Những năm tháng hoạt động cách mạng của đồng chí Tố Hữu tại Thanh Hóa

Tháng 7/1942, Đồng chí Tố Hữu - người chiến sĩ cộng sản, nhà thơ cách mạng hàng đầu của dân tộc Việt Nam thế kỷ XX đã vượt ngục Đắk Lay (tỉnh Kon Tum) bí mật về hoạt động cách mạng tại Thanh Hóa. Những năm tháng hoạt động tại đây, đồng chí được bầu làm Bí thư Tỉnh ủy Thanh Hóa trong 2 thời kỳ: Từ tháng 3/1944 - 5/1945 và cuối năm 1946 - 9/1947.

Đồng chí Tố Hữu

Tố Hữu tên thật là Nguyễn Kim Thành, sinh ngày 4 tháng 10 năm 1920 tại làng Phù Lai, xã Quảng Thọ, huyện Quảng Điền, tỉnh Thừa Thiên Huế trong một gia đình nhà Nho nghèo. Tố Hữu là tên khi hoạt động cách mạng và bút danh khi sáng tác, bí danh là Lành.

Năm 13 tuổi, ông được gia đình cho vào học tại trường Quốc học Huế. Lớn lên giữa lúc phong trào đấu tranh cách mạng do Đảng Cộng sản Đông Dương lãnh đạo, đang phát triển mạnh mẽ trong thời kỳ Mặt trận dân chủ nên ông sớm được giác ngộ cách mạng. Năm 16 tuổi, ông gia nhập Đoàn Thanh niên Cộng sản và trở thành người lãnh đạo Đoàn Thanh niên Dân chủ ở Huế. Năm 17 tuổi, ông gia nhập Đảng Cộng sản Đông Dương. Năm 18 tuổi, ông được cử vào Thành ủy Huế phụ trách tuyên truyền và thanh vận.

Tháng 4 năm 1938, Tố Hữu bị thực dân Pháp bắt và bị kết án hai năm tù, giam ở Huế. Do đấu tranh chống chế độ nhà tù tàn bạo của thực dân Pháp, nên ông bị tăng án tù và đày đi Lao Bảo, rồi Buôn Mê Thuột, sau đó đi trại tập trung Đắk Lay (tỉnh Kon Tum). Từ những năm 1937 đến 1938 và suốt những năm tháng bị giam trong nhà lao, Tố Hữu vừa rèn luyện ý chí, vừa làm nhiều thơ ca cách mạng. Những bài thơ ấy sau này được tập hợp in lại dưới nhan đề “Từ ấy”.

Hồ sơ án của Tố Hữu lưu tại Sở mật thám Pháp năm 1942 trưng bày  tại Bảo tàng Thanh Hóa

Tháng 3 năm 1942, vượt ngục Đắk Lay, Tố Hữu bị giặc Pháp truy bắt khắp các tỉnh miền Trung. Trong khi đó, phong trào cách mạng ở Thanh Hóa vừa trải qua đợt khủng bố trắng tàn khốc của quân thù sau chiến khu Ngọc Trạo. Hầu hết cán bộ Tỉnh ủy, một bộ phận đảng viên cộng sản và các chiến sĩ du kích Ngọc Trạo đã bị địch bắt giữ, tra tấn, tù đày. Các đồng chí Lê Tất Đắc, Trịnh Ngọc Điệt, Hoàng Tiến Trình, Hoàng Xung Phong… những chiến sĩ cộng sản vừa thoát khỏi lao tù đế quốc đã tìm mọi cách chắp nối liên lạc với cơ sở Đảng trong tỉnh, thành lập lại Tỉnh ủy, củng cố lại phong trào.

Tháng 7/1942, Tỉnh ủy lâm thời Thanh Hóa được thành lập, do đồng chí Lê Tất Đắc làm Bí thư. Sau khi trốn khỏi nhà lao, Tố Hữu bí mật về hoạt động tại Thanh Hóa và được bổ sung vào đội ngũ cán bộ lãnh đạo của Đảng bộ.

Nhân ngày quốc tế chống chiến tranh (tháng 8/1942), Tỉnh ủy Thanh Hóa quyết định ra tờ báo “Đuổi giặc nước” đầu tiên. Tại một cơ sở cách mạng ở làng Thổ Phụ (huyện Vĩnh Lộc), Tố Hữu được Tỉnh ủy phân công vừa viết bài vừa biên tập. Tờ báo ra đời đã nhanh chóng thổi một luồng gió mới, đem lại cho quần chúng lao khổ niềm tin vào sức mạnh mới của Đảng, của nhân dân, được xem là vũ khí tư tưởng sắc bén để tập hợp, cổ vũ, hướng dẫn và tổ chức quần chúng đấu tranh cách mạng. Vì vậy, thực dân Pháp đã tiến hành truy quét, khủng bố Vĩnh Lộc và cơ quan phát hành báo. Tháng 3/1943, Tố Hữu và cơ quan phát hành báo phải chuyển về gia đình mẹ Tơm - một cơ sở cách mạng ở làng Hanh Cù (xã Hải Lộc, huyện Hậu Lộc).

Tờ báo Đuổi giặc nước số ra ngày 15/9/1944 hiện trưng bày tại Bảo tàng Thanh Hóa
Tráp cắt tóc của anh Sồ (con trai mẹ Tơm) dùng cắt tóc nuôi đ/c Tố Hữu và chuyển tài liệu cách mạng trưng bày tại Bảo tàng Thanh Hóa

Gia đình mẹ Tơm (tên thật là Nguyễn Thị Quyển) là một gia đình rất nghèo khổ, nhưng mẹ Tơm và chồng con đã hết lòng bảo vệ nuôi dưỡng cơ quan báo và cán bộ cách mạng. Sớm được đ/c Đinh Chương Dương và đ/c Đinh Chương Phượng giác ngộ, hai người con trai của mẹ Tơm là Vũ Văn Sồ và Vũ Đức Hậu cũng từ bỏ nghề đi chăn trâu thuê để làm nghề cắt tóc dạo, lấy tiền nuôi các cán bộ, đồng thời làm liên lạc, móc nối với các tổ chức phát báo, rải truyền đơn tuyên truyền cho cách mạng. Quân thù nhiều lần vây ráp, anh Sồ và anh Hậu bị bắt, bị tra tấn dã man, nhưng vẫn một lòng trung thành với Đảng, với nhân dân không khai báo gì. Để đảm bảo an toàn cho cơ quan, tờ báo phải chuyển đến cơ sở mới tại các huyện Nga Sơn, Hoằng Hóa, rồi lại quay về Hậu Lộc.

Tháng 2/1943, Tỉnh ủy triệu tập Hội nghị tại làng Thượng (xã Nga Thắng, huyện Nga Sơn) để nghe đồng chí Lê Tất Đắc báo cáo kết quả về việc gặp đại diện Ban Chấp hành Trung ương Đảng và quyết định những nhiệm vụ của Đảng bộ trong tình hình mới: Nhấn mạnh công tác xây dựng Đảng, phát triển Việt Minh và lực lượng vũ trang, phát động rộng rãi phong trào chống phát xít. Hội nghị này quyết định bổ sung đồng chí Tố Hữu vào Tỉnh ủy và phân công đồng chí phụ trách Hoằng Hóa.

Hoằng Hóa là một vùng đất có truyền thống yêu nước và cách mạng, Tố Hữu bàn với cụ Lê Quang Trường (xã Hoằng Tiến, Hoằng Hóa) quyết định xây dựng ngôi nhà của cụ thành một cơ sở quan trọng của Tỉnh ủy Thanh Hóa; Nhà của cụ Nguyễn Huy Soạn là cơ sở để tuyên truyền phát triển lực lượng cách mạng. Từ đó, nhiều cán bộ cách mạng thường lui tới đây để trao đổi tình hình và củng cố các cơ sở cách mạng.

Để mở rộng phong trào, dưới sự chỉ đạo của Tố Hữu, Ban vận động Việt Minh Hoằng Hóa được thành lập; Chi bộ Đảng huyện Hoằng Hóa ra đời (gồm 3 đ/c: Lê Khắc Cầm, Nguyễn Huy Soạn, Lê Khắc Duy). Nhiều cuộc đấu tranh của quần chúng liên tiếp nổ ra như: Cuộc đấu tranh chống quan lại lấn chiếm đất của người dân Hoằng Châu, chống bọn lý trưởng, hương lý đánh đập phu phen đắp đê Ngọc Xoa ở Hoằng Đạt. Đặc biệt là tháng 11/1943, có 2000 người ở các tổng phía Nam huyện đã biểu tình chống đi phu làm đường số 14.

Từ khi có Chi bộ Đảng, phong trào cách mạng trong toàn huyện nhanh chóng phát triển thành cao trào, góp phần đưa cách mạng lên tới đỉnh cao là cuộc khởi nghĩa ngày 24/7/1945 diễn ra mau lẹ, giành chính quyền thuận lợi, mở đầu công cuộc khởi nghĩa trong toàn tỉnh.

Tháng 3/1944, đồng chí Lê Tất Đắc được Ban Chấp hành Trung ương điều động đi công tác ở xứ ủy Bắc Kỳ, đồng chí Tố Hữu được cử làm Bí thư Tỉnh ủy Thanh Hóa.

Là một Bí thư trẻ, nhưng Tố Hữu đã xây dựng được khối đoàn kết vững chắc, phát huy được trí tuệ mọi người, tạo nên sức chiến đấu của Tỉnh ủy mạnh mẽ, đưa các phong trào của tỉnh tiến nhanh, mạnh đáp ứng yêu cầu cách mạng lúc bấy giờ. Ông cùng với các đồng chí trong Tỉnh ủy đề ra nhiều chủ trương xây dựng, củng cố phát triển Đảng, thành lập Ban Mặt trận Việt Minh tại các phủ, huyện; xây dựng lực lượng vũ trang cách mạng; lực lượng tự vệ chiến đấu, các tổ chức quần chúng cứu quốc; tổ chức nhiều phong trào mít tinh, biểu tình cho quần chúng đòi quyền lợi dân sinh dân chủ  như: Phong trào chống bắt phu, bắt lính, chống nhổ lúa, trồng đay, chống cướp bông; cướp kho thóc của Nhật - Pháp và bọn tay sai chia cho dân nghèo liên tiếp diễn ra sôi nổi, rộng khắp mọi miền quê.

Nhiều cuộc mít tinh thường được tổ chức vào ban đêm, ở nhiều địa điểm nhân các ngày lễ lớn như ngày mất của anh hùng dân tộc Lê Lợi, khởi nghĩa Bắc Sơn, khởi nghĩa Nam Kỳ v.v… trở thành các cuộc mít tinh tuyên truyền cho mặt trận Việt Minh. Tố Hữu đã tham gia và nói chuyện với nhân dân về truyền thống cách mạng cũng như lịch sử văn hóa, về các bậc tiền bối trong huyện mà ông cố gắng đi sâu tìm hiểu. Do đó quần chúng rất tin yêu và đi theo cách mạng.

Đầu năm 1945, thực hiện chủ trương của Xứ ủy Bắc Kỳ, các tỉnh Thanh Hóa, Hòa Bình, Ninh Bình góp sức xây dựng chiến khu Hòa - Ninh - Thanh (chiến khu Quang Trung) nhằm tạo ra chỗ dựa, chỉ đạo nhân dân ba tỉnh chuẩn bị lực lượng chớp thời cơ giành chính quyền, Tố Hữu đã tham gia Ban chỉ đạo chiến khu với cương vị Bí thư Tỉnh ủy Thanh Hóa.

Nhận thức rõ thời cơ khởi nghĩa giành chính quyền sắp đến gần, tháng 2/1945, Tỉnh ủy chủ trương đổi tờ báo “Đuổi giặc nước” thành tờ báo “Khởi nghĩa” - cơ quan ngôn luận của chiến khu Quang Trung, Tố Hữu trực tiếp làm Tổng biên tập. Tờ báo ra đời nhằm kịp thời động viên, chỉ đạo quần chúng nhân dân chuẩn bị điều kiện vùng lên.

Sau khi nhận được chỉ thị “Nhật - Pháp bắn nhau và hành động của chúng ta” của Trung ương Đảng, tháng 4/1945, Tỉnh ủy Thanh Hóa, dưới sự chủ trì của đồng chí Tố Hữu, đã tiến hành Hội nghị Đại biểu Đảng bộ tỉnh tại làng Vĩ Liệt (huyện Hà Trung) nhằm hướng dẫn phong trào cách mạng trong toàn tỉnh, “gấp rút chuẩn bị khởi nghĩa”.

Thực hiện chủ trương của Tỉnh ủy, quần chúng cách mạng xuống đường đấu tranh quyết liệt. Tại các làng, tổng, Mặt trận Việt Minh đã chỉ đạo lực lượng tự vệ hỗ trợ quần chúng cướp kho thóc của Nhật chia cho dân nghèo, tổ chức vay lương thực của nhà giàu cứu đói. Lực lượng vũ trang ngày đêm rèn, sắm vũ khí, tổ chức luyện tập quân sự đợi ngày khởi nghĩa. Tỉnh ủy chỉ đạo mở các lớp huấn luyện quân sự cho cán bộ các cấp, nhờ đó phong trào vũ trang kháng Nhật, cứu nước phát triển sâu rộng. Tất cả các địa phương trong tỉnh náo nức, khẩn trương chuẩn bị tiến tới tổng khởi nghĩa trên địa bàn toàn tỉnh.

Trong khi đang cùng Tỉnh ủy chỉ đạo toàn dân chuẩn bị mọi điều kiện gấp rút khởi nghĩa thì tháng 5/1945, Tố Hữu được Trung ương điều động về miền Trung. Mọi công việc đồng chí bàn giao lại cho đồng chí Trịnh Ngọc Điệt - quyền Bí thư Tỉnh ủy Thanh Hóa rồi lên đường nhận nhiệm vụ mới.

Năm 1946, Tố Hữu ra Trung ương phụ trách công tác văn hóa và thanh niên. Đến tháng 12/1946, Tố Hữu được điều về làm Bí thư Tỉnh ủy Thanh Hóa lần thứ hai. 

Lần thứ hai làm Bí thư Tỉnh ủy Thanh Hóa, Tố Hữu nhận nhiệm vụ cùng Tỉnh ủy xây dựng Thanh Hóa thành một tỉnh hậu phương chiến lược khi cuộc kháng chiến chống thực dân Pháp nổ ra. Lần này đồng chí Bí thư Tỉnh ủy phải lo việc cứu đói, chống giặc dốt và chuẩn bị mọi mặt cho cuộc kháng chiến trường kỳ, phải phá hủy đường giao thông, cầu cống, thành phố để ngăn chặn bước tiến của quân thù.

Ngày 20/2/1947, Tố Hữu vinh dự cùng với đồng bào, đồng chí đón Bác Hồ về thăm Thanh Hóa lần đầu tiên. Trong buổi nói chuyện này, Bác đã căn dặn: “Thanh Hóa phải trở nên một tỉnh kiểu mẫu…phải làm sao cho mọi mặt: Chính trị, quân sự, kinh tế, văn hóa phải là kiểu mẫu… Quyết tâm làm thì sẽ trở thành kiểu mẫu.…Nhân tố cơ bản làm cho Thanh Hóa trở thành tỉnh kiểu mẫu là đội ngũ cán bộ phải có năng lực, phẩm chất ngang tầm với nhiệm vụ chính trị, toàn dân phải chung sức, chung lòng vì sự nghiệp kháng chiến, kiến quốc…

Thời gian trở lại làm việc với cán bộ và đồng bào Thanh Hóa chưa được bao lâu, đến tháng 9/1947, Ông lại được Trung ương Đảng điều động lên chiến khu Việt Bắc với vai trò mới.

Từ khi trở thành cán bộ cao cấp của Đảng và nhà nước, Tố Hữu thường xuyên quan tâm chỉ đạo, giúp đỡ sự nghiệp cách mạng trên quê hương Thanh Hóa. Ông đã để lại trong lòng Đảng bộ, nhân dân Thanh Hóa nhiều tình cảm hết sức cao đẹp. Bởi chính nơi đây, được ông gắn bó một phần máu thịt và yêu quý như quê hương thứ hai của mình.

“Gió thu lại gọi về Thanh
Quê em mà cũng quê anh từ nào”
Đường vào khu Bốn, vào Thanh
Không đi thì nhớ không đành, phải đi”.
 Nguyễn Thị Thắm
(Phòng Trưng bày – Tuyên truyền)
TLTK: Những chiến sĩ cách mạng trung kiên tỉnh Thanh Hóa tập I Nhà xuất bản Thanh Hóa - 2010.
Tố Hữu nhớ lại một thời Nhà xuất bản văn hóa - thông tin Hà Nội - 2002.
Trường Đại học Hồng Đức Tố Hữu nhà thơ lớn của nhân dân Nhà xuất bản chính trị Quốc gia Hà Nội - 2005.