Cách mạng tháng Tám thành công trên quê hương Thanh Hóa

Trong những ngày này 70 năm về trước, dưới sự lãnh đạo của Đảng, Bác Hồ kính yêu, nhân dân Thanh Hóa cùng cả nước bước vào những ngày cách mạng sục sôi, quyết chí, đồng lòng nhất tề đứng lên giành thắng lợi trong cuộc Tổng khởi nghĩa Cách mạng Tháng 8 năm 1945 lịch sử.

Những ngày đầu tháng 8 năm 1945, không khí cách mạng ở Thanh Hóa diễn ra sôi nổi, báo hiệu sự bùng nổ của cơn bão táp cách mạng đang đến gần. Các cuộc đấu tranh với nhiều hình thức phong phú như mít tinh, tuần hành, biểu tình, tấn công vào các đồn bốt của địch ngày càng nhiều, địa bàn hoạt động rộng khắp trên toàn tỉnh.

Để kịp thời chỉ đạo phong trào cách mạng trong tỉnh, ngày 13 tháng 8 năm 1945, Tỉnh ủy Thanh Hóa đã triệu tập Hội nghị mở rộng tại nhà ông Tô Đình Bảng, làng Mao Xá (xã Thiệu Toán, huyện Thiệu Hóa).

Nhà ông Tô Đình Bảng, thôn Mao Xá, xã Thiệu Toán, huyện Thiệu Hóa nơi tổ chức Hội nghị tỉnh Đảng bộ quyết định tổng khởi nghĩa, ngày 15/8/1945

Ngày 15/8/1945, phát xít Nhật đầu hàng quân Đồng Minh vô điều kiện. Căn cứ vào tình hình thực tế tại Thanh Hóa, Hội nghị nhận định tình thế cách mạng đã chín muồi và quyết định những chủ trương, biện pháp, xây dựng kế hoạch sẵn sàng phát động nhân dân nổi dậy giành chính quyền.

Mặc dù chưa nhận được chỉ thị của Trung ương Đảng song Hội nghị đánh giá thời cơ khởi nghĩa đã đến và quyết định thành lập Ủy ban khởi nghĩa do đồng chí Lê Tất Đắc làm chủ tịch, cử các đồng chí chủ chốt về tổ chức lãnh đạo giành chính quyền ở các địa phương.

Trong 2 ngày 17 và 18/8/1945, công tác chuẩn bị tổng khởi nghĩa được tiến hành khẩn trương ở khắp các địa phương. Chủ trương tổng khởi nghĩa giành chính quyền trong toàn tỉnh được phổ biến tới các huyện, thị. Các đồng chí trưởng ban khởi nghĩa các phủ, huyện được tỉnh phân công đã kịp thời về địa phương mình phụ trách, cùng với chi bộ Đảng, Ban cán sự Việt Minh gấp rút thành lập Ủy ban khởi nghĩa huyện và vạch kế hoạch tác chiến.

Đêm ngày 18, rạng sáng ngày 19/8/1945, lệnh khởi nghĩa của Ủy ban Khởi nghĩa Tỉnh được phát ra. Như được tiếp thêm sức mạnh, quần chúng cách mạng và tự vệ ở khắp các phủ, huyện trong tỉnh nhất tề vùng lên như vũ bão, lật đổ chính quyền thực dân, phát xít, giành độc lập.

Ngay trong đêm 18, rạng sáng ngày 19/8/1945, khắp các huyện đồng bằng miền xuôi Thanh Hóa, dưới sự lãnh đạo của Ủy ban khởi nghĩa các huyện Thiệu Hóa, Yên Định, Vĩnh Lộc, Hà Trung, Nga Sơn, Hậu Lộc, Đông Sơn, Quảng Xương, Thọ Xuân… đồng loạt bao vây, đánh chiếm phủ đường, huyện đường, nhanh chóng giành chính quyền về tay cách mạng.

Sưu tập vũ khí giành chính quyền năm 1945

Tại huyện Thiệu Hóa, ngay trong đêm 18/8, quần chúng cách mạng và tự vệ đã tiến hành bao vây đội lính bảo an gồm 40 tên tại trường tiểu học và bao vây phủ lỵ Thiệu Hóa. Ở cả hai địa điểm trên, quân địch đều điên cuồng chống cự buộc lực lượng cách mạng phải nổ súng tấn công. Trận chiến đấu diễn ra ác liệt nhưng đến sáng ngày 19/8/1945 quân cách mạng đã làm chủ hoàn toàn phủ lỵ, chính quyền cách mạng được giành về tay nhân dân Thiệu Hóa.

TSD: Giành chính quyền cách mạng ở huyện Thiệu Hoá, ngày 19/8/1945

Tại huyện Đông Sơn, sáng ngày 19/8, dưới sự lãnh đạo của Ủy ban khởi nghĩa huyện, lực lượng tự vệ và quần chúng cách mạng tổ chức mít tinh, tuần hành biểu dương lực lượng, lùng bắt những tên tay sai, phản động tại các làng, tịch thu giấy tờ, sổ sách, đồng triện của bọn cai tổng, lý trưởng, tuyên bố giải tán chính quyền địch.

Tại huyện Thọ Xuân, lực lượng cách mạng đã khôn khéo cô lập địch tại các vị trí đóng quân: Phủ lỵ, Sở Bang Tá, đồn Bái Thượng. Vừa bao vây tấn công, vừa làm tốt công tác địch vận nên sáng ngày 19/8, cuộc khởi nghĩa giành chính quyền đã giành thắng lợi giòn giã, không đổ máu.

Trong ngày 19/8/1945, lực lượng khởi nghĩa đã giành được chính quyền cách mạng ở các huyện: Yên Định, Vĩnh Lộc, Quảng Xương, Hậu Lộc, Hà Trung, Thạch Thành, Nga Sơn, Đông Sơn, Thọ Xuân và Thiệu Hóa.

Ngày 20/8/1945, các huyện Tĩnh Gia, Cẩm Thủy, Thành phố Thanh Hóa giành chính quyền thắng lợi.

Tại Thành phố Thanh Hóa, trước khí thế cách mạng dâng cao khiến quân địch hoang mang cực độ. Từ sáng ngày 18/8, chấp nhận tối hậu thư của ta, các đơn vị quân đội phát xít Nhật rút lui khỏi các vị trí chiếm đóng. Sáng ngày 20/8, theo lệnh của Ủy ban khởi nghĩa Thành phố, lực lượng tự vệ chiến đấu cùng sự hỗ trợ của đông đảo quần chúng nhân dân tấn công vào các trại lính bảo an, tất cả sĩ quan và binh lính bảo an hạ vũ khí đầu hàng. Sau đó lực lượng tự vệ tiếp tục giải phóng lần lượt các vị trí quan trọng như: tòa sứ, dinh tỉnh trưởng. Đến chiều ngày 20/8, cuộc khởi nghĩa giành chính quyền ở Thành phố Thanh Hóa giành thắng lợi, toàn bộ thành phố được giải phóng.

Núi Mật, thị xã Thanh Hóa, nơi lá cờ đỏ sao vàng xuất hiện đêm 20 rạng sáng ngày 21/8/1945

Ngày 21/8, lực lượng cách mạng huyện Nông Cống khởi nghĩa thành công. Như vậy, sau 3 ngày phát động khởi nghĩa, đến ngày 21/8/1945, nhân dân Thành phố Thanh Hóa, các huyện vùng đồng bằng và 2 huyện miền núi Thạch Thành, Cẩm Thủy đã khởi nghĩa giành chính quyền thắng lợi.

Sau khi giành chính quyền ở các huyện miền xuôi, Tỉnh ủy đã huy động lực lượng tự vệ các huyện: Thọ Xuân, Thiệu Hóa, Yên Định, Nông Cống, Vĩnh Lộc kết hợp với lực lượng cách mạng các huyện: Như Xuân, Ngọc Lặc, Lang Chánh, Thường Xuân, Bá Thước, Quan Hóa vận dụng sách lược đấu tranh mềm dẻo, linh hoạt, vận động bọn tri châu, lang đạo bàn giao lại chính quyền, xóa bỏ chính quyền cũ, thiết lập chính quyền cách mạng ở 6 huyện này.

Ngày 23/8/1945, từ căn cứ Thiệu Hóa, Uỷ ban Cách mạng lâm thời hàng ngũ chỉnh tề tiến về Thị xã làm lễ mít tinh ra mắt đồng bào. Trong buổi lễ trọng thể đó, toàn thể nhân dân đều hướng về chính quyền cách mạng - chính quyền dân chủ nhân dân đầu tiên.

TSD: UBNDCM Lâm thời do Đồng chí Lê Tất Đắc làm chủ tịch ra mắt tại Thị xã Thanh Hoá ngày 23/8/1945

Với sự ra đời của Ủy ban Cách mạng lâm thời tỉnh, cuộc Tổng khởi nghĩa Cách mạng tháng 8 năm 1945 ở Thanh Hóa đã thành công rực rỡ, đập tan ách cai trị của bè lũ thực dân, phong kiến trong gần một thế kỷ. Đảng bộ và nhân dân các dân tộc Thanh Hóa góp phần cùng cả nước viết nên  một trong những trang sử vẻ vang, oanh liệt nhất của dân tộc Việt Nam, đưa đất nước ta bước vào một kỷ nguyên mới - kỷ nguyên độc lập, tự do và chủ nghĩa xã hội. 

Minh Lê (Tổng hợp)

Tài liệu tham khảo:
- Địa chí Thanh Hóa, Tập I, NXB Văn hóa Thông tin, năm 2000.
- Ban Nghiên cứu và biên soạn lịch sử Thanh Hóa: Lịch sử Thanh Hóa tập V, NXB Khoa học xã hội - Hà Nội 1996.