình. Bỏ lối hiếu danh, hiếu vị. Thí dụ: Một anh nói giỏi, một anh không, khi ra quần chúng anh nói kém sợ anh nói giỏi lên sẽ được công chúng vỗ tay hoan nghênh lấn át ảnh hưởng mình đi, nên không cho anh nói giỏi lên nói.

3. Đối với công việc phải thế nào? - Trước hết, phải nghĩ cho kỹ, có việc làm trước mắt thành công nhưng thất bại về sau, có việc địa phương này làm có lợi nhưng hại cho địa phương khác. Những cái như thế phải tránh. Thí dụ: Đối với tù binh Pháp nếu mình giết đi thì thấy dân chúng hoan nghênh, nhưng thế giới sẽ cho mình là dã man, bất lợi ngoại giao. Phải có kế hoạch bước đầu làm thế nào? Bước thứ hai làm thế nào? Bước thứ ba làm thế nào? Thành công thì thế nào? Nếu thất bại thì thế nào?

Mỗi ngày lúc sáng dậy, tự hỏi mình ngày hôm nay phải làm gì? Tối đi ngủ phải tự hỏi mình ngày hôm nay đã làm gì? Phải cẩn thận, cẩn thận không phải là nhút nhát, do dự.

4. Đối với nhân dân: - Phải nhớ đoàn thể làm việc cho dân, đoàn thể mình mạnh hay yếu là ở dân. Dân nghe theo là mình mạnh. Hiểu nguyện vọng của dân, sự cực khổ của dân. Hiểu tâm lý của dân, học sáng kiến của dân. Nhưng có những việc dân không muốn mà phải làm như tản cư, nộp thuế, những việc ấy phải giải thích cho dân rõ. Phải tôn kính dân, phải làm cho dân tin, phải làm gương cho dân. Muốn cho dân phục phải được dân tin, muốn cho dân tin phải thanh khiết.

5. Đối với đoàn thể: - Trước lúc mình vào đoàn thể nào phải hiểu rõ đoàn thể ấy là gì? Vào làm gì? Mỗi đoàn thể phải vì dân, vì nước. Khi vào đoàn thể, tự do cá nhân phải bỏ. Phải tuyệt đối phục tùng mệnh lệnh của đoàn thể. Phải tuyệt đối trung thành. Khi bình thời phải hết sức làm việc. Khi nguy hiểm phải hy sinh vì đoàn thể. Hy sinh tính mạng, lợi quyền, giữ danh giá của đoàn thể. Muốn giữ danh giá của đoàn thể phải giữ danh giá của mình. Không được báo cáo láo như: Làm thành một việc thì phóng đại, thất bại thì giấu đi.

Một đoàn thể mạnh thì cái tốt càng ngày càng phát triển, cái dở càng ngày càng bớt đi. Một điều tốt phải đưa ra tất cả mọi người cùng học, một điều xấu phải đưa ra tất cả mọi người cùng biết mà tránh.

Kháng chiến

Hai hòn đá cùng chọi nhau thì hai hòn cùng vỡ, hai cái trứng cùng chọi nhau thì hai cái cùng vỡ. Phải một cái cứng, một cái mềm thì khi chọi nhau một cái mới còn. Nên hai bên cùng dùng mưu trí.

Pháp có xe tăng, đại bác, thì ta phá đường. Pháp có máy bay thì ta đào hầm. Pháp muốn đánh chớp nhoáng thì ta kéo dài. Nhất định ta thắng!

Trang nhất Báo Chống Giặc (tháng 2 năm 1947) đưa tin: Hồ Chủ Tịch thắp hương miếu Triệu Tường, đình Gia Miêu nay thuộc xã Hà Long, huyện Hà Trung.

Một số hình ảnh tư liệu:

Báo Chống giặc - thông tin tranh đấu ngôn luận cơ quan UBKC Thanh Hóa (số Chủ nhật 23/2/1947) đưa tin:
Lần đầu tiên hơn 20 ngàn người dự cuộc mít-tinh đón tiếp Hồ Chủ Tịch.
Ánh chụp đình Gia Miêu năm 1990
B.B.T
Nguồn: Nhà xuất bản Thanh Hoá; Chủ tịch Hồ Chí Minh với nhân dân Thanh Hoá – Thanh Hoá làm theo lời dạy của người, năm 2008.