Hệ thống hành chính quốc gia thời Lê sơ

Hệ thống hành chính quốc gia thời Lê sơ, đặc biệt ở thời Lê Thánh Tông, thể hiện tính tập trung từ dưới lên trên, từ địa phương đến trung ương, đề cao quyền hành toàn diện của người đứng đầu Nhà nước, điều này rất quan trọng với một quốc gia thống nhất. Hệ thống này đã đạt đến đỉnh cao của mô hình Nhà nước quân chủ chuyên chế, quan liêu như đánh giá của nhà sử học E.O.Berzin Đông Nam Á thế kỉ XV - XVIII là “Có trình độ chuyên môn hóa cao hơn hẳn các nước khác ở khu vực Đông Nam Á và thậm chí ngay cả phương Tây thời Trung cổ cũng không biết tới một chính quyền với các cơ quan chức năng hoàn chỉnh đến như vậy”.

Cuộc khởi nghĩa Lam Sơn (1418-1428) do Lê Lợi lãnh đạo đã giành được thắng lợi hoàn toàn. Đất nước sạch bóng quân thù, Lê Lợi lên ngôi hoàng đế, lấy niên hiệu là Thuận Thiên, đặt tên nước là Đại Việt, bắt tay vào xây dựng một triều đại phong kiến hưng thịnh.

Cùng với việc xây dựng bộ máy chính quyền từ trung ương xuống các địa phương, Nhà nước Lê Sơ luôn chú trọng đến việc đào tạo tuyển dụng quan lại và có chính sách ưu đãi đối với đội ngũ công thần. Công việc Lê Lợi làm đầu tiên sau khi lên ngôi Hoàng Đế là chú trọng đến việc xét thưởng công lao cho những người có công trong cuộc khác chiến chống Minh vừa qua với quy mô lớn.

Dưới thời vua Lê Thái Tổ, có ba đợt định công ban tước, phong tước được tiến hành. Đợt đầu tiên là vào tháng 2 năm Mậu Thân (1428), phong tước cho những viên hoả thủ và quân thiết đột vì họ “có công khó nhọc ở Lũng Nhai”, danh sách công thần khai quốc gồm 221 người, chia làm 3 hạng, tất cả được mang họ vua. Đây là những quan chức đầu tiên của triều đại mới. Đợt hai vào tháng 5 năm Mậu Thân (1428), Lê Lợi đã lựa chọn tuỳ theo công lao của từng người để phong bậc trên dưới. Đợt ba vào ngày 3 tháng 5 năm Kỉ Dậu (1429), phong tước công thần cho 93 viên, tiếp đó là phong tước Huyện thượng hầu, Á hầu, Hương hầu và Binh hầu.

Lãnh thổ Đại Việt thời Lê Thái Tổ bao gồm miền Bắc Bộ và Bắc Trung Bộ giáp đến đèo Hải Vân. Năm 1428, Lê Lợi chia cả nước thành 5 đạo.

Đứng đầu triều đình là vua, vua là người có quyền hành tối cao, dưới vua là hàng ngũ quan lại, giữ các trọng trách khác nhau trong triều. Sau vua là chức Tả hữu Tướng quốc kiểm Hiệu bình chương quân quốc trọng sự, rồi đến các chức Tam thái, Tam thiếu, Tam tư. Theo “Lịch triều hiến chương loại chí” của Phan Huy Chú: “Triều Lê Thái Tổ khi mới dựng nước, đặt 3 chức ấy (Trần Hãn làm Tư đồ, Lê Sát làm Tư mã, Đinh Lễ làm Tư không), về sau đều thêm chữ “nhập nội”. Chức Thiếu uý được Lê Lợi đặt từ lúc còn khởi nghĩa, sau khi dẹp yên giặc Minh mới đặt Thái uý, cùng với chức Thái, 3 chức Thiếu đều là trọng trách của đại thần”. Các trọng chức của đại thần văn, võ chỉ trao cho các thân thuộc nhà vua và  bầy tôi có công. Dưới là 2 ngạch ban văn và ban võ. Ban văn có chức “Đại hành khiển” đặt theo quy chế nhà Trần. Sau Đại hành khiển là Thượng thư đứng đầu Bộ, gồm 2 Bộ: Bộ Lại và Bộ Lễ, bên cạnh đó có một số cơ quan chuyên trách như: Nội mật viện ( Khu mật viện), Ngũ hình viện, Bí thư giám, Ngự sử đài, Hàn lâm viện, Quốc Tử Giám… Ban võ có các chức Đại tổng quản, Đại đô đốc, Đô tổng quản. Những chức này chỉ huy quân thường trực ở kinh thành và các vệ quân ở các Đạo, dưới có các chức võ tướng cao cấp khác nhau như: Điện tiền, Kiểm hiệu, Đô chỉ huy sứ, Phó sứ và Tứ sương chỉ huy sứ, chức Tổng binh quản lĩnh.

Ở địa phương, đứng đầu các Đạo là chức Hành khiển phụ trách mọi việc quân dân. Dưới Đạo là các Trấn do Trấn phủ sứ, Tuyên phủ sứ đứng đầu. Dưới Trấn là các Lộ với các chức quan An phủ sứ, Tổng quản, Đồng tri. Phủ có Tri phủ, Đồng tri phủ. Huyện có Chuyển vận sứ, Chuyển vận phó sứ. Đơn vị hành chính cơ sở là xã do xã quan quản lí. Lê Lợi đã căn cứ vào số hộ trong từng xã mà chia làm 3 loại và nhà vua cũng quy định cụ thể cho số quan xã: xã lớn gồm 100 hộ trở lên (3 người), xã vừa 50 hộ trở lên (2 người) và xã nhỏ 10 hộ trở lên (1 người).

So với thời Lý - Trần, tổ chức bộ máy Nhà nước thời Lê Thái Tổ về cơ bản vẫn dựa vào quy chế tổ chức, song Nhà nước Lê Sơ có một bước tiến về mức độ tập trung chính  quyền. Trải qua các đời vua Lê Thái Tông (1434 -1442), vua Lê Nhân Tông (1442 - 1459) bộ máy chính quyền được bổ sung, củng cố hơn theo hướng tập quyền và đến đời vua Lê Thánh Tông (1460 - 1497) thì hoàn chỉnh. Trong 38 năm trị vì, Lê Thánh Tông đẫ đề ra và thực hiện nhiều chính sách và biện pháp mang nhiều ý nghĩa cải cách, có tác dụng thúc đẩy sự phát triển mọi mặt của đất nước.

Nhà nước Lê Sơ đã chú ý đến việc mở rộng giáo dục, đào tạo đội ngũ quan chức có trình độ, có đủ năng lực và trung thành với nhà Lê. Quốc Tử Giám không còn là trường học riêng của con em quý tộc quan lại. Năm 1442, cuộc thi Hội đầu tiên được tổ chức, đến đời Lê Thánh Tông thì giáo dục thi cử đạt đến đỉnh cao toàn thịnh. Các trường thi Hương được đặt ở cả 13 đạo Thừa tuyên. Các kì thi Hương, thi Hội được vua là người trực tiếp ra đề thi và sắp xếp thứ bậc cho các tiến sĩ. Được bổ dụng quan lại dựa trên nguyên tắc “trọng hiền”, “trọng sĩ”, tuyển dụng qua khoa cử (không phân biệt thành phần xuất thân) và tiến cử, bảo cử chặt chẽ.

Dưới thời Lê Thánh Tông, biên cương phía Bắc được củng cố, quan hệ Việt – Trung ổn định. Về phía nam, năm 1471 Lê Thánh Tông tổ chức cuộc hành quân đại quy mô vào Champa. Cả vùng đất từ Nam Thuận Hoá đến núi Thạch Bi (giáp Phú Yên) được sát nhập vào lãnh thổ Đại Việt và đặt thành đạo Thừa tuyên.

Trong lời hiệu định quan chế ban hành ngày 26 tháng 9 năm Hồng Đức thứ 2 (1471), Lê Thánh Tông đã nói: “Đồ bản đất đai ngày nay, so với thời trước đã khác xa. Ta cần phải tự mình giữ quyền chế tác, hết đạo biến thông”. Vua trực tiếp nắm quyền chỉ huy quân đội. Quân đội chia làm 2 loại: quân thường trực bảo vệ kinh thành gọi là cấm binh hay thân binh và quân ở các Đạo gọi là ngoại binh. Bộ máy quân sự các cấp được cải tổ theo hướng tăng cường quyền lực trung ương, hạn chế quyền lực địa phương. Nhà nước thực hiện chính sách “ngụ binh ư nông” trong quân đội. Quân đội được chia thành từ 2 đến 3 phiên, theo định kì một phiên túc trực nhiệm vụ và luyện tập võ bị, còn lại trở về sản xuất. Với lực lượng quân đội và quốc phòng hùng mạnh, Nhà nước Lê Sơ đã trấn áp được các thế lực chống đối ở trong nước và ngoài nước, bảo vệ quốc gia độc lập tự chủ.

Dưới thời Lê Thánh Tông, vua làm trực tiếp với 6 bộ: Bộ Lại, Bộ Hộ, Bộ Lễ, Bộ Binh, Bộ Hình, Bộ Công (do Thượng thư đứng đầu). Đây là những cơ quan chính phụ trách mọi mặt công việc của triều đình. Giúp việc cụ thể có Tự, Viện Hàn Lâm, Viện Quốc sử, Quốc Tử Giám, Bí thư giám, Thái y viện, Tư thiên giám… Bãi bỏ các cơ quan như Nội mật viện, Thượng thư sảnh, Môn hạ sảnh. Để tăng cường công tác thanh tra giám sát hoạt động của các quan lại ở 6 bộ, ngoài Ngự sử đài, Lê Thánh Tông đặt thêm 6 khoa có nhiệm vụ theo dõi các bộ (Bộ Binh có Binh Khoa, Bộ Hình có Hình Khoa…) Về võ, vua là người chỉ huy tối cao, bên dưới có 5 quân Đô đốc phủ (đứng đầu là Tả hữu Đô đốc), tiếp theo là các chức Thiếu uý, Đô đốc, Đô kiểm điểm. Ở địa phương, đứng đầu Đô ti là Đô tổng binh sứ, giúp việc có phó Đô tổng binh sứ, Tổng binh thiêm sự.

Hệ thống hành chính từ cấp trung gian đến cấp cơ sở là xã có những cải cách cơ bản, quan trọng. Lê Thánh Tông bãi bỏ 5 đạo cũ (bãi bỏ luôn chức Hành khiển), chia cả nước thành 13 đạo Thừa tuyên với các cơ quan hành chính thống nhất. Đứng đầu có tam ty: Đô ti (phụ trách quân đội), Thừa ty (phụ trách các việc dân sự) và Hiến ty (phụ trách việc thanh tra, giám sát các quan lại địa phượng mình, thăm nom tình hình đời sống nhân dân). Ở trung ương có cơ quan Ngự sử đài, bên cạnh giám sát chung còn có 13 cai đạo giám sát Ngự sử (nằm trong Ngự sử đài) chuyên giúp đỡ cộng tác với các Hiến ti trong việc giáp sát quan chức ở 13 đạo Thừa tuyên. Ngoài ra còn có các cơ quan Hà đê, Khuyến nông ty chuyên chăm lo đê điều và sản xuất nông nghiệp.

Dưới đạo Thừa tuyên là phủ, châu, huyện, xã. Bỏ đơn vị trấn và lộ (đổi lộ làm phủ, trấn làm châu). Đứng đầu phủ có Tri phủ, đứng đầu huyện có Tri huyện, ở xã chức Xã quan được đổi gọi là Xã trưởng. Ở miền thượng du, các bản Mường vẫn được giao cho tù trưởng lang đạo cai quản như cũ. Riêng ở biên giới phía Bắc nhà Lê cử thêm một số tướng giỏi người miền xuôi lên trấn trị và biến thành “phiên thần” đời đời nối nhau cai quản địa phương.

Bản đồ Hồng Đức là bộ bản đồ địa lý đầu tiên của Việt Nam do Nhà nước phong kiến thực hiện. Năm Quang Thuận thứ 8 (1467) Vua Lê Thánh Tông đã ra lệnh các thừa tuyên vẽ bản đồ từng thừa tuyên gửi về Bộ Hộ, được hoàn tất và ban hành vào năm Hồng Đức thứ 21 (1490).

Hệ thống hành chính quốc gia thời Lê sơ, đặc biệt ở thời Lê Thánh Tông, thể hiện tính tập trung từ dưới lên trên, từ địa phương đến trung ương, đề cao quyền hành toàn diện của người đứng đầu Nhà nước, điều này rất quan trọng với một quốc gia thống nhất. Hệ thống này đã đạt đến đỉnh cao của mô hình Nhà nước quân chủ chuyên chế, quan liêu như đánh giá của nhà sử học E.O.Berzin Đông Nam Á thế kỉ XV - XVIII là “Có trình độ chuyên môn hoá cao hơn hẳn các nước khác ở khu vực Đông Nam Á và thậm chí ngay cả phương Tây thời Trung cổ cũng không biết tới một chính quyền với các cơ quan chức năng hoàn chỉnh đến như vậy”. Hệ thống hành chính thời Lê Sơ theo định hướng quân chủ chuyên chế - quan liêu được hoàn chỉnh đã phản ánh được sự phát triển của nền kinh tế và trình độ chính trị của Nhà nước Đại Việt ở thế kỉ XV. Hệ thống hành chính mới của Nhà Lê do tính hoàn chỉnh của nó đã được duy trì đến cuối thể kỉ XVIII và sau này dưới triều Nguyễn nó vẫn là cái khung cơ bản. Hệ thống hành chính quốc gia thời Lê Sơ giúp chúng ta hiểu them về lịch sử dân tộc, để lại cho chúng ta những kinh nghiệm và bài học có ý nghĩa quan trọng đối với công cuộc cải cách hành chính quốc gia trong sự nghiệp xây dựng công nghiệp hoá và hiện đại hoá đất nước.

Thanh Hiền

TLTK:
- Phan Huy Chú. Lịch triều hiến chương loại chí. Tập 2. NXB sử học. Hà Nội 1961.
- Trần Bá Đệ (chủ biên). Một số chuyên đề lịch sử Việt Nam. NXB ĐHQG Hà Nội. 2002.
- Ban nghiên cứu và biên soạn lịch sử Thanh Hóa. Lịch sử Thanh Hoá. Tập3. NXB KHXH. Hà Nội 2002.
- Nguyễn Trãi. NXB KHXH. Hà Nội 1976.