Đại hội Đảng bộ tỉnh Thanh Hóa qua các thời kỳ (P2)

Ngày 29/7/1930, Hội nghị thành lập Đảng bộ tỉnh Thanh Hóa được tổ chức tại làng Yên Trường, xã Thọ Lập, huyện Thọ Xuân. Đại hội đã bầu ra ban chấp hành Đảng bộ tỉnh gồm 3 đồng chí, đồng chí Lê Thế Long được cử làm Bí thư. Hội nghị cũng thảo luận và quyết định một số nhiệm vụ quan trọng của Đảng bộ. Sự ra đời của Đảng bộ tỉnh Thanh Hóa là bước ngoặt trọng đại, từ đây phong trào cách mạng tỉnh nhà có Đảng lãnh đạo trực tiếp sẽ vững bước vượt qua những thử thách hiểm nghèo, cùng nhân dân cả nước tiến hành cách mạng dân tộc, dân chủ và cách mạng xã hội chủ nghĩa.

Từ năm 1954 -1975

* Hội nghị Đại biểu Đảng bộ tỉnh Thanh Hóa

Tháng 11 năm 1958, Hội nghị Trung ương lần thứ 14 thông qua kế hoạch 3 năm (1958 - 1960) phát triển kinh tế - văn hóa và cải tạo xã hội chủ nghĩa đối với kinh tế cá thể của nông dân, thợ thủ công, người buôn bán nhỏ và kinh tế tư bản tư doanh. Căn cứ vào đặc điểm kinh tế, tình hình phát triển kinh tế - xã hội sau 3 năm hàn gắn vết thương chiến tranh và khôi phục kinh tế của Thanh Hóa, Tỉnh ủy chủ trương tiến hành cải tạo xã hội chủ nghĩa một cách tích cực, thận trọng, vững chắc, chu đáo trong đó cải tạo nông nghiệp được xem là trọng điểm.

Để thúc đẩy công cuộc cải tạo xã hội chủ nghĩa, Hội nghị Đại biểu Đảng bộ tỉnh đã được tổ chức từ ngày 5 đến ngày 15 - 4 - 1959 tại Thị xã Thanh Hóa. Nội dung Hội nghị tập trung vào việc đánh giá kết quả bước đầu cải tạo xã hội chủ nghĩa trong nông nghiệp; đề ra chủ trương, biện pháp tiến hành cải tạo trên tất cả các lĩnh vực một cách cụ thể; quyết định tăng cường nhiều cán bộ có phẩm chất, năng lực, kinh nghiệm trong chỉ đạo nông nghiệp, nông thôn, nông dân vào cấp ủy Đảng và các cơ quan chỉ đạo cải tạo. Hội nghị cũng bầu Ban chấp hành tỉnh đảng bộ gồm 35 Ủy viên chính thức và 8 Ủy viên dự khuyết . Đồng chí Ngô Thuyền được bầu làm Bí thư Tỉnh ủy.

5. Đại hội đại biểu Đảng bộ tỉnh Thanh Hóa lần thứ V (từ ngày 25/2 đến ngày 5/3/1961)

Đại hội đã tập trung đánh giá tình hình thực hiện kế hoạch 3 năm (1958 - 1960) của tỉnh. Đề ra chủ trương, biện pháp nhằm thực hiện thắng lợi Kế hoạch 5 năm lần thứ nhất (1961 - 1965) của Trung ương Đảng trên địa bàn tỉnh. 

Đánh giá tình hình thực hiện kế hoạch 3 năm (1958 -1960), Đại hội khẳng định: Dưới sự lãnh đạo của Đảng bộ tỉnh, nhân dân trong tỉnh đã căn bản hoàn thành công cuộc cải tạo xã hội chủ nghĩa, tạo ra nhiều khả năng mới, các ngành kinh tế, văn hóa bắt đầu phát triển và có chiều hướng tiến bộ, khối đại đoàn kết toàn dân được củng cố, chính quyền các cấp ngày càng được tăng cường. Đảng bộ được rèn luyện là yếu tố quyết định mọi thắng lợi. Tuy vậy, vấn đề “Ai thắng ai” vẫn còn tiếp tục, quan hệ sản xuất mới hình thành nhưng ở mức độ thấp, trình độ quản lý kinh tế còn thấp kém...

Trước thực tế và yêu cầu mới của nhiệm vụ cách mạng, Đại hội đã đề ra các phương hướng, nhiệm vụ với giải pháp cụ thể là:

Quán triệt sâu sắc, vận dụng sáng tạo đường lối cách mạng XHCN và chống Mỹ cứu nước do Đại hội Đảng toàn quốc lần thứ III đề ra, chuyển hướng mạnh mẽ sự lãnh đạo của Đảng bộ tỉnh trên cả 3 mặt: Chính trị, tư tưởng, tổ chức; Củng cố khối đại đoàn kết toàn dân, hoàn thiện quan hệ sản xuất mới; Đẩy mạnh sản xuất nông nghiệp trên cả ba vùng, tạo điều kiện thuận lợi phát triển sản xuất công nghiệp. Đồng thời tích cực phát triển văn hóa, y tế, giáo dục; từng bước phát triển các mặt theo mục tiêu của Kế hoạch 5 năm lần thứ nhất; ra sức củng cố quốc phòng, sẵn sàng đập tan âm mưu, thủ đoạn thâm độc của Mỹ - Diệm, bảo vệ miền Bắc, đấu tranh thống nhất Tổ quốc.

Đại hội đã bầu BCH Đảng bộ tỉnh gồm 31 Ủy viên chính thức và 8 Ủy viên dự khuyết. Bầu Ban Thường vụ tỉnh ủy gồm 11 đồng chí do đồng chí Nguyễn Trọng Vĩnh làm Bí thư Tỉnh ủy. Sau đó, Trung ương điều động đồng chí Trọng Vĩnh đi chuyên gia Lào, đồng chí Ngô Thuyền lên làm Bí thư Tỉnh ủy. Đồng chí Ngô Đức làm Phó Bí thư Tỉnh ủy. Đồng chí Lê Thế Sơn làm Phó Bí thư, Chủ tịch Ủy ban hành chính tỉnh.

6. Đại hội đại biểu Đảng bộ tỉnh lần thứ VI (từ ngày 7 – 17/7/1963)

Đại hội đại biểu Đảng bộ tỉnh lần thứ VI từ ngày 7 đến ngày 17-7-1963 tại khu hội nghị 25B của tỉnh.

Đại hội đã tập trung đánh giá những thành tựu đã đạt được trong nhiệm kỳ qua, đó là: Diện tích gieo trồng trong nông nghiệp được mở rộng, công tác thủy lợi có nhiều cố gắng, mở rộng diện tích tưới tiêu. Công nghiệp địa phương và thủ công nghiệp bước đầu xây dựng được một số cơ sở phục vụ nông nghiệp, phát triển được một số mặt hàng mới. Khai thác lâm sản tăng hơn trước. Nghề biển có nhiều cải tiến, phát triển được một số nghề phụ thích hợp. Thương nghiệp, tài chính, ngân hàng, giao thông vận tải, bưu điện… có nhiều tiến bộ, phục vụ sản xuất và đời sống. Quốc phòng được củng cố, tăng cường hạn chế nhiều hoạt động phá hoại của địch.

Đại hội cũng kiểm điểm sâu sắc những tồn tại, hạn chế cần khắc phục và quyết định những nhiệm vụ cụ thể của giai đoạn 1963 – 1965 là: Tập trung phát triển nông nghiệp theo hướng toàn diện, trong đó, trọng tâm là sản xuất lương thực, ra sức phát triển chăn nuôi; Phát triển cân đối nghề rừng và nghề biển; Phát triển mạnh công nghiệp và tiểu thủ công nghiệp, thương nghiệp; Với công tác xây dựng Đảng, 2 nhiệm vụ cơ bản được đề ra là: Ra sức tăng cường cơ sở Đảng, nâng cao năng lực lãnh đạo của Đảng, đặc biệt là lãnh đạo phát triển kinh tế.

Đại hội bầu BCH Tỉnh đảng bộ  gồm 31 ủy viên chính thức, 4 ủy viên dự khuyết. Tỉnh ủy bầu Ban Thường vụ gồm 11 đồng chí, bầu đồng chí Ngô Thuyền, Ủy viên dự khuyết Ban Chấp hành Trung ương Đảng, làm Bí thư.

7. Đại hội đại biểu Đảng bộ tỉnh Thanh Hóa lần thứ VII (từ ngày 21/10 đến ngày 4/11/1969)

Đại hội đại biểu Đảng bộ tỉnh Thanh Hóa lần thứ VII được tổ chức từ ngày 21 tháng 10 đến 4 tháng 11 năm 1969, tại làng Viên Nội, xã Thiệu Viên, huyện Thiệu Hóa với sự tham dự của hơn 300 đại biểu, đại diện cho 8 vạn đảng viên trong tỉnh.

Đại hội đã tập trung trí tuệ tổng kết 5 năm lãnh đạo chống chiến tranh phá hoại lần thứ nhất của giặc Mỹ, đề ra phương hướng, nhiệm vụ, thực hiện Di chúc thiêng liêng của Chủ tịch Hồ Chí Minh.

Đại hội ghi nhận: Quân dân trong tỉnh đã tổ chức thế trận chiến tranh nhân dân rộng khắp, kết hợp với bộ đội chủ lực đánh thắng chiến tranh phá hoại của giặc Mỹ, giữ vững mạch máu giao thông vận tải, bảo vệ các mục tiêu quan trọng, giữ vững an ninh trật tự, tích cực chi viện sức người, sức của cho chiến trường. Trong chiến tranh, lực lượng vũ trang địa phương trưởng thành nhanh chóng. Trong hoàn cảnh có chiến tranh phá hoại ác liệt, Đảng bộ đã lãnh đạo quân và dân trong tỉnh kịp thời chỉ đạo chuyển hướng phát triển kinh tế - văn hóa - giao thông vận tải, nhờ đó đã phòng tránh tốt thiệt hại do bom đạn địch gây ra. Sản lượng và năng suất sản xuất nông nghiệp, công nghiệp mặc dù chiến tranh ác liệt vẫn tăng, giao thông vận tải đã bảo đảm “4 đường ra, 3 đường vào” chi viện kịp thời cho các chiến trường phía Nam... Số lượng đảng viên phát triển nhanh,  các cán bộ Đảng viên thể hiện tính tiền phong, gương mẫu trong chiến đấu và sản xuất. Song song với thành tích đạt được vẫn còn một số khuyết điểm và hạn chế trong kinh tế - văn hóa – giáo dục phát triển còn chậm, chưa cân đối.

Trên cơ sở đánh giá những thành tích, hạn chế, Đại hội đề ra một số nhiệm vụ trong những năm 1970 – 1972, nhằm thực hiện di chúc thiêng liêng của Chủ tịch Hồ Chí Minh, tập trung mọi nỗ lực để làm tốt hơn nữa nhiệm vụ chi viện cho tiền tuyến, xây dựng, bảo vệ CNXH trong tỉnh. Đó là:

Đảm bảo đầy đủ và kịp thời mọi yêu cầu của tiền tuyến lớn, tăng cường lực lượng vũ trang, giữ vững trật tự an ninh, sẵn sàng chiến đấu bảo vệ địa phương; Phát triển kinh tế địa phương toàn diện, cân đối và với tốc độ nhanh với chỉ tiêu 5 tấn thóc một héc ta trên diện tích 2 vụ lúa, 2 đến 3 con lợn và 1 lao động/1 ha gieo trồng; Nâng cao đời sống vật chất và tinh thần của nhân dân.

Để thực hiện thắng lợi các nhiệm vụ nói trên, cần xây dựng Đảng bộ vững mạnh toàn diện, có ý chí cách mạng kiên cường, có tổ chức kỷ luật chặt chẽ, có năng lực chỉ đạo, tổ chức thực hiện, quản lý đáp ứng yêu cầu sản xuất, chiến đấu, chi viện tiền tuyến.

Đại hội đã bầu BCH Đảng bộ tỉnh gồm 35 Ủy viên chính thức và 2 Ủy viên dự khuyết. Bầu Ban Thường vụ Tỉnh ủy gồm 9 đồng chí, do đồng chí Võ Nguyên Lượng làm Bí thư Tỉnh ủy. Đồng chí Lê Thế Sơn làm Phó Bí thư Thường trực Tỉnh ủy. Đồng chí Hoàng Văn Hiều làm Phó Bí thư, Chủ tịch Ủy ban hành chính tỉnh. Đồng chí Phạm Len làm Phó Bí thư, Trưởng ban tổ chức Tỉnh ủy.

Trong những năm từ 1954 đến 1975, thực hiện Nghị quyết của các kỳ Đại hội, Đảng bộ lãnh đạo quân dân trong tỉnh phấn đấu thực hiện đồng thời 2 nhiệm vụ chiến lược của cách mạng. Trong xây dựng CNXH ta đã xác lập và củng cố hệ thống HTX; hệ thống công ty, xí nghiệp nông - lâm trường quốc doanh. Các tuyến đường giao thông, hệ thống trường học, bệnh viện, trạm xá được nâng cấp về số lượng và chất lượng. Nhờ đó kinh tế - văn hóa - xã hội phát triển thêm một bước, đời sống nhân dân được cải thiện, cơ sở vật chất kỹ thuật được tăng cường. Trong chiến đấu, chi viện chiến trường:  Đảng bộ chỉ đạo tổ chức thế trận chiến tranh nhân dân, xây dựng củng cố lực lượng vũ trang, lãnh đạo quân, dân trong tỉnh tổ chức chiến đấu hàng ngàn trận đánh lớn, nhỏ. Tổ chức vận chuyển hàng chục triệu tấn hàng hóa, vũ khí chi viện cho chiến trường phía Nam. Toàn tỉnh đã huy động 250 ngàn bộ đội, thanh niên xung phong chiến đấu, công tác trên các chiến trường lập công xuất sắc. Nhiều tập thể, cá nhân được tặng danh hiệu Anh hùng Lực lượng vũ trang, được Chủ tịch Hồ Chí Minh gửi thư khen. 

Ngân Dung

Tài liệu tham khảo:
- Ban chấp hành Đảng bộ tỉnh Thanh Hoá, Những sự kiện lịch sử Đảng bộ tỉnh Thanh Hoá 1975- 2005, NXB Thanh Hóa, 2009.
- Ban chấp hành Đảng bộ tỉnh Thanh Hoá, Những sự kiện lịch sử Đảng bộ tỉnh Thanh Hoá 1930- 1954, (tái bản) NXB Thanh Hóa, 2010.
- Ban chấp hành Đảng bộ tỉnh Thanh Hoá, Những sự kiện lịch sử Đảng bộ tỉnh Thanh Hoá 1954- 1975, (tái bản) NXB Thanh Hóa, 2010.
- baothanhhoa.vn:  Các kỳ đại hội Đảng bộ tỉnh trong kháng chiến chống Pháp (1945 -1954); trong chống Mỹ cứu nước (1954 -1975);  giai đoạn 1975 – 1995; giai đoạn CNH, HĐH (1996 - 2010).