Từ ngày 18 đến ngày 30-12-1972: Chiến dịch Điện Biên Phủ trên không

Chiến dịch Hồ Chí Minh lịch sử mùa xuân năm 1975 là một mốc son chói lọi đánh dấu thắng lợi hoàn toàn cuộc kháng chiến chống đế quốc Mỹ xâm lược của dân tộc ta. Để đi đến thắng lợi cuối cùng, dân tộc ta đã phải trải qua biết bao khó khăn, gian khổ, mất mát và hy sinh, đồng thời cũng đã lập nên biết bao chiến công hiển hách. “Điện Biên Phủ trên không” là một trong những chiến công như thế.

“Điện Biên Phủ trên không” là cụm từ mà báo chí phương Tây ngày ấy đã đưa ra để diễn tả thất bại của cuộc tấn công chiến lược của đế quốc Mỹ ở thủ đô Hà Nội - chiến dịch Linebacker II - chiến dịch quân sự cuối cùng của Hoa Kỳ chống lại Việt Nam Dân chủ Cộng hòa trong chiến tranh Việt Nam.

Kéo dài từ ngày 18-12 đến ngày 30-12-1972, chiến dịch này là sự nối tiếp của chiến dịch ném bom Linebacker diễn ra từ tháng 4 đến tháng 12-1972.

Máy bay B.52 ném bom tàn phá Hà Nội trong Chiến dịch Linebacker II từ ngày 18/12 đến 30/12/1972.

Những ngày giữa tháng chạp năm 1972, tình hình diễn biến rất khẩn trương, sôi động. Ngày 13 tháng 12, trước thái độ ngoan cố, lật lọng của chính quyền Mỹ, Hội nghị Paris đi vào bế tắc. Ngày 14-12, Níchxơn chính thức phê chuẩn kế hoạch tập kích chiến lược bằng B.52 vào Hà Nội, Hải Phòng với mật danh Linebacker II - một kế hoạch đã được chuẩn bị rất kỹ từ trước. Theo kế hoạch, một lực lượng lớn không quân Mỹ sẽ tiến hành đánh phá dữ dội vào các mục tiêu ở miền Bắc Việt Nam liên tục 24/24 giờ; các máy bay ném bom chiến lược B.52 sẽ hoạt động về ban đêm; máy bay chiến thuật vừa làm nhiệm vụ yểm trợ cho máy bay B.52, vừa sử dụng vũ khí, khí tài điều khiển bằng tia lade để công kích, chế áp mạnh các mục tiêu, đặc biệt là sân bay, trận địa tên lửa, trận địa pháo phòng không, tạo điều kiện cho B.52 hoạt động. Đồng thời, các loại máy bay F-4, EB-66 tiến hành gây nhiễu, chống khí tài điện tử tầm xa. Máy bay F-105 được trang bị tên lửa chặn chùm tín hiệu hướng dẫn tên lửa SAM-2 của ta và bám theo chùm tín hiệu này để đánh phá các trận địa rađa mặt đất. Toàn bộ lực lượng không quân chiến lược, không quân chiến thuật của Mỹ ở khu vực Đông Nam Á, Thái Bình Dương đều được huy động vào chiến dịch tập kích chiến lược này.

Cùng với việc mở chiến dịch tập kích chiến lược bằng đường không nhằm vào Hà Nội, Hải Phòng, Tổng thống Mỹ lệnh cho không quân và hải quân tiếp tục nỗ lực bao vây, phong tỏa vùng biển miền Bắc, tập trung vào cảng Hải Phòng. Níchxơn đích thân theo dõi, kiểm soát toàn bộ quá trình chuẩn bị và thực hành chiến dịch này.

Hai ngày 15 và 16-12, cường độ hoạt động trinh sát đường không của máy bay Mỹ trên vùng trời Hà Nội, Hải Phòng tăng lên đột ngột. Ngày 17-12-1972, chúng bắn phá, khiêu khích và thả thủy lôi xuống vùng ven biển Hải Phòng từ cửa Nam Triệu đến đảo Cát Bà. Bộ Tổng Tham mưu của ta lệnh cho Quân chủng Phòng không - Không quân chuyển toàn bộ lực lượng vào trạng thái sẵn sàng chiến đấu cao nhất, đề phòng B.52 đánh đêm từ vĩ tuyến 20 trở ra.

Ngày 18-12, trên toàn chiến trường Đông Dương, hoạt động của máy bay B.52 đột ngột ngừng hẳn. Theo lệnh của Bộ Tổng Tư lệnh, tất cả các lực lượng cao xạ, tên lửa, không quân, pháo binh, rađa lập tức chuyển sang trạng thái sẵn sàng chiến đấu cao. Các cơ quan trung ương được lệnh sơ tán lập tức khỏi Hà Nội. 19 giờ 10 phút, rađa cảnh giới của ta phát hiện các tốp B.52 đang bay vào vùng trời miền Bắc. 19 giờ 15 phút, lệnh báo động khẩn cấp được phát ra. Ít phút sau, máy bay F.111 ập tới ném bom sân bay Nội Bài, Kép…Từ 19 giờ 40 phút, nhiều tốp máy bay B.52 (mỗi tốp 3 chiếc) được hàng trăm máy bay cường kích và máy bay tiêm kích hộ tống đã tới vùng trời Hà Nội, ồ ạt ném bom xuống khu vực sân bay Nội Bài, Kép, Đông Anh, Yên Viên, Gia Lâm, Hòa Lạc, kho xăng Đức Giang, nhà máy xe lửa Gia Lâm, Đài Phát thanh Tiếng nói Việt Nam ở Mễ Trì... Cùng lúc, toàn bộ hệ thống sân bay miền Bắc cũng bị không quân chiến thuật Mỹ oanh tạc. Cùng thời gian đó, 26 lần chiếc máy bay cường kích hải quân Mỹ đánh phá thành phố Hải Phòng. Trên địa bàn Thái Nguyên, đêm 18 và ngày 19-12, máy bay Mỹ F.111 và F.4 bắn tên lửa xuống các xã Đoàn Kết (Đại Từ), Hợp Thành.

Siêu pháo đài bay B.52.

Với mục đích ngăn chặn máy bay MIG của không quân ta - một đối thủ nguy hiểm cho B.52, Mỹ đã sử dụng máy bay F.111 và các máy bay cường kích chiến thuật khác tiến công chế áp 6 sân bay chủ yếu trên miền Bắc là Nội Bài, Kép, Kiến An, Hòa Lạc, Yên Bái, Gia Lâm. Đồng thời, chúng sử dụng nhiễu dày đặc cả trong và ngoài đội hình khiến cho việc phát hiện mục tiêu của hệ thống hỏa lực phòng không mặt đất gặp nhiều khó khăn.

Mặc dù vậy, được chuẩn bị từ sớm và phán đoán đúng âm mưu, hành động của địch nên từ đầu, quân dân Hà Nội, Hải Phòng và các địa phương miền Bắc đã giành thế chủ động, đánh trả ác liệt. Không quân được lệnh xuất kích, chặn đánh máy bay chiến thuật ở vòng ngoài. Hỏa lực phòng không mặt đất tầm thấp và tầm trung tạo thành lưới lửa buộc máy bay cường kích của địch phải tăng độ cao. Khắc phục nhiễu dày đặc và tên lửa địch bám đánh, các đơn vị rađa vẫn phát sóng, bám sát mục tiêu B.52.

20 giờ 13 phút, từ trận địa biên thành Cổ Loa, kíp chiến đấu của Tiểu đoàn 59 (thuộc Trung đoàn 261) đã bám sát dải nhiễu, phóng đạn từ cự ly thích hợp, bắn rơi chiếc B.52 đầu tiên. Đây là chiếc B.52 bị bắn rơi tại chỗ trong chiến dịch. 4 giờ 30 phút, kíp chiến đấu của Tiểu đoàn 77 (thuộc Trung đoàn 257) bắn rơi chiếc máy bay B.52 thứ hai. Trên đường bay về căn cứ, một chiếc B.52 khác cũng bị tên lửa của Trung đoàn 267 bố trí ở Nghệ An bắn cháy.

Suốt 9 giờ chiến đấu liên tục, lực lượng phòng không Hà Nội, Hải Phòng và các địa phương trên miền Bắc đã bắn rơi 7 chiếc máy bay, trong đó có 3 chiếc B.52 và 1 chiếc F.111 của Mỹ.

Sáng 19-12, Bộ Chính trị họp, nghe Bộ Tổng Tham mưu báo cáo toàn bộ diễn biến trận đánh B.52 đêm đầu tiên. Bộ Chính trị biểu dương tinh thần đánh Mỹ của các đơn vị và địa phương, đồng thời chỉ thị kiên quyết đập tan các hành động quân sự của đế quốc Mỹ.

Máy bay của không quân Việt Nam xuất kích tiêu diệt máy bay Mỹ.

Các ngày 19 và 20-12, máy bay chiến thuật Mỹ tiếp tục đánh phá các mục tiêu ở Hà Nội, Yên Bái, Quảng Ninh, Thái Nguyên. Trong đêm 19, 20-12, mỗi đêm gần 100 lần chiếc máy bay B.52 liên tục dội bom xuống Hà Nội, trong lúc hàng trăm lượt máy bay chiến thuật đánh phá Hải Phòng, Thái Nguyên, Bắc Giang, Tân Lạc (Hòa Bình). Đêm 19, bộ đội tên lửa bắn rơi 2 chiếc máy bay B.52 trên vùng trời Hà Nội. Đêm 20-12, khắc phục thời tiết xấu, không quân ta xuất kích, đánh vào đội hình máy bay yểm trợ của địch, buộc chúng phải dãn ra đối phó. Nhằm đúng thời cơ, tên lửa phòng không tập trung đánh vào các tốp B.52, đồng thời cao xạ đánh mạnh vào máy bay chiến thuật của địch. Lúc 20 giờ, khi máy bay B.52 của địch bay vào đánh Hà Nội, các tiểu đoàn tên lửa 77, 78, 79, 88, 93, 94 phát huy hỏa lực, tập trung đánh vào từng tốp, liên tiếp bắn rơi 5 chiếc B.52.

Qua hai ngày đêm (19 và 20-12), hỏa lực phòng không mặt đất đã bắn hạ 6 chiếc B.52 và 14 chiếc máy bay chiến thuật của địch. Bị tổn thất nặng nề, từ đêm 21 đến đêm 24-12, địch chỉ sử dụng trên dưới 30 lần chiếc B.52 đánh phá các mục tiêu vòng ngoài.

Đêm 21-12, bằng cách sử dụng tên lửa tập trung, ta bắn rơi 7 máy bay B.52, có 5 chiếc rơi tại chỗ. Trên vùng trời Hải Phòng, đêm 20-12, lực lượng phòng không bảo vệ thành phố đã chuyển từ cách đánh phân tán, dàn đều sang tập trung hỏa lực đánh địch trên từng hướng đã bắn rơi 3 chiếc máy bay chiến thuật và bắt sống giặc lái.

Để tăng cường lực lượng bảo vệ Thủ đô Hà Nội, Bộ Quốc phòng điều động hai Tiểu đoàn 71 và 72 tên lửa (thuộc Trung đoàn 285) từ Hải Phòng nhanh chóng cơ động lên Hà Nội, bố trí trên các hướng Đông, Đông Bắc; hai Trung đoàn cao xạ 223, 262 từ Thanh Hóa hành quân ra Thủ đô, tăng thêm lực lượng bảo vệ các trận địa tên lửa. Tính đến ngày 21-12, lực lượng pháo cao xạ bảo vệ Hà Nội lên tới 7 trung đoàn.

Xác chiếc máy bay B.52 của Mỹ bị quân và dân Thủ đô Hà Nội bắn rơi ngày 22-12-1972.

Đêm 21 rạng ngày 22, trong vòng 4 phút, với 17 quả đạn, bộ đội tên lửa Hà Nội đã bắn rơi tại chỗ 3 chiếc B.52, bắt sống 8 giặc lái. Đêm 22 rạng ngày 23, Sư đoàn 363 bảo vệ thành phố Hải Phòng đã bắn cháy 2 chiếc B.52. Đêm 24, Trung đoàn 256 pháo cao xạ 100mm bảo vệ thành phố Thái Nguyên đã bắn rơi 1 chiếc B.52.

Trong các ngày 23 và 24-12, các biên đội máy bay MIG-21 của ta xuất kích, bắn rơi 1 chiếc F-4. Tuy vậy, cho đến thời điểm này, máy bay của ta vẫn chưa tiếp cận được B.52 của địch.

Nhận định sau ngày 25-12, địch sẽ dùng lực lượng lớn đánh ồ ạt vào Hà Nội, Hải Phòng bằng các thủ đoạn tàn bạo và thâm độc hơn, Bộ Tổng tham mưu chỉ thị cho Bộ Tư lệnh các quân khu, Quân chủng Phòng không - Không quân tranh thủ lúc địch ngừng đánh phá, khẩn trương củng cố lực lượng, chuẩn bị mọi mặt, quyết giành toàn thắng cho chiến dịch. Bộ Tư lệnh Quân chủng Phòng không - Không quân đưa thêm 2 tiểu đoàn tên lửa dự bị (thuộc Trung đoàn 274) vào chiến đấu, tăng số đơn vị tên lửa bảo vệ Hà Nội từ 9 tiểu đoàn lên 13 tiểu đoàn.

Phố Khâm Thiên, khu phố Đống Đa - thành phố Hà Nội bị bom Mỹ tàn phá ngày 26-12-1972.

Ngày 26-12, chiến dịch tập kích Hà Nội, Hải Phòng của không quân Mỹ tiếp tục. Ban ngày, máy bay cường kích đánh phá khu vực Đông Anh (Hà Nội), Hải Phòng, Thái Nguyên, sục tìm trận địa tên lửa và sân bay dã chiến của ta. Đêm 26-12, địch huy động 129 lần chiếc máy bay B.52 và hàng trăm lần chiếc máy bay chiến thuật ồ ạt tiến công Hà Nội, Hải Phòng, Thái Nguyên. Trong khi các tốp B.52 trút bom đạn xuống mục tiêu, máy bay F.111 lao vào đánh phá sân bay, F.4 và F.105 chế áp mạnh các trận địa tên lửa phòng không của ta.

Dồn lực lượng đánh đòn quyết định, đế quốc Mỹ trút xuống Hà Nội một khối lượng lớn bom đạn, gây cho ta thiệt hại nặng nề về người và của. Hơn 100 điểm của thành phố bị bom Mỹ đánh trúng. Hàng trăm người chết, hàng ngàn người bị thương. Các khu đông dân cư như phố Khâm Thiên, khu lao động Tương Mai, Mai Hương, Bệnh viện Bạch Mai… bị đánh phá có tính chất hủy diệt. Riêng phố Khâm Thiên, bom B.52 đã sát hại 300 người, phá sập 2.000 căn nhà. Tại Hải Phòng, 11 tiểu khu ở Hồng Bàng, Lê Chân và một số xã ngoại thành bị hàng ngàn quả bom B.52 rải thảm.

Máy bay B.52 bị quân dân thủ đô bắn rơi bốc cháy dữ dội trên bầu trời Hà Nội lúc 22h45’ ngày 26/12/1972.

Trên vùng trời Hà Nội, Hải Phòng, lưới lửa phòng không dày đặc đã giáng trả mạnh mẽ, quyết liệt và hiệu quả không lực Hoa Kỳ. Các chiến sĩ rađa đã phát sóng, lọc qua những lớp nhiễu dày đặc của địch, tìm bám mục tiêu B.52. Các biên đội máy bay MIG xuất kích cản phá, gây rối đội hình máy bay yểm trợ các tốp B.52. Từ các trận địa tên lửa, pháo cao xạ và súng máy cao xạ, hỏa lực tầm cao, tầm trung và tầm thấp của ta liên tục nhả đạn. Phía Tây Bắc Hà Nội, lúc 22 giờ 30 phút, các tiểu đoàn tên lửa 76, 57 và 88 sử dụng hỏa lực tập trung đánh mạnh vào tốp B.52 đầu tiên lao vào, hạ 1 chiếc B.52 tại chỗ. Trên các hướng Tây Bắc, Đông Bắc và Tây Tây Bắc, tên lửa của tiểu đoàn 78, 79, 88, 87, 57 và 94 bắn hạ hai chiếc B.52. Suốt hơn 1 giờ kiên cường đánh trả quyết liệt, quân và dân Hà Nội, Hải Phòng, Thái Nguyên đã hạ 18 máy bay, trong đó có 8 chiếc B.52, bắt sống một số giặc lái.

Những đêm tiếp theo, số phi vụ hoạt động của B.52 sụt hẳn, mỗi đêm chúng chỉ cho từ 50 đến 60 lượt cất cánh. Đêm 27-12, địch huy động 54 lần. Đêm 28, ngoài một số phi vụ đánh xuống Hà Nội, B.52 tản ra đánh các mục tiêu ở Vĩnh Phú, Đồng Mỏ, Quảng Bình. Đêm 29, chúng huy động 60 lần chiếc đánh vào Thái Nguyên, Đồng Mỏ (Lạng Sơn), Vĩnh Phú.

Kiên quyết tấn công địch, đêm 27-12, không quân ta xuất kích, đánh địch trên vùng trời Sơn La, bắn hạ 1 chiếc B.52. Cũng trong đêm 27, bộ đội tên lửa bảo vệ Hà Nội bắn hạ 4 máy bay B.52.

Ngày 28-12, địch huy động máy bay chiến thuật đánh ngày và 60 lần chiếc B.52 đánh đêm. Các sân bay Nội Bài, Kép, Yên Bái, Gia Lâm bị địch công kích. Sở Chỉ huy Binh chủng Không quân bí mật cơ động máy bay MIG-21 vào Cẩm Thủy. 21 giờ 41 phút ngày 28-12, đồng chí Vũ Xuân Thiều cất cánh từ sân bay Cẩm Thủy, bay men theo các triền núi hiểm trở, được sở chỉ huy đặt ở Thọ Xuân dẫn vòng ra phía sau đội hình B.52. Đến vùng trời Sơn La, Vũ Xuân Thiều phát hiện mục tiêu ở cự ly gần, bất ngờ tăng tốc, áp sát mục tiêu, bắn rơi 1 chiếc B.52.

Đêm 29-12, quân và dân miền Bắc bắn rơi thêm 1 chiếc B.52 và 1 chiếc F.4. Đây là trận đánh kết thúc chiến dịch 12 ngày đêm “Điện Biên Phủ trên không” bảo vệ Thủ đô Hà Nội cuối tháng chạp năm 1972.

Đến 7 giờ sáng ngày 30-12-1972, Chính phủ Mỹ buộc phải đơn phương tuyên bố ngừng ném bom miền Bắc từ vĩ tuyến 20 trở ra và đề nghị ta nối lại đàm phán ở Paris.

Như vậy là trong 12 ngày đêm, Mỹ đã sử dụng 663 lần chiếc B.52 và 3.920 lần chiếc máy bay chiến thuật; trút xuống Hà Nội, Hải Phòng và một số thành phố, thị xã trên miền Bắc nước ta hơn 100 ngàn tấn bom đạn; hủy diệt nhiều phố xá, làng mạc, phá sập 5480 ngôi nhà… Riêng Thủ đô Hà Nội, không quân Mỹ đã sử dụng 441 lần chiếc B.52 và hơn 1000 lần chiếc máy bay cường kích các loại. Số lượng bom đạn Mỹ ném xuống Hà Nội trong 12 ngày đêm lên tới 4 vạn tấn. Đây thực sự là cuộc tập kích chiến lược bằng không quân với quy mô chưa từng có trong lịch sử chiến tranh.

Trong 12 ngày đêm “Điện Biên Phủ trên không” quân và dân ta đã bắn rơi 81 máy baycủa Mỹ, trong đó có 34 chiếc B.52, 5 máy bay F.111 và 42 máy bay chiến thuật các loại, diệt và bắt sống nhiều giặc lái Mỹ.

Đập tan cuộc tập kích chiến lược của không quân Mỹ trên vùng trời Hà Nội, Hải Phòng trong 12 ngày đêm cuối năm 1972, quân và dân miền Bắc đã chứng tỏ bản lĩnh, ý chí và trí tuệ Việt Nam. Đây là chiến dịch phòng không đạt tới mức tiêu diệt cao nhất trong cuộc chiến đấu bảo vệ miền Bắc cũng như trong sự nghiệp chống Mỹ cứu nước của nhân dân ta. Đây cũng là một chiến dịch đầu tiên trên thế giới tiêu diệt số lượng lớn máy bay chiến lược B.52 của đế quốc Mỹ, giáng cho không quân chiến lược Mỹ đòn nặng nề nhất trong lịch sử xâm lược của đế quốc này. Chiến thắng “Hà Nội - Điện Biên Phủ trên không” có giá trị lịch sử và thời đại sâu sắc, góp phần rất quan trọng đưa cuộc kháng chiến chống Mỹ cứu nước của dân tộc Việt Nam đi đến thắng lợi hoàn toàn.

TLTK: - Hồng Thịnh, Từ ngày 18 đến ngày 30-12-1972: Chiến dịch Điện Biên Phủ trên không”, Việt Nam những sự kiện lịch sử nổi bật (1945-1975), H. Khoa học xã hội, 2015, tr 200-212.
40 năm nhớ lại trận Hà Nội - Điện Biên Phủ trên không, H. Chính trị quốc gia - Sự thật, 2012, 487 tr.
 
Nguồn: Theo Phương Anh, Bảo tàng Lịch sử quốc gia