Vài nét về nghề luyện kim đúc đồng thời Đông Sơn
Sau bốn lần thất bại, năm 1975 Bảo tàng Lịch sử Việt Nam cùng các nghệ nhân làng đúc đồng Ngũ Xã (Hà Nội), có sự trợ giúp của các kỹ sư công nghệ đúc, luyện kim Đại học Bách Khoa Hà Nội mới đúc lại được phiên bản trống đồng Ngọc Lũ, một hiện vật tiêu biểu của Văn hóa Đông Sơn.
Theo đánh giá của những người tham gia đúc trống thì phiên bản đạt khoảng 70 – 80% so với nguyên bản. Một số chuyên gia nghiên cứu trống đồng thì cho rằng, nếu coi trống Ngọc Lũ như một tác phẩm nghệ thuật thì phiên bản chưa bắt được cái “thần” của tác phẩm, chứ chưa kể đến độ dày, trọng lượng của nó còn quá cao so với nguyên bản.
Đúc lại trống đồng Ngọc Lũ bằng phương pháp thủ công là một trong nhiều cách tiếp cận, nghiên cứu, tìm hiểu kỹ thuật đúc đồng thời Đông Sơn. Cho dù được sự hỗ trợ bởi những tri thức khoa học về công nghệ đúc của những năm 70 của thế kỷ 20, kết quả công việc đúc lại trống đồng Ngọc Lũ như vậy là chưa mang lại kết quả như ý. Dẫn ra ví dụ trên để thấy được phần nào trình độ siêu việt của người Đông Sơn trong kỹ thuật luyện kim, đúc đồng.
Đúc trống đồng theo phương pháp thủ công (Ảnh minh họa)
Tiếp xúc với trống đồng, thạp đồng, những hiện vật tiêu biểu của Văn hóa Đông Sơn đầu tiên là các học giả phương Tây, họ ngỡ ngàng, choáng ngợp và không thể tin vào nguồn gốc bản địa của nền văn hóa này, cũng như không thể tin người Việt cổ đã đạt được trình độ luyện kim, đúc đồng điêu luyện đến như vậy. Họ đi tìm nguồn gốc ở phương Bắc và xa hơn nữa, tận trời Tây. Không phải một sớm một chiều, mà phải nhiều thập niên kiên trì nghiên cứu, chúng ta mới chứng minh được nghề luyện kim, đúc đồng Đông Sơn đã có ở đất nước này từ rất lâu, trước khi nền văn hóa Đông Sơn ra đời. Từ những dấu vết xỉ đồng phát hiện được trong một số di tích thuộc Văn hóa Phùng Nguyên có niên đại khoảng đầu thiên niên kỷ II trước Công nguyên đến những chiếc trống đồng, thạp đồng thuộc Văn hóa Đông Sơn là một quá trình tìm tòi sáng tạo, phát triển liên tục để đạt được thành tựu ở đỉnh cao trong kỹ thuật luyện kim, đúc đồng của người Việt cổ. Quá trình đầy gian lao và sáng tạo đó diễn ra trong khoảng thời gian ngót hai thiên niên kỷ.
Các kim loại đồng, thiếc, kẽm, chì… không tồn tại ở dạng nguyên chất trong thiên nhiên, muốn có chúng con người phải khai thác từ quặng. Cho đến nay vẫn chưa có tài liệu khảo cổ học cụ thể về các mỏ và cách khai mỏ, luyện quặng của người Đông Sơn. Trong một số thư tịch cổ như Địa dư chí của Nguyễn Trãi, Lịch triều Hiến chương loại chí của Phan Huy Chú… đều có ghi chép lại hoạt động khai mỏ đồng, thiếc, chì ở nhiều địa phương từ Hà Tĩnh đến một số tỉnh miền núi phía Bắc. Phần lớn các mỏ này là những điểm quặng nhỏ, trữ lượng không lớn, nằm lộ thiên hoặc không sâu, rất dễ khai thác bằng phương pháp thủ công và gần với các di tích thuộc Văn hóa Đông Sơn. Phải chăng, nghề luyện kim thời Đông Sơn chủ yếu dựa vào nguồn quặng tại chỗ? Không chỉ giỏi luyện đồng, thiếc, chì…, người Đông Sơn còn luyện được cả gang, điều mà người Đức vẫn tự hào cho đó là phát minh của mình ở thế kỷ 16.
Các sản phẩm bằng đồng thuộc Văn hóa Đông Sơn mà chúng ta biết được tới hôm nay chủ yếu được chế tạo bằng phương pháp đúc. Người Đông Sơn không phải là chủ nhân phát minh ra kỹ thuật đúc đồng, những sản phẩm in dấu ấn của kỹ thuật này ở Việt Nam đã được phát hiện ở một số di chỉ thuộc Văn hóa Phùng Nguyên và ngày càng nhiều hơn về số lượng cũng như loại hình ở các Văn hóa Đồng Đậu, Gò Mun giai đoạn sau. Đỉnh cao của nghệ thuật đúc đồng Đông Sơn là sự kế thừa, phát triển của một truyền thống với bề dày ngót 2000 năm.
Thạp trang trí hình thuyền và người hóa trang cách điệu. Văn hóa Đông Sơn, 2.500 – 2.000 năm cách ngày nay
(Ảnh tư liệu, BTLSQG)
Quan sát dân tộc học những lò đúc đồng thủ công hiện nay được biết, để tạo một sản phẩm, trên cơ bản người thợ đúc phải trải qua các công đoạn: lựa chọn nguyên liệu, làm nồi nấu đồng, làm khuôn, dựng lò và sửa nguội. Chắc hẳn, người thợ đúc đồng Đông Sơn trên cơ bản cũng làm theo quy trình trên.
Nồi nấu, rót đồng là những hiện vật thường gặp trong các di tích Văn hóa Đông Sơn. Ở di tích Làng Cả (Việt Trì, Phú Thọ) phát hiện nồi nấu đồng, cũng như những nồi nấu đồng thủ công hiện nay, chủ yếu được làm bằng đất luyện kỹ với trấu. Theo tính toán của các chuyên gia có thể nấu được 12kg nước đồng. Cấu tạo lò nấu đồng, lò nung khuôn vật đúc lớn, quan sát theo lò thủ công hiện tại rất đơn giản, có thể đắp một cách khá dễ dàng ở những nơi có địa hình phù hợp, dùng xong có thể phá đi, khá cơ động. Phải chăng, chính vì vậy mà cho tới nay chúng ta chưa tìm thấy vết tích đầy đủ và rõ ràng của chúng… Trình độ cao của nghệ thuật đúc đồng Đông Sơn có lẽ nằm ở khâu lựa chọn và phối nguyên liệu để tạo ra được một hợp kim đồng phù hợp với chức năng sử dụng của sản phẩm. Qua phân tích hàng ngàn mẫu lấy ở các hiện vật đồng từ các văn hóa tiền Đông Sơn tới Đông Sơn, các nhà nghiên cứu đã có đủ cơ sở để đưa ra những nhận định về kỹ thuật pha chế hợp kim của người thợ đúc Đông Sơn.
Nếu như thời tiền Đông Sơn mới gặp 4 loại hợp kim (đồng – thiếc, đồng - acxênic, đồng - antimoan, đồng – thiếc - antimoan), trong đó chủ yếu là đồng – thiếc (trên 90% số mẫu phân tích) thì trong Văn hóa Đông Sơn có tới trên 10 loại, phần lớn các hợp kim có từ 3 thành phần trở lên. Quan trọng nhất trong thành phần hợp kim thời Đông Sơn là sự xuất hiện của chì (Pb). Chì trở thành nguyên tố có mặt rất phổ biến ở đồ đồng Đông Sơn, hai hợp kim đồng – thiếc – chì và đồng – chì – thiếc là phổ biến nhất trong đồ đồng Đông Sơn. Đứng về mặt kỹ thuật, nó được coi là một phát minh quan trọng của người Đông Sơn. Hợp kim đồng có chì đạt những ưu điểm nổi trội: điểm nóng chảy thấp, dẻo, dễ điền đầy vào các chi tiết vật đúc, chính ưu điểm này mà người thợ đúc Đông Sơn có thể tạo ra những sản phẩm có hoa văn trang trí rất sinh động và tinh tế. Hầu như tất cả các mẫu lấy từ trống đồng Đông Sơn đều là thành phần hợp kim có chì. Ngày nay các cổ vật Đông Sơn có được lớp patin màu xanh hơi ngả vàng, láng bóng rất đặc trưng, chắc chắn liên quan đến hợp kim đồng có chì.
Trống đồng Phương Tú. Văn hóa Đông Sơn, 2.500 – 2.000 năm cách ngày nay (Ảnh tư liệu, BTLSQG)
Để tạo được những sản phẩm có hoa văn trang trí rất sinh động và tinh tế như trống đồng, thạp đồng Đông Sơn, ngoài yếu tố của thành phần hợp kim phải kể đến kỹ thuật tạo khuôn. Trong các di chỉ thuộc Văn hóa Đông Sơn, chúng ta thường bắt gặp loại khuôn đúc bằng đá mà vật đúc thường có quy mô nhỏ, trang trí đơn giản như rìu, giáo, mũi tên… Đó là loại khuôn giữ nhiều khả năng dùng đúc nhiều lần. Gần đây chúng ta phát hiện được một mảnh khuôn đúc trống đồng tại Luy Lâu (Bắc Ninh). Mảnh khuôn này được làm bằng đất trộn trấu, chắc hẳn là loại khuôn phá, nghĩa là khuôn chỉ đúc một lần. Có lẽ hầu như tất cả các loại khuôn đúc dùng đúc những vật đúc lớn như trống, thạp đều thuộc loại khuôn này, bởi cho tới nay vẫn chưa phát hiện được hai trống đồng hoặc hai thạp đồng cùng từ một khuôn.
Ở những lò đúc đồng cổ truyền của người Việt, đặc biệt là người Khơ Mú, để đúc những sản phẩm có nhiều chi tiết nhỏ, hoa văn phức tạp, các nghệ nhân thường sử dụng sáp ong trong quy trình tạo khuôn. Sáp ong đun luộc lên cho mềm rồi đem nặn lúc đang nóng, tạo hoa văn tùy ý theo yêu cầu và sự sáng tạo của nghệ nhân, khi sáp nguội là được hình mẫu cứng. Sau đó đem đất đã luyện kỹ đắp ra ngoài, đắp xong đun nóng đất sẽ cứng còn sáp thì chảy ra, nghệ nhân có được một khuôn đúc trang trí phức tạp như ý. Phải chăng các nghệ nhân đúc Đông Sơn cũng tạo ra các khuôn đúc có trang trí hoa văn phức tạp và sinh động theo phương pháp này.
Kỹ thuật luyện kim và đúc đồng thời Đông Sơn đã được các nhà khoa học nghiên cứu từ lâu và sử dụng nhiều phương pháp liên ngành, đa ngành để tiếp cận nhưng kết quả đạt được chắc còn nhiều hạn chế. Nhiều bí ẩn của nghề luyện kim đúc đồng thời Đông Sơn chưa được khám phá, nhiều bí quyết nghề đúc đồng từ thời Đông Sơn chắc đã bị thất truyền… Có lẽ cũng một phần như vậy mà những cổ vật Đông Sơn chúng ta còn được hôm nay, ngoài những giá trị vô giá về văn hóa, nghệ thuật còn luôn mang tính thiêng liêng, huyền ảo.
Nguồn: Theo TS.Vũ Quốc Hiền, Tạp chí Cổ vật tinh hoa, số 8, tháng 7/2004, Bảo tàng Lịch sử Quốc gia