Đại hội Đảng bộ tỉnh Thanh Hóa qua các thời kỳ (P4)

Ngày 29/7/1930, Hội nghị thành lập Đảng bộ tỉnh Thanh Hóa được tổ chức tại làng Yên Trường, xã Thọ Lập, huyện Thọ Xuân. Đại hội đã bầu ra ban chấp hành Đảng bộ tỉnh gồm 3 đồng chí, đồng chí Lê Thế Long được cử làm Bí thư. Hội nghị cũng thảo luận và quyết định một số nhiệm vụ quan trọng của Đảng bộ. Sự ra đời của Đảng bộ tỉnh Thanh Hóa là bước ngoặt trọng đại, từ đây phong trào cách mạng tỉnh nhà có Đảng lãnh đạo trực tiếp sẽ vững bước vượt qua những thử thách hiểm nghèo, cùng nhân dân cả nước tiến hành cách mạng dân tộc, dân chủ và cách mạng xã hội chủ nghĩa.

Từ 1996 - 2010

14. Đại hội đại biểu Đảng bộ tỉnh Thanh Hóa lần thứ XIV (từ ngày 7- 10/5/1996)

Đại hội đại biểu Đảng bộ tỉnh Thanh Hóa lần thứ XIV diễn ra từ ngày 7 đến ngày 10/5/1996 tại khu Hội nghị 25B, gồm 350 đại biểu của 31 đảng bộ trực thuộc, đại diện cho hơn 14 vạn đảng viên của Đảng bộ. Đại hội báo cáo tổng hợp ý kiến đóng góp của cán bộ, đảng viên, nhân dân trong tỉnh cho Dự thảo Văn kiện Đại hội toàn quốc lần thứ VIII của Đảng.

Đại hội đánh giá tình hình hoạt động trong nhiệm kỳ XIII như sau: Nền kinh tế đang đi vào thế ổn định và phát triển, một số lĩnh vực tăng trưởng khá, sản lượng lương thực đạt 1 triệu tấn, giải quyết căn bản vấn đề thiếu lương thực. Trên cơ sở sản xuất phát triển, đời sống vật chất và văn hóa cùng phát triển, chính trị xã hội ổn định, quốc phòng - an ninh được tăng cường. Nội bộ Đảng và nhân dân đồng thuận, khối đại đoàn kết được tăng cường. Đảng bộ phát huy tốt hơn vai trò lãnh đạo, niềm tin của nhân dân đối với Đảng được củng cố và tăng cường... Tuy vậy, tiềm năng thế mạnh trong tỉnh chưa được khai thác hợp lý, cơ cấu kinh tế và nền kinh tế hàng hóa tốc độ phát triển còn chậm, nhiều vấn đề xã hội chưa được giải quyết. Một bộ phận chi bộ, đảng bộ, cán bộ, đảng viên còn yếu kém làm giảm sút niềm tin của quần chúng...

Một số mục tiêu lớn cần phấn đấu đạt được: GDP bình quân đầu người đạt 400USD, cơ cấu kinh tế: nông - lâm - ngư 28,64%, công nghiệp - xây dựng 30,26%, dịch vụ - du lịch 41,1%, sản lượng lương thực năm 2000 đạt 1.300.000 tấn và kim ngạch xuất khẩu đạt 190 triệu USD...

Chăm lo giải quyết tốt các vấn đề xã hội, giải quyết việc làm cho 13 - 15 vạn lao động. Đến năm 2000 tỷ lệ sinh còn 1,7%. Căn bản xóa mù chữ cho người trong độ tuổi từ 15 - 35, nâng tỷ lệ người lao động được đào tạo 20%; 100% huyện, thị trấn phổ cập trung học cơ sở. Cơ bản không còn hộ đói, giảm 50% hộ nghèo…

Đại hội đề ra phương hướng, nhiệm vụ tổng quát là: Phát huy thành tựu đạt được, tranh thủ thời cơ thuận lợi, khắc phục khó khăn, tích cực chuyển dịch cơ cấu kinh tế, đẩy mạnh Công nghiệp hóa, hiện đại hóa; khai thác sử dụng tốt các nguồn lực đầu tư đẩy nhanh tốc độ phát triển; kết hợp phát triển kinh tế với giải quyết tốt các vấn đề xã hội, quốc phòng - an ninh, xây dựng Đảng và hệ thống chính trị vững mạnh, cải thiện đời sống nhân dân, chuẩn bị điều kiện để phát triển cao hơn sau năm 2000...

Đại hội bầu Ban chấp hành Đảng bộ tỉnh gồm 51 đồng chí, 13 đồng chí được bầu vào Ban thường vụ Tỉnh ủy, đồng chí Lê Văn Tu được bầu làm Bí thư Tỉnh ủy, đồng chí Trịnh Trọng Quyền làm phó Bí thư Thường trực, đồng chí Mai Xuân Minh làm phó Bí thư phụ trách công tác chính quyền.

15.  Đại hội đại biểu Đảng bộ tỉnh Thanh Hóa lần thứ XV (từ ngày 02 - 05/01/2001)

Đại hội đại biểu Đảng bộ tỉnh Thanh Hóa lần thứ XV được tiến hành từ ngày 02 - 05/01/2001 với tổng số 399 đại biểu tham dự. Đại hội thảo luận đóng góp ý kiến của cán bộ, đảng viên, nhân dân trong tỉnh cho Dự thảo Văn kiện Đại hội toàn quốc lần thứ IX của Đảng, Báo cáo Chính trị của Tỉnh ủy, báo cáo kết quả 1 năm vận động xây dựng, chỉnh đốn Đảng, bầu Tỉnh ủy.

Đại hội đánh giá tình hình hoạt động trong nhiệm kỳ XIV như sau: 5 năm qua (1996- 2000) tiếp tục thực hiện đường lối đổi mới của đảng, dưới sự lãnh đạo của đảng bộ, nhân dân các dân tộc trong tỉnh đoàn kết, vượt qua khó khăn, thách thức đạt được những thành tựu quan trọng: Kinh tế phát triển với tốc độ khá, nhất là lương thực (đạt gần 1,3 triệu tấn), cơ cấu kinh tế chuyển dịch theo hướng tích cực; các vùng kinh tế động lực và các khu công nghiệp tập trung đã được hình thành và đi vào hoạt động có hiệu quả; cơ sở vật chất kỹ thuật được tăng cường, năng lực sản xuất tăng nhanh, khắc phục một bước tình trạng chậm phát triển của kinh tế. Văn hóa - xã hội có nhiều tiến bộ, đời sống nhân dân được cải thiện; chính trị xã hội ổn định; quốc phòng - an ninh được giữ vững, công tác xây dựng đảng, chính quyền, mặt trận và các đoàn thể quần chúng có nhiều tiến bộ. Sau hơn một năm thực hiện Nghị quyết trung ương 6 (lần 2) đạt kết quả bước đầu; Quy chế dân chủ ở cơ sở được triển khai và thực hiện có hiệu quả; lòng tin của các tầng lớp nhân dân trong tỉnh vào công cuộc đổi mới và chế độ xã hội chủ nghĩa ngày càng vững chắc.

Đại hội đã đề ra phương hướng, nhiệm vụ nhiệm kỳ XV như sau: GDP bình quân hàng năm tăng 10% trở lên. GDP bình quân đầu người đạt 460 USD. Đến năm 2005 cơ cấu kinh tế nông - lâm - ngư, công nghiệp, dịch vụ trong GDP là: 33,3% - 33,7% - 33%, lương thực đạt 1,5 triệu tấn, đầu tư xã hội trong nhiệm kỳ đạt 30.000 tỷ đồng trở lên, giải quyết việc làm cho 18,5 vạn lao động, tỷ lệ lao động được đào tạo nâng lên 25%, tỷ lệ tăng dân số 1,1%, tỷ lệ nghèo còn lại 5% (theo tiêu chí cũ), phổ cập tiểu học đúng độ tuổi, 70% xã, phường, thị trấn phổ cập THCS... Cùng với phát triển kinh tế - văn hóa, tích cực tăng cường tiềm lực quốc phòng - an ninh, đập tan âm mưu “Diễn biến hòa bình”, bạo loạn lật đổ của các thế lực thù địch, bảo vệ vững chắc chế độ XHCN. Tiếp tục thực hiện Nghị quyết Trung ương 6 (lần 2) về vận động xây dựng, chỉnh đốn Đảng, khắc phục các mặt yếu kém, đẩy lùi các hiện tượng suy thoái, xây dựng Đảng bộ trong sạch, vững mạnh. Phấn đấu 80% tổ chức cơ sở Đảng và 50% Đảng bộ cấp cơ sở đạt trong sạch, vững mạnh, 85% đảng viên đủ tư cách đạt loại I...

Đẩy mạnh công cuộc đổi mới, tăng tốc độ phát triển, phấn đấu đạt và vượt chỉ tiêu trên tất cả các lĩnh vực, phát huy nội lực, khai thác có hiệu quả các nguồn lực cho phát triển, đặc biệt là nguồn nhân lực, ưu tiên đầu tư phát triển các ngành, các lĩnh vực có tiềm năng, lợi thế của tỉnh, đáp ứng yêu cầu của thị trường; tiếp tục chuyển dịch cơ cấu theo hướng công nghiệp hóa, hiện đại hóa, đảm bảo tăng trưởng kinh tế với tộc độ cao và bền vững; nâng cao hiệu quả và sức cạnh tranh, tích cực, chủ động hội nhập kinh tế khu vực và thế giới. Tăng trưởng kinh tế phải gắn liền với giải quyết tốt những vấn đề xã hội, nâng cao đời sống nhân dân, từng bước thực hiện công bằng và tiến bộ xã hội. Kết hợp chặt chẽ phát triển kinh tế - xã hội với tăng cường và củng cố quốc phòng - an ninh, giữ vững ổn định chính trị. Xây dựng Đảng, chính quyền, Mặt trận và các đoàn thể trong sạch, vững mạnh.

Đại hội đã bầu Ban chấp hành Đảng bộ tỉnh gồm 51 đồng chí, bầu 13 đồng chí vào Ban thường vụ Tỉnh ủy, đồng chí Trịnh Trọng Quyền được bầu làm Bí thư Tỉnh ủy, đồng chí Phạm Văn Tích làm phó Bí thư trực Đảng, đồng chí Phạm Minh Đoan làm phó Bí thư phụ trách chính quyền.

16.  Đại hội đại biểu Đảng bộ tỉnh Thanh Hóa lần thứ XVI (từ ngày 20 – 22/12/2005)

Đại hội đại biểu Đảng bộ tỉnh Thanh Hóa lần thứ XVI diễn ra từ ngày 20 đến ngày 22 - 12 - 2005, gồm 349 đại biểu chính thức, thay mặt cho 167 ngàn đảng viên của Đảng bộ tỉnh. Đại hội có nhiệm vụ thảo luận Báo cáo Chính trị của Tỉnh ủy (khóa XV), báo cáo kết quả thực hiện Nghị quyết Trung ương 6 (lần 2), báo cáo tổng hợp ý kiến đóng góp cho Văn kiện Đại hội toàn quốc lần thứ X của Đảng, bầu Ban Chấp hành Đảng bộ khóa mới; bầu đoàn đại biểu đi dự Đại hội X của Đảng.

Đánh giá tình hình thực hiện Nghị quyết Đại hội Đảng bộ tỉnh lần thứ XV, Đại hội chỉ rõ: Kinh tế tiếp tục phát triển với tốc độ khá, cơ cấu kinh tế chuyển dịch đúng hướng, khai thác các nguồn lực cho đầu tư đạt khá, kết cấu hạ tầng kinh tế - xã hội được tăng cường. Đời sống vật chất và văn hóa của nhân dân tiếp tục được cải thiện. Chính trị xã hội ổn định, quốc phòng - an ninh vững chắc. Đảng, chính quyền, mặt trận và các đoàn thể có nhiều chuyển biến tích cực, việc tổ chức thực hiện Nghị quyết Trung ương 6 (lần 2) và Kết luận Hội nghị Trung ương 4 (khóa IX) đạt được kết quả tốt. Quy chế dân chủ ở cơ sở được triển khai rộng khắp và đạt kết quả mới. Đoàn kết trong Đảng, trong nhân dân được tăng cường...

Tuy vậy, Đảng bộ vẫn còn khuyết điểm trong việc tổ chức thực hiện chủ trương, nghị quyết của Đảng, một số mục tiêu Đại hội XV đề ra chưa đạt, Thanh Hóa vẫn là một tỉnh nghèo, kinh tế phát triển chậm chưa tương xứng với tiềm năng lợi thế...

Đại hội chỉ rõ phương hướng, nhiệm vụ những năm 2006 - 2010 là: Phát huy sức mạnh đoàn kết, tiếp tục đổi mới tư duy, đổi mới phương thức lãnh đạo, nâng cao hiệu quả, đẩy mạnh công nghiệp hoá, hiện đại hoá, xây dựng bảo vệ Tổ quốc xã hội chủ nghĩa. Nhiệm kỳ tới cần phấn đấu thực hiện thắng lợi các mục tiêu sau đây: Huy động nội lực, phát huy ngoại lực phát triển kinh tế với tốc độ cao bền vững, nâng cao sức cạnh tranh, tích cực hội nhập kinh tế quốc tế. Đến năm 2010 thoát nghèo, 2020 trở thành tỉnh công nghiệp. Trong nhiệm kỳ cần phấn đấu thực hiện 5 chương trình kinh tế lớn của tỉnh, đó là: Chương trình xây dựng khu kinh tế tổng hợp Nghi Sơn; Chương trình phát triển kinh tế - xã hội miền Tây; Chương trình đào tạo sử dụng nguồn nhân lực; Chương trình phát triển xuất khẩu, chương trình phát triển du lịch.

Cùng với phát triển kinh tế, cần chăm lo phát triển văn hóa - xã hội: Phấn đấu 100% huyện, thị xã, thành phố phổ cập trung học cơ sở, giải quyết việc làm trong 5 năm cho 250 ngàn lao động, nâng tỷ lệ đào tạo nghề cho lao động xã hội lên 38%, tỷ lệ tăng dân số 1%, tỷ lệ hộ nghèo còn 20% (theo tiêu chí mới). Tăng cường tiềm lực quốc phòng - an ninh, giữ vững an ninh chính trị, trật tự an toàn xã hội. Đẩy mạnh cải cách hành chính, nâng cao năng lực quản lý điều hành của chính quyền, năng lực vận động, đoàn kết toàn dân của mặt trận và các đoàn thể; năng lực lãnh đạo, chỉ đạo của các cấp ủy Đảng và sức chiến đấu của Đảng bộ; phấn đấu 80% tổ chức cơ sở Đảng đạt trong sạch, vững mạnh, 85% đảng viên đủ tư cách hoàn thành tốt nhiệm vụ. Đại hội bầu Ban Chấp hành Đảng bộ tỉnh gồm 59 đồng chí, bầu Ban Thường vụ Tỉnh ủy gồm 15 đồng chí, bầu đồng chí Phạm Văn Tích làm Bí thư Tỉnh ủy. Tháng 10 – 2007, đồng chí Phạm Văn Tích nghỉ hưu, đồng chí Nguyễn Văn Lợi làm Bí thư Tỉnh ủy.

Ngân Dung

Tài liệu tham khảo:
- Ban chấp hành Đảng bộ tỉnh Thanh Hoá, Những sự kiện lịch sử Đảng bộ tỉnh Thanh Hoá 1975- 2005, NXB Thanh Hóa, 2009.
- Ban chấp hành Đảng bộ tỉnh Thanh Hoá, Những sự kiện lịch sử Đảng bộ tỉnh Thanh Hoá 1930- 1954, (tái bản) NXB Thanh Hóa, 2010.
- Ban chấp hành Đảng bộ tỉnh Thanh Hoá, Những sự kiện lịch sử Đảng bộ tỉnh Thanh Hoá 1954- 1975, (tái bản) NXB Thanh Hóa, 2010.
- baothanhhoa.vn:  Các kỳ đại hội Đảng bộ tỉnh trong kháng chiến chống Pháp (1945 -1954); trong chống Mỹ cứu nước (1954 -1975);  giai đoạn 1975 – 1995; giai đoạn CNH, HĐH (1996 - 2010).