Bài nói chuyện của Chủ tịch Hồ Chí Minh với các đại biểu thân sỹ, trí thức, phú hào tỉnh Thanh Hoá (ngày 20 tháng 2 năm 1947)

Ngày 20-2-1947, lần đầu tiên Bác Hồ vào thăm Thanh Hóa và Thanh Hóa là địa phương đầu tiên trong cả nước vinh dự đón Bác Hồ.

Lần này là lần đầu tiên tôi đến thăm Thanh Hóa, được các ngài tới dự đông đúc, tôi lấy làm hân hạnh. Trước tôi tới thăm đồng bào, sau là tôi có nhiệm vụ báo cáo công việc kháng chiến. Đây tuy chưa phải chiến tranh, nhưng ai cũng biết nước ta có chiến tranh, nói gần thì từ 19 tháng 12 năm ngoái, xa thì từ 23 tháng 9 năm kia. Chắc ai cũng biết rằng ta không muốn chiến tranh, nhưng Pháp muốn gây chiến tranh với nước ta nên ta phải đánh.

Từ Nam chí Bắc, từ già tới trẻ, từ các dân tộc miền xuôi đến miền ngược, tất cả công dân nước Việt Nam đều phải góp sức đánh thực dân Pháp. Hẳn ta muốn hòa bình, nhưng thực dân Pháp muốn chiến tranh thì ta phải đánh đến cùng và biết cách đánh. Phải tri bỉ, tri kỷ, tình hình Pháp thế nào ta phải biết để đối phó.

Ở Pháp: Kinh tế khó khăn, phải vay một triệu tấn lúa mì của Mỹ; mỗi tháng thiếu 1 triệu tấn than, nhiều nhà máy đóng cửa, dân đói rét, chứ tình hình không sáng sủa gì.

Chính trị: Từ ngày nhờ đồng minh thoát khỏi ngoại xâm, thì cũng lôi thôi. Hai năm mới có một chính phủ mà tả kéo về tả, hữu kéo về hữu. Nhân dân Pháp thì họ đối với Việt Nam thế nào? 56% hòa bình, 34% muốn đánh. Tuy thế nhưng ta không nên khinh địch, thực dân còn mạnh, còn tàu bay, tàu bò, còn viện binh, ta thì thiên thời, địa lợi, nhân hòa, ta đủ để thắng nó.

Thiên thời: ít tháng nữa, giời nóng nực, Pháp không chịu nổi khí hậu, sẽ ngại dần, từ Nam chí Bắc đi tới đâu chỉ có tro tàn gạch vụn, Pháp đánh ban ngày nhưng ta lại đánh ban đêm.

Địa lợi: Ta ở đất ta, Pháp không quen đường đi.

Nhân hòa: Trừ một số Việt gian, còn 25 triệu dân ta đều muốn tự do.

Còn dư luận ở Trung Quốc, Ấn Độ, Nam Dương, Miến Điện, Tân Gia Ba đều cho là chính nghĩa, mà đến Pháp cũng đa số ngả về ta.

Cả ba: Thiên thời, địa lợi, nhân hòa đều lợi cho ta. Những cái lợi cho ta là hại cho địch, mà lợi cho địch là hại cho ta.

Địch có tàu bay, tàu bò, tàu thủy nhưng nó có chừng nên nó muốn đánh chớp nhoáng. Sét đánh không trúng, chớp soi không thấu thì hết cơn sấm sét là yên. Nhưng trong khi sấm sét thì ghê gớm lắm. Nó có thể dùng viện binh để đánh ta. Nó có thể đánh tràn nhưng số viện binh đó không thể tập trung vào một nơi cho nên nó không làm gì được ta. Nếu nó rải ra từ Nam Quan đến Cà Mau cũng chẳng làm gì được ta, ta càng dễ đánh. Nó dùng vũ khí tối tân thì ta đánh du kích, nó trên trời thì ta dưới đất. Ta trường kỳ kháng chiến thì ta thắng lợi.

Địch muốn làm cho chóng, muốn thắng nó ta phải toàn diện kháng chiến, toàn dân kháng chiến. Nó muốn thắng, nó chia rẽ ta cho lương ghét giáo, giáo ghét lương, xui Nam Bộ ghét Bắc Bộ.

Bây giờ nó lấy vũ lực ta không sợ. Nó lấy chính trị, ta không mắc mưu. Nó lấy kinh tế phong tỏa, thì ta lấy kinh tế ta đánh nó. Ta tăng gia sản xuất. Ta lợi hơn nó là nó không kéo dài được, mà ta thì có thể kéo dài. Bây giờ ta đã biết mưu mẹo của nó. Ta thử xem kinh nghiệm lúc xưa, tổ tiên ta, đức Lê Lợi, Hưng Đạo trong cuộc chiến đấu nhiều trận thắng, cũng nhiều trận bại, nhưng rồi ta vẫn thắng. Vì kiên gan và có sức đoàn kết. Khi kháng chiến rất cực khổ, rất gay go, rất khó khăn, nhưng sẽ thắng lợi.

Trước lúc tôi tới đây, tôi đã được thư cụ Lê Thước nói về công việc kiến thiết tỉnh Thanh Hóa thành một tỉnh kiểu mẫu. Trong lúc đang phá hoại nhà cửa, đường sá mà lại nói đến kiến thiết thì có trái nhau không? Không trái nhau, muốn kiến thiết phải phá hoại. Phá hoại để đấu tranh thắng lợi, rồi mới kiến thiết.

Nay tôi xin có mấy ý kiến, xin cống hiến về việc kiến thiết. Một tỉnh mô phạm chẳng những mô phạm ở một mặt mà còn phải ở nhiều mặt; kháng chiến khắp mọi mặt, kiến thiết khắp mọi mặt.

Tỉnh Thanh Hóa theo tôi, muốn trở thành một tỉnh kiểu mẫu, nhất định được vì người đông, đất rộng, của nhiều, chỉ còn thiếu sự điều khiển sắp đặt. Có ruộng phải cày cho có lúa, có người nhưng phải phân phối thế nào.

Nay tôi xin nói về từng ngành một:

Văn hóa: Không phải tôi chỉ nói điều tốt, điều hay, mà cũng phải nói sự thực, nói thực hay mất lòng.

Tỉnh Thanh Hóa có tiếng là văn vật, nhưng nay xét số người biết chữ còn ít hơn số người chưa biết chữ. Ngày xưa đi học biết chữ nho còn hàng mười năm mới đọc được, chứ nay chữ quốc ngữ chỉ 3 tháng mà còn nhiều người chưa biết chữ. Cái đó các nhà văn hóa phải chịu một phần trách nhiệm. Tôi có ý kiến ra kỳ hạn trong một năm phải thanh toán cho xong nạn mù chữ, các ngài thấy có được không? (Mọi người trả lời: Thưa được).

Chẳng những chỉ biết chữ mà còn phải học đạo đức công dân, phổ thông chính trị. Thứ hai, còn cần phải mở mang lớp trung học. Người già thì chết, người trẻ thì già. Chúng ta già thì chúng ta phải chết, ta phải chuẩn bị cán bộ. Trước học một đường, hành một nẻo. Nay, phải sửa chương trình làm sao để học thì hành được ngay. Đồng bào bây giờ phải biết chữ hết để trả lời cho thế giới biết nước ta là nước văn minh, ai cũng biết chữ.

Quân sự: Phá hoại triệt để, đào hầm trú ẩn để tránh nạn tàu bay. Đường sá, đường cái, đường xe lửa phải phá hoại hết. Những nhà cửa chắc chắn khi phá thì tiếc, nhưng nếu không phá thì khi giặc tới, nó lấy đặt đại bác thì nguy. Nhưng chỉ phá không thì nó cũng đánh được ta. Nói tiêu cực và tích cực, phá hoại là tiêu cực nhưng phải làm cả tích cực nữa. Ta phải tổ chức du kích, nó thò ra đâu ta đánh đó. Có người hỏi lấy súng đâu? Đánh du kích hễ có gì cũng được, súng chim, súng kíp, gậy, cày, cuốc.

Tóm lại:

1. Phá hoại.

2. Tổ chức du kích.

3. Đối với chiến sĩ đã lâm trận hãy sẵn sàng lâm trận, những người ấy đã hy sinh cho Tổ quốc thì đồng bào phải giúp đỡ cho gia đình ấy.

Chính trị: Cái sức mạnh vô địch mà ta có thể thắng quân địch giành độc lập, thống nhất là sự đoàn kết.

Ngày xưa có những sự xích mích phe phái nhưng nay Tổ quốc lâm nguy mà chia rẽ thì bất lợi.

Ta có cái thù chung là bọn cướp nước thì dù có cái thù hiềm riêng cũng phải bỏ hết. Bỏ thù riêng để trả thù chung, đó là giành thắng lợi.

Hành chính: Chính phủ Cộng hòa Dân chủ là gì? Là đầy tớ chung của dân, từ Chủ tịch toàn quốc đến làng. Dân là chủ thì Chính phủ phải là đầy tớ... Làm việc ngày nay không phải là để thăng quan, phát tài. Nếu Chính phủ làm hại dân thì dân có quyền đuổi Chính phủ. Nhưng khi dân dùng đầy tớ làm việc cho mình, thì phải giúp đỡ Chính phủ. Nếu Chính phủ sai thì phải phê bình, phê bình nhưng không phải là chửi.

Từ ngày thành lập Chính phủ, trong nhân viên còn có nhiều khuyết điểm.

Có người làm quan cách mạng, chợ đỏ, chợ đen, khinh dân, mưu vinh thân, phì gia. Từ một năm nay, nội hoạn, ngoại xâm không lúc nào không có, nên còn nhiều việc đáng làm mà Chính phủ Trung ương không làm được. Có nhiều cái biết là hay, nhưng còn việc gấp, phải làm gấp cái đã.

Xin đồng bào hãy phê bình, giúp đỡ giám sát công việc Chính phủ. Còn những việc làm, mà chưa làm được thì xin đồng bào nguyên lượng. Vì nếu có nấu cơm cũng 15 phút mới chín, huống chi là sửa chữa cả một nước đã 80 năm nô lệ, người tốt có, người xấu có, một đám ruộng có lúa lại có cỏ, muốn nhổ cỏ thì cũng vài ba giờ mới xong.

Tóm lại chính trị là:

1. Đoàn kết.

2. Thanh khiết từ to đến nhỏ.

Kinh tế: Thực dân Pháp phá kinh tế của ta, phong tỏa cả trong và ngoài. Ta phải làm tự cấp, tự túc, dù nó có phong tỏa 10 năm, 15 năm ta cũng không sợ. Muốn tăng gia sản xuất phải làm thế nào? Không phải Chính phủ bỏ 10 - 15 triệu để mở lò máy, làm cái này, cái khác. Phải đem hết sức dân, tài dân, của dân làm cho dân. Trước kia sức dân, của dân làm lợi cho đế quốc, nay đem làm lợi cho dân.

Ban tăng gia sản xuất phải giúp đỡ cho đồng bào, bày kế hoạch cho đồng bào làm thế nào cho đỡ tốn kém mà lợi nhiều. Thí dụ: Một làng dệt vải 10 khung, 10 nhà tốn dầu, tốn công đánh suốt, nay tổ chức lại làm một nhà đỡ đèn dầu v.v...

Về tăng gia sản xuất không phải đại điền chủ, đại thương gia, ai cũng có thể làm được. Thí dụ: Một em chăn bò mà chăn cho bò ăn, tìm chỗ có cỏ cho bò ăn, một em bé đi học, trước nó vẽ nhảm vào vở nay nó biết tiết kiệm giấy, trước viết bút chì sau sẽ viết bút mực, đó cũng là tăng gia sản xuất. Một bên cần một bên kiệm, ở ta nó là mới nhưng thực ra nó rất xưa, ở sách Đại học có câu: “Làm cho nhiều, tiêu thì ít, làm chóng tiêu chậm, tức là đầy đủ". Nghèo trở nên đủ, đủ trở nên giàu, giàu thì giàu thêm.

Nay phải đem ra mà làm ở nhà mình, tỉnh mình, nước mình. Làm cho mình khỏi đói rét, đồng bào mình khỏi đói rét tức là kháng chiến. Thêm một điều nữa: Hiện nước ta đang kháng chiến, từ đây ra Bắc có những nơi, thành thị thành chiến tuyến, có nhiều đồng bào tản cư không chịu ở lại với Pháp mà đi rất cực khổ, phần đông tay không, chân rời. Ở Hà Nội có nhiều người tay mình đốt nhà mình, phá nhà mình mà đi. Nay đồng bào hậu phương có ăn mà để họ đói, có áo mà để họ rét, có đúng không? Mong đồng bào ủng hộ đồng bào đó, giúp đỡ đồng bào tản cư tức là giúp đỡ kháng chiến, giúp cho kẻ có vốn để có thể tự lực được, kẻ không vốn thì giúp họ có công ăn việc làm, chỗ ở. Theo ý tôi, Thanh Hóa có một triệu dân, mỗi gia đình có 10 người tức là có 10 vạn gia đình. Mỗi gia đình giúp một người tản cư tức là có thể được 10 vạn người hay bớt bớt đi một nửa là 5 vạn hay ít nữa đi là 2 vạn rưỡi. Tôi mong đồng bào hết sức giúp đỡ đồng bào tản cư.

Tỉnh Thanh Hóa phải trở nên một tỉnh kiểu mẫu thì phải làm sao cho mọi mặt chính trị, kinh tế, quân sự phải là kiểu mẫu. Làm một người kiểu mẫu, một nhà kiểu mẫu, một làng kiểu mẫu, một huyện kiểu mẫu, một tỉnh kiểu mẫu. Quyết tâm làm thì sẽ thành kiểu mẫu. Một tỉnh kiểu mẫu, một nước kiểu mẫu, thì thế giới biết nước ta là một nước đáng được độc lập, dân tộc tự do, kháng chiến thắng lợi, thống nhất.

Nước Việt Nam là một nước Độc lập, dân tộc tự do, kháng chiến thắng lợi, thống nhất Độc lập thành công.

Tôi kêu gọi đồng bào trong tỉnh xắn tay áo làm đi, lần sau về đây, tôi sẽ thây mỗi người là một người kiểu mẫu.

Thanh Hoá kiểu mẫu

I - Mục đích:

Làm cho người nghèo thì đủ ăn.

Người đủ ăn thì khá giàu

Người khá giàu thì giàu thêm

Người nào cũng biết chữ.

Người nào cũng biết đoàn kết yêu nước.

II- Cách làm

Đem tài dân, sức dân, của dân, làm lợi cho dân.

Không phải Chính phủ xuất tiền ra làm.

Chính phủ chỉ giúp kế hoạch cổ động.

Vì vậy, những kế hoạch địa phương có thể tự thực hành được, cứ giúp cho đồng bào làm giàu dần, như hợp tác xã...

Việc gì cũng phải từ việc dễ đến việc khó, từ việc gấp đến việc hoãn, từ việc ít tốn tiền đến việc tốn nhiều tiền.

Nói tóm lại: Kế hoạch phải thiết thực, phải làm được. Chớ làm kế hoạch đẹp mắt, to tát, kể hàng triệu nhưng không thực hiện được.

Tăng gia sản xuất

1. Việc này Chính phủ làm một phần, để làm kiểu mẫu cho dân. Một phần đồng bào địa phương tự làm lấy, Chính phủ chỉ giúp ý kiến.

2. Phần Chính phủ làm:

a. Chính phủ xuất 2 triệu đồng (sẽ do Bộ Tài chính giao) để làm 2.000 mẫu đồn điền (công nhân, công cụ, súc vật, giống mạ...)

Nếu thí nghiệm này thành công sẽ làm thêm.

b. Chính phủ chỉ định một ban phụ trách về việc này: 7 vị

Cụ Lê Thước - Chủ nhiệm kiêm thủ quỹ

Anh Nhân, kiêm đốc lý 1.000 mẫu

Cù Huy Cận

Anh Bách

Đặng Việt Châu

Hai vị nữa do 5 vị trên cẩn thận cử thêm. Ban này sẽ có sắc lệnh của Chính phủ chuẩn y.

c. Hai đốc lý phân công nhưng phải mật thiết hợp tác. Nghĩa là mỗi  người chuyên trách 1.000 mẫu để thi đua nhau cho mau tiến bộ, nhưng về kinh nghiệm, dụng cụ, súc vật thì phải giúp lẫn nhau.

d. Kế hoạch chung thì Ban trị sự bàn với nhau.

e. Tiền tiêu chưa đến 1.000 đồng thì phải có biên lai hẳn hoi của đốc lý, quá 1.000 đồng thì phải có toàn ban ký.

f. Công nhân trong đồn điền phải có tổ chức:

Học quốc ngữ;

Học quân sự thường thức;

Học chính trị: yêu nước, đoàn kết kháng chiến...

Văn hoá

Đồng bào hạ du còn hơn 50% mù chữ. Đồng bào thượng du 90% mù chữ!

Chính phủ giao cho cụ Lê Thước và anh Đặng Thai Mai tổ chức một Ban Văn hóa (mời thêm những nhà trí thức danh vọng).

Trách nhiệm của Ban văn hóa: Làm sao cho đến tháng 6 năm 1947, số người mù chữ phải bớt 50%. Chính phủ phụ cấp một khoản tiền 100.000 đồng làm kinh phí do cụ Lê Thước giữ. Ban Văn hóa phải tìm những cách không cần tốn tiền mà học được, như "gia đình học hiệu", "tiểu giáo viên", cả làng chung gạo nuôi một thầy giáo... Không có giấy thì viết vào cát, không có bút thì dùng lẽ tre... không thiếu gì cách học mà không tốn tiền.

Ban tăng gia sản xuất Thanh Hóa cứ làm việc địa phương, rồi liên lạc với Ban tăng gia sản xuất Trung ương, cần có một kế hoạch dẫn thủy nhập điền cho 120.000 mẫu kia.”

Một số hình ảnh tư liệu:

Đài tưởng niệm Chủ tịch Hồ Chí Minh được xây dựng năm 1990 để ghi nhớ sự kiện Bác nói chuyện với cán bộ tỉnh Thanh Hóa
tại Rừng Thông ngày 20/2/1947.
 
Các cháu thiếu niên thị xã Thanh Hóa tổ chức báo công tại nơi Chủ tịch Hồ Chí Minh nói chuyện với nhân dân Thanh Hóa
ngày 20-2-1947, nhân kỷ niệm 100 năm ngày sinh nhật Người (19-5-1990)
Bút tích bài viết “Thanh Hoá kiểu mẫu của Chủ tịch Hồ Chí Minh được lưu trữ tại Bảo tàng Cách mạng Việt Nam”

B.B.T

Nguồn: Nhà xuất bản Thanh Hoá; Chủ tịch Hồ Chí Minh với nhân dân Thanh Hoá – Thanh Hoá làm theo lời dạy của người, năm 2008.