Những kết quả nổi bật của Bảo tàng tỉnh Thanh Hóa sau 5 năm triển khai thực hiện Đề án

Năm 2010, được sự quan tâm của lãnh đạo các cấp, Bảo tàng đã thực hiện Đề án “Sưu tầm, bảo quản, chỉnh lý hình thức trưng bày Bảo tàng Thanh Hóa giai đoạn 2010 - 2020”, Bảo tàng đã tập trung triển khai thực hiện đề án và đã gặt hái được nhiều kết quả đáng phấn khởi trong tất cả các lĩnh vực.

Bảo tàng đã tích cực tổ chức nhiều hoạt động chuyên môn đạt kết quả tốt, chất lượng ngày càng được nâng cao như: Đẩy mạnh và nâng cao chất lượng hoạt động trưng bày- tuyên truyền, hoàn thành việc tu sửa và đóng mới tủ, bục đựng hiện vật, đầu tư hệ thống trang thiết bị hiện đại, phục vụ công tác bảo quản phòng ngừa hiện vật. Thực hiện thành công dự án bảo quản trị liệu và tu sửa hiện vật bảo tàng. Công tác sưu tầm được quan tâm, đã bổ sung nhiều hiện vật quý cho kho cơ sở và phục vụ các cưộc trưng bày. Cảnh quan môi trường của Bảo tàng có nhiều khởi sắc, từng bước đáp ứng nhu cầu của công chúng tham quan, học tập tại bảo tàng.

- Về cơ sở vật chất: Bộ mặt của Bảo tàng đã thay đổi khang trang, sạch đẹp hơn sau khi thực hiện Dự án: “Cải tạo, sửa chữa, nâng cấp công trình Bảo tàng tỉnh Thanh Hóa”, hệ thống kho và các phòng trưng bày được cải tạo, nâng cấp, khu vực trưng bày ngoài trời và sân vườn Bảo tàng được quy hoạch, chỉnh trang, nâng cấp nên không còn tình trạng ngập úng mỗi khi mưa gió, bão lụt.

- Về công tác sưu tầm hiện vật: Bảo tàng đã chú trọng việc nghiên cứu, khảo sát, sưu tầm hiện vật đồng thời mua được nhiều hiện vật, cổ vật quý hiếm, có giá trị lịch sử để bổ sung kho cơ sở và phục vụ các phòng trưng bày, với số lượng trên 1000 đơn vị hiện vật vừa phong phú về loại hình, vừa đa dạng về chất liệu (trong đó có gần 30 trống đồng các loại và nhiều sưu tập cổ vật gốm, sứ quí hiếm).

- Về công tác Kiểm kê- Bảo quản: Bảo tàng đã mua mới trang thiết bị hiện đại, đặc chủng để bảo quản hiện vật như: Tủ lạnh âm sâu, tủ chống ẩm, máy hút ẩm, máy điều hòa, máy đo nhiệt độ, độ ẩm…Hệ thống tủ, bục đựng hiện vật được đóng bổ sung mới và sửa chữa, nâng cấp những tủ cũ đã xuống cấp, xập xệ, cùng với sự sắp xếp hiện vật một cách khoa học của cán bộ kiểm kê- bảo quản, đến nay hiện vật ở hệ thống kho ngăn nắp, lôgic, bước đầu hình thành kho mở để phục vụ các đoàn khách nghiên cứu (tuy nhiên để trưng bày kho mở Bảo tàng phải có diện tích lớn hơn rất nhiều). Các đoàn khách khi tham quan, nghiên cứu hiện vật ở kho đều đánh giá rất cao về giá trị hiện vật, cũng như cách sắp xếp hiện vật ở Bảo tàng Thanh Hóa. Các tư liệu, hiện vật được ghi chép, lập hồ sơ đầy đủ theo quy định, đảm bảo tính khoa học, có hệ thống, đã thuận tiện trong quá trình nghiên cứu thông tin, khai thác thông tin hiện vật.

Đặc biệt để phục vụ tốt công tác trưng bày và lưu giữ lâu dài hiện vật, Bảo tàng đã thực hiện 2 dự án bảo quản trị liệu và tu sửa hiện vật bảo tàng. Kết thúc Dự án, đã bảo quản được gần 21.000 đơn vị hiện vật các loại, đảm bảo chất lượng, đúng quy trình kỹ thuật, đảm bảo yêu cầu khoa học bảo quản, được các chuyên gia và nhà khoa học đánh giá cao tại Hội nghị khoa học báo cáo nghiệm thu kết quả công tác bảo quản trị liệu, tu sửa hiện vật bảo tàng. Đồng thời cán bộ Bảo tàng đã được chuyển giao, tiếp nhận công nghệ bảo quản hiện vật để thực hiện công tác bảo quản hiện vật.

- Về công tác Trưng bày- Tuyên truyền:  Bảo tàng luôn quan tâm, chú trọng  công tác trưng bày- tuyên truyền, đến nay hệ thống trưng bày của Bảo tàng đã có 6 phòng trưng bày được đầu tư chỉnh lý, nâng cấp hoàn chỉnh cả về nội dung và hình thức, đáp ứng yêu cầu khách tham quan và học tập. Đó là các phòng trưng bày: “ Thanh Hóa thời Tiền sử- Sơ sử”; “ Thanh Hóa thời kỳ đấu tranh giành độc lập dân tộc từ thế kỷ X-XIX”;  "Truyền thống yêu nước và cách mạng Thanh Hóa (1858 - 1945)"; “Thanh Hoá trong sự nghiệp xây dựng và bảo vệ đất nước, giai đoạn 1945 - 1975”; “ Trống đồng phát hiện ở Thanh Hóa” và phòng trưng bày “Đặc trưng văn hóa dân tộc Mường ở Thanh Hóa” kịp thời phục vụ năm du lịch Quốc gia năm 2015- Thanh Hóa. Đồng thời nâng cao công tác tuyên truyền, quảng bá hoạt động bảo tàng đến công chúng, nhất là các đối tượng học sinh, sinh viên.

 Với những thay đổi cả về chất và lượng của Bảo tàng, hy vọng trong những năm tới, Bảo tàng sẽ cố gắng nỗ lực vươn lên hoàn thành tốt nhiệm vụ chuyên môn và tiếp tục nhận được sự quan tâm, chỉ đạo của các cấp lãnh đạo về nguồn kinh phí hoạt động và Bảo tàng sớm được ra địa điểm mới rộng rãi, khang trang hơn, đáp ứng yêu cầu về không gian trưng bày, về kho lưu giữ hiện vật, về kho mở… xứng tầm với một tỉnh có bề dày lịch sử  nhằm phục vụ khách tham quan, nghiên cứu và học tập, đáp ứng nhu cầu hưởng thụ văn hóa ngày càng cao hơn của công chúng khi đến với Bảo tàng.

Một số hình ảnh tư liệu:
Đ/c Trịnh Văn Chiến – Bí thư Tỉnh ủy và đoàn cán bộ cấp tỉnh tham quan và làm việc tại Bảo tàng ngày 21/8/2015
Đoàn cựu chiến binh huyện Thọ Xuân tham quan Bảo tàng ngày 07/5/2015
Đoàn cán bộ Viện Khảo cổ học Việt Nam nghiên cứu hiện vật văn hóa Đông Sơn ngày 11/6/2015
Trung tâm nghiên cứu Phật giáo Thái Lan nghiên cứu về Văn hóa Đông Sơn và sự giao lưu với văn hóa Hán ngày 27/12/2015

Minh Luận