Đại hội Đảng bộ tỉnh Thanh Hóa qua các thời kỳ (P5)

Ngày 29/7/1930, Hội nghị thành lập Đảng bộ tỉnh Thanh Hóa được tổ chức tại làng Yên Trường, xã Thọ Lập, huyện Thọ Xuân. Đại hội đã bầu ra ban chấp hành Đảng bộ tỉnh gồm 3 đồng chí, đồng chí Lê Thế Long được cử làm Bí thư. Hội nghị cũng thảo luận và quyết định một số nhiệm vụ quan trọng của Đảng bộ. Sự ra đời của Đảng bộ tỉnh Thanh Hóa là bước ngoặt trọng đại, từ đây phong trào cách mạng tỉnh nhà có Đảng lãnh đạo trực tiếp sẽ vững bước vượt qua những thử thách hiểm nghèo, cùng nhân dân cả nước tiến hành cách mạng dân tộc, dân chủ và cách mạng xã hội chủ nghĩa.

Từ 2010 - nay

17. Đại hội đại biểu Đảng bộ tỉnh Thanh Hóa lần thứ XVII (từ ngày 17- 20/10/2010)

Đại hội đại biểu Đảng bộ tỉnh Thanh Hóa lần thứ XVII diễn ra từ ngày 17- 20/10/2010 tại hội trường 25B - thành phố Thanh Hóa, gồm có 446 Đại biểu chính thức, thay mặt cho 186 ngàn đảng viên trong toàn tỉnh.

Đại hội đã thống nhất đánh giá: 5 năm qua, mặc dù phải đương đầu với nhiều khó khăn, thách thức, nhưng đảng bộ, quân và dân các dân tộc trong tỉnh đã nỗ lực phấn đấu giành được những thành tựu quan trọng và tương đối toàn diện trên các lĩnh vực. Kinh tế duy trì được tốc độ tăng trưởng khá, năm sau cao hơn năm trước. Cơ cấu kinh tế chuyển dịch đúng hướng. Huy động vốn cho đầu tư phát triển vượt mục tiêu kế hoạch và tăng cao so với nhiệm kỳ trước; kết cấu hạ tầng kinh tế - xã hội được tăng cường. Các hoạt động văn hóa - xã hội có chuyển biến tiến bộ theo hướng chuẩn hóa và xã hội hóa. Chính trị ổn định; quốc phòng, an ninh được tăng cường, trật tự an toàn xã hội bảo đảm; an sinh xã hội được chăm lo, đời sống của nhân dân không ngừng được cải thiện. Công tác xây dựng Đảng và hệ thống chính trị được quan tâm. Khối đại đoàn kết toàn dân được củng cố vững chắc, lòng tin của nhân dân đối với Đảng, với chế độ ngày càng được nâng cao, tạo thế và lực mới cho tỉnh phát triển nhanh và bền vững hơn trong những năm tới.

Kết quả cụ thể đã được Đại hội XVII xác định rõ: Đảng bộ, chính quyền, quân và dân các dân tộc trong tỉnh thực hiện Nghị quyết Đại hội Đảng bộ tỉnh lần thứ XVI trong điều kiện chính trị - xã hội ổn định; đoàn kết trong Đảng và trong nhân dân được tăng cường; nhiều nghị quyết, cơ chế, chính sách do Trung ương ban hành đã tạo điều kiện cho tỉnh có thêm nguồn lực phát triển sản xuất, cải thiện đời sống nhân dân; Khu Kinh tế Nghi Sơn được thành lập với nhiều cơ chế, chính sách thông thoáng, tạo ra sức hấp dẫn mới cho thu hút đầu tư; sau hơn hai mươi năm đổi mới, tiềm lực kinh tế - xã hội của tỉnh được tăng cường, các cấp ủy Đảng, chính quyền tích lũy được kinh nghiệm lãnh đạo, chỉ đạo, điều hành trong nền kinh tế thị trường định hướng xã hội chủ nghĩa.

Bên cạnh những thuận lợi, Đảng bộ, nhân dân các dân tộc trong tỉnh cũng phải đương đầu với nhiều khó khăn, thách thức do hậu quả của thiên tai, dịch bệnh, lạm phát, suy giảm kinh tế, cùng với những yếu kém, bất cập vốn có của nền kinh tế đó tác động bất lợi đến hoạt động sản xuất, kinh doanh, xuất khẩu, việc làm và đời sống nhân dân…

Đại hội đã nhất trí thông qua phương hướng, nhiệm vụ và những chỉ tiêu chủ yếu về kinh tế – xã hội, đó là : Tốc độ tăng trưởng kinh tế bình quân hằng năm đạt từ 17 - 18%; GDP bình quân đầu người năm 2015 đạt 2.100 USD; Giá trị gia tăng ngành nông, lâm nghiệp và thủy sản tăng 3,5%/năm; ngành công nghiệp - xây dựng tăng 22,3%/năm; ngành dịch vụ tăng 16,8%/năm; Cơ cấu ngành kinh tế trong GDP đến năm 2015: nông, lâm nghiệp và thủy sản chiếm 14,4%; công nghiệp - xây dựng chiếm 49,7%; dịch vụ chiếm 35,9%; Tỷ lệ huy động vào ngân sách nhà nước bình quân hàng năm đạt 8% GDP trở lên; Sản lượng lương thực có hạt hằng năm đạt 1,6 triệu tấn trở lên; Tổng giá trị hàng hóa và dịch vụ xuất khẩu năm 2015 đạt 850 triệu USD trở lên, bình quân hàng năm tăng 17% trở lên; Tổng vốn đầu tư toàn xã hội 5 năm đạt khoảng 310.000 tỉ đồng. 

Trong 5 năm, giải quyết việc làm cho trên 300.000 người; Tỷ lệ lao động nông nghiệp trong tổng lao động xã hội năm 2015 còn 40%. Tỷ lệ lao động được đào tạo năm 2015 đạt 55% trở lên; Tỷ lệ trường học đạt chuẩn quốc gia đạt 47,8% vào năm 2015; Tỷ lệ hộ nghèo bình quân hàng năm giảm 3 - 4%; Tốc độ tăng dân số tự nhiên năm 2015 giảm xuống dưới 0,65%;...

Với tinh thần dân chủ, đoàn kết và trách nhiệm Đại hội đã bầu ra Ban chấp hành khóa XVII gồm 69 đồng chí có đủ năng lực, phẩm chất và trình độ. Phiên họp đầu tiên của Ban chấp hành khóa XVII đã bầu 17 đồng chí vào Ban Thường vụ Tỉnh ủy, đồng chí Mai Văn Ninh Phó Bí thư Tỉnh ủy khóa XVI, Chủ tịch Ủy ban nhân dân tỉnh giữ chức Bí thư Tỉnh ủy. Ban chấp hành khóa XVII cũng đã bầu 3 đồng chí Hoàng Văn Hoằng, Trịnh Văn Chiến, Đinh Tiên Phong làm phó Bí thư Tỉnh ủy và 11 đồng chí vào Ủy ban Kiểm tra Tỉnh ủy. Đồng chí Trần Quang Đảng được bầu giữ chức Chủ nhiệm Ủy ban kiểm tra Tỉnh ủy khóa XVII. Đại hội đã bầu Đoàn đại biểu của Đảng bộ tỉnh đi dự Đại hội Đảng toàn quốc lần thứ XI gồm 30 đại biểu chính thức và 2 đại biểu dự khuyết. Tháng 11/2014, Ban chấp hành Đảng bộ tỉnh Thanh Hóa đã bầu đồng chí Trịnh Văn Chiến - Phó Bí thư Tỉnh ủy, chủ tịch Ủy ban nhân dân tỉnh - làm Bí thư Tỉnh ủy, thay đồng chí Mai Văn Ninh được Bộ Chính trị và Ban Bí thư Trung ương Đảng điều động ra làm Phó Ban Tuyên giáo Trung ương Đảng./.

18. Đại hội đại biểu Đảng bộ tỉnh Thanh Hóa lần thứ XVIII (dự kiến diễn ra từ ngày 22- 25/9/2015)

Theo thông cáo báo chí, Đại hội đại biểu Đảng bộ tỉnh lần thứ XVIII nhiệm kỳ 2015 - 2020 dự kiến tổ chức trong thời gian 3,5 ngày, từ 22-25/9/2015, tại Trung tâm hội nghị 25B với 450 đại biểu chính thức được triệu tập. Đại hội chính thức sẽ khai mạc vào sáng ngày 23/9.

Đại hội có chủ đề: Tiếp tục nâng cao năng lực lãnh đạo và sức chiến đấu của Đảng bộ, phát huy sức mạnh đại đoàn kết toàn dân; tranh thủ thời cơ, vận hội mới, phát triển kinh tế nhanh và bền vững; nâng cao đời sống vật chất và tinh thần của nhân dân; phấn đấu đến năm 2020 trở thành tỉnh khá của cả nước, đến năm 2030 cơ bản trở thành tỉnh công nghiệp.

Đại hội đại biểu Đảng bộ tỉnh lần thứ XVIII sẽ thực hiện 4 nội dung: Đánh giá đúng tình hình thực hiện Nghị quyết Đại hội Đảng bộ tỉnh lần thứ XVII, chỉ rõ ưu, khuyết điểm, nguyên nhân và bài học kinh nghiệm; xác định rõ phương hướng, mục tiêu, nhiệm vụ, giải pháp nhiệm kỳ 2015 - 2020, phấn đấu đến năm 2020 Thanh Hóa cơ bản trở thành tỉnh khá của cả nước, đến năm 2030 cơ bản trở thành tỉnh công nghiệp theo hướng hiện đại. Đại hội cũng thảo luận và thông qua Báo cáo tổng hợp ý kiến góp ý của các cấp ủy, tổ chức đảng, của cán bộ, đảng viên và các tầng lớp nhân dân trong tỉnh vào dự thảo các văn kiện của BCH Trung ương Đảng khóa XI trình Đại hội đại biểu toàn Quốc lần thứ XII của Đảng. Đại hội cũng sẽ bầu BCH Đảng bộ tỉnh khóa XVIII và bầu đoàn đại biểu đi dự Đại hội đại biểu toàn Quốc lần thứ XVII của Đảng.

Trải qua 17 kỳ đại hội, đảng bộ đã lãnh đạo đồng bào các dân tộc tỉnh nhà đẩy lùi khó khăn gian khổ, khắc phục hậu quả chiến tranh, khôi phục phát triển kinh tế - văn hóa, mở các công trường đại thủ công xây dựng cơ sở vật chất cho chủ nghĩa xã hội; đặc biệt là nhiều công trình thủy lợi quy mô lớn như: sông Lý, sông Hoàng, hồ Yên Mỹ, hồ Sông Mực, sông Tam Điệp, đê biển Nga Sơn, Tĩnh Gia, Hậu Lộc... đến nay vẫn phát huy tác dụng tốt. Cùng với xây dựng quê hương, đảng bộ và nhân dân trong tỉnh đã chi viện hàng vạn cán bộ, chiến sĩ chiến đấu bảo vệ từng thước đất biên giới phía Tây Nam, phía Bắc Tổ quốc, tổ chức các đoàn chuyên gia giúp Campuchia và Lào. Tiếp tục đưa sự nghiệp cách mạng tiến lên, đảng bộ và nhân dân trong tỉnh đã tích cực góp phần tìm tòi khảo nghiệm con đường đổi mới, đảng bộ đã đổi mới tư duy - trước hết là tư duy kinh tế, đổi mới tổ chức và cán bộ, đổi mới phong cách lãnh đạo và phương pháp công tác, lãnh đạo toàn dân đẩy lùi cơ chế tập trung quan liêu bao cấp, xác lập cơ chế  thị trường định hướng xã hội chủ nghĩa, xác lập cơ cấu kinh tế nhiều thành phần, xây dựng phát triển kinh tế hàng hóa. Nhờ đó sản xuất phát triển với tốc độ nhanh, khủng hoảng kinh tế được đẩy lùi, đời sống nhân dân từng bước được nâng lên, tiềm lực quê hương tăng gấp nhiều lần thời kỳ chưa đổi mới. Đảng bộ và hệ thống chính trị trình độ lãnh đạo, tổ chức phát triển kinh tế - xã hội được tăng cường. Đó chính là nhân tố mới tiếp tục đưa quê hương, đất nước chuyển sang thời kỳ công nghiệp hóa, hiện đại hóa.

Qua 85 năm liên tục phấn đấu, Đảng bộ đã lãnh đạo nhân dân các dân tộc trong tỉnh từng bước đẩy lùi khó khăn, thách thức, đói nghèo lạc hậu, tiến hành sự nghiệp đổi mới, công nghiệp hoá, hiện đại hoá làm biến đổi sâu sắc, toàn diện bộ mặt quê hương theo chiều hướng phát triển – Đó chính là tiền đề vững chắc để Đảng bộ lãnh đạo nhân dân các dân tộc trong tỉnh phấn đấu xây dựng tỉnh nhà trở thành tỉnh công nghiệp vào năm 2020, đóng góp xứng đáng cho công cuộc xây dựng, bảo vệ Tổ quốc Việt Nam xã hội chủ nghĩa.

Ngân Dung

Tài liệu tham khảo:
- Ban chấp hành Đảng bộ tỉnh Thanh Hoá, Những sự kiện lịch sử Đảng bộ tỉnh Thanh Hoá 1975- 2005, NXB Thanh Hóa, 2009.
- Ban chấp hành Đảng bộ tỉnh Thanh Hoá, Những sự kiện lịch sử Đảng bộ tỉnh Thanh Hoá 1930- 1954, (tái bản) NXB Thanh Hóa, 2010.
- Ban chấp hành Đảng bộ tỉnh Thanh Hoá, Những sự kiện lịch sử Đảng bộ tỉnh Thanh Hoá 1954- 1975, (tái bản) NXB Thanh Hóa, 2010.
- baothanhhoa.vn:  Các kỳ đại hội Đảng bộ tỉnh trong kháng chiến chống Pháp (1945 -1954); trong chống Mỹ cứu nước (1954 -1975);  giai đoạn 1975 – 1995; giai đoạn CNH, HĐH (1996 - 2010).